Phát lộ “kho báu ngàn năm” ở An Giang:

Giải mã ngôi “chùa cổ” bí ẩn ở sóc Tà Bò

Thứ Năm, 21/11/2013, 06:30

Sau nhiều lần gợi ý của chúng tôi, ông Chau Soc Oanh và ông Chau Noi vẫn dịch cụm từ "preakvihea" là chùa và "chak" là cổ. Ngay khi chúng tôi sắp tin rằng "preakvihea chak" là chùa cổ thì ông diễn giải thêm: "Chỉ có chùa dành cho vua chúa mới dùng từ preakvihea". Thì ra, cụm từ đó dịch đúng nghĩa sang tiếng Kinh là "đền cổ" hoặc "cung điện cổ"...
>> Phát lộ “kho báu ngàn năm” ở An Giang: Khu vườn bí ẩn

Ngày 3/11 vừa qua, PV Chuyên đề ANTG cùng với ông Chau Noi - Trưởng ban Nhân dân ấp Tô An và ông Chau Soc Oanh đã đến tận hiện trường mà nhóm người của bà H đào lấy đất. Vị trí đào bới nằm cạnh một rặng tre thuộc phần đất của ông Chau Thi. Việc đào bới lấy mẫu đất đã để lại một cái hố đầy nước. Ông Chau Soc Oanh chỉ tay xuống mặt đất quanh miệng hố, bảo: “Ở khắp khu vườn này, dưới mặt đất, chỗ nào cũng có mảnh sành cổ. Không cần đào bới cũng nhặt được”.

Theo quan sát của chúng tôi trong phạm vi khoảng 100m2, lẫn trong đất là vô số những mảnh đất nung. Chỉ quan sát bằng mắt thường cũng nhận ra đó là những di vật cổ xưa. Rất nhiều mảnh đất nung giống một phần của loại chum xưa. Chỉ cần nhặt trên mặt đất, có thể “thu hoạch” được vài bao tải những mảnh đất nung như thế. Điều đó chứng tỏ, truyền thuyết về một ngôi “chùa cổ” là câu chuyện có thật.

Chiêu thức lừa đảo

Ông Chau Soc Oanh cho biết, vào những năm từ 1980 đến 1992, không chỉ Tà Bò mà các ấp khác như Tô Lợi, Sóc Thiết cũng bị dân "đào trùn tìm vàng" quấy rầy suốt ngày đêm. Đa phần là dân tứ xứ ở các địa phương khác. Việc đào xới làm hư hại rất nhiều vạt lúa của người dân. Khi lực lượng Công an địa phương xuất hiện thì họ quăng ném vật dụng chạy tháo thân. Khi lực lượng Công an rút đi, họ lại tiếp tục đào xới. Có khi lực lượng Công an truy quét chỗ này, họ dạt sang chỗ khác đào tiếp.

Suốt mấy năm đào xới, không tìm được gì, dần dà đến năm 1992 họ tự giải tán. Bất ngờ năm 2012, một người hàng xóm của ông Chau Thi nhặt được 1 chiếc bình nghi là đồng đen, to bằng nắm tay, cao khoảng nửa mét. Hồi tháng 8 vừa qua, ông Chau Thi lại nhặt được 1 chiếc nhẫn vàng xưa nặng khoảng 2 chỉ trong khi cuốc đất làm vườn nhà.

Ông Chau Soc Oanh cũng nhặt được tượng đồng một con "sakpro". Ông Chau Soc Oanh dịch ra tiếng Kinh từ "sakpro" là con hươu có sừng. Nhưng cách diễn tả của ông thì con "sakpro" có vẻ giống con nai hơn. Tiếc rằng, tất cả những vật cổ ấy đều được bán với giá đồng nát cho những người mua ve chai. Nguồn tin đó trở thành miếng mồi béo bở của kẻ lừa đảo.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, một kẻ nào đó đã tự chế tác một bản đồ kho báu xưa rồi tung tin với giới sưu tầm đồ cổ rằng: "Ở một địa điểm tại Tri Tôn, An Giang, có một kho báu được chôn giấu cách nay 4.800 năm, từ thời Hùng Vương. Kho báu ấy chứa 4.800 tấn vàng, 1 tấn kim cương và một số đồ cổ".

Sau khi tạo cơn sốt hiếu kỳ về tấm bản đồ kho báu, nhóm lừa đảo đưa ra quy định: "Người nào muốn đầu tư khai thác mới được tận mắt xem tấm bản đồ. Trước khi xem bản đồ phải đặt cọc 10 lượng vàng. Xem bản đồ xong, nếu bỏ cuộc thì mất vàng đặt cọc". Và có lẽ, bà Y. là một trong những nạn nhân của bọn lừa đảo.

Khu vườn được cho là nền cũ của một Preakvihea chak.

Kho báu Vua Hùng, chùa cổ hay Đền Vua?

