Giải trí Việt giữa đại dịch Corona
Tạm dừng các lễ hội
Những ngày qua, dịch viêm phổi do chủng virus Corona mới (2019 - nCoV) gây ra đang có diễn biến phức tạp. Trung Quốc - nơi bùng phát “ổ dịch Vũ Hán” được các chuyên gia kinh tế dự đoán có thể thiệt hại 60 tỷ USD. Riêng ngành điện ảnh của “đất nước tỷ dân” ước tính thiệt hại khoảng 2 tỷ USD khi hàng loạt rạp phim phải đóng cửa vì lo sợ lây nhiễm bệnh trong cộng đồng.
“Sự lây lan ngày một nhanh của dịch bệnh viêm phổi corona so với mức cảnh báo ban đầu, giáng xuống đầu ngành công nghiệp phim ảnh khiến hàng loạt dự án rơi tình trạng “đắp chiếu” trong những tuần đầu năm 2020, khiến lĩnh vực này càng gánh chịu thêm nhiều thương tổn sau một năm 2019 hoạt động bết bát”, tờ Sina bình luận.
Ngày 31-1, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) có công văn 391/BVHTTDL-VHCS về việc phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp trong hoạt động lễ hội, di tích. Trong trường hợp cần thiết, Bộ Văn hóa yêu cầu tạm ngưng tổ chức lễ hội theo đúng quy định tại Điều 8, Nghị định số 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
Trước đó, có 2 lễ hội lớn ở tỉnh Phú Thọ là lễ hội Phết Hiền Quan và lễ hội chọi trâu Phù Ninh đã bị yêu cầu tạm ngừng phần hội để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm virus Corona. Cũng trong ngày này, Sở VH,TT&DL Quảng Ninh có văn bản đề nghị dừng tổ chức các lễ hội, hội xuân, lễ khai hội trên địa bàn tỉnh - vốn là những lễ hội thường được dư luận quan tâm tại các di tích Yên Tử, Ba Vàng, am Ngọa Vân....
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam. |
Tiếp sau đó, một số địa phương - vốn sở hữu nhiều hội xuân truyền thống - cũng đã có những văn bản tương tự. Theo đó, nhiều lễ hội quan trọng như khai ấn đền Trần Nam Định, đền Trần Thái Bình, lễ hội chùa Tam Chúc (Hà Nam), hội Lim (Bắc Ninh)... đều không tổ chức lễ khai hội dự kiến diễn ra rải rác trong tuần tới.
Đến ngày 1-2, Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam gửi văn bản đến ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố yêu cầu các chùa tạm dừng tổ chức lễ hội, các khóa tu tập trung đông người đến từ nhiều vùng khác nhau, chỉ tổ chức các khóa lễ cầu nguyện quốc thái dân an. Giáo hội cũng khuyến khích các chùa tổ chức phát khẩu trang cho phật tử và du khách.
Chiều 1-2, ban quản lý đền Trần cho biết dự kiến hủy tổ chức lễ hội đền Trần, chỉ có ban khánh tiết dâng hương trong đền. Ban tổ chức lễ hội phết Hiền Quan chiều 1-2 công bố dừng tổ chức lễ hội, dù trước đó 2 ngày còn dự định tổ chức họp báo để thông tin về những nỗ lực đổi mới của lễ hội này. Hội phết sẽ chỉ có các cụ trong làng thực hiện nghi lễ dâng hương tại đền.
Cùng với 2 lễ khai hội lớn của chùa Tam Chúc và Yên Tử công bố tạm dừng tổ chức, chùa Phúc Khánh từ sáng 1-2 cũng ra thông bạch dán ở chùa kêu gọi phật tử đến chùa phải đeo khẩu trang, lễ cầu an vẫn được nhà chùa tổ chức nhưng khuyến nghị phật tử có thể ở nhà, “chỉ cần vào thời khắc lễ cầu an, phật tử tâm hướng đến Tam bảo”.
Theo ghi nhận, tại những điểm hành hương lớn ở miền Bắc, lượng du khách tới thực hành các nghi thức tín ngưỡng đã giảm sâu trong mùa lễ hội năm nay. Ở một số địa điểm, khi du khách vẫn có nhu cầu hành hương vì mục đích tâm linh, phía nhà chùa và các tổ chức xã hội đều sẵn sàng cung cấp khẩu trang miễn phí khi cần thiết.
