Giàu nhà quê chẳng bằng ngồi lê thành phố…

Thứ Tư, 20/04/2016, 15:35
Việc chính quyền TP Hồ Chí Minh quyết tâm dẹp gọn, trả lại trật tự cho lòng lề đường sau chỉ đạo của Bí thư Thành ủy đang được người dân vô cùng quan tâm. Có rất nhiều ý kiến xung quanh vấn đề này. Ủng hộ cũng nhiều, mà trần tình cũng lắm.

Trả lại đường thông hè thoáng là một chủ trương hoàn toàn đúng. Nhưng làm như thế nào, bắt đầu từ đâu là một bài toán không hề đơn giản. Nói ra để thấy, chủ trương tốt, mục đích tốt, nhưng để đi vào thực tế với ngần ấy bộn bề tâm tư, liệu có cách nào, hay rồi lại như “bắt cóc bỏ đĩa”?

Những cánh bèo trôi

Đang mải mê pha cà phê  cho khách, bà V. giật mình khi có người gọi tên bà. Chưa kịp hỏi chuyện gì thì người phụ nữ vừa gọi, dáng vẻ lam lũ, tay gạt nước mắt, nói: “Chị ơi họ thu hết đồ của em rồi!” Bà V. an ủi: “Tôi nói rồi, Đừng đẩy qua đó bán vào giờ cao điểm. Họ thu rồi mai họ trả, chịu khó nộp phạt, lần sau cẩn thận”. Nói xong bà đưa cho người phụ nữ kia ly nước, rồi lại lúi húi pha pha chế chế. Đó cái tình khi khó của những người cùng hội, cùng thuyền.

Người phụ nữ lam lũ kia chính là bà Lam, bán cháo lòng, cùng chiếc xe đẩy dạo. Ở tuổi 51 nhưng nhìn bà già lắm, quê Quảng Ngãi, để chồng ở lại quê, một mình vào nơi đất khách quê người bươn bả kiếm tiền. Bà Lam cho biết, nhiều lần bị Đội trật tự của phường phạt, mỗi lần từ 100.000-200.000. Lần gần đây nhất bà bị tịch thu đồ bán hàng.

“Vì cuộc sống mưu sinh, dù biết chưa đúng, nhưng nhờ nghề này mà tôi nuôi được 2 đứa con học đại học và còn gửi tiền về quê cho chồng lo cho cha mẹ già”, bà Lam tâm sự.

Gần ngã tư Nguyễn Thị Minh Khai – Phạm Ngọc Thạch, cũng có vợ chồng chị bán cháo lòng. Khi hỏi về việc thành phố chủ trương dẹp lòng lề đường, chị thở dài, ngao ngán: “Nghĩ đến chuyện đó nẫu hết cả ruột. Vẫn biết mình bán thế này,  khách ngồi thì lấn chiếm vỉa hè nhưng không làm thì không biết lấy gì sống. Vợ chồng quê Ninh Bình vào đây kiếm sống. Lúc đầu cũng đi làm công nhân trên Bình Dương, nhưng ngặt nỗi ông bà các cháu già rồi, nay ốm mai đau, chả biết thế nào. Trước Tết bố chồng mất, mẹ chồng bị tai biến, vợ chồng bỏ bán về quê lo việc cho ông, thuốc thang cho bà, mới vào bán lại được mấy ngày. Bao nhiêu việc, từ con cái học hành, mẹ chồng bệnh, tiền thuê nhà, điện nước... đều trông chờ vào nồi cháo này cả, nói thật giờ mà dẹp xe cháo chúng em không biết sống ra sao”. Chị nói mà giọng nghẹn lại.

Mũ nón vẫn tràn xuống đường Nguyễn Trãi, Q. 5.

Anh Tuấn đặt chiếc máy may nép sau một cây xà cừ, bên cạnh là chiếc xe máy, công việc của anh là sửa chữa quần áo cho khách vãng lai. Khi không có khách anh tranh thủ làm cuốc xe ôm, tới giờ thì đón con. Như những người làm ăn trên vỉa hè, anh cũng lo lắng không kém. Anh sẽ làm gì nếu thành phố chỉnh trang lại đô thị? “Đây là chủ trương của nhà nước, đúng thì mình phải chấp hành. Nhưng giờ mình lớn tuổi rồi, muốn có công việc ổn định cũng khó, buôn bán thì không có vốn, làm cái nghề này mà chui vào hẻm hóc làm sao có khách”, anh Tuấn trả lời.

