Giải Cây Bút Vàng: Kỷ niệm vàng với đời văn của tôi

Thứ Năm, 19/11/2015, 21:00
Nhà văn Ma Văn Kháng là một trong những tên tuổi lớn của nền văn chương Việt Nam. Văn của ông đã đi vào lòng nhiều thế hệ với những dấu ấn không thể mờ phai cùng những tác phẩm lớn như "Đồng Bạc trắng hoa xòe", "Đám cưới không có giấy giá thú", "Mùa lá rụng trong vườn", "Mưa mùa hạ"...

Trong những lần trò chuyện cùng ông, nhà văn Ma Văn Kháng chia sẻ rằng, trong suốt chặng đường mấy chục năm viết văn của mình, ông có đầy ắp kỷ niệm, nhưng có một kỷ niệm "vàng" mà ông không bao giờ quên trong chặng đường đời ấy, chính là thời điểm ông tham gia Giải Cây Bút Vàng của Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Công an với truyện ngắn “San Cha Chải”. Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng nhà văn Ma Văn Kháng về những kỷ niệm "Vàng" ấy!

- Ông có thể kể lại về mối duyên đã đưa ông đến với giải thưởng Cây bút vàng?

- Trong hai năm 1996 - 1997, một cuộc thi truyện ngắn và ký về đề tài an ninh  trật tự giải Cây bút Vàng do Bộ Công an và Hội Nhà văn chủ trì đã được phát động. Tổng kết cuộc thi, tháng 8/1998, truyện ngắn “San Cha Chải”  của tôi đã được nhận giải cao nhất, giải Cây bút vàng. Điều này chỉ có thể lý giải là vì một sự ngẫu nhiên, ngẫu nhiên và ngẫu nhiên. Một quy luật lớn nhất chi phối đời một con người.

Sáng tác văn học cũng vậy. Những cái chúng ta viết ra đều  chịu tác động của cái quy luật lớn này. Và nếu ngẫu nhiên có ngẫu nhiên rủi ro, ngẫu nhiên may mắn thì cơ duyên đã dành cho tôi một ngẫu nhiên may mắn. Tôi nói thế là bởi vì thoạt đầu tôi không có ý định viết truyện tham gia cuộc thi; phần nữa cũng là bởi, tôi được mời vào Ban chung khảo cuộc thi truyện ngắn này.

Tuy nhiên, ý định của tôi đã phải thay đổi, bắt đầu từ sáng kiến của Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Công an, nhà văn Hữu Ước. Tôi nhớ là lúc ấy cuộc thi đã vào chặng nước rút. Tết 1998 sắp đến. Tôi nhận được giấy mời tìm đến cuộc họp tổ chức ở một căn phòng nhỏ cạnh phòng Tổng Biên tập ở 90 Nguyễn Du - trụ sở Tạp chí Văn hóa Văn nghệ Công an, thì thấy nhà văn Hữu Ước đã có mặt cùng anh Phạm Văn Dần - Thiếu tướng, Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng và một số nhà văn, như anh Nguyễn Quang Thiều, anh Chu Lai, anh Nguyễn Quang Lập...

Nhà văn Ma Văn Kháng.

Vào họp, anh Hữu Ước nói luôn, đại ý: Cuộc thi sắp kết thúc, mời các anh tới để đề nghị các anh viết truyện tham dự cuộc thi. Với riêng tôi, anh Hữu Ước nói: "Nếu anh Kháng có truyện tham dự cuộc thi, thì có thể rút ra khỏi danh sách Hội đồng chung khảo".

Kết thúc cuộc họp, Tổng Biên tập Hữu Ước tặng mỗi nhà văn 1 triệu đồng. Cuộc họp là một hành động thúc đẩy kịp thời, nó là một cú hích thông minh, nó thể hiện một kinh nghiệm quan trọng của mọi cuộc thi văn chương có đề tài giới hạn là phải có một lực lượng nòng cốt.

- “San Cha Chải” là một cái tên lạ, ngay tên truyện cũng đã "rất Ma Văn Kháng", rất miền núi, vốn là sở trường của ông?

- Cuộc họp ngẫu nhiên ấy đã đánh thức ký ức tôi. Tôi nhớ lại một câu chuyện mà tôi đã được nghe hồi công tác ở Lào Cai. Nội dung câu chuyện đơn giản như sau: Hồi kháng chiến chống Pháp, có một anh du kích Mèo nhận nhiệm vụ áp tải một tên trùm phỉ xã bắt được ra huyện; dọc đường, tên trùm phỉ tỉ tê trò chuyện, khơi gợi tình cảm dân tộc, anh mủi lòng, nên lúc sau đang đi gặp con suối mát, anh đã cởi trói cho nó tắm rồi sau đó giao súng cho nó giữ hộ để mình xuống tắm. Kết quả là tên trùm phỉ cầm súng bắn anh du kích, may mà không trúng, rồi ù té chạy, trốn vào rừng.

