Giảm thiểu tai nạn thương tích ở trẻ: Cần phổ cập kiến thức sơ cứu trong cộng đồng

Chủ Nhật, 21/06/2020, 09:24
Vai trò của cộng đồng vô cùng quan trọng đối với việc phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ. Đặc biệt là sơ, cấp cứu trước khi đưa nạn nhân tới cơ sở y tế. Sơ cấp cứu không đúng phương pháp, bỏ qua “giờ vàng” thì cho dù có trang thiết bị hiện đại, bác sĩ giỏi cỡ mấy cũng đành “bó tay” khi “vuột” mất giờ vàng.

Bất cẩn của người lớn

Chỉ trong 2 tuần đầu tháng 5, Khoa Hô hấp 1 Bệnh viện Nhi đồng 2 TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận tới 4 trường hợp đuối nước, các bé này đều nhập viện trong bệnh cảnh suy hô hấp nặng cần hỗ trợ hô hấp, may mắn chưa ghi nhận ca tử vong nào. Như trường hợp bé J. (17 tháng tuổi), do gia đình không để ý, bé ra vườn nhà chơi và rơi xuống hồ bơi. Khi phát hiện, bé đã ngất và tím tái, gia đình sơ cứu và đưa bé vào Bệnh viện Nhi đồng 2, bác sĩ cho bé thở máy 3 ngày tại Khoa Hồi sức tích cực, rất may đã qua cơn nguy kịch.

Theo bác sĩ Đinh Tấn Phương - Trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh, đuối nước là một trong những tai nạn thương tích xảy ra rất nhiều ở trẻ, nhất là vào dịp hè mà chưa có dấu hiệu giảm thiểu. Qua những ca cấp cứu về tai nạn thương tích ở trẻ nhập viện cho thấy, cùng với tai nạn thương tích đuối nước, trẻ còn gặp rất nhiều loại tai nạn thương tích mà bác sĩ Phương cho rằng “khó có thể tưởng tượng” lại có thể xảy ra.

Bé trai nuốt phải dị vật là những viên bi nam châm trong trò chơi ráp hình.

Theo thống kê của Bệnh viện Nhi đồng 1, chỉ tính riêng năm 2019, bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị 3.887 ca cấp cứu, trong đó có 168 ca tai nạn thương tích ở trẻ gồm: 10 ca cấp cứu do đuối nước; ngạt nước; 20 ca do bị chấn thương; 68 ca trẻ bị rắn cắn; 70 ca trẻ bị ngộ độc các loại. Đáng chú ý, ghi nhận có tới 1.001 ca trẻ bị té, ngã các kiểu; chưa thống kê hết nhưng nhiều ca tai nạn trẻ bị bỏng, bị tai nạn do cháy nổ, điện giật; bị uống nhầm hóa chất, dầu hôi, do người lớn bất cẩn.

Bác sĩ Phương kể về một ca tai nạn thương tích ở trẻ do uống nhầm dầu hôi do người nhà bất cẩn. Người mẹ sơ ý để dầu hôi vào cái bình nhựa giống hệt dụng cụ hay dùng chăm sóc trẻ hằng ngày. Dầu hôi bên trong màu trắng giống nước tinh khiết và đưa cho trẻ uống. Tai nạn thương tích kiểu này ở trẻ, bệnh viện gặp thường xuyên. Hoặc trẻ nhỏ tự chơi, thiếu giám sát của cha mẹ, đã bò tới gần chai đựng hóa chất, đựng thuốc trừ sâu, tò mò mở nắp và uống phải.

Theo bác sĩ Phương, khi xảy ra ngộ độc những hóa chất này, thường trẻ không uống nhiều vì mùi hóa chất rất khó chịu nhưng lại bị hít sặc do hóa chất xộc vào mũi, miệng. Dầu hôi là chất ăn mòn, chất bay hơi, lo ngại nhất là trẻ bị hít vào đường thở, gây viêm phổi nặng nề hoặc bị bỏng đường họng, điều trị rất khó khăn. Di chứng để lại lâu dài, khó chữa trị và ảnh hưởng tới cuộc sống sau này ở trẻ khi lớn lên.

Mảnh thủy tinh vỡ trong họng bé gái 8 tháng tuổi được lấy ra.

Cũng có trường hợp trẻ ngộ độc hóa chất là rượu. Nguyên nhân cũng do cha, mẹ sơ ý “lấy nhầm” cho con uống. Một vụ việc điển hình đó là do tình cờ rượu để trong chai nước suối (do người lớn uống còn dư, để lại từ đêm trước). Người mẹ không biết, bất cẩn không kiểm tra nên tưởng là nước suối, hâm nước trong chai tinh khiết cho ấm lại và đổ sữa pha cho con bú bình.

