Gieo “quả ngọt” nơi phên giậu Tổ quốc

Thứ Tư, 17/08/2016, 16:45
Xã hội từ thiện (XHTT) là hoạt động thường xuyên và liên tục được Báo CAND & Chuyên đề An ninh thế giới chú trọng thực hiện trong nhiều năm qua. Hàng loạt chương trình XHTT với những tên gọi khác nhau như: “Khám chữa bệnh cho đồng bào nghèo”, “Xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương”, “Trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó”, “Tết cho người nghèo” v.v.. đã đem lại nhiều hiệu quả, được người dân ủng hộ.

Đặc biệt, trong số đó, phải kể tới chương trình “1.000 con trâu, bò giúp đỡ bà con các tỉnh miền núi phía Bắc” vào năm 2008. 8 năm sau ngày trao tặng, chúng tôi đến gặp những người nông dân được tặng trâu...

1. Mường Tè là một trong những huyện vùng biên, địa bàn khó khăn nhất của tỉnh Lai Châu. Những ngày cuối tháng 7-2016, nơi đây đang vào mùa mưa. Con đường ngoằn nghèo dẫn tới bản Ka Lăng, xã Ka Lăng trơn trượt với nhiều điểm bị sạt lở đã “ngốn” của chúng tôi hơn 3 giờ đồng hồ từ trung tâm huyện. 10 giờ, khi cơn mưa rừng vừa dứt cũng là lúc anh Khoàng Lỳ Phạ (con ông Khoàng Xú Hừ), ở bản Ka Lăng vừa dắt trâu về nhà.

Con trâu với người Hà Nhì đang sinh sống ở nơi phên giậu Tổ quốc có địa hình hiểm trở, tiết trời khắc nghiệt như gia đình anh Phạ, không chỉ là “đầu cơ nghiệp” mà nó còn là “tài sản” tinh thần vô giá giúp gia đình anh vượt khó, tăng gia sản xuất.

Có mặt ở con đường liên bản Ka Lăng, hỏi chuyện về vụ kiện “tranh chấp trâu” hy hữu trên địa bàn, ai cũng đều biết và mừng vui vì gia đình anh Phạ đã thắng kiện. Một ngày giữa tháng 6-2014, sau khi cấy lúa xong, anh Phạ có thả con trâu của mình tại khu vực Mò Tho Cò. Tuy nhiên, sau đấy, khi các đàn trâu khác của bản trở về, anh không thấy trâu mình đâu nữa. Tìm mãi mấy ngày, nhưng tin tức về con trâu vẫn bặt vô âm tín.

Các chòm bản Mường Tè còn đó những khó khăn.

“Mấy ngày sau, có người quen bảo mình là thấy con trâu giống trâu nhà mình ở bản Gò Khà. Nên mình sang đó ngay”, anh Phạ nhớ lại. Khi đến nơi, anh Phạ nhận ra ngay đó là trâu của mình. Tuy nhiên, hộ gia đình phía bên bản Gò Khà (xã Thu Lũm) không thống nhất giải quyết. Cực chẳng đã, anh Phạ đã làm đơn đề nghị TAND huyện Mường Tè giải quyết.

Nhận được đơn đề nghị từ gia đình anh Phạ, TAND huyện Mường Tè đã tiến hành thụ lý vụ án. Theo nội dung của đơn, con trâu trên là của gia đình anh Phạ do Báo CAND & Chuyên đề ANTG tặng vào năm 2008, nên ngày 20-7-2015, TAND huyện Mường Tè đã có công văn gửi tới Báo CAND & Chuyên đề ANTG cung cấp thêm các tài liệu, cơ sở pháp lý có liên quan. Và rồi, phần thắng kiện đã thuộc về gia đình anh Phạ.

Con trâu mà Báo CAND & Chuyên đề ANTG tặng gia đình anh trước đó đã trở về. “Từ ngày trâu về nhà, mình vui lắm. Cám ơn cán bộ đã giúp mình lấy lại trâu”, anh Phạ hồ hởi nói với chúng tôi.

