Giải pháp nào phòng ngừa xâm hại tình dục học đường?

Thứ Ba, 12/03/2019, 11:31
Chỉ trong mấy tháng gần đây, những chuyện liên quan đến hành vi xâm hại tình dục học sinh làm hoen ố hình ảnh người thầy, liên tiếp bị phát lộ. Dư luận phẫn nộ, trong lúc các nhà giáo tâm sáng, đức cao cảm thấy bẽ bàng, cha mẹ học sinh lo âu. Trong đó câu hỏi cần làm gì để ngăn chặn những bàn tay dơ dáy chạm vào con em mình có lẽ ám ảnh hơn cả. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, câu trả lời lại nằm ở phía trẻ.


Hành vi sỉ nhục nghề thầy

Có người đã ví những vụ dâm ô, quấy rối tình dục, quan hệ bất chính với học trò "bung bét" thời gian qua, là cuộc khủng hoảng đạo đức sư phạm. Nhận định đó hơi quá nhưng đó thực sự là những hành vi ảnh hưởng rất xấu tới hình ảnh người thầy cao quý, kéo theo cơn giận dữ của cộng đồng xã hội. Sự cuồng nộ đó là dễ hiểu, khi mà tại nơi tưởng chừng như an toàn tuyệt đối với con trẻ lại phát lộ ra những điều khủng khiếp.

Đó là vụ Hiệu trưởng Đinh Bằng My (trường THCS Dân tộc nội trú Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) dâm ô với hàng chục học sinh nam trong nhiều năm; vụ thầy giáo Dương Trọng Minh - chủ nhiệm lớp 5A Trường tiểu học Tiên Sơn (huyện Việt Yên, Bắc Giang) có hành động "kỳ quặc" như véo tai, véo mũi, dí vai, sờ mông, sờ đùi 15 học sinh ngày 1-3 vừa qua.

Khi vụ việc chưa lắng xuống, thì hàng loạt tin nhắn "gạ tình" của một thầy giáo trường Chuyên tỉnh Thái Bình với nữ sinh lớp 10 bị "public" (công khai) trên mạng xã hội. Trong lúc cơ quan chức năng đang xác minh thì một "cơn địa chấn" khác tiếp tục nổ ra ở tỉnh Bình Thuận, khi một cô giáo dạy môn toán bị bắt quả tang trong nhà nghỉ với một nam sinh lớp 10…

Họp báo cung cấp thông tin vụ việc xảy ra tại tTrường Tiểu học Tiên Sơn, huyện Việt Yên, Bắc Giang. Ảnh: Thanh Xuân.

Trước đó, nhiều vụ hiếp dâm, dâm ô với học sinh đã xảy ra trong và ngoài trường học, điển hình như vụ Hồ Trọng Đăng, 35 tuổi (nguyên giáo viên dạy thể dục, trường THCS Phan Bội Châu tại xã Ia Nan, Đức Cơ, Gia Lai) dâm ô với cháu N.T.L. (học sinh lớp 8) ngày 19-12-2018; vụ Nguyễn Đình Lê - (nguyên giáo viên Trường Tiểu học An Thượng A, huyện Hoài Đức, Hà Nội) dâm ô với 7 nữ sinh lớp 3 trong thời gian từ tháng 11-2017 đến tháng 4-2018; vụ Nguyễn Quang Chung (nguyên giáo viên dạy môn Đạo đức, Tổng phụ trách đội của Trường Tiểu học Zơ Nông, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) dâm ô và hiếp dâm 3 học sinh lớp 3 của trường vào tháng 4-2016; vụ Đỗ Văn Nam (SN 1981, quê Hà Nam), bảo vệ Trường tiểu học bán trú La Pán Tẩn (huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) dâm ô với 23 học sinh nữ trong trường…

Nhận diện nguy cơ

Luật sư Lê Hồng Hiển (Giám đốc Hãng luật Lê Hồng Hiển và cộng sự) cho biết: "Theo một báo cáo của Bộ Công an, mỗi năm trung bình có 1.600 - 1.800 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện tại Việt Nam, trong số 1.000 vụ xâm hại tình dục, số vụ mà trẻ em là nạn nhân chiếm đến 65%, đa số nạn nhân là nữ ở độ tuổi 12-15 (chiếm 57,46%), tuy nhiên số trẻ em dưới 6 tuổi bị xâm hại chiếm tới 13,2%. Tính trung bình mỗi ngày có 3 trẻ bị xâm hại, cứ 4 trẻ nữ thì có 1 cháu bị xâm hại và trong khoảng 6 trẻ nam thì có 1 cháu là nạn nhân của loại tội phạm này. 

Chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2018, đã có 572 vụ xâm hại tình dục trẻ em, có 562 cháu bị xâm hại. Thống kê của Quỹ dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho thấy, có tới 93% đối tượng xâm hại tình dục trẻ em là người thân hoặc quen biết. Trong trường học, các thầy cô giáo và nhân viên bảo vệ là đối tượng do điều kiện công việc nên thường xuyên tiếp xúc, gần gũi với học sinh. Nếu những người này sa sút về phẩm chất đạo đức, nổi tà ý thì hành vi xâm hại trẻ em rất dễ xảy ra.

