Giá trị trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ

Thứ Sáu, 17/03/2017, 17:30
(Nhân đọc "Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ Công an nhân dân" của Thượng tướng, GS.TS Tô Lâm, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2016)

Năm 2017 được lãnh đạo Bộ Công an xác định là "Năm công tác cán bộ".

Nội dung Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 Khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng cũng chủ yếu xoay quanh vấn đề công tác cán bộ.

Trong bối cảnh ấy (nói chính xác hơn là trước đấy - từ tháng 8 năm 2016), việc NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật cho ra mắt bạn đọc cuốn "Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ Công an nhân dân" của Thượng tướng, GS.TS Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an là một động thái rất kịp thời và đặc biệt có ý nghĩa.

Sách dày 348 trang (khổ 14,5x20,5 cm), gồm 4 chương được sắp xếp khoa học theo trình tự chặt chẽ về cả thời gian và chủ đề  (Chương 1: Cơ sở, quá trình hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ; Chương 2: Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ; Chương 3: Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ Công an nhân dân; Chương 4: Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ Công an nhân dân hiện nay).

Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu tại triển lãm “Sách với cán bộ, chiến sĩ CAND”.

Mỗi chương lại được chia ra nhiều đề mục nhằm giới thiệu, cắt nghĩa một cách chi tiết những khái niệm mà tác giả đặt ra xoay quanh chủ đề chung. Có thể nói, với những tình tiết, nội dung được tác giả viện dẫn, ta có thể thấy, để thực hiện cuốn sách, tác giả đã phải xử lý một khối lượng tư liệu đồ sộ, trong đó có việc đọc, tham khảo nhiều trước tác của các nhà lý luận kinh điển. Đặc biệt, với cách lập luận khúc chiết đi kèm những dẫn chứng đắc địa, giàu hình ảnh, tác giả đã khiến một đề tài ngỡ chừng khô khan trở nên sinh động, dễ hiểu, dễ nhớ.

Trước nay, ai cũng biết tầm quan trọng của công tác cán bộ, và hầu như ai cũng biết đến nhận định "cán bộ là gốc của mọi công việc". Tuy nhiên, trong nhận thức của không ít người, công tác cán bộ chỉ gói gọn trong mấy chữ, đó là "việc dùng người", và trong việc dùng người thì chỉ đơn giản là biết dùng người "có tài có đức".

Trong khi thực tế, "tài" và "đức" không phải là thứ tự nhiên mà có, và thế nào là "tài", thế nào là "đức" cũng có nhiều quan niệm; chưa kể trong công tác cán bộ thì quan niệm về việc lựa chọn, đào tạo, sử dụng cán bộ... của cơ quan quản lý không phải lúc nào cũng đồng nhất. Rất may, xung quanh vấn đề này, chúng ta đã có một kho tàng quý báu để nghiên cứu, vận dụng - đó là tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ, trong đó có công tác cán bộ Công an nhân dân.

Nói như tác giả cuốn sách: "Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ Công an nhân dân đã trở thành tài sản tinh thần quý báu, ngọn cờ dẫn đường, chỉ lối giúp lực lượng Công an nhân dân từng bước xây dựng và trưởng thành trong suốt hơn 70 năm qua" và "Nghiên cứu, tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ cho chúng ta thấy sự thống nhất chặt chẽ giữa tính khoa học và tính nghệ thuật. Song, vượt lên trên tất cả là tính nhân văn sâu sắc. Đó chính là khoa học sử dụng con người, nghệ thuật sử dụng con người để nhằm phục vụ con người".

Khẳng định chủ nghĩa Mác - Lênin là cơ sở thế giới quan, phương pháp luận hình thành nên tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ, Thượng tướng, GS.TS Tô Lâm đã kỳ công đưa ra nhiều ví dụ để đối sánh.

Nếu như "C.Mác và Ph.Ăngghen sớm đặt ra yêu cầu, tiêu chuẩn chung của người cán bộ là phải hội tụ cả năng lực thực tiễn và tư duy lý luận" thì với Hồ Chí Minh "Làm mà không có lý luận thì không khác gì đi mò trong đêm tối, vừa chậm chạp vừa hay vấp váp" và "Lý luận tạo cho các đồng chí làm công tác thực tế sức mạnh định hướng, sự sáng suốt dự kiến tương lai, kiên định trong công tác và lòng tin ở thắng lợi của sự nghiệp chúng ta".

