Giáo sư Hà Minh Đức: Không thỏa hiệp với chính mình
- Kẻ sĩ trăm năm nơi phố cổ
- Giáo sư Hà Minh Đức ra mắt tập bút ký “Hà Nội – Gặp gỡ với nụ cười”
- GS Hà Minh Đức và những công trình lớn về đề tài Hồ Chí Minh
Giáo sư Hà Minh Đức khẳng định rằng, đến với nghề giáo, ông đã được học và chứng kiến nhiều thế hệ các thầy với con đường học rộng mở, trọng đạo lý chân - thiện - mỹ. Mỗi người thầy là một nhân cách, một chân dung đẹp nêu gương cho lớp trẻ. Giáo sư Hà Minh Đức đang ở tuổi 83, nhưng sức viết và trí tuệ mẫn tiệp của ông đã là một tấm gương sáng cho các thế hệ học sinh noi theo trong cả một đời làm nghề.
"Tôi sống nhạt lắm… chỉ đắm đuối với khoa học”
Ông hẹn tôi đến sớm hơn thường lệ, trong ngôi trường mà ông gắn bó với bục giảng, bụi phấn gần nửa thế kỷ với rất nhiều thế hệ học trò ngưỡng vọng ông. Những sinh viên năm nhất, với tà áo dài trắng xếp thành hai hàng đón ông từ tầng một lên tầng 3 Hội trường nơi tổ chức hội thảo. Sự kính trọng hiện rõ trên từng gương mặt học trò. Ông không biểu lộ gì nhiều, nhưng với các em sinh viên là đầy sự thân tình, quý mến.
Giáo sư Hà Minh Đức bên bàn làm việc. |
Giáo sư Hà Minh Đức dường như không thay đổi gì sau những năm tôi biết đến ông. Vẫn sự đĩnh đạc, điềm đạm và mẫn tiệp, uyên thâm trong kiến thức khiến nhiều người nể trọng. Chính vì là một nhà giáo đạo mạo và ít điều tiếng nên trong đời thường, ông sống khá khép kín. Sự chia sẻ của ông chỉ là về công việc, về những trang sách đã viết.
Giáo sư Hà Minh Đức chia sẻ: "Người già, càng sống càng cô đơn, bạn bè đã nhiều người về thiên cổ, người còn ở lại thì sống với những ký ức. Tôi từ thời trẻ đã chẳng có gì nổi bật. Tôi sống nhạt lắm. Tôi rượu ngon không biết nếm, bia không biết uống, thuốc lá không biết hút, xe máy không biết đi, đồng hồ không biết đeo, không có đồ trang sức, không cả biết khiêu vũ… chỉ đắm đuối với khoa học nên không sống "hết mình" với tuổi trẻ, với cuộc đời được. Đấy, bạn bè tôi, trong số những người tôi đã viết đây, chỉ còn ba người còn sống nhưng cũng đã già yếu, còn lại họ đã về thiên cổ. Trong số đó đối với tôi, có những người anh, người bạn thân thiết và gần gũi trong cả đời sống và công việc. Chúng tôi vui và hạnh phúc trong cái nghèo, cái thanh đạm và những trang sách”.
Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy
Giáo sư Hà Minh Đức nhớ về người thầy mà ông mang ơn suốt cuộc đời, đó là Giáo sư Đặng Thai Mai: “Tôi còn nhớ một kỷ niệm với thầy hồi mới được thầy nhận làm “đệ tử”. Công việc đầu tiên thầy Mai giao cho tôi là đi tìm một số bài viết trên báo chí trong thư viện. Hàng tháng trời tôi tìm được một số bài mà thầy dặn, rồi chép lại cẩn thận và đem trình thầy. Tôi còn nhớ vào một buổi sáng đến gặp thầy, thầy đang ngồi xem báo. Tôi chuyển đến thầy tập tài liệu ghi chép được. Thầy xem qua mặt nghiêm nghị, bỏ tập tài liệu xuống bàn: "Tất cả những cái này không có giá trị gì". Tôi ngơ ngác và lo lắng. Thầy nói tiếp: "Đối với một bài viết, điều quan trọng là tất cả những gì liên quan đến nó. Tên tác giả, viết năm nào, in ở đâu, thời gian xuất bản, tên tờ báo, tên NXB. Anh ghi chép thiếu cẩn thận, cho nên tư liệu này không dùng được. Tôi xin lại thầy và hứa sẽ làm lại theo lời thầy”.
Giáo sư - Nhà giáo Nhân dân Hà Minh Đức. |
Từ đấy trong cuộc đời giảng dạy và nghiên cứu của mình, tôi luôn nhớ lời thầy. Thầy còn dặn tỉ mỉ: "Chữ đầu tiên khi cầm bút để ghi chép một điều gì đó là ngày, tháng". Một điều tưởng như đơn giản nhưng dễ quên. Theo sự phân công của bộ môn và thầy Mai, tôi phải lên lớp khoảng 10 tiết ngay từ năm đầu ở lại trường. Tôi rất lo lắng và trình bày ý kiến với thầy, vì mình mới ra trường còn non nớt mà trong lớp có nhiều cán bộ nên xin năm sau mới đứng lớp.
