Giáo sư Trần Văn Giàu – Cây đại thụ trăm tuổi

Thứ Ba, 21/12/2010, 19:10
Trong cái nhìn triết học, mỗi cuộc đời là một tổng thể, đồng thời cũng là một cá thể. Không ai đem cuộc đời này làm tiêu chí để so sánh, đánh giá một cuộc đời khác. Nhưng nếu nói về hạnh phúc và nhân cách, hẳn người ta sẽ dễ dàng đồng ý, những khái niệm đó chỉ trọn vẹn ở một trong hai dạng con người: hoặc đó là một cuộc đời sống bằng nhiều cuộc đời cộng lại, hoặc đó là những con người đã sống đến kiệt cùng với lý tưởng, niềm tin và thiên chức đã mang.

Giáo sư, Nhà giáo nhân dân, Anh hùng lao động Trần Văn Giàu, một nhân cách lớn, đã sống trọn thế kỷ đời mình trong cả hai tiêu chí trên hợp lại.

Giáo sư Trần Văn Giàu sinh ngày 6/9/1911, tại xã An Lục Long, huyện Châu Thành, tỉnh Tân An (nay là tỉnh Long An) trong một gia đình trung nông. Học tập - nghĩa vụ đầu tiên và cao cả để làm người, để hình thành nên tầm vóc nhân phẩm của một con người, ngay từ trẻ, ông đã hoàn thành xuất sắc. Năm 1928, tốt nghiệp Tú tài loại ưu hạng tại Trường Chasseloup Laubat (nay là Trường THPT Lê Quý Đôn) tại Sài Gòn, ông được gia đình cho sang Pháp du học tại Đại học Toulouse. Dù là học trò trường Tây thì ý niệm "chính danh" của Nho giáo phương Đông vẫn tồn tại trong  máu  người học trò trẻ tuổi. Khi đi, ông hứa sẽ "mang về hai bằng tiến sĩ".

Học vấn và bằng cấp đang mở ra trước mặt cậu thanh niên Trần Văn Giàu  một tương lai phơi phới. Nhưng nhiệt huyết kẻ sĩ trước vận mệnh dân tộc đã không cho phép ông "trùm chăn" lo vun vén tương lai riêng khi bầu không khí chính trị xung quanh vẫn luôn sôi sục. Tháng 3/1929, Trần Văn Giàu xin gia nhập và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Pháp. Người trí thức Cộng sản yêu nước ấy đã được du học sinh và thợ thuyền Việt Nam ở thành phố Toulouse xem như thủ lĩnh, một người đại diện đáng tin cậy. Ông được cử làm đại biểu lên Paris tham dự cuộc biểu tình đòi xóa án tử hình cho 13 thủ lĩnh Quốc dân đảng bị Pháp bắt trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái. Kết quả, ông bị cảnh sát bắt giam tại nhà tù Loa Roquillis và sau đó bị Chính phủ Pháp trục xuất về nước vì tội tham gia  đấu tranh chính trị chống  chính quyền thực dân.

Nuôi chí tự do cho dân tộc, cao vọng bút nghiên bị đứt đoạn nhưng  điều đó không hề làm nhụt chí đấu tranh của ông. Về lại Sài Gòn, tham gia dạy học tại Trường tư thục Huỳnh Công Phát, Trần Văn Giàu lăn xả vào những hoạt động cách mạng ở Sài Gòn - Chợ Lớn, luôn luôn với tư cách người khởi xướng, tổ chức và lãnh đạo. Kể từ đây, đường đời của ông đã và sẽ luôn đồng hành cùng con đường vận mệnh của dân tộc. Khi tên tuổi ngày một dày lên trong các báo cáo mật thám, ông lại trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương, được phân công cùng Hải Triều phụ trách Ban Học sinh và Ban Phản đế của Xứ ủy Nam Kỳ, sau đó trở thành Phó Bí thư Xứ ủy.

Sau cao trào Xôviết Nghệ Tĩnh, do hoạt  động  lao tâm khổ tứ quá sức, ông bị ho lao nặng. Vì vậy  tổ chức Đảng  đã cử Trần Văn Giàu sang Liên Xô, vừa chữa bệnh vừa theo học tại Trường đại học Đông Phương. Sức khỏe hao mòn không ngăn được bộ óc của người Cộng sản Trần Văn Giàu đi trước tư duy thời đại. Tận dụng thời gian này, ông đã đổ nhiều công sức, tâm huyết nghiên cứu sâu các vấn đề lý luận bản chất giai cấp, đấu tranh giai cấp, vấn đề nông dân và sở hữu ruộng đất ở các thuộc địa, tìm kiếm và bổ sung cho phương pháp luận đấu tranh ở xứ Đông Dương thuộc Pháp. Năm 1933, Trần Văn Giàu tốt nghiệp Đại học Đông Phương với luận án "Vấn đề ruộng đất ở Đông Dương".