Căn cứ vào câu chuyện truyền thuyết cư dân Tà Bò, chúng tôi nghi ngờ "preakvihea chak" không phải là chùa cổ của người Khmer. Chùa của người Khmer luôn luôn có một cái tên cụ thể chứ không thể gọi chung chung là "chùa" được. Ngoài ra, văn hóa tín ngưỡng của người Khmer không cho phép họ viện bất cứ lý do gì bỏ nền chùa cũ rồi cất 1 ngôi chùa mới cách đó không xa.

Từ việc ông Chau Soc Oanh dịch sai nghĩa từ "sakpro", chúng tôi tìm nhiều cách gợi ý để ông mô tả cụ thể cụm từ "preakvihea chak" trong câu chuyện truyền thuyết của cư dân sóc Tà Bò. Việc xác định chính xác cụm từ này rất quan trọng. Bởi, nơi đây từng hiện hữu một ngôi chùa của người Khmer cổ thì chắc chắn sẽ có một căn hầm chứa kho báu thật sự nằm đâu đó dưới khu vực nền. (Mỗi ngôi chùa của người Khmer xưa đều có một hầm hiến báu vật cho thần đất).

Cái ao do những người dò tìm kho báu để lại trong vườn nhà ông Chau Thi.

Sau nhiều lần gợi ý của chúng tôi, ông Chau Soc Oanh và ông Chau Noi vẫn dịch cụm từ "preakvihea" là chùa và "chak" là cổ. Ngay khi chúng tôi sắp tin rằng "preakvihea chak" là chùa cổ thì ông diễn giải thêm: "Chỉ có chùa dành cho vua chúa mới dùng từ preakvihea". Thì ra, cụm từ đó dịch đúng nghĩa sang tiếng Kinh là "đền cổ" hoặc "cung điện cổ".

Vậy là đã rõ. Tiếng Khmer dùng cụm từ đó để ám chỉ những ngôi đền cổ của một nền văn hóa xa xưa đã biến mất. Đó là Óc Eo hay còn gọi là Phù Nam.

Người Khmer cũng gọi cụm di tích Óc Eo ở núi Ba Thê cách đó 25 km là đền cổ. Điều này có nghĩa là những mẫu cổ vật phát lộ ở Tà Bò có liên quan đến nền văn hóa Óc Eo.--PageBreak--

Bài học ở mỏ cổ vật Óc Eo

Hình thù những mẫu đất nung nằm dày đặc ở Tà Bò rất giống những mẫu cổ vật do các nhà khảo cổ tìm thấy ở thị trấn Óc Eo cách đó hơn 25 km.

Vào thập niên 80 của thế kỷ trước, khi Tà Bò dậy sóng "đào trùn tìm vàng"  thì ở thị trấn Óc Eo cũng phát sốt với phong trào đi "bòn" vàng. Ở những gò đất cao như gò Cây Thị, gò Giồng Cát, gò Óc Eo (ấp Trung Sơn, thị trấn Óc Eo), thỉnh thoảng sau một cơn mưa lớn, người ta lại nhặt được nhẫn, khuyên tai, vòng, chuỗi, khối hình trứng hoặc vàng lá. Hầu hết đều có dấu chế tác chạm trổ nhiều hình thù lạ. Có người nhặt được 1 chiếc vòng trên đầu ngọn cỏ. Tin đồn Óc Eo có mỏ vàng lan nhanh. Nhiều nhóm người từ xa kéo đến cất lều bòn vàng. Không bao lâu, mặt đất nơi đây bị băm nát.

Những năm đó, có những ngày thị trấn Óc Eo chịu trận hàng ngàn lượt người từ khắp nơi đổ xô đến để "bòn" vàng. Dân "bòn" ào ạt đến gò Giồng Cát tự bao chiếm xí đất. Họ hốt từng nắm đất cho vào thau rồi gạn từng chút tìm vàng vụn. Có nơi, dân "bòn" vàng phải mua lớp đất mặt với giá 1 chỉ vàng cho 10m2.

Có người sau một ngày đêm "bòn" được vài chỉ vàng vụn. Người may mắn còn nhặt được vàng '"trứng" nặng vài chỉ. Đến tận hôm nay, cư dân vùng núi Ba Thê vẫn còn kể với nhau về chuyện vợ chồng ông Ba "xuồng chèo". Hai vợ chồng nghèo khổ, lấy chiếc xuồng nhỏ mục nát, neo cặp mép sông Thoại làm nhà ở để tham gia vào đội ngũ bòn vàng. Để có cơm ăn, người vợ phải đi ăn mày. Bất ngờ một ngày nọ, họ đào được chiếc rương bằng bạc có chạm trổ hoa văn chứa 50 lượng vàng tại khu gò Giồng Cát. Nửa đêm đó, hai vợ chồng lẳng lặng nhổ neo chèo xuồng đi mất dạng vì sợ bị cướp. Từ đó không ai thấy họ nữa.