Chất liệu sống nguyên trạng này có nhiều cái thuận. Thứ nhất là nó có tình huống, một tình huống có kịch tính, thậm chí ly kỳ, một yêu cầu gắt gao của truyện ngắn. Thứ hai là nó có nhân vật; và nhân vật có điều kiện bộc lộ, phát triển tính cách. Thứ ba, nó có khả năng ôm chứa, chuyển tải nhiều ý tưởng thú vị. Và thứ tư nữa là nó có một không gian thiên nhiên đẹp, có thể thỏa thích vẫy vùng ngòi bút, với núi non trời mây, rừng cây con suối...

Tuy nhiên, từ chất liệu đến lúc có đủ cảm hứng và tự tin để bắt tay vào viết còn là một chặng đường gian nan tìm tòi. Tới đây mới thấm thía một luận điểm cốt tử của văn chương là: Tác phẩm văn học sống bằng hình thức nghệ thuật. Với truyện ngắn này, cũng như nhiều truyện ngắn khác, hình thức nghệ thuật quan trọng nhất tôi cần tìm và phải tìm bằng được, nếu không muốn rơi vào thất bại, chính là cái hơi văn, cái giọng điệu, cái cách để câu chuyện tự kể; cái điệu nhạc cất lên ở những câu mở đầu và nhuần thấm trong toàn bộ bài văn.

Quả thật, đây là cái chướng ngại lớn nhất mà người viết phải vượt qua. May mắn, lại một tình cờ ngẫu nhiên nữa đến với tôi. Vô tình, giở tờ Văn nghệ dân tộc và miền núi, phụ san của tuần báo Văn nghệ thời gian ấy, tôi thấy bài của nhà văn Lý Biên Cương viết giới thiệu một bài thơ hay anh mới phát hiện khi tình cờ đọc thấy trên tờ báo tường của một đơn vị ở Điện Biên Phủ, lúc anh qua đây. Sẽ có dịp tìm lại bài thơ và cả tên tuổi nhà thơ nữa, nhưng tôi nhớ rõ ràng là, tôi đã mừng vui đến run rẩy như được sự trợ giúp của thần linh: Bài thơ đã cho tôi một cái giọng kể, cái bí kíp của truyện ngắn; cái giọng kể hồn nhiên chất phác, giàu bản sắc dân gian.

Và thế là giai điệu của bản nhạc đã được cất lên ngay từ những dòng mở đầu: "Muốn biết thế nào là San Cha Chải, mình phải leo dốc cật lực một ngày trời. Một ngày ròng đánh cực lên non nhưng lên tới nơi mình cảm thấy ngay là được đền bù. Trời mở toang tám cánh cửa cho mình phóng tầm mắt thỏa sức. Mình nhìn thấy sông Hồng một vệt lênh láng lưng trời xa. Nhìn xuống phố huyện nhà cửa xúm xít như một bãi nấm, mình nghĩ mà buồn cười: Giá có thang dây tụt xuống chắc chưa kịp sôi ấm nước, mà đi chân phải tận tối mịt!".

Cái lối xưng hô mình mình ta ta thân thiết suồng sã, hơi xưa cũ, cái giọng kể nhẩn nha ấy là cái giọng vàng, cũng là giọng kể của dân ca, xem ra rất thích hợp với nội dung câu chuyện này. Và điệu nhạc một khi đã tìm thấy rồi, đã cất lên rồi, thì sẽ cứ thế ỏ ê theo các dòng chữ cho đến khi chấm hết câu chuyện: "Người San Cha Chải mình nghe Pao khóc, nói: Đó là tiếng khóc lớn khôn của Pao".

Nhà văn Ma Văn Kháng.

Tôi đã phải vận dụng gần như tất cả hiểu biết, kỷ niệm, ấn tượng tôi đã có trong nhiều năm dài sống ở miền núi, nghĩa là toàn bộ vốn sống có từng nào thì huy động ra bằng hết, chứ không dè sẻn, để viết truyện ngắn này. Cái giếng nước ở trong truyện có đàn chim bay qua soi bóng, nơi con trai con gái trong bản San Cha Chải tới soi gương là cái giếng nước bờ be bằng đá xanh xây kiểu cẩm quy tôi đã thấy ở xã Cao Sơn, huyện Mường Khương.

