Trung Quốc khai mạc Kỳ họp Quốc hội khóa 11 và Chính hiệp khóa XI:

Giảm tăng trưởng kinh tế, tăng ngân sách quốc phòng

Thứ Năm, 08/03/2012, 15:40

Dư luận trong và ngoài Trung Quốc đặc biệt quan tâm tới kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 11 (khai mạc hôm 5/3 vừa qua) bởi đây là phiên họp cuối cùng của nội các do Thủ tướng Ôn Gia Bảo đứng đầu và quốc gia hơn 1,34 tỉ người đang chuẩn bị nhân sự để tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Kỳ họp thứ 5 kéo dài 10 ngày với sự tham dự của gần 3.000 đại biểu và tập trung thảo luận các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội quan trọng của Trung Quốc thời gian tới. Trong thời gian diễn ra kỳ họp, các đại biểu sẽ thảo luận nhiều vấn đề quan trọng như Báo cáo công tác của chính phủ, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Tòa án và Viện Kiểm sát, phê chuẩn kế hoạch và dự toán ngân sách, xem xét dự án Luật Tố tụng hình sự sửa đổi, dự thảo quyết định về danh sách và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 12…

Thủ tướng Ôn Gia Bảo cho biết, Trung Quốc hạ thấp mục tiêu tăng trưởng kinh tế xuống còn 7,5% (thấp hơn con số 8% của năm 2011) trong năm 2012, đồng thời ưu tiên kiềm chế lạm phát và ổn định xã hội. Theo đó, mức lạm phát sẽ cố gắng dưới 4% trong năm 2012, không đổi so với mục tiêu trong năm 2011.

Đây được coi là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc muốn giảm nhẹ tăng trưởng khi cố gắng tái cân bằng nền kinh tế trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính trên thế giới vẫn chưa kết thúc. Trung Quốc cũng phấn đấu tăng 10% giá trị xuất nhập khẩu, thúc đẩy tăng trưởng hơn nữa trong tái cấu trúc công nghiệp, đổi mới, bảo tồn năng lượng, giảm khí thải và đảm bảo thu nhập thực sự của người dân ở cả thành thị và nông thôn tăng trưởng cùng với sự tăng trưởng của nền kinh tế.

Trong năm 2012, Trung Quốc sẽ tạo hơn 9 triệu việc làm mới tại các thị trấn và thành phố. Thủ tướng Ôn Gia Bảo cũng đề cập tới việc khuyến khích tiêu dùng nội địa, tăng chi tiêu cho các dịch vụ xã hội và tăng thu nhập cho nhóm trung lưu và nhóm thu nhập thấp trong khi mở rộng niềm tin của người tiêu dùng. Ngoài ra, thâm hụt ngân sách được dự báo giảm còn 1,5% GDP, tức 800 tỉ NDT (khoảng 126,8 tỉ USD).

Đại biểu tham dự kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 11.

Một trong những điểm đáng quan tâm và được dư luận chú ý trong bài phát biểu trước Quốc hội hôm 5/3 của Thủ tướng Ôn Gia Bảo chính là sự khẳng định quyền của người nông dân đối với đất đai của họ là bất khả xâm phạm - quyền hợp pháp của người dân phải được bảo vệ. Tuyên bố này được đưa ra chỉ một ngày sau các cuộc bầu cử ở làng Ô Khảm, tỉnh Quảng Đông sau khi người dân ở đây bất bình, phản đối trước tình trạng quan chức địa phương thu hồi đất đai bừa bãi. Theo thống kê của Viện Khoa học - Xã hội Trung Quốc, tranh chấp về đất đai đã gây ra hơn 65% vụ khiếu kiện đông người ở Trung Quốc.

Ngoài ra, một loạt biện pháp giữ vật giá cơ bản ổn định cũng được áp dụng trong năm 2012 bởi Trung Quốc có đủ điều kiện để thực hiện nhiệm vụ này. Được biết, sản xuất nông nghiệp được mùa liên tục trong 8 năm qua đã tạo điều kiện dự trữ lương thực dồi dào. Đây là tuyên bố hôm 5/3 của ông Trương Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Phát triển và Cải cách Nhà nước Trung Quốc. Theo đó, trong năm 2012 Trung Quốc sẽ áp dụng một loạt biện pháp nhằm giữ mặt bằng vật giá chung cơ bản ổn định, không gây xáo trộn tới đời sống của người dân.

Trước khi kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 11 khai mạc, kỳ họp thứ 5, khóa XI của Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân toàn quốc Trung Quốc (Chính hiệp) đã diễn ra. Kỳ họp này đã nhận được hơn 600 đề xuất của các đại biểu liên quan đến những lĩnh vực như an toàn vệ sinh thực phẩm, giáo dục, y tế, nhà ở…

Dư luận đặc biệt quan tâm tới việc Trung Quốc sẽ áp dụng luật bầu cử sửa đổi từ năm 2013, áp dụng quy định tỷ lệ đại diện, trong đó các khu vực nông thôn và thành thị có số đại biểu tương ứng với số dân là 670.000 cử tri sẽ có một đại diện tại Quốc hội. Như vậy, hơn 2.000 đại biểu sẽ được bầu vào năm 2013. Việc này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc có đặc điểm đất rộng và người đông, cùng sự khác biệt về kinh tế và xã hội của từng vùng gây khó khăn cho việc bầu trực tiếp đại biểu Quốc hội của các cấp. Đây được coi là động lực thúc đẩy mạnh cho sự phát triển kinh tế và xã hội trong bối cảnh Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều cơ hội và thách thức mới. Dư luận quan tâm tới vấn đề đảm bảo xã hội, vấn đề phân phối không công bằng, vấn đề CPI, ô nhiễm môi trường, vấn đề tham nhũng…

Giới truyền thông cho rằng, việc Trung Quốc sẽ tăng 11,5% ngân sách cho lực lượng cảnh sát và các cơ quan an ninh khác nhằm ngăn chặn những vụ bạo động tương tự ở khu tự trị Tân Cương thực sự khiến dư luận quan tâm. Bởi con số này được đưa ra sau khi ngân sách quốc phòng năm 2012 của Trung Quốc đạt mức 670,274 tỉ NDT (khoảng 106,4 tỉ USD), tăng 11,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc năm 2011 ở mức 602,6 tỉ NDT, chiếm 1,28% GDP.

Giới chuyên môn nhận định, trong hơn hai thập niên qua, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc tăng liên tục hằng năm và hiện đứng thứ 2 thế giới, sau Mỹ. Theo thống kê, từ năm 1990 đến nay, mỗi năm ngân sách quốc phòng của Trung Quốc gần như đều tăng trưởng trên 2 con số. Dư luận cũng đặc biệt quan tâm tới tuyên bố của một số nghị sĩ tỉ phú bởi họ kêu gọi chính phủ mở cửa hơn đối với khu vực tư nhân

Nguyễn Thị Lân (tổng hợp)
.
.