Giá dầu thê thảm, OPEC loạn chiêu
Đây là mức giảm lịch sử tính theo ngày kể từ cuộc chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991. Các chuyên gia cảnh báo, với sự suy giảm đà tăng trưởng toàn cầu do COVID-19 gây ra, đà sụt giảm của giá dầu sẽ còn tiếp diễn.
Tại cuộc họp tại Vienna hôm 6-3, các quốc gia OPEC - do nhà sản xuất dầu lớn thứ ba thế giới Saudi Arabia dẫn dắt - đã đồng ý khuyến nghị “điều chỉnh giảm thêm 1,5 triệu thùng dầu mỗi ngày cho đến ngày 30-6. 10 nước ngoài khối sẽ thực hiện cắt giảm tổng cộng 500.000 thùng/ngày, trong khi 13 nước thành viên OPEC tự gánh vác phần còn lại.
Nhưng Nga đã không chấp nhận đề xuất này. Các bộ trưởng năng lượng của OPEC+ đã “đường ai nấy đi” mà không đưa ra bình luận nào. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ không có nước nào trong OPEC+ có nghĩa vụ phải tuân thủ việc giảm sản lượng.
Ngay sau thất bại này, Saudi Arabia đã “thêm dầu vào lửa” khi tuyên bố giảm giá dầu, khiến “vàng đen” thế giới tiếp tục giảm với tốc độ “phi mã”. Theo đó, Riyadh hôm 8-3 đã thực hiện lần giảm giá bán dầu mạnh nhất trong 20 năm qua với giá dầu giao tháng 4 xuất khẩu sang thị trường châu Á giảm khoảng 4-6 USD/thùng và xuất khẩu sang thị trường Mỹ giảm 7 USD/thùng.
Trong khi đó, giá dầu Arabia Light của Tập đoàn Dầu mỏ Aramco (Saudi Arabia) bán sang thị trường châu Âu lần đầu tiên thấp hơn 10,25 USD/thùng so với giá dầu Brent. Cùng với đó, Saudi Arabia còn công bố kế hoạch tăng sản lượng dầu thô đáng kể lên trên mức 10 triệu thùng/ngày vào tháng 4 tới.
Tương lai ảm đạm của giá dầu là chỉ dấu cho thấy kinh tế toàn cầu còn lao dốc. |
Với quyết định trên, Riyadh dường như đang muốn khơi mào một cuộc chiến giá dầu nhằm đưa nước này trở lại vị trí quốc gia hàng đầu về sản xuất dầu mỏ thay cho vị trí thứ 3 hiện nay. Cuộc chiến lần này được dự báo sẽ tồi tệ hơn cuộc chiến giá dầu gần nhất hồi tháng 11-2014, không chỉ vì OPEC+ “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” trong quyết định giảm sản lượng dầu mà còn do tình trạng kinh tế thế giới ốm yếu vì dịch COVID-19 khiến nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ sụt giảm.
Trong báo cáo về thị trường dầu mỏ thế giới vừa công bố, OPEC đã hạ mức dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ trên toàn thế giới trong năm 2020 xuống gần 1/5 so với mức dự báo ban đầu, do ảnh hưởng của bùng phát dịch. Theo đó, mức tăng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm 2020 chỉ là 0,99 triệu thùng/ngày, giảm so với mức dự báo 1,22 triệu thùng/ngày đưa ra hồi tháng 1-2020.
Chưa hết, đầu tháng 2 vừa qua, OPEC đã đề xuất giảm sản lượng 600.000 thùng/ngày do nhu cầu của Trung Quốc - quốc gia tiêu thụ dầu lớn trên thế giới - giảm sút vì dịch bệnh.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng mức cắt giảm trên vẫn chưa đủ do Trung Quốc vẫn đang chật vật đối phó với dịch COVID-19 cùng với việc dịch bệnh lây lan nhanh sang nhiều quốc gia khác. Với sự suy giảm đà tăng trưởng toàn cầu do COVID-19 gây ra, các nhà đầu tư cho rằng đà sụt giảm của giá dầu sẽ còn tiếp diễn.
