Giá vàng thế giới liên tục lập kỷ lục

Thứ Hai, 03/08/2020, 11:59
Giá vàng thế giới đã leo lên mức cao kỷ lục trong bối cảnh các nhà đầu tư đổ xô đi mua kim loại quý này vì lo ngại ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và tranh chấp thương mại Mỹ-Trung ngày càng xấu đi đối với nền kinh tế. Vậy câu hỏi đặt ra là, đâu là nguyên nhân khiến giá vàng thế giới liên tiếp lập các kỷ lục mới và những yếu tố nào sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới giá vàng trong thời gian tới?

Giá vàng thế giới sáng 30-7 đã lập mức kỷ lục mới là 1.969 USD/ounce, phá vỡ mức kỷ lục từng ghi nhận trong cuộc khủng hoảng tài chính tháng 9-2011 là 1.921 USD/ounce. Tính từ đầu năm đến nay, giá vàng thế giới đã tăng 27% và các nhà phân tích không cho rằng đà này sẽ sớm kết thúc.

Goldman Sachs, Citigroup cũng như các nhà phân tích của UBS Wealth Management dự đoán rằng giá vàng có thể lên tới mức 2.000 USD/ounce trước cuối năm nay, nguyên nhân là tỷ lệ lãi suất thấp của Mỹ, đồng đôla suy yếu và căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng. Trong khi đó, Bank of America thậm chí còn tiến xa hơn khi dự đoán rằng trong 18 tháng tới, giá vàng có thể chạm mốc 3.000 USD/ounce.

Carsten Menke, nhà phân tích của công ty Julius Baer, dự đoán nhu cầu đầu tư vào vàng sẽ tiếp tục kéo dài chừng nào tình hình vẫn bất ổn và chưa có vaccine để phòng bệnh COVID-19.

Vì sao giá vàng tăng kỷ lục?

Từ lâu vàng đã được đánh giá là loại tài sản an toàn, kênh để các nhà đầu tư đổ tiền của vào khi những hoạt động đầu tư khác dễ bị biến động và cũng là cách để ngăn chặn tài sản bị mất giá như chứng khoán hay tiền tệ.

Nhằm cứu vớt nền kinh tế toàn cầu đang điêu đứng vì dịch COVID-19, các chính phủ và ngân hàng trung ương đã tung ra các gói kích thích tiền tệ và tài chính. Chính điều này khiến đồng tiền bị mất giá và vàng trở thành “nơi trú ẩn” an toàn cho các nhà đầu tư.

Trang mạng của báo The Guardian (Anh) trích dẫn phát biểu của Carlo Alberto De Casa, nhà phân tích trưởng của nền tảng thương mại trực tuyến ActivTrades: “Các loại tiền tệ đều có thể in thêm, song bản chất có hạn của vàng và bạc khiến chúng trở thành loại tài sản dự trữ tốt hơn trong những thời điểm xảy ra bất ổn”.

Theo ông Hussein Sayes, nhà chiến lược thị trường chính của FXTM, động lực chính thúc đẩy giá vàng tăng cao là khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tiếp tục duy trì tỷ lệ lãi suất thấp trong khoảng thời gian dài để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Điều này khiến đồng USD suy yếu.

Giá vàng thế giới tiếp tục tăng trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung ngày càng trở nên gay gắt. Mới đây, các nhà cầm quyền Trung Quốc vừa yêu cầu đóng cửa Tổng lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô nhằm đáp trả việc Washington quyết định đóng của Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston. Mark Haefele, trưởng bộ phận đầu tư của UBS Wealth Management, cho rằng giá vàng sẽ duy trì đà tăng vì căng thẳng địa chính trị này.

