Giá vàng "dựng đứng" và những tác động

Thứ Sáu, 31/07/2020, 14:40
Giá vàng “nhảy” dựng đứng thời gian qua đã khiến những người đang găm giữ lượng vàng kha khá trong nhà như vợ chồng bà Hai Xuân ở quận 11, TP Hồ Chí Minh khấp khởi mừng thầm vì cho rằng tổng giá trị số tài sản này đã tăng thêm một phần không nhỏ.

Nhưng, bán vàng ra để đầu tư vào nhà, đất là lĩnh vực vợ chồng bà không am hiểu. Còn bán vàng để chờ giá giảm sẽ mua lại là vấn đề khiến vợ chống bà đắn đo, nhất là khi những ngày gần đây, giá có những mức tăng "sốc", lập đỉnh kể từ năm 2011 trở lại đây.

Ngày 24-7, vàng miếng SJC bán ra có thời điểm đã ở mức 56 triệu đồng/lượng. Ngày 27-7, giá bán vàng miếng SJC còn được doanh nghiệp niêm yết ở mức 56,1 triệu đồng/lượng. Không chỉ khiến người mua dè chừng, mà ngược lại, những người muốn bán vàng để chốt lời, chờ vàng giảm để mua lại cũng phải cân nhắc trước mức giá chênh lệch mua vào - bán ra đã được các doanh nghiệp kinh doanh vàng nới rộng ở mức 1,5  triệu đồng/lượng. Đây là lý do khiến số lượng vàng giao dịch thời điểm giá vàng tăng cao không cao.

Trở thành thương hiệu Quốc gia, vàng SJC cũng giữ vị trí độc tôn về giá.

Vàng trong nước tăng lên 56 triệu đồng/lượng nhưng giá vàng thế giới giao ngay trong ngày 27-7 cũng chỉ ở ngưỡng 1.920,96 USD/ounce (1 ounce bằng 0,83 lượng) và giá vàng thế giới giao trong tháng 9 cũng chỉ ở mức 1.909,6 USD/ounce sau khi đã tăng nhẹ. So sánh giữa giá vàng thế giới và vàng trong nước ngày 27-7, vàng trong nước cao hơn vài triệu đồng/lượng. Như vậy ngoài việc phải mua giá cao, bán giá thấp, người mua vàng còn phải chịu cả khoản chênh lệch khá cao trên mỗi lượng vàng.

Ông Tô Duy Lâm, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh nhận xét, dịch COVID-19 bùng phát mạnh trên phạm vi toàn cầu trong 6 tháng đầu năm đã tác động không nhỏ đến giới đầu tư. Tình trạng này khiến giá vàng thế giới và vàng SJC trong nước có nhiều đợt biến động và tăng mạnh. Ngày 18-5 vàng thế giới cán mốc 1.759 USD/ounce, khi giá vàng xuống thấp nhất cũng vẫn còn neo ở mức hơn 1.487/ounce vào ngày 17-3.

Cùng thời điểm này, giá bán vàng SJC trong nước vào ngày 18-5 là 49,2 triệu đồng/lượng; giá vàng chỉ xuống mức thấp nhất là 42,7 triệu đồng/lượng vào thời điểm đầu năm 2020. Chênh lệch giữa vàng SJC và giá vàng thế giới trong nửa đầu năm nay có thời điểm đã ở mức 4,4 triệu đồng/lượng. Nếu như giá vàng thế giới mua vào - bán ra ngày 8-6 là hơn 1.695 USD/ounce, tăng gần 11,3% so với thời điểm cuối năm 2019 thì cũng trong ngày này, giá vàng SJC mua vào - bán ra đã ở mức 48,33 và 48,7 triệu đồng/lượng, tăng gần 14%. Như vậy dù tăng hay giảm thì giá vàng SJC đều luôn cao hơn giá vàng thế giới. 

