Giám định tác phẩm hội họa tại Việt Nam: Bắc thang lên hỏi ông Trời…

Thứ Ba, 01/08/2017, 11:20
Nếu 1 năm trước, câu chuyện tranh giả tranh thật khiến dư luận "dậy sóng" với hơn chục tác phẩm mỹ thuật trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh bị cho là giả thì mới đây, dư luận tiếp tục xôn xao khi đơn vị đấu giá Chọn's vừa công bố tác phẩm "Phố cũ" đã bị nghi là tranh giả.

Sự ra đời của hàng loạt các sàn đấu giá nội địa từng được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy thị trường mỹ thuật phát triển lành mạnh, thúc đẩy sự phát triển của mỹ thuật Việt trong tương lai gần. Nhưng, việc thiếu những "trọng tài" đủ uy tín trong giám định tác phẩm đang đẩy câu chuyện theo chiều hướng ngược lại kỳ vọng ban đầu.

Tin ai bây giờ?

Theo kế hoạch dự kiến, phiên đấu giá số 5 với chủ đề "Những tác phẩm hội họa đặc biệt của 2 bộ tứ trụ hội họa Việt Nam: Trí - Lân - Vân - Cẩn, Nghiêm - Liên - Sáng - Phái" của nhà đấu giá nghệ thuật Chọn's sẽ chính thức diễn ra vào ngày 30/7. Sẽ có khá nhiều tác phẩm hội họa được Chọn's tiến hành đấu giá trong đó có bức tranh "Phố cũ" của họa sĩ Bùi Xuân Phái.

Nhưng, ngay khi giới thiệu tác phẩm, nhiều người đã đặt nghi vấn đây là tranh giả vì tác phẩm này rất giống với "Phố cũ" từng xuất hiện trong phiên đấu giá của Sotheby's (Singapore) bán 11.443 USD năm 2006, sau đó nhà Christie's (Hong Kong) bán 12.804 USD vào 2014. Cả Sotheby's và Christie's đều là những đơn vị đấu giá có uy tín và "tuổi đời" cao nhất trên thế giới hiện nay. Vì vậy, nghi vấn đổ dồn về cho Chọn's - sàn đấu giá nội địa mới hoạt động tại Việt Nam.

Ông Trương Quốc Hùng, đại diện của Nhà đấu giá Chọn's.

Tuy nhiên, đại diện của Chọn's, ông Trần Quốc Hùng khẳng định, tác phẩm sẽ vẫn được đưa ra đấu giá trong phiên số 5 theo kế hoạch, mặc dù, ban tổ chức không khẳng định được 100% rằng "Phố cũ" này là tranh thật. Lý do là Chọn's đã nhờ nhiều bên để thẩm định. Ban tổ chức tin vào kết quả của hội đồng thẩm định và nguồn gốc của bức tranh, nhân thân của người sở hữu. Khi quyết định như thế, Chọn's không có ý khẳng định trong số các bức tranh được đấu giá thì "Phố cũ" của đơn vị là tác phẩm thật còn các bức tranh khác đã được đấu giá thành công ở nước ngoài là giả mà đơn giản là vì Chọn's muốn phơi toàn bộ câu chuyện cũng như tác phẩm ra ánh sáng.

Nếu là phản hồi của người có danh tính, chỉ trực tiếp với những luận cứ rõ ràng, đơn vị sẽ tiếp nhận nhưng nếu là phản hồi "trong bóng tối" một cách gián tiếp thì sẽ không tiếp thu. Chọn's cũng đã công bố cả 3 hình ảnh về "Phố cũ" ở Việt Nam và 2 phiên đấu giá trước ở nước ngoài. Hành vi của người mua trong phiên đấu giá sắp tới sẽ khẳng định đâu là tranh thật đâu là tranh giả. Nếu phiên đấu giá thành công, đơn vị hy vọng những người tham gia 2 phiên đấu giá "Phố cũ" ở nước ngoài sẽ nhìn nhận lại và tìm hiểu vì sao trong nước lại đấu giá được.

Cũng theo ông Trần Quốc Hùng, nạn tranh giả và tranh chép đã ảnh hưởng xấu đến nền mỹ thuật Việt Nam suốt những năm 90 cho đến nay mà không có bất kì biện pháp nào được đưa ra nhằm giải quyết triệt để. Nếu cứ sợ hãi và né tránh sự thật thì vấn đề không thể được giải quyết. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi của người mua, Chọn's cũng đã cam kết, 1 tháng sau phiên đấu giá, nếu mà người mua khiếu nại, chứng minh tác phẩm có vấn đề thì đơn vị sẽ hoàn lại 100% giá trị bức tranh và bồi thường về mặt tinh thần nếu phát hiện tranh giả, tranh chép.