Bên cạnh việc nhìn nhận sự ảnh hưởng của Nho giáo, Phật giáo "cũng có tác động không nhỏ dẫn tới sự hình thành và phát triển tư tưởng về cán bộ và công tác cán bộ của Hồ Chí Minh", tác giả không quên chỉ ra: "Nguyễn Ái Quốc còn tiếp thu tư tưởng dân chủ và hình thành phong cách dân chủ của mình từ trong cuộc sống, trong văn hóa của các nước phương Tây. Nguyễn Ái Quốc còn học được cách làm việc dân chủ ngay trong cách sinh hoạt khoa học ở câu lạc bộ Phôbua (Faubourg), trong sinh hoạt chính trị của đảng Xã hội Pháp v.v... Phong cách làm việc dân chủ sau này được Người đưa trực tiếp vào công tác cán bộ như là một trong những nguyên tắc làm việc làm tăng tính sáng tạo và tính đồng thuận cao trong hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức".

Có thể nói, đây là một nhận xét mới mẻ (hoặc giả có người đồng suy nghĩ nhưng vì lý do nào đó trước nay chưa... tiện nói) và hoàn toàn xác đáng. Thực tế, vì từng nhiều năm sống trong lòng các nước có chế độ dân chủ tư sản trước khi đến với Liên bang Cộng hòa XHCN Xôviết nên việc tiếp thu quan điểm chính trị cũng như phong cách làm việc của Hồ Chí Minh có sự mềm mại, uyển chuyển.

Tất nhiên, ở đây cần phân biệt hai hình thái dân chủ, đó là sự "dân chủ" (trong một chừng mực nào đó) dành cho người dân "mẫu quốc" (tức nước Pháp) và sự "dân chủ" quá ư tệ hại dành cho người dân "thuộc địa" (tức các nước Đông Dương, trong đó có Việt Nam) mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khái quát một cách giản dị, dễ hiểu qua nhận xét "người Pháp ở Pháp tốt, lễ phép hơn người Pháp ở Đông Dương".

Cuốn sách "Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ Công an nhân dân" của Thượng tướng, GS.TS Tô Lâm.

Đọc "Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ Công an nhân dân", người đọc nhận thấy không ít lần Thượng tướng, GS.TS Tô Lâm nhắc tới những chữ "độc đáo", "sáng tạo" để nói về quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công tác cán bộ.

Như khi trích dẫn câu nói của Người: "Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy, toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là những người đem chính sách của Chính phủ, của đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được", tác giả đi sâu phân tích: "Với việc xác định vị trí của cán bộ như vậy, Hồ Chí Minh đã làm rõ vai trò chủ thể của cán bộ trong sự nghiệp cách mạng", từ đó đi đến nhận định "Hồ Chí Minh sử dụng sáng tạo phương pháp biện chứng để đánh giá toàn diện vị trí cán bộ".

Xung quanh tiêu chuẩn đạo đức của cán bộ, sau khi so sánh những quan niệm cũ trong tư tưởng đạo đức truyền thống của dân tộc Việt và phương Đông "Trung với vua, hiếu với cha mẹ" với quan điểm "Trung với nước, hiếu với dân" mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra sau này, tác giả nêu nhận xét Chủ tịch Hồ Chí Minh đã "tạo nên một cuộc cách mạng trong quan niệm về đạo đức".

Nhân đây thiết nghĩ cũng cần nhắc tới một chi tiết: Trong quá trình tìm hiểu những tiêu chuẩn đạo đức mà các nhà cách mạng tiền bối trên thế giới đặt ra với cán bộ của mình, tôi bắt gặp một số điểm mà người thầy của giai cấp vô sản thế giới Vlađimia Ilích Lênin yêu cầu phải có đối với một "lãnh tụ của nhân dân", đó là "Có tính kiên trì, bền bỉ. Luôn trung thành và ngay thẳng. Khiêm tốn, dịu dàng, mềm mỏng. Có lòng nhân ái, biết quan tâm đến đồng chí mình. Có tính kiên định".

Đối chiếu với 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân (Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính. Đối với đồng sự, phải thân ái, giúp đỡ. Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành. Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép. Đối với công việc, phải tận tụy. Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo), tôi thấy những tiêu chuẩn cơ bản nhất mà Lênin đặt ra cũng đã được Bác nêu trong đó. Điều ấy cho thấy, những đòi hỏi mà Bác cần Lực lượng Công an nhân dân phải hướng tới và quán triệt là rất cao.

Vì xác định Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt, tiên phong bảo vệ Đảng, bảo vệ Chính phủ, bảo vệ chế độ, bảo vệ nhân dân cho nên sinh thời, trong các bài nói chuyện, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ công an phải có lòng trung thành và lập trường tư tưởng vững vàng (đây cũng chính là tiêu chí hàng đầu khi tuyển dụng). Đặc biệt, phải luôn chống chủ nghĩa cá nhân.

Người từng nói với cán bộ Công an: "Công an là bộ máy giữ gìn chính quyền chống thù ngoài địch trong, mà còn chủ nghĩa cá nhân là còn có địch ở bên trong, địch ở trong con người mình. Kẻ địch ấy lại không thể lấy súng bắn vào được".