Số lượng vàng miếng SJC sản xuất ra chỉ có hạn nhưng theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh, trong 4 tháng đầu năm nay đã có 447.182 lượng được người dân mua vào, trong khi doanh số bán ra chỉ đạt 441.618 lượng, số còn lại đã bị găm giữ. Tính ra, mỗi tháng tổng số lượng vàng được mua, bán ra ở trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước cũng chỉ đạt hơn 110 ngàn lượng, bình quân mỗi ngày có hơn 3 ngàn lượng được giao dịch.

Với số lượng mua bán ít ỏi như vậy, chỉ cần một vài chủ tiệm vàng bỏ tiền mua gom với số lượng lớn để chờ tăng giá, vàng miếng SJC sẽ trở lên khan hiếm và nhảy giá. Dòng chảy vàng miếng, nhất là vàng SJC ít dần trên thị trường đã níu giá vàng SJC luôn cao hơn vàng thế giới một vài triệu đồng mỗi lượng.

Dù giá vàng có rung lắc, biến động liên tục thì người dân cũng ít có cơ hội để bung tiền ra lướt vàng. Bởi đã thành quy luật, thời điểm giá vàng biến động nhanh, lập tức với lý do để giảm thiểu rủi ro, những doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn sẽ nới rộng khoảng cách giá mua vào - bán ra. Kiểu kinh doanh vừa triệt tiêu người đầu tư, vừa hạn chế dòng vàng đang trữ trong dân bán ra ồ ạt thời điểm giá vàng lập đỉnh cũng là một nguyên nhân đẩy người dân vào thế phải găm giữ vàng.

Số lượng lưu thông trên thị trường có hạn đã giúp thương hiệu vàng chính thống SJC luôn chiếm thế thượng phong, giữ được giá cao ở top đầu nên không thể nói chuyện xuất khẩu vàng lúc giá thể giới lập đỉnh. Càng vô lý hơn khi cùng là vàng 4 số 9 nhưng vàng miếng SJC luôn cao hơn giá bán các loại vàng trang sức cùng thương hiệu, dù chi phí chế tác, gia công ít hơn nên vàng miếng không thể trở thành nguyên liệu cho lĩnh vực chế tác.  

Nhà nước đã thành công trong việc loại bỏ xu thế “vàng hóa” trong nền kinh tế. Người dân đã bỏ hẳn việc rao bán nhà, bán xe, bán tài sản bằng cách quy đổi ra vàng. Vàng SJC được cơ quan quản lý nhà nước công nhận là thương hiệu vàng quốc gia bất chấp phản ứng gay gắt từ nhiều chuyên gia và giới kinh doanh vàng. Lợi ích mang lại cho nền tài chính quốc gia, cho người dân và doanh nghiệp đâu chưa thấy; chỉ thấy rằng vàng SJC luôn bắt chẹt người dân phải móc túi trả cho khoản chênh lệch kép so với giá vàng thế giới.

Trong khi đó, kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hầu như chưa từng ngó ngàng gì đến biên độ giá vàng mua vào - bán ra được các cơ sở kinh doanh vàng thoải mái áp đặt một cách vô tội vạ, lái dòng tiền lợi nhuận từ mua bán vàng chảy vào túi các doanh nghiệp lớn. Số lượng vàng miếng SJC có hạn so với nhu cầu tích trữ còn rất lớn của người dân. Chỉ khi thu hút được giới đầu tư và khơi thông dòng chảy vàng vào thị trường giao dịch, số vàng còn đang nằm chết trong dân mới được luân chuyển.

Giá vàng cao ngất ngưởng như hiện nay, người trữ vàng được hưởng lợi cao nên việc khơi thông dòng chảy để thu hút người dân đưa vàng tích trữ vào lưu thông trên thị trường sẽ dễ dàng hơn. Do đó, đưa vàng trong nước bám sát giá mua bán của thế giới và không để vàng miếng SJC một mình một giá, đó mới gọi là quy luật thị trường và là việc cơ quan quản lý phải tính toán.

Đức Thắng
.
.