Giá vàng tăng trong khi ngành công nghiệp khai thác vàng đang chịu ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch. Các công ty khai thác vàng, một số công ty tinh chế vàng và công ty vận chuyển hàng hóa liên lục địa đã bị đóng cửa và không thể đáp ứng được nhu cầu về kim loại quý này. Nam Phi, một trong những quốc gia sản xuất vàng lớn nhất thế giới, đã buộc phải đóng cửa mỏ vàng Mponeng - mỏ vàng lớn nhất thế giới - do 164 công nhận của mỏ này mắc COVID-19 và đây không phải là mỏ vàng duy nhất bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Các chuyên gia công nghiệp chỉ ra rằng nhu cầu cao về vàng trong những tháng gần đây, trong khi nguồn cung lại thiếu do hoạt động khai thác, chế biến và phân phối bị gián đoạn, đã khiến giá của kim loại quý này tăng lên nhanh chóng, tới mức chưa từng có tiền lệ.

5 nhân tố khiến giá vàng tiếp tục tăng

Các nhà phân tích đều nhất trí rằng đà tăng của giá vàng sẽ còn tiếp tục trong những tháng tới nhưng điều gì khiến giá của kim loại quý này tiếp tục đạt những mốc kỷ lục mới? Tạp chí Forbes đã chỉ ra 5 nhân tố khiến giá vàng sẽ còn tăng trong thời gian tới, cụ thể là:

Làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai: các nhà đầu tư chủ yếu đầu tư vào vàng do không muốn gặp rủi ro vì làn sóng lây nhiễm thứ hai. Người ta đã dự báo trước về sự gia tăng nhanh chóng các ca mắc COVID-19 khi các nền kinh tế bắt đầu mở cửa trở lại, song điều mà họ không tính tới là tình hình sẽ vượt ra khỏi tầm kiểm soát như đã xảy ra ở bang Texas của Mỹ. Australia đã báo cáo về số ca mắc mới trong một ngày cao kỷ lục trong gần 2 tháng qua và điều này đã gióng lên hồi chuông báo động về làn sóng lây nhiễm thứ hai.

Khả năng áp thuế mới với châu Âu: Tổng thống Donald Trump, người nổi tiếng vì luôn leo thang các tranh chấp thương mại, đang cân nhắc áp đặt các mức thuế quan mới đối với 3,1 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu từ Anh, Tây Ban Nha, Pháp và Đức. Nếu căng thẳng tiếp tục gia tăng về vấn đề này và Tổng thống Trump không thay đổi quan điểm của mình - vốn có thể là một trong những chiến thuật để thể hiện sức mạnh của ông với các cử tri Mỹ trước thềm bầu cử, các nhà đầu tư chắc chắn sẽ tìm cách tránh xa những tài sản có tính rủi ro cao và đầu tư mua vàng.

Tranh chấp thương mại Mỹ-Trung: Trung Quốc không phải là quốc gia sẽ “khoanh tay đứng nhìn” và để chính quyền ông Trump bắt nạt. Thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn 1 đã trở nên vô cùng mong manh vì đại dịch COVID-19. Trung Quốc giảm nhập khẩu nông phẩm và thịt gia cầm từ Mỹ. Còn chính quyền Mỹ liên tục nói về việc “tách rời” khỏi Trung Quốc.

Ngoài ra, Trung Quốc coi quan điểm của Mỹ về vấn đề Hong Kong là can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc. Các nhà kinh doanh không muốn Mỹ gây chiến với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, và chúng ta đã nhìn thấy bằng chứng chứng minh điều đó khi thị trường chứng khoán Mỹ chao đảo hồi năm ngoái.

Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ: số liệu hằng tuần của Mỹ về tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục vẽ ra một bức tranh rất ảm đảm về thị trường việc làm của nước này. Thị trường việc làm là nhân tố quan trọng nhất đối với FED và chính sách tiền tệ của FED phản ánh rất rõ điều này. FED đã quyết định giữ tỷ lệ lãi suất thấp trong một thời gian dài nữa và sẽ không tăng lên trong tương lai gần.

Một ngân hàng trung ương lớn khác là Ngân hàng Anh cũng quyết định không tăng lãi suất dù bảng cân cân đối tài sản của chính phủ đã rất lớn. Andrew Bailey, Thống đốc Ngân hàng Anh, đã nói về điều này, và chắc chắn FED cũng sẽ chú ý tới quyết định này của Ngân hàng Anh.

Khánh Vân (Tổng hợp)
.
.