Trở về nước, Trần Văn Giàu tiếp tục hoạt động cách mạng. Ông đã bỏ nhiều công sức, tâm huyết tổ chức lại Xứ ủy Nam Kỳ, xuất bản tờ báo Cờ đỏ, biên soạn nhiều tài liệu, sách báo nhằm tuyên truyền chủ nghĩa Cộng sản và phương pháp lý luận đấu tranh cách mạng.  Cùng với Hải Triều, Đặng Xuân Khu (Trường Chinh), ông được xem là một nhà lý luận Mác-xít xuất chúng, uy tín của ông ngày càng tăng trong giới nhân sĩ trí thức Nam Kỳ. Trước tác của ông đã góp phần không nhỏ trong việc tháo gỡ các vướng mắc, giải quyết các mâu thuẫn trong phương pháp đấu tranh giành độc lập, đặc biệt là khi gắn với thực tiễn xứ Nam Kỳ.

Trong mắt chính quyền thực dân, ông  là một nguy cơ lớn, một mối đe dọa đối với sự tồn tại của quyền lực thực dân. Vì vậy, ông đã bị chính quyền thực dân Pháp bắt  bỏ tù, nhiều lần lưu đày, biệt giam tại Côn Đảo, Tà Lài... Ngục tù thực dân không kìm hãm được người Cộng sản kiên cường.  Năm 1941, Trần Văn Giàu lãnh đạo anh em tù chính trị tổ chức vượt ngục Tà Lài (Đồng Nai) thành công, trở lại lãnh đạo phong trào Cộng sản. Ông hoạt động chủ yếu ở vùng Sài Gòn - Chợ Lớn, đặt dấu ấn sâu sắc lên khởi nghĩa Chợ Đệm.

Năm 1943, Trần Văn Giàu được cử làm Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, đóng vai trò lớn trong việc tổ chức đấu tranh và thành lập chính quyền nhân dân, góp công lao  lớn trong thành công của cuộc nổi dậy giành chính quyền tại Sài Gòn ngày 25/8/1945. Cách mạng Tháng Tám thành công, Trần Văn Giàu được cử làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính lâm thời Nam Bộ. Pháp  quay  lại tái chiếm Nam Bộ, Trần Văn Giàu được cử giữ chức Chủ tịch Ủy ban Hành chính Kháng chiến Nam Bộ, đóng vai trò lớn trong việc kiến tạo đường lối kháng chiến chống Pháp ở miền Nam.

Trên chiến trường, ông là một chiến sĩ kiên cường, một nhà lãnh đạo  có tầm vóc. Trở lại với con đường giáo dục và học thuật, ông lại chứng tỏ mình là một học giả tầm cỡ, một nhà giáo dục có tầm nhìn chiến lược. Từ năm 1946 đến 1954, Trần Văn Giàu được cử giữ chức Tổng giám đốc Nha Thông tin Nam Bộ và sau đó, ông được điều động ra chiến khu Việt Bắc tham gia xây dựng, phát triển giáo dục đại học và trung học chuyên nghiệp. Ở chiến khu lúc bấy giờ không có thư viện, không có trường đại học, không có chỗ tập hợp người trí thức, Trần Văn Giàu, bằng uy tín và tầm vóc trí tuệ, đã bước đầu quy tụ, tập hợp được sự ủng hộ của một đội ngũ trí thức lớn, đặc biệt là những trí thức Tây học có bằng cấp cao từ nước ngoài về tham gia hình thành nên  bộ khung của đội ngũ giáo dục kháng chiến. Ông đã góp công rất lớn trong  việc hình thành nên nền móng của bậc giáo dục đại học non trẻ của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau này.

Từ năm 1951, Trần Văn Giàu  được điều chuyển sang công tác tại Bộ Giáo dục, bỏ nhiều công sức xây dựng ngành dự bị đại học và sư phạm cao cấp, sau đó trở thành Chủ nhiệm khoa Lịch sử, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội vào năm 1954.

Giáo sư Trần Văn Giàu, phu nhân cùng các giáo sư: Trần Quốc Vượng, Đinh Xuân Lâm, Hà Văn Tấn và Phan Huy Lê.
Giáo sư Trần Văn Giàu (người ngồi) cùng các học trò, đồng nghiệp trong buổi lễ Khoa Sử đón nhận danh hiệu Anh hùng lao động.

Bước ngoặt lớn thứ 3 của Trần Văn Giàu diễn ra vào năm 1962. Rời bỏ các vị trí quản lý trong ngành giáo dục đại học, ông chuyển công tác sang Viện Sử học thuộc Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam, chuyên tâm vào việc nghiên cứu khoa học cho đến tận cuối đời. Dù không sở hữu "hai bằng tiến sĩ" như ước vọng thời trai trẻ, phẩm chất  Trần Văn Giàu  vẫn tỏa sáng, vượt  lên cao hơn nhiều so với  ý nghĩa của các loại bằng cấp và chức danh. Trí tuệ uyên bác, công trình  nghiên cứu của ông trải rộng trên nhiều lĩnh vực: triết học, lịch sử, tư tưởng, xã hội học v.v...

