Ghi tại Bệnh viện Nhi Trung ương: Sởi và sự thật đau lòng

Thứ Năm, 01/05/2014, 17:45

Một người mẹ trẻ có con nằm ở Khoa Truyền nhiễm chữa bệnh sởi hơn một tháng nói: "Cả tháng nay có ngày nào ở khoa không có trẻ tử vong do sởi đâu...". Truyền thông rầm rộ đưa tin về hơn 100 trẻ tử vong liên tiếp. Ngày 16/4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến thăm Bệnh viện Nhi Trung ương kể từ khi dịch sởi bùng phát hàng tháng nay. Sau cuộc họp bất thường với đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ngành y chính thức công nhận: Số lượng trẻ đang mắc sởi lần này lên đến 7.000, số trẻ tử vong là 111.

19h ngày 16/4, chúng tôi có mặt tại Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi Trung ương, nơi đang có hàng trăm bệnh nhi đang điều trị bệnh sởi, trái với những gì hình dung là ở hành lang lối đi không quá đông đúc người nhà bệnh nhân. Tại hai dãy hành lang tầng 1 khoảng chục người nhà bệnh nhân qua lại. Ngoài khoảng sân rộng cũng có chục người đang ngồi sốt ruột trông ngóng tin tức. Trên tầng hai, người nhà bệnh nhân đứng lố nhố ở hai dãy, khoảng 20 người.

Nhưng, sự thật, nếu bạn chỉ ngó mắt vào những tấm kính hoa nhìn vào trong phòng bệnh thì thật không thể tưởng tượng nổi, những cháu bé sơ sinh, bé vài tháng tuổi nằm la liệt và thiêm thiếp trên giường bệnh. Cứ hai cháu một giường chật kín các phòng từ tầng một lên tầng hai với đủ các thứ dây dợ loằng ngoằng. Hàng chục cháu phải thở ôxy, cả trăm cháu bé phải truyền dịch. Trong mỗi phòng bệnh có 4 giường, cứ hai cháu bé một giường và mỗi cháu lại có một người thân chăm sóc. Họ - những bà mẹ đa phần còn rất trẻ.

Những người mẹ mặc áo của bệnh viện màu vàng nhạt ẵm trên tay đứa con bé nhỏ của mình với nét mặt lo lắng, thảng thốt, mệt mỏi, thất thần... Có rất nhiều bé mới chỉ 3 tháng tuổi nhưng phải truyền một lúc đến 5-6 chai dung dịch. Những bệnh nhi chỉ lớn hơn cái phích một tí nằm o ọe trên giường, đầu cuốn băng trắng, tay cuốn băng trắng.

Khi chúng tôi đang chăm chú nhìn những cháu bé đáng thương qua tấm kính chắn ở tầng hai, một thanh niên lại gần và bảo: "Anh chị là nhà báo? Hai, ba hôm nay nhiều nhà báo đến đây lắm. Nhưng báo chí thì bao giờ cũng chậm. Tuần này trẻ nhập viện đã bớt đi nhiều rồi chứ các nhà báo mà đến cách đây 2  hoặc 3 tuần thì cảnh tượng diễn ra khác hẳn. Chị có tưởng tượng là cả đêm mà sân tấp nập xe đỗ hết ra lại vào không?! Có những đêm hơn chục bé được đưa đến cấp cứu vì bệnh sởi đã bị biến chứng. Mà ngay tối qua trong phòng cấp cứu có thêm hai trẻ tử vong do sởi đấy. So với cách đây 2, 3 tuần con số tử vong bớt đi nhiều rồi nhưng ngày nào cũng có cháu mất".

Người bố thất thần ngồi sụp bên ngoài phòng cấp cứu, và người mẹ cố nhòm con qua khe cửa.

