Giá dầu - Điềm báo một cuộc đại suy thoái

Thứ Hai, 27/04/2020, 14:42
Sự sụp đổ của giá dầu, với đỉnh điểm là việc giá dầu thô tại Mỹ xuống mức -37USD/thùng, là một cú sốc mới đối với nền kinh tế thế giới vốn đang suy yếu vì đại dịch COVID-19, gây ra tình trạng thâm hụt ngân sách lớn đối với một loạt nền kinh tế hàng đầu; đồng thời là một chỉ dấu cho thấy nguy cơ thế giới sắp bước vào một cuộc đại suy thoái.

"Trong tất cả những cơn chấn động điên rồ và vô tiền khoáng hậu của thị trường tài chính kể từ khi COVID-19 xuất hiện, chưa có một sự kiện nào khiến giới đầu tư phải há hốc miệng như việc giá dầu sụp đổ ngày 20-4", tờ Economic Times ngày 21-4 bình luận.

Sự sụp đổ của giá dầu này là một cú sốc mới đối với nền kinh tế thế giới vốn đang suy yếu, tiếp tục gây ra tình trạng thâm hụt ngân sách lớn đối với một số nước khai thác dầu vốn đã bị tổn hại nghiêm trọng trong thời gian qua.

Với Nga, sự lao dốc của giá dầu xuống mức 0 USD/thùng sẽ khiến cho nước này phải đối mặt với những khó khăn chưa từng thấy. Doanh thu từ dầu mỏ và khí đốt (mà giá cũng căn cứ theo giá dầu) chiếm 40% ngân sách Liên bang Nga. Với giá dầu hiện tại, Nga chỉ nhận một USD/thùng dầu vào ngân sách.

Không chỉ ngành dầu mỏ mà nền kinh tế thế giới đang đứng trước nguy cơ suy thoái nghiêm trọng. Ảnh: En24.

Giá trị của đồng ruble Nga thường được gắn với giá dầu. Khi giá dầu giảm, đồng ruble cũng mất giá. Sau "ngày thứ Hai thê thảm", giá đồng ruble đã giảm xuống khoảng 77 ruble đổi một USD. Mặc dù Nga vẫn còn hơn 700 tỷ USD dự trữ ngoại hối, song theo các chuyên gia, số tiền này chỉ đủ để nước Nga sống trong hai năm.

Trong một tuyên bố đầy bất ngờ hôm 21-4, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev, từng giữ chức Tổng thống và Thủ tướng Nga, nói rằng vụ giá dầu lao dốc xuống mức âm có thể là do bàn tay thao túng.

"Những gì chúng ta thấy đang xảy ra với hợp đồng dầu thô giao tương lai là rất đáng ngờ, đó có thể là kết quả của một cuộc dàn xếp nào đó", ông Medvedev viết trên Facebook cá nhân dù không đưa ra bằng chứng nào.

Với Saudi Arabia, do giá dầu Brent ở mức dưới 25 USD/thùng, thâm hụt ngân sách dự kiến của nước này sẽ tăng hơn gấp đôi trong năm nay lên mức tương đương khoảng 10% GDP. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự tính thu ngân sách của nước này sẽ giảm xuống còn 26% GDP, mức thấp nhất kể từ năm 1999. Tình thế cũng xảy ra tương tự tại nhiều nước Trung Đông và châu Phi, vốn có nguồn thu ngân sách chủ yếu từ dầu mỏ.

Tại Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới và cũng là nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới, sự sụp đổ về giá dầu là một cú sốc mạnh cho Tổng thống Donald Trump và có thể là dấu chấm hết cho ngành sản xuất dầu đá phiến còn non trẻ tại Mỹ. Trong S&P 500, chuẩn đánh giá của thị trường chứng khoán Mỹ, chỉ số phụ gồm các cổ phiếu năng lượng đã giảm hơn 40% kể từ đầu năm.

Theo tính toán của Rystad Energy, trường hợp giá dầu giảm xuống 20 USD/thùng, hơn 530 công ty thăm dò và sản xuất dầu tại Mỹ sẽ phá sản vào cuối năm 2021. Nếu giá xuống 10 USD/thùng, con số sẽ tăng lên 1.100 công ty. Năm nay, vài chục công ty đầu tiên sẽ nộp đơn xin phá sản vì không đủ nguồn lực duy trì hoạt động, với Whiting Petroleum trở thành doanh nghiệp đầu tiên của chuỗi domino này đổ xuống.

Biểu đồ cho thấy giá dầu WTI sụt giảm thế nào từ năm 1983. Ảnh: ITN.

Vấn đề mấu chốt là giá dầu sẽ ở mức thấp trong bao lâu. Một sự phục hồi nhanh chóng có thể giúp nhiều công ty tránh phá sản. Thế nhưng khả năng các nhà sản xuất đồng ý cắt giảm hơn nữa sản lượng rất khó xảy ra hoặc sẽ mất rất lâu thời gian để đàm phán. Việc dừng khai thác về bản chất cũng không hề dễ bởi chi phí đóng mỏ dầu rất lớn và nguy hiểm.

Với các nước không phụ thuộc nguồn thu vào xuất khẩu dầu mỏ thì việc giá dầu sụt giảm cho thấy nền kinh tế kém lưu thông, hàng hoá không được vận chuyển, các hoạt động trao đổi hàng hoá bị tan rã. Ví dụ rõ ràng nhất là Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, dù không trực tiếp chịu ảnh hưởng của giá dầu giảm, nhưng nền kinh tế nước này đã giảm tốc mạnh nhất trong nhiều thập niên qua trong quý I.

"Giá dầu thô giảm xuống mức dưới không có thể nhất thời chưa phản ánh đúng thị trường, song đối với kinh tế thế giới, đây là lời nhắc nhở rằng hoạt động thương mại đang thật sự bị đình trệ và chắc chắn sẽ cần một quãng thời gian dài để khôi phục", Frederic Neumann, đồng Giám đốc bộ phận nghiên cứu kinh tế châu Á của HSBC Holdings Plc ở Hong Kong (Trung Quốc) nói.

Trong khi đó, trên Bloomberg, các chuyên gia kinh tế thậm chí đã ví von những gì xảy ra với giá dầu vừa rồi với những biến cố xảy ra vào giai đoạn cuộc Đại suy thoái những năm 1930, vốn được xem là một phần nguyên nhân dẫn đến cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ II. Theo góc nhìn của Tập đoàn tài chính JP Morgan Chase, sau khủng hoảng kinh tế giai đoạn 2008-2009, có bốn dấu hiệu chính để chỉ báo khả năng suy thoái kinh tế, trong đó giá dầu sụt giảm hơn 30% là một yếu tố.

Ba dấu hiệu còn lại là sự sụt giảm của chỉ số chứng khoán Mỹ, thị trường chứng khoán các nước mới nổi và giá trị các đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi. Các dấu hiệu này chưa xuất hiện rõ ràng, song, trong bối cảnh chưa ai dám chắc dịch COVID-19 khi nào sẽ biến mất khỏi trái đất, mọi nguy cơ đều có thể xảy ra.

Thiện Nhân
.
.