Giải mã suy nghĩ của con người

Thứ Năm, 31/12/2009, 10:45

Hai kỹ thuật phát hiện nói dối dựa theo những nghiên cứu về thần kinh sinh học và phân tích não vừa được áp dụng tại Mỹ. Vậy thì phải chăng khoa học có thể giải mã được suy nghĩ của con người?

 "Ông có thích biển không?", "Có"; "Ông có xem truyền hình thường xuyên hay không?", "Không"; "Ông có ở bang Massachussetts?", "Không"; "Một tháng qua ông có cãi vã với ai không?, "Có"; "Có ẩu đả không?", "Có"; "Ông có khai man thuế thu nhập hay không?"... Với vô số cảm ứng cài đặt trên đầu như một tổ ong, người đàn ông lạ đang nằm ngay ngắn trong chiếc ống lớn của thiết bị chụp cắt lớp tại một trung tâm chẩn đoán hình ảnh tại thành phố Boston và trả lời các câu hỏi hiện ra trên một màn hình máy tính.

Phía bên ngoài chiếc ống, các kỹ thuật viên đang chú ý đến các câu trả lời của người đàn ông hiện ra trên một màn hình máy tính thứ hai đồng thời quan sát hoạt động của não bộ ông ta trên một màn hình máy tính thứ ba để phát hiện liệu có dấu hiệu của sự dối trá hay sự thật thông qua các câu trả lời của người đàn ông. Vậy thì phải chăng, ông ta là một tên tội phạm, một bệnh nhân hay là trong một cuộc thí nghiệm?

Quả thật đây là cuộc thử nghiệm của một phương pháp phát hiện nói dối mới: đó là sử dụng kỹ thuật thăm dò để giải mã suy nghĩ của con người dựa vào việc phân tích các nơron thần kinh. Đây cũng là ước mơ của các ngành cảnh sát, tòa án, tình báo và cả... những tay chơi cờ bạc. Tại Mỹ, hiện có hai công ty đang kinh doanh loại kỹ thuật này và xếp các kỹ thuật phát hiện nói dối từng được áp dụng trước đây vào các kho đồ cũ. Hai công ty này có trụ sở tại bang California và bang Massachussetts.

Steve Laken, Tổng giám đốc và là người sáng lập Công ty Cephos có trụ sở tại một khu ngoại ô của thành phố Bostaon, bang Massachussetts, khẳng định: "Đây là một kỹ thuật mà không ai có thể giấu được bí mật của mình  với tỉ lệ thành công lên đến 95%. Khác với phương pháp phát hiện nói dối thế hệ cũ mà người bị thẩm vấn phải trả lời trực tiếp các câu hỏi đặt ra bởi một nhân viên điều tra khiến tâm lý của người bị thẩm vấn có thể bị tác động.

Hiện nay, kỹ thuật phát hiện nói dối mới hoàn toàn được tự động hóa. Máy tính sẽ đặt ra các câu hỏi  và giải mã thông qua kết quả thể hiện trên màn hình máy tính tất cả những gì xảy ra trong não bộ của người bị thẩm vấn". Chi phí cho một ca thực hiện kỹ thuật phát hiện nói dối mới tiêu tốn khoảng 4.000 USD.

Phân tích và chẩn đoán hình ảnh của não bằng kỹ thuật chụp ảnh cộng hưởng từ (RMN).

Từ đầu năm 2009 đến nay, đã có 400 lượt người đã được áp dụng kỹ thuật này. Steve Laken cho biết tiếp: "Có nhiều khách hàng của chúng tôi đến từ châu Âu, châu Á. Họ không phải yêu cầu chúng tôi tìm ra chứng cứ để buộc tội một người nào đó mà để chứng minh là họ vô tội. Đó có thể là một người vợ muốn chứng minh sự chung thủy của mình với chồng, một người chồng bị vợ buộc tội bạo dâm, một chủ doanh nghiệp bị tố cáo có tranh chấp với đối tác hay một nghi phạm đang được tạm tha trong khi chờ đợi phán quyết cuối cùng của tòa án rằng mình thực sự có phạm tội hay không?".

Vậy thì phải chăng sự thật có thể được làm sáng tỏ bởi một thiết bị chụp cắt lớp?  bởi một thiết bị cộng hưởng từ (RMN). Máy móc phải chăng có thể đọc được suy nghĩ của con người? Hiện nay các câu hỏi này không còn được xem là chuyện khoa học giả tưởng, bởi vì não bộ, một bộ phận sâu kín của con người, đã không còn là một bí mật.

