Giảng viên “kỳ dị”
“Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” câu nói của cha ông lưu truyền qua bao đời nay đã thể hiện được sự kính trọng của học trò đối với các thầy cô giáo. Thầy cô giáo như tấm gương sáng soi rọi và có tầm ảnh hưởng lớn đối với con đường lập nghiệp, thành danh của các thế hệ học trò cũng như góp phần nuôi dưỡng nhân cách của các học trò với tấm lòng “tôn sư trọng đạo”.
Tuy nhiên, ở xã hội hiện đại, cùng với sự phát triển ở cả nhiều mặt của đời sống, môi trường đào tạo cũng có nhiều sự đổi thay theo chiều hướng xấu, ở một bộ phận giảng viên “kỳ dị”: trong tư cách đạo đức khi thầy bắt trò “đổi tình lấy điểm”, trong sự khoe mẽ bản thân với các “thành tích” của gia đình con cái mình ngoài yêu cầu bài giảng, hay 1001 cách thức “moi” tiền của sinh viên mà chỉ người trong cuộc mới có thể… hiểu được. Cho dù đây chỉ là một ít những “con sâu” của môi trường giáo dục, đào tạo, song nếu không có những biện pháp mạnh tay, nó sẽ trở thành một trong những xu hướng bất cập cho giáo dục thời hiện đại.
1. Cuối tháng 4/2013, vụ việc ông T.T.B., giám thị của Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận Tân Bình (TP HCM), đã có vợ và 3 con, thường xuyên nhắn tin, gọi điện đề nghị một số nữ sinh khối 10, 11, 12 của trung tâm này đi nhà nghỉ để được "giúp đỡ" nâng điểm đã khiến dư luận bất bình. Em N. một nạn nhân đã tố cáo vị giám thị này kể lại, em nhận được tin thông báo điểm số học kỳ 2 từ số máy lạ, nhắn em có một số môn bị điểm thấp nhiều, khả năng không thể lên lớp. Em hỏi lại thì mới biết đó là số điện thoại của thầy B., giám thị trong trường.
Khi em N. lên tiếng, rất nhiều học sinh khác cũng đã lên tiếng, một nữ sinh khác ở trung tâm cho biết, nhiều ngày liền em bị thầy T.T.B. nhắn tin đề nghị đi nhà nghỉ làm "chuyện người lớn" nếu muốn "đổi điểm". Nếu từ chối lời đề nghị, thầy B. hăm dọa năm nay sẽ cho em ở lại lớp. (Trong khi với các nam sinh thì muốn nâng điểm hoặc lên lớp thì có thể nhờ đến ông B. với giá từ 200.000 đồng đến 1 triệu đồng/môn).
Trước hành vi đề nghị trao đổi tiền bạc và gạ tình học sinh của thầy T.T.B., Hội đồng sư phạm Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận Tân Bình đã có cuộc họp khẩn về trường hợp ông T.T.B. và đi đến quyết định ngưng hợp đồng làm việc với ông B. vào cuối tháng 4/2013, dù hợp đồng kéo dài đến tháng 5/2013.
Còn nhớ, giữa năm 2012, việc ông T.X.N. (53 tuổi), Trưởng Phòng Tài vụ - Kế toán, giảng viên môn Quản trị Doanh nghiệp, Đại học Tây Nguyên được phân công hướng dẫn luận văn tốt nghiệp cho sinh viên C.T.D., một tuần ông N đã nhắn hơn 40 tin nhằm buộc D. phải đến nhà nghỉ cùng ông nhưng không được đáp ứng. Ông N. đã quay ra dọa dẫm sẽ đánh hỏng luận văn tốt nghiệp của cô.
Khi sự việc xảy ra, D. đã gửi đơn cầu cứu các cơ quan chức năng trình bày: thời gian từ tháng 3 đến tháng 5, giảng viên N. gần như không quan tâm gì đến việc hướng dẫn làm luận văn, chỉ khi thời hạn bảo vệ luận văn còn khoảng một tháng thì ông N. mới bắt đầu quan tâm hướng dẫn.
Cũng trong khoảng thời gian này, ông N. thường xuyên nhắn tin, gọi điện, hẹn gặp trực tiếp với nội dung, ông N. sẽ giúp cho bài luận văn được suôn sẻ nếu em D. cho quan hệ tình dục. Sau sự việc xảy ra, Hội đồng kỷ luật Trường đại học Tây Nguyên quyết định đình chỉ một năm giảng dạy đối với ông T.X.N.
Cũng với trường hợp tương tự, một giảng viên đại học dạy môn thể dục ở một trường liên quan đến văn hóa nghệ thuật trên địa bàn Hà Nội. Một nữ sinh viên đã ghi âm lại cuộc gọi và trình lên Ban Giám hiệu nhà trường, khi thầy giáo thể dục gọi điện thoại cho cô nhiều lần buộc cô phải "đổi tình lấy điểm" mới có thể thi qua được môn học này. Trước hành động dũng cảm ấy, thầy giáo thể dục nói trên đã… phải xin chuyển đi trường khác.
