Giảm giá tối đa để kích cầu du lịch thời suy thoái kinh tế

Thứ Tư, 14/01/2009, 09:00
Để khắc phục tình trạng du lịch ế ẩm do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch (VH-TT&DL) vừa đưa ra chương trình hành động của ngành du lịch nhằm thu hút khách quốc tế đến Việt Nam và thúc đẩy du lịch nội địa.

Đây được coi là chiến dịch khuyến mại lớn nhất từ trước đến nay của du lịch Việt Nam với hy vọng sẽ đón được 4,5 triệu lượt khách du lịch nước ngoài và 22 triệu lượt khách du lịch nội địa trong năm 2009...

Chiến dịch khuyến mại lớn nhất từ trước tới nay

Đó là khẳng định của ông Trần Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL, khi nói về chương trình hành động của ngành du lịch. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức chương trình khuyến mại du lịch có quy mô và đồng bộ gồm tất cả các khâu từ vận chuyển hàng không, vận chuyển mặt đất, khách sạn, nhà hàng, cửa hàng mua sắm trong thời gian dài.

Trong thời gian từ nay đến hết tháng 9/2009, các khách sạn cam kết giảm giá từ 30-50% (so với hợp đồng đã ký với các Công ty lữ hành); Việt Nam Airline cam kết khuyến mại từ 30 đến 50% giá vé các đường bay quốc tế và nội địa cho các tour du lịch; các nhà cung cấp dịch vụ (vận chuyển, hướng dẫn, mua sắm, ăn uống, đặc biệt là các cửa hàng, nhà hàng đạt chuẩn du lịch) cam kết đăng ký tham gia chương trình này, giảm giá dịch vụ cho khách du lịch.

Theo ông Vũ Thế Bình - Vụ trưởng Vụ Lữ hành - Tổng cục Du lịch (TCDL), với phương châm giảm giá nhưng không giảm chất lượng phục vụ, hiện đã có 37 công ty lữ hành, 61 khách sạn, 3 hãng vận chuyển và 14 cửa hàng mua sắm tham gia đợt 1 của chương trình khuyến mại này với 99 tour (32 tour cho khách Pháp - Tây Âu; 17 tour cho khách New Zealand và Australia; 19 tour cho khách ASEAN; 27 tour cho khách Trung Quốc và 4 tour cho khách Nhật).

Các Sở VH-TT&DL cùng Hiệp hội Du lịch sẽ giám sát các doanh nghiệp đã đăng ký tham gia thực hiện khuyến mại. “Chúng tôi hy vọng giai đoạn 2 được triển khai sau tết Nguyên đán sẽ có số doanh nghiệp tham gia đông hơn”.

Để thu hút khách du lịch, Bộ VH-TT&DL sẽ tập trung tổ chức các lễ hội lớn vào dịp đầu xuân Kỷ Sửu: Lễ hội Chùa Hương, Yên Tử, Đền Hùng, Hội Lim và các lễ hội Kate, Ooc Om bok; các sự kiện du lịch và Lễ hội Tây Nguyên, các hoạt động chuẩn bị cho Năm du lịch quốc gia 2010 tại Hà Nội.

Hiện TCDL đã thiết kế trang web chính thức giới thiệu các chương trình khuyến mại. Từ trang web này công bố đường link tới các trang web của doanh nghiệp lữ hành tham gia vào chương trình.

Để triển khai chương trình khuyến mại, Bộ cũng đã thành lập 9 nhóm công tác thị trường bao gồm các doanh nghiệp lữ hành quốc tế và Hàng không Việt Nam, có sự tham gia của một số khách sạn, nhà hàng, cửa hàng.

Đây sẽ là lực lượng nòng cốt triển khai Chương trình khuyến mại. 9 nhóm thị trường gồm: Pháp - Tây Âu; Nhật Bản; ASEAN; Australia và New Zealand; Trung Quốc; Bắc Mỹ; Nga - Đông Âu; Bắc Âu; Hàn Quốc.

Thứ trưởng Trần Chiến Thắng cho biết, hiện Bộ VH-TT&DL đã có đề nghị các Bộ, ngành liên quan thực hiện một loạt các giải pháp hỗ trợ, đó là:

Giảm thuế VAT từ 10% xuống 5% cho doanh nghiệp du lịch, khách sạn; tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch mang phương tiện vào Việt Nam cũng như khách thuê và sử dụng phương tiện tự lái tại Việt Nam theo hướng thống nhất một đầu mối cấp phép.

Đề nghị Bộ GT-VT triển khai chiến dịch nâng cao văn minh phục vụ trong dịch vụ taxi, thực hiện công khai giá, kiểm tra và có biện pháp xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân kinh doanh taxi lừa đảo, đặc biệt là lái xe taxi vận chuyển khách từ sân bay về các thành phố.