Thiếu đủ thứ

Trong khi đó, thông tin từ Cục Bản quyền và Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm mới đây đã xác nhận đang có chủ trương thành lập trung tâm giám định mới trực thuộc Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm. Nhưng, Trung tâm này có được "chào đời" hay không vẫn chưa có quyết định chính thức. Nếu xảy ra tình trạng kết quả giám định giữa các hội đồng thẩm định trái ngược với nhau sẽ rất khó phân giải vì vẫn thiếu một trọng tài đủ uy tín để thuyết phục các bên.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Trao đổi về vấn đề này, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nhận định, tại Việt Nam hiện nay, giám định tác phẩm hội họa vẫn là vấn đề hết sức khó khăn vì bên cạnh đội ngũ chuyên gia còn cần cả khoa học công nghệ và nhiều yếu tố khác như cơ quan quản lý nhà nước, sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý... Tranh giả vẫn là vấn nạn khó giải quyết. Có rất nhiều những vụ việc liên quan đến xâm phạm bản quyền trong mỹ thuật tưởng như không thể không giải quyết song cuối cùng lại bế tắc.

Mấy thập kỷ qua năm nào cũng có đấu giá tranh giả ở nước ngoài. Tranh Việt hồi hương cũng còn nhiều vấn đề về tính chân xác của tác phẩm. Một thực tế khác là phần lớn các họa sĩ, nếu có bức xúc cũng thường "bức xúc rồi để đấy". Nghệ sĩ không làm đơn khiếu nại thì cơ quan có trách nhiệm tất nhiên không giải quyết. Trong giới mỹ thuật Việt Nam lại có rất ít họa sĩ đăng ký bản quyền. Nếu tác phẩm có bị làm giả, sao chép thì Nhà nước cũng không thể bảo hộ cho tác phẩm.

Ở nước ngoài cũng có tranh giả nhưng họ có trung tâm giám định và có đầy đủ hành lang pháp lý để xử lý các vụ việc vi phạm còn Việt Nam thì chưa. 

Trước đây, Việt Nam từng có trung tâm giám định tác phẩm mỹ thuật. Trung tâm này thuộc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nhưng hoạt động không hiệu quả. Một trong các lý do là chuyên gia của trung tâm được tận dụng từ cán bộ của bảo tàng mà cán bộ của bảo tàng thì không phải ai cũng giỏi nghiệp vụ này. Thiếu những người thực sự biết nghề như thế người sưu tập cũng không tin tưởng. Không kể, chủ sở hữu còn e ngại, lỡ mang ra thẩm định, không may kết quả cho ra tranh giả thì... chết.

Bức tranh "Phố cũ" của họa sĩ Bùi Xuân Phái đang gây tranh cãi khi đưa ra đấu giá công khai.

Hiện nay, một trung tâm giám định đủ uy tín cần thiết song vẫn là khoảng trống bị bỏ ngỏ. Chúng ta có những người có kinh nghiệm vì có cơ hội tiếp xúc với thế hệ họa sĩ Đông Dương nên họ hiểu ngôn ngữ, bút pháp, chất liệu của từng người như thế nào nên có thể cảm nhận ngay là tranh thật hay tranh giả. Nhưng chỉ dựa vào cảm nhận thì khó thuyết phục được người nghe vì khi chứng minh thật giả thì phải có chứng lý, phải có hội đồng thẩm định được pháp luật công nhận, phải có tác phẩm để so sánh, đối chiếu. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến các sàn đấu giá bế tắc.

Cần sự chuyên nghiệp

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn cũng nhận định, sự ra đời của hàng loạt sàn đấu giá tác phẩm nghệ thuật nội địa trong thời gian gần đây được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy đáng kể cho thị trường tranh Việt. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước dạo đầu, có tín hiệu vui nhưng cũng đầy lo lắng. Khi Việt Nam chưa có sàn đấu giá tác phẩm nghệ thuật nội địa thì giá tranh Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc vào sự định giá của các nhà sưu tập nước ngoài.

Các gallery trong nước thì đã có song hoạt động chưa chuyên nghiệp mà nhà sưu tập vẫn hoạt động một cách nghiệp dư. Phần lớn người sưu tập chưa thực sự có đủ dày vốn liếng văn hóa, có "con mắt xanh" để phát hiện ra những tác giả, tác phẩm mình phải mua, giữ bằng được. Thậm chí, nhiều nhà sưu tập còn biến tướng, thành cơ sở tuồn hàng giả ra bên ngoài.