Khi cho bé uống một hồi, mẹ thắc mắc tại sao mặt con “đỏ lè” và ho sặc sụa. Mẹ cầm bình lên uống thử thì “tá hỏa” khi phát hiện mình đã pha sữa cho con uống với rượu. Vội vàng đưa con đi viện cấp cứu thì đã trong tình trạng bị ngộ độc rượu. “Đây là một tình huống mà bác sĩ chúng tôi nghĩ khó có thể xảy ra thế mà nó vẫn xảy ra”, bác sĩ Phương nói.

Rời xa tầm mắt của người lớn thì có thể xảy ra bất cứ điều gì cho trẻ. Đây là nguyên nhân khiến trong năm 2019, Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận 70 ca trẻ bị ngộ độc các loại. Trong đó có nhiều trẻ bị ngộ độc hóa chất, ngộ độc rượu, thuốc trừ sâu, ngộ độc thuốc...

Loại tai nạn thương tích hay gặp nữa ở trẻ nữa là bỏng. Theo bác sĩ Phương, loại tai nạn này “có thể kể cả ngày không hết”. Có vô số tình huống: bỏng nước phích, bỏng nước nồi nấu lẩu, bỏng do đang đun nước dưới nền nhà, trẻ bò tới và lao vào... Tất cả đều do nguyên nhân cha mẹ bất cẩn để trẻ vào khu vực bếp.

Bác sĩ nội soi chiếc đinh trong bụng bệnh nhi 2 tuổi.

Cần phổ cập kiến thức sơ, cấp cứu

Bệnh viện Nhi đồng 1 đã từng tiếp nhận nhiều ca trẻ nhũ nhi nhập viện trong tình trạng bị suy hô hấp, chết đuối ngay trong thau nước trong nhà. Do trẻ còn quá nhỏ, không thoát ra khỏi tai nạn này được vì trong cảnh bị chổng ngược chân, đầu chúc xuống xô nước hay thau nước. Ở trẻ đi học, trong phòng, chống tai nạn đuối nước, nhất là dịp nghỉ hè, các bậc cha mẹ không nên chủ quan vì con mình bơi giỏi. Chết đuối vẫn xảy ra khi trẻ đi bơi ở vùng biển lạ, khu vực có nhiều đá ngầm, sóng xoáy... do trẻ bị chuột rút vì lâu lâu mới đi bơi một lần. Phải luôn phải “kề cận” bên con, giám sát con khi cho đi bơi.

Trong năm 2019, Bệnh viện Nhi đồng 1 từng cấp cứu 1 trường hợp, đó là khi mẹ dẫn con đi bơi, vì chủ quan cho rằng trên bờ có nhân viên cứu hộ quan sát nên đi ra ngoài một chút. Chỉ vài phút sau, mẹ trở lại hồ bơi đã không thấy con trên mặt hồ, vội chạy lại thì thấy con chìm nghỉm dưới đáy. “Trường hợp này do mới khoảng 2 phút, còn trong giờ vàng và nhân viên cứu hộ tại hồ có kinh nghiệm nên chúng tôi đã cứu được bé này. Qua đó cho thấy, chớ phó mặc hoàn toàn cho nhân viên cứu hộ tại hồ bơi” - bác sĩ Phương nói.

Như vậy, vấn đề cấp cứu tại cộng đồng và ý thức của cộng đồng là rất quan trọng. Hệ thống cộng đồng phải “giỏi” về sơ, cấp cứu, mang tính chất phổ cập những kiến thức sơ, cấp cứu cơ bản. Trong đó, trước hết là từ phía trường học. Ngành giáo dục cần trang bị những kiến thức về phòng chống tai nạn thương tích ở học trò, ở từng lứa tuổi cần được trang bị kiến thức khác nhau. Ít nhất là tới lớp 9, học sinh phải hiểu cơ bản về những loại tai nạn thường phải đối mặt và biết cách đề phòng.

Ca cấp cứu tai nạn thương tích ở trẻ do bỏng nặng tại Bệnh viện Nhi đồng 2, tháng 5 vừa qua.

Tới lớp 12, học sinh cần biết tự xử trí những sơ, cấp cứu cơ bản, tại hiện trường... khi cấp cứu cho người đuối nước, khi cấp cứu cho người bị rắn cắn xử trí ra sao! Vì nạn nhân sống hay chết phụ thuộc rất nhiều vào lúc sơ, cấp cứu. Trong vòng 4 phút mà đuối nước không được sơ, cấp cứu, não không thể phục hồi do thiếu ôxy; chất độc rắn cắn nhanh chóng vào máu lên thần kinh trung ương làm tê liệt, suy tuần hoàn rất nhanh nếu không biết làm đúng thao tác cứu người bị nạn. Trong khi, tình huống rắn cắn đa phần tại nơi heo hút, xa nhà, xa cơ sở y tế. Vì qua thời gian tối thiểu, não có cứu được cũng để lại di chứng.