Theo nhận định của Thượng tướng, GS.TS Tô Lâm, đó là những điểm độc đáo, sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công tác tuyển chọn, giáo dục cán bộ Công an. Về vấn đề giám sát cán bộ công an - theo tác giả - Người cũng có những điểm độc đáo.

Đó là "Người yêu cầu công an phải khuyến khích nhân dân kiểm tra, đánh giá, giám sát công an. Để qua đó nhân dân vừa giúp đỡ công an, vừa kiểm tra công an. Đây là điểm khác biệt hoàn toàn về bản chất của công tác kiểm tra, giám sát của Công an nhân dân Việt Nam với công an đế quốc và là một điểm độc đáo của chế độ ta, nhằm phát huy vai trò làm chủ của nhân dân".

Trong cuốn sách, bên cạnh những nhận định kiểu như "độc đáo", "sáng tạo" mà tôi vừa dẫn, Thượng tướng, GS.TS Tô Lâm cũng hay nhắc đến hai chữ "nhân văn" để nói về tư tưởng Hồ Chí Minh xung quanh công tác cán bộ. Vì khuôn khổ bài viết có hạn, ở đây tôi chỉ xin nêu thêm một ví dụ:

Chúng ta đều biết, ngày 7-11-2013, Việt Nam đã ký Công ước của Liên Hiệp Quốc về chống tra tấn cùng các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người, và ngày 28-11-2014, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam đã phê chuẩn Công ước này.

Theo Dự thảo Báo cáo quốc gia mà Bộ Công an Việt Nam công bố vào hồi trung tuần tháng 1 vừa qua để lấy ý kiến liên quan tới việc thực thi Công ước, tại Việt Nam không có nhiều vụ án liên quan đến bức cung, dùng nhục hình. Trong 5 năm (từ 2010-2015), có 10 vụ án với 26 bị cáo đã được thụ lý và xét xử về tội dùng nhục hình. Tuy không nhiều, song một số vụ án oan, điển hình như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang đã gây nhiều bức xúc trong công luận, ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín của các cơ quan tố tụng.

Điều rất đáng lưu ý là trong "Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ Công an nhân dân", Thượng tướng, GS.TS Tô Lâm - người đứng đầu Lực lượng Công an toàn quốc - đã nhiều lần trở đi trở lại và dành số trang thích đáng để viện dẫn quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối việc bức cung, dùng nhục hình. Thượng tướng, GS.TS Tô Lâm cho biết: "Hiểu rõ bản chất của nhục hình, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần phê bình, kiểm thảo một cách gay gắt và yêu cầu cán bộ ta tuyệt đối không được sử dụng nhục hình"; "Người đánh giá: Nhục hình là lối dã man, là cách của đế quốc tư bản phong kiến, nó dùng để trị quần chúng, trị cách mạng. Chúng ta có chính sách đúng, có lý lẽ đúng, có lực lượng mạnh, sao còn dùng cách dã man".

Ở đây, Thượng tướng, GS.TS Tô Lâm đã đưa ra một trích đoạn Bác Hồ phân tích về vấn đề này rất độc đáo, thú vị (và bởi vậy mà giàu tính thuyết phục): "Người tiếp tục phân tích: Tục ngữ có câu "có gan ăn cướp, có gan chịu đòn", những tên đại gian ác, có khi đánh mấy chúng cũng không thú, có chứng cớ đầy đủ rõ ràng thì chúng phải nhận tội. Còn người thường thì bị đánh đau chịu không nổi mà họ nhận bừa, khai bậy, đưa công an đến chỗ sai lầm. Cho nên ta phải kiên quyết bỏ nhục hình".

Mặc dù ra đời trước khi Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII được ban hành tới hơn hai tháng, song có những điều - đặc biệt là những số liệu, cách phân tích, đặt vấn đề về thực trạng cán bộ (nói chung) và cán bộ Công an nhân dân (nói riêng) cũng như một số giải pháp chủ yếu nhằm khắc phục tình trạng này được Thượng tướng, GS.TS Tô Lâm nêu ra ở chương 4 của cuốn sách đã cho thấy giữa nội dung cuốn sách và nội dung Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII có nhiều điểm tương đồng.

Đặc biệt, với trọng trách mà Thượng tướng, GS.TS Tô Lâm đang gách vác, cùng những nhận thức sâu sắc thể hiện trong cuốn sách, chúng ta tin tưởng thời gian tới, công tác cán bộ trong Lực lượng Công an nhân dân sẽ có những bước chuyển đổi theo hướng ngày càng hoàn thiện hơn.

Phạm Khải
.
.