Những trường hợp nêu trên chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp được "lộ ra ánh sáng" vì những hành động dũng cảm của các nữ sinh trước sự bức bách phi đạo đức của các giảng viên biến chất. Dù chỉ mới là một số "con sâu", song không ít người đã vin vào đó để đổ lỗi cho những nan giải của ngành giáo dục trong những năm gần đây.
Lý giải nguyên nhân những năm gần đây xảy ra nhiều vụ việc thầy giáo gạ tình học sinh, Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (giảng viên Đại học Sư phạm TP. HCM) khi trả lời báo giới đã đưa ra một số nguyên nhân sau: thứ nhất, do lỗ hổng của hướng nghiệp vì vậy nhiều người thi vào ngành này không phải vì cái tâm thật sự mà chọn nó như chọn một nghề nghiệp; thứ hai do môi trường kỷ luật chưa đủ chặt chẽ; thứ ba do học sinh chưa được giáo dục đầy đủ để có khả năng ứng xử trước những tình huống bị xâm hại.
Thầy cũng có lời khuyên cho các nữ sinh bị "yêu râu xanh" đội lốt thầy giáo xâm hại: "Một là kiên quyết từ chối. Sự kiên quyết sẽ làm đối phương e ngại. Hai là phải tìm cách tố giác ngay lập tức: phải lưu giữ lại tất cả tin nhắn hoặc những chứng cớ về việc gạ tình, hăm dọa. Kể với cha mẹ và gặp trực tiếp Ban giám hiệu, yêu cầu cha mẹ báo với chính quyền địa phương, liên kết các học sinh khác cùng cảnh ngộ để tạo lực lượng có tiếng nói. Nhà trường cơ bản vẫn là những người tốt, mọi người sẽ đứng về phía mình".
2. Không chỉ "biến chất" khi ép học sinh "đổi tình lấy điểm", một số giảng viên, những trí thức thời nay còn "kỳ dị" với rất nhiều kiểu "khoe mẽ" trên bục giảng. Thay vì giảng bài, đặc biệt là với các giảng viên đã có tuổi, đến giảng đường cả buổi chỉ thao thao bất tuyệt nói chuyện về… chính mình. Nào thì là mình vừa đi chỗ này chỗ kia, gặp người này người kia, nổi tiếng ra sao, giàu có như thế nào. Con cái mình giỏi giang, thay đổi máy iPhone này đến iPad khác cho hợp thời thượng… ra sao.
Những chuyện phiếm đó lặp đi lặp lại đến mức nhiều lớp sinh viên đã phải nghe đi, nghe lại một câu chuyện tới cả chục lần đến… phát ngán. Cuối kỳ học, thầy thường không tổ chức thi mà cho sinh viên nộp một bài luận với "đề tài mở" và cho thả sức chép tài liệu ở các giáo trình của thầy. Thường thì ở những môn học "ít kiến thức này" không có bất cứ một em nào điểm thấp vì thực ra thầy cũng không có thời gian để đọc từng bài, chỉ "phiên phiến" cho điểm. Bởi vậy, có rất nhiều sinh viên ra trường mà khái niệm chung về môn học vừa xong không hề nắm được.
Lại có những giảng viên sử dụng phần lớn thời gian trong các tiết học để phản bác, "nói xấu", chê không tiếc lời những giảng viên khác không cùng quan điểm với mình trong nghiên cứu khoa học. Tôi có biết giảng viên của một trường văn hóa, thầy giỏi đến nỗi, cùng một lúc dạy kiêm luôn cả ba môn học khác nhau.
Có lần gặp sinh viên trường ấy, tôi hỏi chuyện về thầy, sinh viên đã trả lời: "Thực ra, thầy dạy ba môn khác nhau nhưng kiến thức và vấn đề thầy mang lại thì hoàn toàn… giống nhau. Chúng em học xong mà tưởng mình vẫn còn học môn đã kết thúc từ năm học trước".--PageBreak--
Em N.L.A., sinh viên năm thứ hai của một học viện trên địa bàn Hà Nội, khi được hỏi chuyện về cảm nhận của mình khi được đến giảng đường đại học, A. đã chia sẻ: "Trước khi vào đại học, em nghĩ đó là một nơi thiêng liêng lắm, là một thiên đường, là nấc thang quan trọng để chúng em được sống và học tập để bước vào tương lai. Với những sinh viên xa nhà, xa gia đình và tự phải giải quyết tất cả những vướng mắc của chính mình như chúng em, thì nhiều câu chuyện trên giảng đường đưa chúng em từ bất ngờ này đến ngỡ ngàng nọ.
Nhiều thầy giáo sau giờ học còn rủ sinh viên đi uống nước, lấy cớ trao đổi thêm về bài học, nhưng thực ra đi với thầy lần một, lần hai là "có chuyện" xảy ra, những bạn được thầy "ưu ái" kiểu ấy sau đó vênh vang lắm, không coi các bạn khác ra gì. Các thầy cô cũng thường ép học sinh mua bằng hết các loại giáo trình do chính mình viết. Thầy cô thường chỉ đạo mua sách mới (in lại hằng năm), chứ không được dùng sách cũ (có thể mượn lại từ các anh chị học khóa trước) vì sách mới tái bản có bổ sung, chỉnh sửa. Tuy nhiên, khi đưa sách ra đối chiếu, so sánh thì giáo trình mới ấy chỉ chỉnh sửa mỗi… cái bìa còn nội dung thì không thêm được một chữ.