Luật sư Nguyễn Thế Truyền (Giám đốc Công ty luật Thiên Thanh, Hà Nội).

Học sinh ở các cấp học, do còn non nớt, thiếu khả năng bộc lộ ý chí đúng đắn, thiếu kỹ năng tự bảo vệ mình, lại trong quan hệ phụ thuộc, tâm lý e sợ thầy cô giáo… dễ trở thành mục tiêu tấn công của tội phạm tình dục. Do đó, những nguy cơ đó cần phải được nhận diện và tìm giải pháp ứng phó. Bởi vì mỗi vụ việc xảy ra không chỉ gây ra những tổn hại về thể chất, tinh thần đối với nạn nhân, mà còn hủy hoại danh dự nghề thầy - vốn được coi là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý".

Theo Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc công ty luật Thiên Thanh, Hà Nội thì xâm hại tình dục trẻ em là việc sử dụng trẻ em (người dưới 16 tuổi) vào một hoạt động tình dục nào đó. Đây đang là vấn nạn mang tính toàn cầu.

Trong môi trường học đường, hành vi xâm hại học sinh (nữ và nam) chủ yếu là hiếp dâm (dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực để giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái ý muốn của nạn nhân); dâm ô (dùng mọi thủ đoạn để thỏa mãn dục vọng của mình (đụng chạm bộ phận sinh dục của nạn nhân…) nhưng không giao cấu với nạn nhân); hoặc cưỡng dâm (dùng mọi thủ đoạn khiến người lệ thuộc vào mình hoặc người đang ở trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu hoặc miễn cưỡng thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác.

Liên quan đến vụ thầy giáo Trường tiểu học Tiên Sơn (huyện Việt Yên, Bắc Giang) véo tai, véo mũi, dí vai, sờ mông, sờ đùi học sinh, luật sư Truyền cho biết hiện nay chưa có bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào từ hành chính, đến hình sự quy định "quấy rối tình dục" là gì. "Luật của ta cực nhiều, nhưng khi áp dụng thì cực khổ, khi cần để xử lý lại thiếu hoặc áp đặt khiên cưỡng. Liên quan đến các loại tội phạm dâm ô, ấu dâm, nếu không xây dựng được một cơ chế, hành lang pháp lý đủ mạnh và nền tảng thực thi pháp luật minh bạch, thì các con, các cháu, các em - nhất là bé gái - luôn lo lắng. Xã hội sẽ còn "lên đồng" mỗi khi vụ việc xảy ra!" - ông Truyền bình luận.

Giải pháp trong tay… học trò

Theo nhiều chuyên gia, giải pháp bảo vệ trẻ tại trường học cần bắt đầu từ việc trang bị cho chúng những kỹ năng cần thiết. "Hãy biết hét to, biết bỏ chạy, biết kể lại" - Một điều tra viên cao cấp của Phòng Cảnh sát hình sự, CATP Hà Nội đã tóm tắt các kỹ năng cơ bản, cần thiết mà trẻ cần thuộc nằm lòng để thoát khỏi tình huống nguy hiểm.

Theo ông, để giúp các con tránh xa nguy cơ bị xâm hại, trước tiên các bậc cha mẹ cần giúp trẻ nhận biết có những hành vi xâm hại nào để trẻ đề phòng. Có nhận thức đúng thì chúng mới không chủ quan trước những tình huống nhạy cảm, cũng như có những kỹ năng để thoát hiểm ngay từ đầu.

Nguyễn Đình Lê - nguyên giáo viên Trường Tiểu học An Thượng A, huyện Hoài Đức, Hà Nội - ra tòa xét xử về tội dâm ô với trẻ em.

"Cha mẹ cần sớm cung cấp những kiến thức về giới tính cho con. Cần dạy con biết tôn trọng bản thân, chỉ rõ cho con thấy chỗ "nhạy cảm" và không để người khác chạm vào, cũng như không được chạm vào của người khác; cách phân biệt sự đụng chạm an toàn và không an toàn. Gặp phải tình huống bị lôi kéo, đe dọa, dụ dỗ cho thực hiện hành vi tình dục, phải kiên quyết phản đối, hãy biết nói "không" với bất cứ ai muốn sờ vào cơ thể mình. Nếu cảm thấy nguy hiểm, hãy  la hét  và kêu cứu, hoặc tìm cách chạy thoát thân. Sau đó phải nói chuyện ngay với bố mẹ về những chuyện xảy ra với mình, không được giấu diếm. Các gia đình nên cho con em theo học võ, để có khả năng tự bảo vệ mình trong những tình huống hiểm nghèo" - ông tư vấn.