Hiện nay có thêm các sàn đấu giá nội địa song họa sĩ chưa kỳ vọng các sàn đấu giá sẽ minh bạch thị trường trong nước. Lý do là ngay từ đầu, nhiều sàn đấu giá đã có dấu hiệu cho thấy sự thiếu chuyên nghiệp, không tạo ra sự tin cậy cho người tham gia. Dù có hội đồng thẩm định, có người cố vấn nhưng bị cho vẫn có tranh giả. Chưa kể, nếu chọn đúng tác giả nhưng tác phẩm chưa phải là tốt nhất thì cũng khó thúc đẩy phát triển nghệ thuật. Thế nên, việc ra đời các sàn đấu giá chỉ được coi như những cuộc tập dượt để làm quen, để bước đầu hiểu, tiếp cận với sàn đấu giá nội địa. Nếu đưa tác phẩm của họa sĩ trong nước lên giá cao đúng giá trị thì còn phải thời gian khá dài dù họa sĩ rất mong muốn điều đó.

Ngược lại, bà Đỗ Thị Hồng Hạnh, Phó Chủ tịch Hồi đồng quản trị kiêm Giám đốc điều hành công ty cổ phần đấu giá Lạc Việt - một trong số các đơn vị tham gia hoạt động tổ chức đấu giá tác phẩm nghệ thuật sớm nhất ở Việt Nam lại bày tỏ thái độ khá lạc quan. Theo bà Hạnh, Luật Đấu giá tài sản 2016 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-7-2017 là tín hiệu đáng mừng cho thị trường đấu giá còn rất non trẻ tại Việt Nam.

Luật Đấu giá ra đời đã tạo hành lang pháp lý để đưa các hoạt động thương mại phát triển, đặc biệt là bán đấu giá tác phẩm nghệ thuật. Nhưng do tính cạnh tranh chưa lành mạnh của thị trường, người mong muốn sở hữu tác phẩm vẫn luôn phải lo ngại về độ thật giả của tác phẩm nghệ thuật vì chưa có chỗ tin cậy chính thống để trao gửi niềm tin.

Đây là một trong những trở ngại chính cho thị trường mỹ thuật Việt Nam. Trong khi đó, để có một cuộc đấu giá thành công lại vô cùng khó. Việc đầu tiên là lựa chọn các nhà giám tuyển. Trừ trường hợp các nhà giám tuyển bản lĩnh, đã khẳng định tên tuổi trên thị trường Việt Nam và thế giới, nhiều nhà giám tuyển không muốn công khai danh tính. Vì vậy, chịu trách nhiệm chính vẫn là nhà tổ chức đấu giá.

Bà Đỗ Thị Hồng Hạnh, đại diện của công ty Lạc Việt.

Tại Lạc Việt cũng tương tự. Đơn vị sẵn sàng chịu trách nhiệm với tính thật giả, nguồn gốc tác phẩm trước khách hàng, sẵn sàng bồi hoàn thiệt hại nếu sai sót từ phía thẩm định và giám tuyển lựa chọn hàng không đúng như mô tả về sản phẩm đã bán cho khách hàng. Với những tác phẩm có giá trị lớn cần có căn cứ pháp lý chặt chẽ, đơn vị có cam kết liên đới trách nhiệm, đặc biệt là trong kiểm chứng thật giả. Đây cũng chính là bí quyết của mỗi nhà đấu giá nhằm khẳng định uy tín và đưa ra thị trường tài sản chính thống, không bị sự cố khi bắt đầu làm truyền thông.

Tuy nhiên, bà Hạnh cũng thừa nhận, sự nhìn nhận một tác phẩm vẫn phụ thuộc rất nhiều vào tư duy, kinh nghiệm và khả năng riêng của từng người. Việc xác thực tác phẩm là thật hay giả dựa vào căn cứ từ hội đồng thẩm định, song quyết định sự xác thực này vẫn là chính thị trường và khách hàng.

"Hiện nay, trình độ cảm thụ, thưởng lãm nghệ thuật, đặc biệt là các tác phẩm hội họa của Việt Nam chưa cao và chưa đồng đều, nhưng tôi tin với nền giáo dục đang được cải cách và đã du nhập nhiều phương pháp giảng dạy tiên tiến của các nước phát triển thì không lâu nữa sẽ có những tầng lớp am hiểu hội họa, yêu tranh, yêu các tác phẩm nghệ thuật. Từ đó việc buôn bán trao đổi hay nói chung là thị trường mỹ thuật sẽ thật sự phát triển bền vững" - Bà Hạnh khẳng định.

Hoa Nguyễn
.
.