Một người mẹ trẻ có con nằm ở Khoa Truyền nhiễm chữa bệnh sởi hơn một tháng nói: "Cách đây hơn hai tuần chỉ tính riêng một đêm, ở phòng cấp cứu của Khoa Truyền nhiễm phòng 112 tầng 1 có đến 4 cháu bé bị tử vong do sởi, cộng thêm một cháu bé ở tầng 2 cũng bị tử vong nữa. Chỉ có qua một đêm thôi mà 5 cháu bé thiệt mạng do sởi. Đấy là không kể ban ngày, số trẻ tử vong nhiều lắm. Cả tháng nay có ngày nào ở khoa không có trẻ tử vong do sởi đâu. Có những trẻ mất trong phòng cấp cứu. Có những trẻ mất tại phòng bệnh. Có trẻ đưa đến muộn khi trẻ bị sởi biến chứng đã quá nặng, bác sĩ tiên đoán rất xấu, người nhà xin đưa về để cháu mất tại nhà. Con số 25 trẻ tử vong là con số chưa chính xác…".

Anh thanh niên nói: "Con em điều trị ở đây đã hơn tháng nay rồi, chiều nay cháu mới từ phòng cấp cứu chuyển về phòng thường. 4h sáng nay tại phòng cấp cứu có trẻ bị tử vong do sởi. Bố đứa trẻ ấy khóc ầm lên, làm cháu nhà em giật mình. Họ gọi taxi để đưa đứa bé về, anh taxi lấy 600, chắc là nhà ở gần đây". Tôi bảo 600 nghìn đi taxi thì không thể gần đây được chắc cũng phải cách đến 50 km là ít. Anh thanh niên bảo: "Chị này, 4 giờ sáng người ta chở một đứa bé đã mất trên xe lấy như vậy là phải rồi, với lại trong lúc bố mẹ đứa bé xấu số bấn loạn lên thì người ta còn nghĩ được gì nữa, chỉ muốn về cho xong".

Hỏi chuyện người thanh niên mới biết con trai anh được 5 tháng tuổi, từ Bệnh viện Xanhpôn chuyển lên. Đầu chỉ đưa cháu đi chữa viêm phế quản ở Bệnh viện Xanhpôn và bị lây cúm. Điều trị khỏi cúm rồi về đến nhà thì bị lây sởi, lại phải quay lại bệnh viện. Bệnh cứ nặng dần nên bác sĩ ở Xanhpôn  lại phải chuyển lên tuyến trên. Sau khi hỏi thăm nhiều người nhà bệnh nhân, chúng tôi mới biết được ở đây có rất nhiều cháu bé từ bệnh viện Xanhpôn chuyển lên. Mà đa phần là mới đầu các cháu bị bệnh khác sau đó do tiêm quá nhiều kháng sinh, tháng tuổi còn quá nhỏ nên sức đề kháng kém dễ bị lây sởi, và nếu không được điều trị kịp thời sởi biến chứng rất nhanh sẽ chạy vào não, vào tim dễ gây ra tử vong.

Người đứng nhòm con qua khe cửa, người ngồi thụp xuống lo lắng cho con cái bị bệnh sởi.

Anh thanh niên nói rằng, nếu bây giờ các anh chị nhà báo hỏi thông tin thì em sẵn sàng cung cấp, nhưng xin đừng chụp ảnh em, vì con em còn đang nằm điều trị tại đây. Ở đây, có mấy ai dám nói đâu, người ta sợ đủ thứ. Tôi đang loay hoay thì gặp người quen. Chú có người nhà từ quê lên đưa cháu bé bị nhiễm sởi vừa nhập viện chiều nay.

Chú kể cháu bé được đưa vào phòng ở cuối hành lang tầng hai, giường cháu của chú vừa chuyển đến có một cháu bé vừa tử vong cũng do sởi. Giường đấy hiện nay là ba cháu. Những đứa trẻ xấu số chuyển đi lại tiếp nhận thêm những trẻ mới đến. Tâm lý chung của người nhà trẻ mới nhập viện rất sợ phải nằm ở giường của trẻ xấu số, họ hoang mang, lo lắng, hồi hộp.

