Giảm tai nạn giao thông: Cần tăng mức xử phạt

Thứ Hai, 06/02/2012, 20:30

Chỉ trong 9 ngày nghỉ tết, đã có tới 317 người chết, 380 người bị thương vì tai nạn giao thông (từ ngày 21 đến 29/1/2012). Mặc dù theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt thì so với 9 ngày tết Nguyên đán năm 2011 thì đã giảm được 93 vụ, 48 người chết và 96 người bị thương, nhưng quả thực nhìn vào những con số này, vẫn không khỏi giật mình khi tính trung bình mỗi ngày vẫn có tới 35 người chết, trong khi các cơ quan chức năng đã tìm đủ mọi giải pháp để kiềm chế tai nạn giao thông. Vậy nguyên nhân do đâu?

1. 13 giờ ngày 28/1 (mùng 6 tết), trên đoạn Quốc lộ 1A đèo Cao, thuộc thôn Long Thạnh 1, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi xảy ra vụ tai nạn giao thông (TNGT) kinh hoàng giữa 3 xe ôtô khách làm 3 người chết, 6 người bị thương nặng.

Xe khách Ngọc Sinh biển kiểm soát 76M - 0348 chạy tuyến Quảng Ngãi - Cần Thơ xuất phát từ Bến xe Quảng Ngãi lúc 11 giờ ngày 28/1. Khi đến đèo Cao, thuộc thôn Long Thạnh 1 thì xe bị hư hỏng nhẹ. Lái xe cho dừng xe bên đường tập trung sửa.

Lúc này xe khách hiệu Phú Dư biển kiểm soát 72N-9085 chạy tuyến Quảng Ngãi vào Vũng Tàu do tài xế Châu Đình Sự điều khiển. Khi lên khu vực đèo Cao, xe Phú Dư chạy tốc độ cao đã va vào xe ôtô khách biển số 51B-02263 chạy ngược chiều. Cú va mạnh dọc bên hông làm xe ôtô 51B-02263 lao lên đồi núi. Riêng xe ôtô 72N-9085 đâm thẳng qua bên đường húc vào xe ôtô 76M-0348 đang sửa. Lúc này tài xế, phụ xe và một số hành khách đang sửa xe đã bị xe 72N-9085 húc văng, đầu và đuôi hai xe ôtô dính vào nhau.

Vụ tai nạn kinh hoàng đã làm 3 người chết là Nguyễn Duy Trinh (37 tuổi, ngụ thôn An Trường, xã Phổ Ninh, huyện Đức Phổ), Phạm Chính (46 tuổi, ngụ thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn), Phạm Tấn Sinh (47 tuổi là tài xế xe khách Ngọc Sinh), đây là 3 người khi xảy ra tai nạn đang ở dưới gầm chiếc xe 76M-0348 để sửa xe. 6 hành khách khác trên xe khách Ngọc Sinh và xe Phú Dư bị thương nặng.

Vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng giữa 3 chiếc xe khách tại Quảng Ngãi, làm 9 người chết và bị thương.

2. Nhưng, đó chỉ là một trong số 393 vụ tai nạn giao thông và là 1 trong 5 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong dịp nghỉ tết Nguyên đán vừa qua.

Theo đánh giá của Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trong 9 ngày tết Nguyên đán Nhâm Thìn năm 2012 trên toàn quốc cơ bản được đảm bảo, phục vụ tốt sự đi lại của nhân dân đón xuân, vui Tết, TNGT giảm nhiều (cả 3 tiêu chí) so với 9 ngày tết Nguyên đán năm 2011; không xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài và đua xe trái phép.

Tuy nhiên, tình trạng thanh, thiếu niên không đội mũ bảo hiểm khi đi môtô, xe máy còn nhiều. Vì vậy, lực lượng Cảnh sát giao thông đã kiểm tra xử lý 45.460 trường hợp vi phạm TTATGT; tạm giữ 43 ôtô và 8.151 môtô.

Theo Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt thì mặc dù so với 9 ngày tết năm 2011 đã giảm được cả 3 mặt: số vụ, số người chết và số người bị thương vì tai nạn giao thông, tuy nhiên, vẫn có tới hơn 300 người chết bởi có những nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trước hết là do dịp tết năm nay, cán bộ công chức và học sinh sinh viên được nghỉ tết dài vì vậy bố trí di chuyển nhiều hơn nên lưu lượng người, phương tiện tham gia giao thông tăng đột biến, đặc biệt là các đô thị; tại các địa phương đều tổ chức lễ hội thu hút một lưu lượng lớn người và phương tiện trong khi cơ sở hạ tầng về cơ bản chưa có gì thay đổi đã làm tăng áp lực giao thông.

Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân khiến TNGT gia tăng vẫn là do ý thức người tham gia giao thông hiện vẫn còn rất kém. Vì vậy có thể nói không quá rằng Luật Giao thông đường bộ hiện nay là bộ luật bị vi phạm nhiều nhất. Ý thức tự giác chấp hành pháp luật TTATGT của một bộ phận người tham gia giao thông còn rất yếu kém. Các hành vi vi phạm: Đi không đúng phần đường, làn đường; điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ quá tốc độ cho phép; lái xe ôtô sử dụng rượu, bia; người điều khiển xe môtô, xe gắn máy có nồng độ cồn vượt quá quy định; người tham gia giao thông bằng xe môtô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm; học sinh, sinh viên chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe vẫn điều khiển xe môtô, xe gắn máy; lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, mở đường ngang trái phép… còn xảy ra thường xuyên, phổ biến. Những vi phạm này là nguyên nhân chính gây TNGT và là nguy cơ làm gia tăng TNGT.

Mặc dù ngoài lực lượng Cảnh sát giao thông, còn có lực lượng chức năng của ngành giao thông, rồi các tổ chức đoàn thể, xã hội cùng trực tiếp tham gia vào việc đảm bảo TTATGT; tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao thông; thậm chí mỗi năm có hẳn một tháng 9 là Tháng An toàn giao thông với rất nhiều hoạt động nhưng hàng ngày người ta vẫn ngang nhiên vi phạm Luật Giao thông.

Trong các vụ TNGT gây hậu quả thảm khốc thì phần lớn có liên quan đến xe khách. Có dịp ra đường tuần tra kiểm soát với lực lượng Cảnh sát giao thông mới thấy nhiều lái xe khách coi việc chấp hành luật chỉ là đối phó. Vì thế, xe xuất bến từ Nam Định nhưng vào Nghệ An khi kiểm tra thì lái xe chỉ còn xuất trình được một… mớ biên lai xử phạt.

Theo Thượng tá Trần Sơn, để giảm TNGT thì ngoài việc lực lượng chức năng tăng cường tuần tra kiểm soát, một vấn đề quan trọng vẫn phải bắt đầu từ ý thức người tham gia giao thông. Để ý thức được nâng cao, một trong những biện biện pháp tính tới là tăng mức xử phạt với người vi phạm, trước mắt là xử phạt ở mức kịch khung theo quy định.

Từ ngày 1/2/2012, việc điều chỉnh giờ học và làm sẽ được thực hiện, áp dụng đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan quản lý giáo dục và giáo viên, học sinh các trường của Hà Nội.

Theo đó, việc điều chỉnh giờ học và làm sẽ áp dụng, thực hiện đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan quản lý giáo dục và giáo viên, học sinh các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT); các trường trung cấp chuyên nghiệp và cao đẳng trên địa bàn 10 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàng Mai, Long Biên và 2 huyện Thanh Trì, Từ Liêm.

Theo đó, đối với cán bộ công chức công tác ở Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo, thời gian bắt đầu làm việc buổi sáng từ 8 giờ và kết thúc giờ làm việc buổi chiều là 17 giờ.

Đối với cán bộ, giáo viên làm việc trong các trường học, thời gian làm việc hàng ngày thực hiện theo giờ học tập của học sinh và phân công của lãnh đạo đơn vị.

Đối với học sinh các trường mầm non, tiểu học, THCS, thời gian bắt đầu lớp học buổi sáng từ 8 giờ và kết thúc lớp học chiều vào 17 giờ. Các trường chủ động bố trí cán bộ, giáo viên, nhân viên để tiếp nhận học sinh từ 7 giờ 30 phút và quản lý học sinh đến 17 giờ 30 phút hàng ngày.

Học sinh, sinh viên các trường THPT, trung cấp chuyên nghiệp và cao đẳng bắt đầu học buổi sáng từ trước 7 giờ hàng ngày, kết thúc giờ học buổi chiều sau 19 giờ hàng ngày.

Nguyễn Thiêm
.
.