Giá dầu giảm vì Covid-19
Tuy nhiên, nếu dịch tiếp tục lan rộng thì tác động của nó đối với thị trường quan trọng này sẽ kéo dài và nặng nề hơn nhiều.
Đối với thị trường năng lượng toàn cầu, dịch Covid-19 xảy ra thật không đúng lúc. Những ngày đầu năm 2020, thị trường khấp khởi hy vọng lần đầu tiên đạt được mức tăng trưởng sản lượng ngoạn mục sau khi Mỹ - Trung đạt được thỏa thuận tạm ngừng cuộc chiến thương mại. Thế nhưng, ngay khi còn chưa rõ ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với nhu cầu năng lượng thế giới thì các chỉ số liên quan đến nhu cầu năng lượng thế giới đã giảm do tác động của các số liệu khác, nhất là trong bối cảnh các quỹ đầu tư và các công ty quản lý đầu tư vội vàng bán tháo cổ phiếu năng lượng của mình.
Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) trước đó đã dự báo nguồn cung sẽ dư thừa khoảng 1 triệu thùng dầu/ngày trong nửa đầu năm 2020. Và, bất chấp việc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (gọi tắt là OPEC+) tháng 12-2019 ra tuyên bố tiếp tục cắt giảm sản lượng, Mỹ gần đây vẫn quyết định tăng lượng dầu sản xuất và dự trữ của mình.
OPEC+ ra tuyên bố tiếp tục cắt giảm sản lượng vì ảnh hưởng dịch Covid-19. |
Và giờ đây, khi dịch Covid-19 đang có dấu hiệu lan rộng, thị trường năng lượng càng trở nên khó đoán định hơn bởi dịch bệnh nguy hiểm chết người này có thể ảnh hưởng tới nhu cầu năng lượng trên rất nhiều phương diện. Cho dù Trung Quốc có thể kiểm soát được dịch trong phạm vi lãnh thổ của họ thì nhu cầu năng lượng của thế giới vẫn sẽ chịu tác động lớn trong cả năm 2020.
Hiện tại, người ta đang e ngại khu vực Trung Đông, với mật độ dân cư đông đúc và sự thiếu hụt về trang thiết bị phòng dịch, có nguy cơ trở thành ổ dịch Covid-19 mới và nếu như thế thì sự ảnh hưởng tới thị trường năng lượng toàn cầu sẽ khủng khiếp hơn nhiều.
Các nước OPEC+ chắc chắn sẽ phải nhanh chóng hành động để kịp thời giảm thiểu những tác động của dịch Covid-19 đối với giá dầu mỏ. Tuy nhiên, những gì họ có thể làm được cũng sẽ ở mức hạn chế bởi hiện tại Nga tỏ ra khá miễn cưỡng trong việc phản ứng gay gắt trước tình hình dịch bệnh nhằm ngăn cản OPEC+ đẩy giá lên cao ngay khi dịch bệnh chấm dứt hoặc đưa ra các giải pháp đối phó mang tính liên kết đối với các hoạt động kinh tế khác.
Quan sát của các nhà phân tích cho thấy tác động của dịch Covid-19 đối với nhu cầu năng lượng thế giới là rất lớn. Hiện, một số nguồn phân tích định tính đáng tin cậy đã đưa ra những dự báo mang tính ước lượng. S&P Global Platts ước tính nhu cầu năng lượng thế giới giảm 2,6 triệu thùng dầu/ngày ngay trong tháng 2-2020. Bloomberg thì đưa ra dự báo nhu cầu năng lượng thế giới giảm 3 triệu thùng dầu/ngày.
Số liệu ước tính được đưa ra dựa trên những quan sát cho thấy dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến các hoạt động công nghiệp và du lịch của Trung Quốc và một vài nước khác. Dịch đã buộc Trung Quốc phải áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại và tình trạng doanh nghiệp phải tạm đóng cửa trên toàn quốc chứ không phải chỉ riêng khu vực Hồ Bắc như giai đoạn đầu.
Nga cho biết sẽ tiếp tục hợp tác với OPEC+ để giải quyết khủng hoảng. |
Reuters dẫn nguồn tin từ ngành dầu khí Trung Quốc cho biết doanh số bán nhiên liệu cho ngành hàng không nước này đã giảm 25% ngay trong tuần cuối cùng của tháng 1-2020, sau khi chính quyền nước này áp dụng lệnh hạn chế đi lại. Trước đó, một bài viết trên Tạp chí phố Wall cũng cho biết Tổng công ty Hóa dầu Trung Quốc (SINOPEC) đã cắt giảm khoảng 13-15% sản lượng lọc dầu và chỉ 2 ngày sau đó, hãng tin Reuters lại đưa tin về một nhà máy lọc dầu của Tổng công ty Dầu khí Trung Quốc (CNOOC) ở thành phố Huệ Châu, tỉnh Quảng Đông, nơi cách xa khu vực hiện bị cách ly vì dịch, cũng phải cắt giảm khoảng 8% sản lượng.
Theo số liệu của Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ, năm 2019, Trung Quốc tiêu thụ trung bình khoảng 14,5 triệu thùng dầu/ngày. Như vậy, mức giảm 15% tương đương 2 triệu thùng dầu/ngày.
Và theo phân tích, kể cả nếu Trung Quốc có thể kiểm soát được dịch Covid-19 thì tình trạng giảm nhu cầu năng lượng hiện tại cũng đủ khiến cho các kho chứa tràn ngập hàng dư thừa (Libya hiện đã giảm hơn 1 triệu thùng/ngày), buộc OPEC+ phải đi đến cắt giảm toàn bộ. Hai nước có ảnh hưởng mang tính quyết định với vấn đề này là Nga và Saudi Arabia.
Saudi Arabia muốn cắt giảm ít nhất 1 triệu thùng/ngày trong thời gian dài, trong khi đó, Nga nghiêng về hướng chỉ cắt giảm khoảng 500.000 thùng/ngày trong một thời gian ngắn nhằm tránh nguy cơ gây biến động thị trường vì thiếu cung bởi vẫn bỏ ngỏ khả năng dịch bệnh sẽ sớm chấm dứt.
Mới đây, Ủy ban Kỹ thuật của OPEC+ đã đề xuất cắt giảm sản lượng ở mức 600.000 thùng/ngày cho đến hết tháng 6. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Nga sẽ tiếp tục hợp tác với OPEC+ để giải quyết khủng hoảng cho dù tránh tỏ ý chấp thuận đề xuất của OPEC+.
Dịch Covid-19 đang lan rộng ra khỏi lãnh thổ Trung Quốc và hậu quả của nó đối với thị trường năng lượng thế giới được cho là sẽ còn nặng nề hơn. Tuy nhiên, ngay cả khi tác động của dịch Covid-19 đối với thị trường năng lượng toàn cầu không quá lớn thì rõ ràng thế giới cũng không thể trông đợi một năm khởi sắc cầu vượt xa cung trong ngành dầu khí được.
Vì lý do này, khả năng sản lượng tồn kho chỉ tăng ở mức khiêm tốn và giá dầu Brent tăng trở lại ở mức khoảng 60 USD/thùng trong mùa hè tới sẽ là kịch bản có nhiều khả năng xảy ra.