Còn biết bao thân phận khác, như bà bán chuối chiên, chị bán bánh tráng trộn, ông thương binh sửa xe… tất cả có điểm chung là nghèo. Họ từ khắp mọi miền quê đổ về chốn thị thành, bám lấy vỉa hè, làm đủ mọi nghề, miễn là có tiền lo cuộc sống, cho gia đình.

Phải tính từ gốc

Việc lập lại trật tự đường phố, trả lại hè thông đường thoáng là chủ trương đúng. Song nếu quyết liệt xử lý những người lấn chiếm vỉa hè, người bán hàng rong thì hỏi cuộc sống họ như thế nào? Câu chuyện rõ ràng không phải một sớm một chiều. Có được chỗ bán hàng đàng hoàng, có tính phí chỗ ngồi nhưng phù hợp với thu nhập, để không phải nơm nớp chạy như vậy nữa là một điều ước trong lúc này. Đó cũng là mong muốn chung của rất nhiều người làm nghề buôn bán nhỏ, lẻ, những người bán hàng rong, xe đẩy...

Về góc nhìn của các nhà xã hội học, Tiến sĩ Hồ Xuân Mai, Viện Khoa học Vùng Nam Bộ -  giảng viên Trường đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh, cho rằng đây là một quyết định hoàn toàn đúng. Tuy nhiên để giải quyết được vấn đề này lại cực kỳ nan giải, bởi vấp phải nhiều cái khó. Cái khó thứ nhất đó là tập quán ăn uống vỉa hè. Đã là tập quán thì nó ăn sâu vào tâm thức của mỗi người dân nên rất khó thay đổi. Cái khó thứ hai là nhà nước chưa giải quyết được và sẽ rất khó nếu như không giải quyết được căn cơ việc làm cho những người buôn bán hàng rong, xe đẩy, buôn bán nhỏ lẻ trên vỉa hè v.v… Vì nếu buôn bán trong nhà thì không có tiền thuê mặt bằng, vào sâu trong ngõ hẻm thì không có khách. Vào các hàng quán sang trọng thì mất đi tính bình dân, bất tiện, không phù hợp với túi tiền, tạo tâm lý e ngại cho người mua.

Tiến sĩ Hồ Xuân Mai, Viện Khoa học Vùng Nam Bộ.

Khó khăn thứ ba chính là tâm lý cộng đồng, tâm lý “ăn theo”, người này làm được người kia cũng làm được. Người đi trước mách nước, giúp đỡ người đi sau, cứ thế họ kéo về thành phố, vốn đã đông lại càng đông hơn. Có gia đình 4-5 anh chị em, mỗi người một xe đẩy bán cháo lòng dạo, đơn giản họ nghĩ, giàu nhà quê không bằng ngồi lê thành phố. Chính họ tạo nên mất cân bằng về mật độ dân số giữa nông thôn và thành thị, thiếu hụt nhân lực sản xuất nông nghiệp… Thế nhưng nếu không bám lấy lòng đường lề phố nữa, thì họ sẽ làm gì?

Đảo một vòng qua các tuyến đường thuộc quận 1, như Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão, Lê Lai, Nguyễn Cư Trinh, Nguyễn Trãi... chúng tôi thấy có sự chuyển biến rõ rệt. Đường phố đã thông thoáng hơn. Ngược lại, một số tuyến đường thuộc quận 5, như đường Huỳnh Mẫn Đạt, Nguyễn Trãi phía quận 5... tình trạng lấn chiếm lòng lề đường vẫn còn, nhiều hàng quán vẫn bày bàn ghế tràn ra vỉa hè, người buôn bán mũ nón thì bày hàng xuống lòng đường, kể cả giờ cao điểm. Một số nhà hàng, quán ăn, quán cà phê... xe máy vẫn choán lối đi của người đi bộ. Như đã phân tích, nếu để tình trạng nơi quyết liệt, nơi chiếu lệ sẽ tạo ra sự thiếu đồng bộ, thì tình trạng trên khó có thể giải quyết dứt điểm.

Văn Hào
.
.