Theo một chuyên gia, cha mẹ phải luôn cảnh giác với hành vi của những người lớn xung quanh trẻ, kể cả các thầy cô giáo, như quan tâm quá mức, tặng quà, yêu cầu được ở một mình với trẻ hoặc đến thăm trẻ mà không có sự giám sát của mình. Cha mẹ phải thường xuyên trao đổi, trò chuyện với con về mối quan hệ của trẻ ở trường. Đây còn là cách để phát hiện kịp thời các biểu hiện thay đổi cơ thể và tâm lý của con mình.

Điều quan trọng nữa là, sự tin cậy của trẻ đối với cha mẹ. Sự gần gũi, quan tâm thường xuyên và tinh ý của cha mẹ đối với những hành vi phi ngôn ngữ của con, mới có thể giúp nhận biết những dấu hiệu con mình bị xâm hại và ngăn chặn kịp thời. Cha mẹ hãy lắng nghe những câu chuyện của con dù nhảm nhí đến đâu, thuyết phục con kể cho bạn nghe tất cả những gì xảy ra với con ở trường. Nếu không, con sẽ im lặng trong trường hợp nghiêm trọng.

Phải làm gì nếu chẳng may con em mình là nạn nhân?, Thiếu tá Lê Văn Hải, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội tư vấn: "Ngay khi phát hiện con bạn có những biểu hiện bất thường như kêu đau, bỏ ăn, người mệt mỏi, vẻ mặt thất thần, rũ rượi, mất ngủ, ngủ giật mình, mê sảng, hoảng hốt, sợ hãi, lầm lỳ, trầm cảm, thoáng vui, thoáng buồn, khóc lóc, sống khép kín thu mình lại, không muốn ra ngoài, không muốn trò chuyện với ai, ngượng ngùng, chui lủi né tránh… cần kiểm tra ngay bộ phận sinh dục của trẻ.

Nếu tại đây thấy xuất hiện những vết rách xước không bình thường, bầm tím, bị sưng tấy, chảy máu, hay phát bệnh đường tình dục, hoặc trên thân thể xuất hiện những dấu vết lạ như bị cào xước, bầm tím.. thì phải gặng hỏi ngay trẻ để xác định đã có sự việc gì xảy ra. Cần nhẹ nhàng dỗ dành, động viên an ủi trẻ, phân tích nếu có chuyện gì không phải lỗi của trẻ để chúng tin tưởng mà kể rõ sự việc".

Từng điều tra nhiều vụ án xâm hại tình dục trẻ em, ông Hải khuyến cáo các bậc phụ huynh nếu đã xác định có đối tượng đã xâm hại con em mình, tuyệt đối không nên manh động trả thù đối tượng, hoặc chửi bới gây mất trật tại nơi cư trú. Làm vậy sẽ ảnh hưởng đến danh dự của trẻ. Giữ kín sự việc trước dư luận là tốt nhất.

Cũng không nên đồng ý "giải quyết tình cảm" sự việc, xê xoa bỏ qua vì được đối tượng bồi thường bằng tiền, hay vì sợ mất danh dự gia đình mà không dám đưa sự việc ra pháp luật.

"Cần lặng lẽ và khẩn trương củng cố chứng cứ phục vụ việc tố cáo. Giữ lại (không giặt) những bộ quần áo, đồ vật cháu bé đang sử dụng vào thời điểm xảy ra xâm hại để giao nộp chúng cho cơ quan chức năng cùng đơn tố cáo. Việc lưu giữ được dấu vết tinh trùng, lông tóc…của thủ phạm dính trên quần áo nạn nhân, là chứng cứ đặc biệt quan trọng để truy nguyên thủ phạm. Có thể ghi âm bằng điện thoại toàn bộ cuộc trao đổi với trẻ bị hại và nhân chứng, đối tượng (nếu có). Khẩn trương đưa con đến cơ sở y tế cấp huyện để khám xét tổn thương sản khoa và ghi nhận các dấu vết, thương tích trên cơ thể trẻ.

Đặc biệt yêu cầu khám kỹ âm đạo để xác định có rách màng trinh, rách tầng sinh môn hay không. Vừa ghi nhận dấu vết, vừa có biện pháp điều trị cho trẻ. Cần khẩn trương làm đơn tố cáo đích danh thủ phạm (nếu đã rõ) và trực tiếp dẫn bị hại đến cơ quan Công an nơi cư trú để trình báo sự việc. Cha mẹ phải làm người giám hộ cho trẻ khi làm việc với cơ quan chức năng. Yêu cầu việc điều tra xác minh kín đáo, để bảo toàn danh dự cho trẻ. Khi đến cơ quan Công an trình báo, cần mang theo đầy đủ giấy khai sinh, hay giấy tờ chứng minh độ tuổi của trẻ (như sổ hộ khẩu gia đình, giấy CMND nếu trẻ trên 14 tuổi), cùng các tài liệu kèm theo (vật chứng như quần áo của nạn nhân, băng ghi âm, ảnh đối tượng nếu có…)" - Thiếu tá Hải tư vấn.

Đào Nhật Nam
.
.