Đề nghị Bộ Công thương cho thu giá điện, nước tại khách sạn theo mức giá sản xuất kinh doanh (không quy định giờ cao điểm, không phân biệt 3 loại giá như hiện nay), xây dựng đề án hoàn thuế giá trị gia tăng cho khách du lịch tại các cửa khẩu quốc tế và giảm thuế nhập khẩu xăng dầu.

Đề nghị Bộ Bưu chính- Viễn thông cho các khách sạn tự thỏa thuận với khách giá thu các dịch vụ bưu chính viễn thông.

Đề nghị Bộ Công an triển khai cấp visa tại các cửa khẩu, cho phép các khách sạn phục vụ các dịch vụ giải trí cho khách tại khách sạn tới 2 giờ sáng.

Đề nghị Bộ Ngoại giao cải tiến công tác cấp visa tại các Sứ quán Việt Nam ở nước ngoài theo hướng công khai, rõ ràng và thuận lợi cho khách du lịch...

Bộ cũng đề nghị UBND các tỉnh giảm lệ phí 30-50% lệ phí tham quan tại các điểm du lịch ở địa phương cho khách du lịch từ tháng 1 đến tháng 9/2009; bãi bỏ việc cấp phép tham quan du lịch tại các điểm du lịch...

Cùng với thu hút khách quốc tế, TCDL cũng đã chỉ đạo các doanh nghiệp lữ hành phối hợp với các khách sạn và các nhà cung cấp dịch vụ xây dựng các tour khuyến mại cho khách du lịch nội địa, thay thế một phần cho thị trường du lịch quốc tế.

Với chương trình siêu khuyến mại này, ngành du lịch Việt Nam đang kỳ vọng thực hiện mục tiêu năm 2009 là đón 4,5 triệu đồng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và 22 triệu lượt khách du lịch nội địa.

Việt Nam vẫn sẽ là điểm đến của khách du lịch thời suy thoái kinh tế?

Trước khi Bộ VH-TT&DL đưa ra chương trình này, để ứng phó với tình trạng số lượng du khách, đặc biệt là khách nước ngoài bị giảm sút, nhiều địa phương đã chủ động có giải pháp kích cầu du lịch.

Trong đó có những địa phương đã triển khai khá bài bản như tỉnh Quảng Nam đầu tư 4 tỉ đồng để tổ chức các hoạt động lễ hội, văn hóa, văn nghệ... nhằm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với Quảng Nam nói chung và Hội An nói riêng.

Để thu hút khách, năm 2009, Quảng Nam tập trung tổ chức các sự kiện du lịch lớn gồm: Các lễ hội dân gian mùa xuân 2009; Lễ hội Quảng Nam - Hành trình Di sản lần thứ IV; Mùa du lịch biển Quảng Nam và các hoạt động kỷ niệm 10 năm UNESCO công nhận Hội An, Mỹ Sơn là Di sản văn hóa thế giới... trong đó, chương trình đón tết cổ truyền Kỷ Sửu 2009 ở Hội An từ ngày 14 tháng Chạp đến 16 tháng Giêng, bao gồm: giảm 30% giá phòng ở, 30% phí tham quan, miễn phí vào cửa các chương trình nghệ thuật cổ truyền, các khu triển lãm, giảm 20% giá hàng may mặc... Đặc biệt giảm 40% phòng ở vào dịp tết Nguyên tiêu...

Còn với chương trình khuyến mại, giảm giá có quy mô trên diện rộng và nghe khá hấp dẫn này, chính Vụ trưởng Vụ Lữ hành Vũ Thế Bình cũng khẳng định đây chỉ là chương trình mang tính cấp bách tạm thời và chỉ thực hiện trong thời gian nhất định. “Khi nào ngành du lịch Việt Nam bình ổn trở lại và có xu hướng phát triển thì đợt khuyến mại này sẽ dừng”.  

Nhưng, vấn đề đặt ra là liệu với chương trình khuyến mại này có đủ hấp dẫn để kéo khách du lịch đến Việt Nam? Câu hỏi này có lẽ sẽ phải chờ thời gian mới trả lời được. Bởi nói như ông Trần Chiến Thắng “thế giới có tới  hơn 200 nước, nước nào cũng hay cả, vì vậy với những người đã từng đến Việt Nam và họ sẽ không quay lại cũng là bình thường”.

Tuy nhiên, ông Thắng cũng tỏ ra khá lạc quan với mục tiêu 4,5 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2009, bởi thực tế trong số hơn 4,2 triệu lượt khách nước ngoài đến Việt Nam trong năm 2008, số  người đi “du lịch thuần túy” so với năm 2007 không hề giảm.

“Tiềm năng của ta rất lớn, đó là phong cảnh thiên nhiên và nhiều phong tục tập quán, cùng với đó chúng ta có môi trường đầu tư tốt, xã hội ổn định do đó dòng khách du lịch công vụ sẽ tăng trong thời gian tới. Vì vậy nên lạc quan nhìn về tương lai và có thể đạt được  mục tiêu 4,5 triệu lượt khách quốc tế” - ông Thắng khẳng định

Nguyễn Thiêm
.
.