Thầy Mai lặng lẽ bảo: "Cứ yên tâm tôi sẽ giúp anh. Chúng ta còn thời gian". Và hằng tuần tôi đến hai buổi nghe thầy giảng bài. Hôm tôi lên lớp lần đầu tiên, thầy Mai đã đến dự. Thầy đến khích lệ nhưng tôi có chút lo lắng. Biết vậy thầy gọi tôi lại gần căn dặn. Thầy giơ ngón tay lên phía trước, nhìn tôi với ánh mắt yêu thương, thông cảm và nói hai chữ tiếng anh: "No emotion". Thầy đặt tay lên vai tôi và đưa tôi về phía lớp. Đó là những giây phút xúc động nhất khi tôi đến với nghề dạy học”.
Kỷ niệm về một người bạn
Tiếp theo dòng ký ức, Giáo sư Hà Minh Đức kể: “Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, khoa Ngữ văn sơ tán lên vùng Vạn Thọ, Thái Nguyên. Tôi có một người bạn lớn là anh Cao Xuân Hạo, ông hàng xóm của tôi, nhà cách nhau cái hàng rào. Anh hơn tôi chừng 5 tuổi, học chuyên ngành ngôn ngữ. Tôi quý trọng tài năng và sức lao động miệt mài của anh. Những bản dịch tài liệu cho khoa của anh, chữ đẹp đều đặn, viết sạch sẽ không gạch xóa cứ theo ngày tháng dày lên công phu và nhẫn nại. Anh Hạo giỏi ngoại ngữ lắm. Một lần tôi hỏi anh về một vài tác phẩm của Honore de Banzac. Anh ít đọc Banzac và bảo: "Văn Banzac không trau chuốt, đọc mệt mỏi không hứng thú gì". Tôi lại hỏi tiếp: "Vậy trong văn xuôi Pháp thời kỳ này, anh thích ai?". "Mình thích Flauber và Stendhal, văn của họ chắt lọc và sang trọng".
Trong thời gian ở khu sơ tán anh vẫn tiếp tục dịch cho các nhà xuất bản những tác phẩm lớn của văn học Nga và Xôviết. Anh cho tôi mượn bản thảo đánh máy tập "Tội ác và trừng phạt" của hiếm và lạ, tôi đọc thâu đêm rồi chuyển cho nhiều bạn. Cùng với tác phẩm này là một sự việc rất đáng nói. Khi kết thúc cuộc chiến tranh về lại Hà Nội, chúng tôi được cơ quan tổ chức cho xem bộ phim "Tội ác và trừng phạt". Buổi chiều đông mọi người háo hức chờ đợi. Chị phụ trách thuyết minh không đến. Tình thế thật khó khăn.
Giữa lúc đó anh Cao Xuân Hạo đến xem. Dịch tại chỗ theo tiếng nói phim là cực kỳ khó. Mọi người nhờ anh dịch giúp. Anh Hạo đề nghị hội trường phải thật yên lặng mới nghe rõ tiếng trong phim. Anh nhờ một người đi mua thuốc: "Mua hộ mình mấy điếu thuốc, vừa hút vừa dịch dễ hơn". Và anh Cao Xuân Hạo đã dịch thuyết minh thành công, cứu vãn một tình thế thất bại. Sau này tôi và anh gắn bó nhiều với nhau qua công việc. Anh không phải là nhà tri thức ép mình trong kho sách. Cao Xuân Hạo là nhà khoa học nghệ sĩ, giàu nghị lực nhưng cũng nhiều ngẫu hứng trong sáng tạo”.
Hạnh phúc nào cũng ẩn chứa cô đơn
Bây giờ, sau cả một thời tuổi trẻ sống tại phố Yên Lạc, gắn bó với rất nhiều kỷ niệm, của một đời làm nghề giáo, trong căn phòng đầy sách và ký ức, Giáo sư Hà Minh Đức chuyển sang sinh sống tại Đông Anh, Hà Nội cùng vợ và các cháu. Đây là căn nhà yên tĩnh, rộng rãi giữa một vườn cây xanh mát.
Ông bảo, ở đây không khí trong lành, nhưng dường như gió thì mạnh hơn và cái lạnh cũng sâu hơn, hay do tuổi già có nhiều nỗi buồn, nỗi cô đơn, nhiều sự nghĩ ngợi. Trong gia đình ông thời gian qua cũng có vài chuyện mất mát xảy ra, nên Giáo sư Hà Minh Đức càng nghĩ ngợi nhiều hơn về những tai ương của cuộc đời. Ông bảo, không có hạnh phúc nào không cô đơn.