Nói về vấn đề này, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết: “Phật ở trong lòng mình, nếu tâm hướng thiện thì ở đâu cũng có Phật, không nhất thiết cứ phải đến trước chính điện, Tam bảo. Trong thời điểm dịch bệnh, để vừa đi lễ chùa vừa tránh được dịch bệnh, mọi người nên đeo khẩu trang đến chùa lễ, khi cúng lễ cũng không nhất thiết phải bỏ khẩu trang”.
PGS. TS Đỗ Văn Trụ - Tổng Thư ký Hội Di sản văn hóa Việt Nam. |
PGS. TS Đỗ Văn Trụ - Tổng Thư ký Hội Di sản văn hóa Việt Nam ủng hộ, hoan nghênh chỉ thị của Thủ tướng cũng như công văn kêu gọi dừng ngay tất cả lễ hội của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Bộ VH,TT&DL. Theo PGS. TS Đỗ Văn Trụ, các hoạt động văn hóa, di sản phi vật thể rất quan trọng, song, giữa “tâm bão” dịch corona, sức khỏe và tính mạng con người là quan trọng nhất. Chính vì vậy, chúng ta có thể thực hành phần nghi lễ dâng hương gọn nhẹ, linh thiêng, bỏ đi những phần hội hè tập trung đông người để đảm bảo sức khỏe cho dân.
Sân khấu, điện ảnh... cùng “kháng” virus Corona
Sự bùng phát của virus Corona là mối lo ngại của cả cộng đồng. Với mức độ nghiêm trọng của loại virus này, các cơ quan y tế vẫn cảnh báo người dân tránh tụ tập ở những nơi đông người để tránh nguy cơ nhiễm bệnh. Trước cảnh báo, nhiều đơn vị sản xuất, phát hành đã đưa ra phương án phòng ngừa và chủ động ứng phó dịch bệnh.
Chiều 30-1, Thường trực Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã họp và quyết định lùi tổ chức Ngày thơ Việt Nam 2020 vào một thời điểm thích hợp.
Lo sợ dịch bệnh, NSND Hồng Vân cũng thông báo sẽ đóng cửa 2 sân khấu Phú Nhuận và Chợ Lớn từ ngày 9-2. Sân khấu dự định đóng cửa trong 2 tuần và sẽ mở lại vào 14-2, song vẫn tùy thuộc vào tình hình thực tế của dịch bệnh. Trước đó, sân khấu này vẫn duy trì 3 suất diễn/ngày tại sân khấu Phú Nhuận và 2 suất/ngày tại sân khấu Chợ Lớn. Các suất diễn luôn kín chỗ trong những ngày diễn từ mùng 1 tới mùng 6 tết với nhiều vở diễn nổi tiếng như: “Oan hồn truyện”, “Bạch xà truyện”, “Ma nữ không chồng”...
Lễ hội phết Hiền Quan dừng tổ chức vì dịch Corona. |
“Trong lúc diễn nhìn xuống, thấy gần như tất cả khán giả đều đeo khẩu trang, tôi không thể kìm được nước mắt”, NSND Hồng Vân tâm sự. Nữ nghệ sĩ cũng mong khán giả đừng hoang mang, bình tĩnh phòng chống và ứng phó với dịch bệnh.
Nhà hát Tuồng Việt Nam thông báo dừng các buổi biểu diễn phục vụ khách trong nước và quốc tế tại rạp Hồng Hà từ ngày 2-2 đến ngày 9-2 và sẽ diễn trở lại tùy vào tình hình diễn biến thực tế của dịch bệnh.
Các ca sĩ cũng bị ảnh hưởng trầm trọng khi mà các live show ca nhạc có thể là môi trường thuận lợi nhất để phát tán virus Corona. Ca sĩ Đan Trường thông báo hủy tới 9 show diễn. Ca sĩ Erik mới đây cũng vừa phải hủy show diễn ở Đà Nẵng tối 1-2. Ca sĩ Đức Phúc cũng chung cảnh ngộ, buộc phải hủy các show diễn tối 8 và 9-2 tới.
Ở mảng điện ảnh, theo ghi nhận, những ngày qua, tại các rạp chiếu, đa phần khán giả đã đeo khẩu trang, che chắn kỹ lưỡng khi đến xem phim. Có rạp đã thực hiện kiểm tra thân nhiệt nhân viên trước khi vào ca bằng thiết bị đo nhiệt độ cơ thể điện tử. Hiện nay đã có 95% hệ thống rạp toàn quốc áp dụng biện pháp này, 5% còn lại vì lí do khan hiếm nguồn hàng máy đo thân nhiệt nên đơn vị cố gắng hoàn tất 100% vào cuối tuần qua.