Có hai bác độ ngoài 60 tuổi dáng vẻ lam lũ ngồi ở hành lang vừa tranh thủ ăn cơm hộp vừa trò chuyện.  Lúc này đã hơn 20 giờ, một bác bảo phải ra nhà trọ không hết phòng. Từ khi sởi bùng phát, phòng trọ quanh bệnh viện không còn phòng trống. Giá phòng trọ nằm tập thể 15.000 đồng/ người/ đêm. Nhiều người tiếc 15.000 đồng bằng một bữa ăn, họ không ngủ nhà trọ mà ra ghế của bệnh viện ngả lưng để tiết kiệm tiền.

Một bác đi chăm cháu nội bảo đã hai hôm nay nằm ở ghế đá bệnh viện, chăn màn không có, được cái gió mát khí trời thông thoáng. Bác nghỉ ở nhà trọ bảo nhà báo cứ đi ra ngoài sân cổng bệnh viện là thấy người nhà bệnh nhân sởi nằm ngồi la liệt vạ vật, giờ nhiều nhưng còn bớt. Chứ cách đây hai, ba tuần,  người nhà bệnh nhân ra vào nườm nượp, đứng ngồi chật hết cả sân.

Theo lời của hai bác, những trẻ tử vong do sởi là do bị bệnh nặng  để biến chứng rồi mới đưa đến bệnh viện, bác sĩ không kịp chữa trị nữa. Chứ phát hiện sớm thì các bác sĩ sẽ có cách xử lý kịp thời. Một phụ nữ bảo: "Bệnh sởi này nhanh lắm, không biết đâu mà lần. Hôm trước đưa con đi chụp chiếu không thấy gì. Hôm sau đi chụp thì lại thấy phổi trắng xóa".

22h tôi từ bệnh viện ra về, lúc này hành lang đã yên ắng. Trong phòng bệnh nhi sởi, các bà mẹ lại quay quắt với đứa con bé bỏng của mình thiêm thiếp trên giường bệnh. Đêm nay lại như mọi đêm, sẽ có nhiều bà mẹ ôm con thức trắng, cóá những ông bố lo lắng vào ra, và người bà, người bác vạ vật ngoài ghế đá bệnh viện….

17h ngày 17/4,  chúng tôi lại có mặt tại Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi Trung ương. Lúc này các phòng bệnh nhi mọi người đang tất bật thu dọn đồ đạc. Theo thông báo của bác sĩ, y tá thì các cháu bé sẽ được chuyển khoa, dãn giường, hiện nay đang là hai hoặc ba cháu bé một giường thì sau khi dãn sẽ còn một cháu bé một giường. Các bà mẹ được bác sĩ giải thích dãn giường để tránh lây nhiễm bệnh cho các cháu.

Sự việc này được tiến hành sau khi chiều tối ngày 15/4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến thăm các cháu và thị sát nắm tình hình dịch sởi. Phó Thủ tướng biết được dịch sởi không phải là do ngành y tế có báo cáo chính thức mà lại qua một con đường khác, đó là do từ Facebook của một bác sĩ tại bệnh viện đã lên mạng xã hội chia sẻ thông tin về trẻ tử vong và trẻ nhập viện quá nhiều. 

Truyền thuốc cho các bệnh nhi.

Trong công điện khẩn gửi các bộ, ngành và tỉnh, thành khắp cả nước vào chiều ngày 16/4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung phòng chống dịch sởi, chủ động ngăn chặn lây lan dịch, hạn chế thấp nhất số người mắc bệnh và chết do sởi.

Nhưng đến ngày 17/4 Bộ Y tế vẫn chưa công bố dịch. “Tại sao ngành y mà đại diện là Bộ Y tế lại không công bố dịch?". Câu hỏi đấy khiến nhiều người băn khoăn. 

Trời đã xẩm tối, tại cửa Phòng cấp cứu Khoa Truyền nhiễm 112, người thân của các bệnh nhi nhiễm sởi lại tập trung đứng ở ngoài cửa và cầu nguyện…

Trần Mỹ Hiền
.
.