Điều quan trọng là “tận dụng thời gian vàng” khi sơ, cấp cứu tại chỗ và đúng cách. Vì lúc xảy ra tai nạn, chỉ có người nào gần nạn nhân nhất, biết sơ, cấp cứu đúng cách mới cứu được nạn nhân. “Cộng đồng giỏi sơ, cấp cứu thì mới góp phần giảm thiểu tai nạn thương tích và tác hại của tai nạn thương tích ở trẻ. Bớt đi gánh nặng cho những bác sĩ cấp cứu như chúng tôi khi cứu bệnh nhân. Đó là những điều mà chúng tôi vô cùng mong mỏi”, bác sĩ Phương chia sẻ.

Dị vật được các bác sĩ lấy ra từ trong người trẻ nhỏ.

Xây dựng chuẩn cấp cứu tai nạn thương tích

Đề cập tới các nạn nhân được cấp cứu trong đám cháy xảy ra tại quận Bình Tân ngày 31-5 vừa qua làm cả gia đình 4 người, gồm vợ chồng và 2 con phải cấp cứu nhập viện. Trong đó, người cha tử vong khi tới viện, người mẹ và 2 con ngạt khói phải nhập viện Chợ Rẫy và Nhi đồng 1. Tình trạng khi nhập viện là 2 bé đã suy hô hấp, ngộ độc khí CO, đau họng, bỏng đường thở, bỏng đường họng... Trong 2 bé này, bác sĩ đã cấp cứu thở ôxy qua mặt nạ không thở lại với Fio2 100%, kháng sinh và kháng viêm. Áp dụng đúng phương pháp nên 2 bé đã cải thiện ngay tình trạng suy hô hấp, hết toan máu. Bác sĩ theo dõi tiếp việc bỏng đường thở, sử dụng kháng sinh, kháng viêm và thở ôxy qua Cannula.

Bác sĩ Đinh Tấn Phương phân tích, trong các ca cấp cứu cho nạn nhân bị bỏng nhiệt do cháy (nhất là cháy nhà), bao giờ cũng phải chú ý vấn đề bỏng ngoài da và có nguy cơ cao nhất là bệnh nhân bị bỏng đường hô hấp, hít nhiều khói, bụi, muội than, do đường thở hít phải. Những người bị “kẹt” trong đám cháy bao giờ cũng sẽ bị ngạt bởi khí CO. Vấn đề của nhân viên cứu hộ và cứu nạn, phải giúp nạn nhân được thải khí CO ra càng nhanh càng tốt. Thông thường, khi ấy ta phải cho thở ôxy 100% hoặc thở ôxy cao áp để “kéo” CO ra ngoài.

Người bị nạn khí CO còn bị muội than vào phế quản, bệnh nhân hít phải khói kèm muội than. Khi ấy muội lấp đầy đường thở, các phế nang làm việc trao đổi không khí giữa ôxy và các phế nang bị hạn chế, giảm đi. Do đó, khi suy hô hấp do ngạt khói thì bệnh nhân cần được cấp cứu rửa phế nang. Khoa Hồi sức tích cực sẽ tiến hành mở nội khí quản, rửa phế nang lấy muội đó ra để giúp nạn nhân hô hấp trở lại.

Cha mẹ phải quan sát khi con đi bơi.

Còn tại hiện trường, nguyên tắc, khi người bị ngạt khói cần được đưa vào nơi thoáng khí, bệnh nhân thở ôxy qua mask (nếu tự thở được). Sau đó cần được chuyển tới cơ sở y tế gần nhất có đủ điều kiện để cấp cứu những trường hợp tổn thương phổi như trên. Khi đưa ra khỏi hiện trường, nếu thấy nạn nhân không tự thở được nữa thì phải đặt nội khí quản, hồi sức tim phổi. Sau đó mới đưa tới cơ sở y tế gần nhất để chữa trị. Trên ô tô cấp cứu tiếp tục làm các thao tác hồi sức tim phổi.

Bác sĩ Phương trăn trở: “Chúng tôi là những người chữa trị cho nạn nhân, đón nhận nạn nhân ở tuyến sau, khi bệnh nhân đã được cấp cứu tại hiện trường. Vì sao phải nhờ rất lớn tới vai trò của sơ, cấp cứu tại hiện trường là như vậy. Vì thực tế qua nhiều ca ngạt khói, tai nạn trong cháy nổ khi đưa tới đã quá trễ cho cấp cứu. Trong công tác cấp cứu, cứu hộ cứu nạn của chúng ta còn nhiều việc chưa chuẩn nên cần xây dựng chuẩn cho công tác cấp cứu trong tai nạn cháy nổ”.

Nguyễn Cảnh
.
.