Đấy là chưa kể chúng em được chỉ đạo phải đóng rất nhiều khoản tiền "chống trượt" dù bạn học giỏi hay học kém đều phải đóng góp… như nhau, mà nếu tính sơ sơ thì số tiền đó bố mẹ chúng em ở quê cũng rất vất vả mới kiếm được để gửi cho con".
Trần. Q.T., sinh viên vừa tốt nghiệp ra trường, thì lại gặp một nữ giảng viên, một tiến sĩ có tiếng trong lĩnh vực chuyên môn, có rất nhiều "quái chiêu" trong việc "hành" và "moi tiền" sinh viên: "Cô hẹn em buổi chiều tối tại một quán sang nhất nhì Hà Nội, đầu tiên cô gọi một cốc nước ổi vì cô bị mỡ máu, tiểu đường nên chỉ uống nước hoa quả. Sau đó cô bảo gọi cho cô hai cái bánh ngọt loại đặc biệt thay bữa tối vì buổi tối cô phải lên lớp. Ăn xong cô cần thêm đĩa bưởi tráng miệng.
Trước khi chuẩn bị ra về, cô bảo, em lấy thêm cho cô ly trà và gọi thêm cho cô hai cái bánh để cô mang đi lát nữa dạy đói cô còn ăn! Tổng số tiền thanh toán hôm nọ lên tới tiền triệu. Thực ra, đối với một sinh viên ở Hà Nội như em được bố mẹ chu cấp thì còn có thể chịu được, song đối với những bạn sinh viên ở các tỉnh xa, gia đình khó khăn thì số tiền đó quá lớn, có khi bằng cả năm làm ruộng của người ta"...
Những câu chuyện trên chỉ là một vài trong cả nghìn câu chuyện mà sinh viên thời hiện đại đang gặp phải khi đối diện với những giảng viên tạm gọi là "kỳ dị". Nhưng rõ ràng, xu hướng này đang ngày một tăng lên và khiến cho các tầng lớp sinh viên và dư luận bất bình. Ngoài tiếng nói của pháp luật, mong sao các "con sâu" của ngành giáo dục, đào tạo sẽ không tiếp tục làm "rầu" những tâm hồn trong sáng của các em học sinh, sinh viên để thế hệ sau vẫn tiếp tục truyền thống "tôn sư trọng đạo".
Trong xã hội có hai nghề duy nhất được gọi là thầy: Thầy thuốc và thầy giáo. Tuy nhiên, thời nay, có nhiều chuyện đau lòng xảy ra đối với cả hai lĩnh vực được xã hội nể trọng này. Bản thân tôi, cũng đã từng phải tư vấn cho những em sinh viên ứng phó trước cảnh thầy giáo… gạ gẫm. Lời khuyên tôi dành cho các em tùy vào những trường hợp cụ thể nhưng tốt hơn hết là phải biết lựa một cách khéo léo nhưng dứt khoát để trò chuyện, đánh động cho thầy biết được những sai phạm mình đang mắc phải. Trước hết sinh viên cũng không phải chịu cảnh bị thầy "cô lập" mà thầy cũng không chịu những tai tiếng. Sau đó, nếu chuyện vẫn không kết thúc thì sẽ phải tính đến việc nhờ pháp luật can thiệp. Muốn vậy, trước hết, các em sinh viên phải chăm ngoan, học giỏi để đi bằng chính đôi chân của mình mà không phải nhờ cậy điều gì khác đến thầy ngoài kiến thức. Điều đó sẽ làm mất dần đi cái gọi là "kỳ dị" đủ kiểu của các giảng viên trên giảng đường, một thiểu số người đang làm cho xã hội dần mất niềm tin đạo đức nhà trường, mà cái mất này thì khó lòng bù đắp được.
Tôi có những người thầy rất đáng kính, người mà khi được xưng là học trò mình thấy tự hào với các bạn bè, đồng nghiệp. Thời bây giờ, điều này hiếm hoi lắm. Là một người đứng trên bục giảng, tôi nhận thấy rằng, học trò mình, nó không nói thôi, chứ điều gì nó cũng biết cả đấy. Mình có điều gì sai, nó "lột trần" mình trong ý nghĩ thì thật là khủng khiếp. Còn gì là thầy, còn gì là điều thiêng liêng khi mình giảng bài trên lớp mà sinh viên không nghe vì nó biết tỏng ông là người thế nào. Điều đó, tự bản thân mình đã tước bỏ vị trí của mình. Hãy là một người đi truyền nghề để có những thế hệ kế tiếp đúng như mình kỳ vọng. Trong thành công của mai sau họ vẫn nhớ về mình, nhớ tới công lao của mình, đó mới là hạnh phúc thực sự của người thầy giáo khi đứng trên bục giảng. |