Điều đau đớn nhất là: Tất cả những mẫu di vật cổ bằng vàng, đồng của một nền văn hóa đều bị dân thu mua nấu thành cục để "chính quyền không tịch thu". Đến năm 1992, khi lệnh cấm bòn vàng được ban ra thì hàng ngàn cổ vật đã không còn.

Có thể nhặt được nhiều mẫu vật cổ nằm rải rác trên mặt đất.

Theo các nhà khảo cổ, nền văn hóa cổ Óc Eo thuộc Vương quốc Phù Nam đã tồn tại từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ VII. Vào năm 1944, Louis Malleret - nguyên Giám đốc Trường Viễn Đông Bác Cổ (Pháp) đã phát hiện và đặt tên. Sau năm 1975, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã tiếp tục tiến hành điều tra, nghiên cứu, khảo sát và khai quật, phát hiện hàng trăm địa điểm khác nhau trên vùng đất sông Hậu, sông Tiền và sông Đồng Nai.

Từ những hiện vật cổ cho thấy nền văn hóa Óc Eo phân bổ rộng lớn trên nhiều vùng đất Nam Bộ. Riêng tại tỉnh An Giang, khu di chỉ Óc Eo kéo dài trên nhiều địa bàn thuộc các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, Thoại Sơn. Trong đó trung tâm nền văn hóa Óc Eo thuộc vùng núi Ba Thê (nay là thị trấn Óc Eo), huyện Thoại Sơn có diện tích rộng lớn khoảng 450 ha.

Ngày 27/9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1419/QĐ-TTg xếp hạng Di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Óc Eo - Ba Thê (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) là "Di tích quốc gia đặc biệt" tỉnh An Giang. Dù đã bị nạn bòn vàng phá hủy  nhưng An Giang vẫn còn lưu được hơn 600 cổ vật, trong đó có hơn 200 cổ vật bằng vàng, số còn lại bằng đá, gỗ và đất nung như: gạch, đá, đồ trang sức, tượng Thần, tượng Phật, bình gốm, nồi nấu kim loại, đồ gia dụng, bếp lò, đèn, bi ký, tư liệu thư tịch...

Những mẫu đất nung tại Tà Bò có hình thù tương đồng với những mẫu đất nung được tìm thấy ở hầu hết các địa điểm khai quật di chỉ Óc Eo. Không nghi ngờ gì nữa, Tà Bò là một địa điểm đã từng tồn tại một ngôi đền thuộc nền văn hóa Óc Eo. Không hiểu vì lý do gì, các nhà khảo cổ cũng như chính quyền tỉnh An Giang lại có thể thờ ơ trước những hiện tượng người dân khai thác rầm rộ như vậy?

Ông Huỳnh Văn Ngoan - Trưởng Công an xã Cô Tô - Người có thâm niên 21 năm làm công tác bảo vệ an ninh trật tự tại địa phương cho biết: "Chúng tôi không xác định Tà Bò có kho báu, kho vàng hay không. Nếu có thì đó là tài sản quốc gia chứ không thuộc về cá nhân nào. Các cơ quan cấp trên cần ra một chỉ thị cụ thể để chúng tôi có biện pháp bảo vệ. Nếu không có kho báu, không có di chỉ cần khảo cổ cũng phải khẳng định rõ ràng. Hiện tại, Công an xã vẫn đang theo dõi ngày đêm khu vực trên, đề phòng các đối tượng xấu quay trở lại đào bới, khai thác trái phép".

Được biết, mới đây, chính quyền tỉnh An Giang vừa công bố một kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cổ Óc Eo. Trong đó có việc thành lập một ban quản lý khu di tích Óc Eo - Ba Thê và đề ra quy chế hoạt động, phối hợp với các địa phương trong tỉnh có di tích văn hóa Óc Eo để tiến hành khảo sát, đo đạc cắm mốc, khoanh vùng bảo vệ, trùng tu tôn tạo di tích. Đồng thời xúc tiến hồ sơ quy hoạch tiếp tục khai quật và tăng cường tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân ý thức về di sản văn hóa, ngăn chặn triệt để việc buôn bán cổ vật trái phép.

Thoáng nghe qua, có vẻ An Giang rất chú trọng việc bảo vệ di tích văn hóa cổ xưa này. Tuy nhiên, những gì đang xảy ra tại Tà Bò khiến người ta nghi ngờ chính quyền đang  làm ngơ trước nguy cơ một địa chỉ Óc Eo bị nạn khai thác cổ vật trái phép tàn phá. Thiết nghĩ, chính quyền địa phương không thể chậm trễ hơn nữa.

Được biết, ông Chau Thi đã sẵn sàng hiến đất khu vườn cho chính quyền để xây dựng công trình bảo vệ di tích

Nông Huyền Sơn
.
.