Lao động, học tập, nghiên cứu  và sáng tạo miệt mài, sự nghiệp khoa học của ông đáng được kính phục, ngưỡng mộ với  một gia tài trước tác đồ sộ. Về triết học, ông là tác giả  của một bộ 3 quyển: "Biện chứng pháp", "Vũ trụ quan", "Duy vật lịch sử". Về lịch sử, không mấy nhà nghiên cứu để lại được nhiều tác phẩm có giá trị như ông. Có thể kể, đó là các bộ sách lớn: "Chống xâm lăng" (3 tập), "Lịch sử giai cấp công nhân Việt Nam" (4 tập), "Lịch sử Việt Nam" (chủ biên, 8 tập), "Miền Nam giữ vững thành đồng" (5 tập), "Sự phát triển của tư tưởng Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng tháng Tám" (3 tập), "Giai cấp công nhân Việt Nam", "Sự khủng hoảng của chế độ nhà Nguyễn trước 1858", "Lịch sử cận đại Việt Nam"...

Những năm cuối đời, sức khỏe không  được tốt, ông vẫn làm việc miệt mài, vẫn tiếp tục sáng tạo và cho ra tác phẩm trên nhiều lĩnh vực. Từ cái nhìn triết học và lịch sử sắc bén, cộng với kho kinh nghiệm  hoạt động thực tiễn đồ sộ, ông đã để lại thêm ba bộ sách lớn là: "Giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam”, "Miền Nam giữ vững thành đồng" và "Địa chí văn hóa thành phố Hồ Chí Minh".

Xuất phát từ nhiệt huyết và tấm lòng yêu nước, mang theo hành trang là một tư chất thông minh xuất chúng, Giáo sư Trần Văn Giàu đã sống trung thành và kiệt cùng với một cuộc đời theo trục "tư duy - hành động - trải nghiệm" (chữ đúc kết của Giáo sư Hoàng Như Mai). Ông sống một cuộc đời nhưng trải nghiệm  nhiều cuộc đời: chiến sĩ, nhà cách mạng, nhà khoa học, nhà giáo dục, người đặt nền móng cho một thế hệ... Ở lĩnh vực nào, ông  cũng là một  bóng đại thụ cao cả, cả về nhân cách lẫn tầm vóc.

Công lao đóng góp của ông cũng đã được cuộc đời ghi nhận xứng đáng trên nhiều lĩnh vực. Ngoài chức danh Giáo sư, ông còn được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân (1992). Toàn bộ công trình "Lịch sử Việt Nam" gồm 5 bộ, 18 tập của Giáo sư Trần Văn Giàu được Nhà nước trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, đợt 1 năm 1996. Ông cũng đã được trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều huân chương cao quý khác. Năm 2003, ông được phong tặng danh hiệu  Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Xuất chúng về nhiều mặt nhưng trong mắt đồng chí, đồng nghiệp và nhiều thế hệ học trò, Giáo sư Trần Văn Giàu vẫn là một nhà giáo, một bậc thức giả luôn sẵn sàng "lui về phía sau đúng lúc", với cả bản thân và cả lĩnh vực mà ông đeo đuổi. Dù là tác giả  của 3 bộ sách triết học, ông vẫn dứt khoát không nhận mình là nhà triết học, giành sự tôn vinh này cho người khác. Sinh thời, người được Giáo sư Trần Văn Giàu kính trọng nhất trong lĩnh vực này là nhà khoa học Trần Đức Thảo. Trong  một bài viết nhan đề: "Trần Đức Thảo - nhà Triết học" in trên báo Văn nghệ tháng 6/1993, ông đã khảng khái thừa nhận: "Mình (Việt Nam - NV) không có truyền thống triết học, nếu có thể nói có một nhà triết học thì người đó không phải là Trần Văn Giàu - Trần Văn Giàu là một giáo sư triết học hay nhà nghiên cứu triết học. Người đó chính là Trần Đức Thảo (...) Vấn đề chính là trọng người thật chứ không phải hình thức"...

Về cuối đời, ông còn dành  gần như toàn bộ tài sản của bản thân và gia đình - trị giá 1.000 lượng vàng chủ yếu từ tiền bán căn nhà do Nhà nước cấp riêng cho ông - để thành lập nên một giải thưởng Sử học mang tên Trần Văn Giàu. Đó là một giải thưởng đầy uy tín.

Cái để lại trên đời chỉ là những dấu chân. Ngày 16/12/2010, Giáo sư, Anh hùng lao động, Nhà giáo Nhân dân Trần Văn Giàu đã trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Thống Nhất, TP Hồ Chí Minh, kết thúc đoạn đường đời trăm năm đồng hành cùng vận mệnh dân tộc của một nhân cách lớn, trên một hành trình lớn, đầy bão táp nhưng cũng nhiều những vinh quang. Nhưng, những dấu chân mà ông để lại thì vẫn hằn in, để dẫn đường cho những thế hệ sau bước tiếp, như ông hằng tâm niệm!

Nguyễn Đức Vinh
.
.