Hai thập niên trước đây, các thiết bị chụp cộng hưởng từ (RMN), các thiết bị chụp cắt lớp bằng tia X đã tạo nên một cuộc cách mạng lớn  cho ngành thần kinh sinh học để giải mã những bí ẩn trong não bộ như trạng thái tâm lý hay hành vi, thái độ của con người như sự sợ hãi, sự hiểu biết về ngôn ngữ, sự ghen tuông, lòng thù hận, sự nhút nhát, tình mẫu tử và cả sự dối trá. Đến thế kỷ XXI các nghiên cứu đã phát huy hiệu quả, vượt qua bốn bức tường của các phòng thí nghiệm để can thiệp vào đời sống xã hội, không chỉ thế còn trở thành một ngành kinh doanh đồng thời thu hút sự quan tâm của các ngành bảo vệ pháp luật như cảnh sát, tòa án và cả các ngành kinh tế, quảng cáo...

Tại Ấn Độ, lần đầu tiên trên thế giới, vào tháng 8/2008, một phụ nữ bị buộc tội giết người dựa vào kết quả phân tích của não bộ để phát hiện hành vi tội ác của người phụ nữ này.

Hiện nay, tại Mỹ, đang áp dụng hai kỹ thuật phát hiện nói dối thông qua phương pháp điện não đồ (bằng cách cài các điện cực, cảm ứng vào đầu) và chụp ảnh não bằng phương pháp RMN. Kỹ thuật thứ nhất còn được gọi là "dấu vân tay não" được nghiên cứu bởi các nhà thần kinh sinh học của Đại học Harvard vào cuối thập niên 80 và do Giáo sư Lawrence Farwell phụ trách.

Đến năm 2003, kỹ thuật này mới được công bố và lần đầu tiên được áp dụng bởi Tòa án thành phố Des Moines, bang Iowa, vào tháng 7/2003 để xem xét tội trạng của Terry Harrington, bị tuyên án tù chung thân trước đó về tội giết người. Nhờ áp dụng kỹ thuật "dấu vân tay não" mà Harrington được xác định vô tội và được trả tự do.

Phát minh của nhóm Giáo sư Farwell được tạp chí Time của Mỹ xếp vào danh sách 100 phát minh khoa học độc đáo nhất năm 2003. Đến năm 2004, nhóm của Giáo sư Farwell được Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) tài trợ nhiều triệu USD để phát triển kỹ thuật "dấu vân tay não" áp dụng cho ngành tình báo. Kỹ thuật này hiện không chỉ được áp dụng tại Mỹ mà cả tại Ấn Độ từ năm 2008.

Nhờ áp dụng kỹ thuật "dấu vân tay não" mà vào tháng 8/2008, Cảnh sát bang Maharashtra của Ấn Độ đã buộc tội Aditi Sharma, một phụ nữ trẻ đẹp, đã đầu độc người tình của mình đến chết bằng chất độc arsenic. Sharma đã phải nhận tội và bị tuyên phạt tù chung thân. Hiện có đến 4 bang của Ấn Độ quyết định áp dụng kỹ thuật "dấu vân tay não" để xác định tội trạng của các nghi can.

Kỹ thuật thứ hai là phân tích và chẩn đoán hình ảnh của não bộ bằng phương pháp chụp ảnh RMN. Đây là phát minh của Công ty Cephos. Kỹ thuật này được nghiên cứu bởi các nhà khoa học làm việc tại Đại học Pennsylvania vào năm 2000 thông qua việc thử nghiệm chụp RMN phần vỏ của não bộ để phân tích biến động của não bộ trong trường hợp nói dối hay nói thật. Thực ra, việc áp dụng kỹ thuật này không phải là để phát hiện sự dối trá mà là để nghiên cứu phản ứng của não bộ thông qua việc lưu giữ những tín hiệu liên quan đến sự dối trá hay sự thật.

Vào tháng 7/2009, một Ủy ban nghiên cứu quốc gia có trụ sở đặt tại thủ đô Washington của Mỹ đã công nhận rằng, kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh của não bộ con người có thể giúp ngành tình báo và an ninh Mỹ có thể thu thập những thông tin quan trọng của đối phương từ các điệp viên, các tên khủng bố bị bắt giữ nhưng ngoan cố không chịu khai báo. Kỹ thuật này còn có thể giúp kiểm soát hành vi và tư tưởng của các nghi can khủng bố. Hiện nay, kỹ thuật này đang được các ngành bảo vệ pháp luật Mỹ triển khai áp dụng nhằm tránh việc bỏ sót tội phạm hay kết tội oan nghi phạm..

Tuy nhiên, theo nhận định của nhà khoa học thần kinh sinh thái người Mỹ Nancy Kanwisher, phụ trách các hoạt động nghiên cứu thần kinh của Viện Kỹ thuật Massachussetts (MIT), thì hai kỹ thuật phát hiện nói dối qua phân tích não hiện đang áp dụng tại Mỹ chỉ mới là kết quả ban đầu của một quá trình nghiên cứu lâu dài về não bộ và thần kinh của con người.

Trong tương lai không xa, con người với sự phát triển không ngừng của sự tìm tòi nghiên cứu, có sự hỗ trợ của các thiết bị kỹ thuật cao có thể giải mã hoàn toàn các bí mật của não bộ chỉ với một mục đích là đem lại an ninh, an toàn và công bằng xã hội

Văn Hòa (theo New Scientist)
.
.