Tập sách mới của Giáo sư Hà Minh Đức. |
Nhớ ngày còn trẻ, ông một mình vừa cuốc bộ, vừa đi xích lô mất hai ngày từ Thanh Hóa mới đến ga Hà Nội để tìm đến Trường Đại học Sư phạm hỏi thi vào. Một chàng trai trẻ tỉnh Thanh đầy bỡ ngỡ trước tòa nhà lớn của trường đại học. Ông leo hơn bốn chục bậc thang đá trắng mới lên đến văn phòng của trường. Người phụ trách giáo vụ đứng tuổi niềm nở nói với ông: "Hoan nghênh thí sinh đến sớm nhất, nhưng đến tháng mười nhà trường mới tổ chức tuyển sinh".
Sau hai tháng trời chờ đợi, kiếm sống chật vật, cuối cùng, Giáo sư Hà Minh Đức cũng bước chân vào giảng đường đại học. Bước vào một thế giới văn thơ mộng mơ, xa rời sự nhọc nhằn đời thường, để tìm một sự nhọc nhằn và đam mê khác trong nghiên cứu khoa học. Tất cả đều còn lại trong ký ức của ông, nhưng cái cô đơn cố hữu cứ ẩn hiện trong cuộc đời ông như một định mệnh. Cái cô đơn ấy biểu hiện rõ nhất trong những áng thơ của ông: "Cô đơn/ Cây non xòe xanh tán lá/ Ngọn gió tươi đã thổi về trời/ Dòng suối trong về biển khơi/ Sao đá vẫn ngồi/ Vẹt mòn theo thời gian/ Ngàn đời không thay đổi/ Như mang nỗi buồn tội lỗi".
Hay là với những áng thơ tình trong trẻo từ thuở hoa niên, cùng đứng trú mưa với cô bạn gái thân dưới vườn Bách Thảo: "Anh nắm tay em dưới tán lá mưa rơi/ Nước mát chảy tràn qua đôi miệng trẻ" hay "Hai chúng ta như những chú sẻ nhà/ Ríu rít chia nhau từng hạt thóc/ Mái tóc thơm bồng theo ngọn gió/ Đôi môi mềm võng xuống non tơ".
Cho đến thời điểm này, Giáo sư - Nhà giáo Nhân dân Hà Minh Đức đã cho ra mắt 69 đầu sách, trong đó có nhiều cuốn sách có giá trị đối với quá trình nghiên cứu lịch sử Văn học Việt Nam. Trong số đó, ông cũng tâm huyết dành nhiều tập thơ, tập truyện ngắn để lại dấu ấn tâm trạng của mình. Ông bảo, lúc làm thơ là lúc con người ta thật nhất. Thơ ông giản dị nhưng chân thành, đó là những nỗi niềm được ông trải nghiệm qua từng năm tháng cuộc đời. Trong đó có nhiều bài thơ tình ông gửi gắm nhiều tâm trạng.
Dù luôn thừa nhận rằng, mình không phải là người lãng mạn, không phải là người đào hoa, lại càng không bao giờ làm tổn thương đến bất cứ tâm hồn của cô gái nào, nên thơ của ông, hầu hết là dấu ấn của tình yêu trong trẻo mới chớm. Có đôi lúc là chút vui buồn, mất mát, những yêu thương, sẻ chia, mong đợi: "Bầu trời đêm mờ ảo/ Hương hoa đêm đắm say/ Anh tìm theo lối cỏ/ Về bên em đêm nay/ Ý nghĩ còn bối rối/ Đã nói lên thành lời/ Những ngón tay mềm mại/ Vội vã chia niềm vui…".
Giáo sư Hà Minh Đức cho biết, tới đây, ông sẽ in một tập thơ, một tập văn xuôi và một tập hồi ký dày dặn. Với ông, dù đã phải trải qua nhiều nỗi khổ, nỗi vất vả trong cuộc đời như cái chung của cả xã hội một thời gian khó, nhưng điều đó không làm cho một "ông giáo" có tâm hồn lãng mạn quên đi vẻ đẹp và sự mộng mơ của những câu chữ, dùng đó để quên đi những giây phút muộn phiền để sống trọn vẹn trong cảm giác đẹp của cuộc sống, tình yêu và hạnh phúc.
Giáo sư Hà Minh Đức là một nhà khoa học có nhiều công trình để lại, là một người có sức làm việc khủng khiếp, và để làm được tất cả những điều đó, có lẽ như ông vẫn tâm niệm, trong cõi học vô biên, không bao giờ ông thỏa hiệp với chính mình. Không ngày nào ông không cầm bút để viết, để ghi chép một điều gì đó, như cách để ông đối thoại với cuộc đời, để sống cho cả phần những người bạn, người thầy đã đi về thiên cổ và với cõi nhớ riêng của chính mình...