Công ty tư vấn WTRG Economics cảnh báo, nếu kinh tế Trung Quốc không phục hồi nhanh, tình hình sẽ xấu đi trên khắp thế giới, đặc biệt là ở châu Âu và Mỹ. Khi đó, các nhà sản xuất dầu của Mỹ có thể là một trong những nạn nhân chính của giá dầu lao dốc.
Sự gián đoạn trong liên minh đã kéo dài 3 năm giữa OPEC và Nga nhằm hỗ trợ giá dầu, có thể chỉ là tạm thời. Những diễn biến vừa qua có thể chỉ là một phần trong một “trò chơi thương lượng”, cả Nga và Saudi Arabia vẫn có thể đạt được một nhượng bộ nào đó. Tuy nhiên, giới chuyên gia lo ngại, nếu tình hình này kéo dài, giá dầu sẽ tiếp tục giảm mạnh ngoài tầm kiểm soát.
“Nếu đó là một cuộc chiến giá cả thật sự, sẽ có rất nhiều tổn hại tới thị trường dầu mỏ”, Chủ tịch Công ty dầu mỏ Crescent Petroleum (UAE) Badr Jafar cảnh báo.
“Nhiều nước sẽ phải chuẩn bị cho những cú sốc kinh tế và địa chính trị do môi trường giá thấp”. Với việc nhu cầu giảm, nguồn cung tăng và thị trường hiện thiếu vắng các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, xem ra giá dầu còn trong xu hướng giảm trong dài hạn. Trong nhiều thập niên qua, dầu mỏ luôn được coi như “huyết mạch” của các nền kinh tế và giá dầu là một thước đo quan trọng của kinh tế thế giới. Bởi vậy, tương lai ảm đạm của giá dầu cũng là chỉ dấu cho thấy kinh tế toàn cầu còn u ám.
Chứng khoán toàn cầu “đỏ lửa” vì giá dầu giảm Tác động của giá dầu giảm mạnh và diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề lên thị trường chứng khoán thế giới. Đầu phiên giao dịch ngày 9-3, các chỉ số chứng khoán thế giới đồng loạt giảm điểm. Tại châu Âu, chỉ số Stoxx 600 đã giảm 6,5% trong đầu phiên giao dịch ngày 9-3. Cổ phiếu của gã khổng lồ năng lượng BP giảm tới 24%. Trong khi đó, cổ phiếu Tullow Oil của Anh cũng mất tới 57% giá trị. Cổ phiếu Ashtead Group, công ty chuyên cho thuê công nghiệp của Anh, mất 32%.... Tại châu Á, chỉ số chứng khoán Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) giảm 3,87%. Chỉ số chứng khoán tổng hợp Thượng Hải mất 1,56% và chỉ số tổng hợp Thâm Quyến giảm 1,66%. Trên sàn chứng khoán Tokyo của Nhật Bản, chỉ số chứng khoán Nikkei 225 đầu phiên giảm 5,1%, lần đầu tiên giảm dưới mức 20.000 điểm kể từ đầu tháng 1-2019. Chỉ số Topix (Hàn Quốc) giảm 5%. Tại thị trường chứng khoán Mỹ, 3 chỉ số Dow Jones, S&P500 và Nasdaq có mức giảm lần lượt 7,79%, 7,6% và 7,29%. Trong khi đó, ở châu Âu, chỉ số FTSE của Anh giảm xuống 7,21% và chỉ số Dax (Đức) giảm hơn 6%. Tại thị trường chứng khoán của các quốc gia Vùng Vịnh, chỉ số Premier của Kuwait giảm 9,5%. Trong khi đó, thị trường tài chính Dubai và sàn giao dịch chứng khoán Abu Dabi sụt giảm lần lượt là 9% và 7,1%. |