Cái miếu Quan âm là cái miếu thờ tôi đã đi qua, đã đặt cây sậy để cầu may trên đường từ Bắc Hà đến Xi Ma Cai. Cái tục người Mèo một khi bị dây trói là không nên người và cái cách giải quyết đầy sáng tạo của Tủa, anh trai Pao, là hiểu biết tôi thu nhận được trong những năm tham gia tiễu phỉ ở Lao Cai. Lý lẽ của Mo Chúng, bậc thánh triết dân dã, chẳng hạn: Nước ở dưới sâu nước không có ích, nước muốn có ích phải chuyển động lên khỏi mặt đất. Muốn hữu ích phải làm việc là cái triết lý dân gian cổ tôi đọc được ở trong sách.

Thầy giáo Tính, nguyên mẫu tên y chang, là người tôi đã ăn ở cùng trong thời gian tôi lên công tác ở xã vùng cao nọ. Tất tật, không loại trừ một chi tiết nào, nếu nó có thể hòa nhập có lợi cho tổng thể hình tượng là lập tức sử dụng. Kể cả câu hát của ông Mo: "Mười tuổi tắm không biết rét. Hai mươi tuổi yêu không biết mệt. Ba mươi tuổi bắt chim không cần nỏ. Bốn mươi tuổi giỏi buôn bán đường xa". Đó là bài hát của người Lào Sủng, người Mẹo ở Lào tôi mới sưu tầm được trong dịp đi thăm đất nước này, năm 1997.

- Truyện ngắn “San Cha Chải” khi được tặng Giải Cây bút Vàng, đã đoạt một giải thưởng lớn và rất có giá trị, cũng là lần đầu tiên ở một cuộc thi (cho đến bây giờ tại Việt Nam), tác giả đã được tặng một cây bút bằng vàng thật. Thực sự đây là một sự khích lệ cực kỳ lớn đối với cảm hứng sáng tác của các nhà văn...

- Hồi đó, giải thưởng Cây bút Vàng nổi tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc. Không thể quên vì hiện vật Giải thưởng này là một cây bút làm bằng  vàng  đặt trong một chiếc hộp kính vuông mỗi bề dài 30cm, lúc nào cũng hiện diện trong căn phòng khách của nhà tôi.

Giải thưởng  được Bộ trưởng Lê Minh Hương trao ngày 15/8/1998. Tổng giá trị là 15 triệu đồng. Trong đó,12 triệu tiền mặt, và một cây bút làm bằng 6 chỉ vàng bốn con 9 (giá mỗi chỉ lúc đó  bằng 1/8 giá hôm nay). Theo giá vàng hôm nay mà dịch chuyển số tiền giải 15 triệu đồng thành tiền tương đương thì hẳn là to lắm đây!

Không thể quên vì một hôm đang phóng xe vù vù trên đường Điện Biên, bỗng nghe thấy tiếng còi cảnh sát thét tuýt tuýt. Thôi chết, mải vui, vượt đèn đỏ mà không hay. Biết lỗi rồi nên dừng xe, xuất trình giấy tờ, sẵn sàng nộp phạt thì ngạc nhiên chưa. Thượng úy cảnh sát giao thông trẻ trai, vừa đưa mắt lướt qua Giấy chứng minh, đã dậm chân đánh pách và đưa tay lên vành mũ trịnh trọng: Kính chào Cây bút Vàng. Lần sau xin bác chú ý nhìn đèn xanh mới cho xe qua đường. Còn bây giờ xin mời bác đi!

Không thể quên, vì từ sau Giải Cây bút Vàng đã gắn bó giờ lại như định mệnh, bằng văn chương neo mình với sự nghiệp bảo vệ an ninh của Tổ quốc và sự yên bình của cuộc sống. Ít ra thì cũng đã ba bốn lần tham gia Ban tổ chức, Ban giám khảo các cuộc thi viết  tiểu thuyết, truyện ký về đề tài này. Lại có khi viết cả lý luận nữa. Còn truyện ngắn về công cuộc phù trợ cái thiện, chống lại cái ác thì  đã là cảm hứng có từ cội nguồn, nên từ ngày đó vẫn xuất hiện đều đều trên báo chí.

Giải Cây bút Vàng - một kỷ niệm vàng. Nói vậy mà không sợ là ngoa ngôn. Là bởi vì, không thể ngờ, lại có lúc bao nhiêu suy ngẫm và cảm hứng lại có thể tích tụ, kết tinh tạo nên  được một cái gì đó như là ao ước  trong sáng tạo của mình. Năm  2012, tôi công bố gần như  trong một năm 2 cuốn tiểu thuyết về đề tài hình sự. “Bóng đêm” (Nxb Công an nhân dân), “Bến bờ” (Nxb Phụ nữ) là kết quả của nhiều năm tháng thâm nhập cuộc sống của các chiến sĩ công an với biết bao yêu mến và trân trọng.

- Xin cảm ơn nhà văn Ma Văn Kháng về cuộc trò chuyện!

Trần Hoàng Thiên Kim (thực hiện)
.
.