Xem lại hồ sơ của vụ kiện hy hữu này, chúng tôi thấy câu nói “con trâu là đầu cơ nghiệp, là tài sản vô giá của bà con Hà Nhì nơi các chòm bản Mường Tè” thật không sai chút nào. Bởi, nếu không giữ gìn, coi đó là tài sản có giá trị lớn trong gia đình thì anh Phạ và người thân khó có thể miêu tả chi tiết về con trâu mà Báo CAND & Chuyên đề ANTG tặng gia đình trước đó: “Hình dáng con trâu: thân hình trung bình, đầu hơi nhỏ. Sừng hơi nhỏ và ngắn. Tai bên phải có một lỗ nhỏ… Vai bên trái có khối u nhỏ. Trâu cày thành thạo và hiền”… 

2. Thấy đồng chí Trưởng Công an xã Lù Minh Giá nói có Đoàn công tác của Báo CAND & Chuyên đề ANTG về bản thăm lại trâu của gia đình, từ sáng sớm, anh Phạ đã lên khe Mò Tho Cò – cách nhà hơn 1km, nơi chăn thả trâu của gia đình, lùa trâu về. Gia đình anh hôm nay rộn rã tiếng cười, nói. Anh Phạ và chị vợ Lù Lé Bứ kể về con trâu “đầu cơ nghiệp” của mình trong niềm vui khó tả. “Trâu mà không về, gia đình mình sẽ buồn lắm. Không có trâu đi cày bừa, mình không biết làm sao nữa”, anh Phạ nói tiếp.

Nghe anh kể, chúng tôi được biết, vào tháng 6-2008, gia đình anh được Đoàn công tác của Báo CAND & Chuyên đề ANTG tặng trâu. Mọi người trong gia đình ai cũng vui mừng. Thời điểm nhận trâu, cân nặng của nó chỉ 1,5 tạ. Nhưng giờ đây, nó đã tăng lên hơn 3 tạ. Trâu khỏe, nên sức cày bừa tốt. Gia đình không còn lo thiếu cái ăn nữa.

Ngày đó vào cuối năm 2007, gia đình bị mất trâu do đợt rét hại “quét” qua bản, anh Phạ và người thân lo lắm. Lo vì sắp đến vụ mùa rồi mà không có trâu cày, bừa thì lấy gì để ăn đây. Đúng lúc này, anh được xã bình bầu, cho vào danh sách nhận trâu từ Báo CAND & Chuyên đề ANTG. Dắt trâu về nhà rồi, hôm sau, đi đến đâu, anh cũng đều khoe với người quen, hàng xóm đến đấy: “Nhà tớ có trâu rồi, không lo thiếu sức cày, sức bừa nữa!”.

Đại tá Đặng Văn Lân, Phó Tổng biên tập Báo CAND thăm hỏi gia đình anh Khoàng Lỳ Phạ ở bản Ka Lăng sau hơn 8 năm được tặng trâu.

Chỉ tay về phía cái bụng đang xệ xuống của con trâu đang buộc trước nhà, anh Phạ khoe với chúng tôi về việc sắp tới sẽ có thêm nghé khi con trâu mà Báo CAND & Chuyên đề ANTG tặng đang có chửa đến tháng thứ 7. Anh Phạ nói thêm, từ ngày có trâu, có thêm sức kéo, mỗi vụ lúa gia đình anh cũng thu về được hơn 1 tấn thóc. Cuộc sống theo đó được cải thiện hơn.

Là người gắn bó với các chòm bản Ka Lăng từ nhỏ, anh Pờ Pò Chừ - Chủ tịch UBND xã Ka Lăng khá hiểu cuộc sống của bà con nơi đây. Nhắc lại trận rét đậm, rét hại khiến 190 con trâu, nghé trên địa bàn bị chết vào thời điểm cuối năm 2007, đầu năm 2008, anh Chừ chưa hết thương cảm. Địa hình hiểm trở, tiết trời khắc nghiệt, cuộc sống của 385 hộ gia đình (với 98% là người Hà Nhì, 2% là người La Hủ) chủ yếu dựa vào hoạt động sản xuất nông nghiệp. Sức cày, sức bừa của con trâu đóng vai trò quan trọng trong việc tăng gia sản xuất. Nên khi mất trâu, mất bò, bà con trong các chòm bản ai cũng lo lắng cả.

Trong đợt rét năm ấy, xã Ka Lăng đã được Báo CAND & Chuyên đề ANTG tặng trâu cho 3 hộ gia đình thuộc diện chính sách, đặc biệt khó khăn trên địa bàn gồm nhà ông Lù Xà Hù (bản Lò Ma), ông Lỳ Dé Po (bản Y Ka Đa) và gia đình anh Khoàng Lỳ Phạ. Sau khi có trâu cày bừa, đến nay, cuộc sống của các hộ gia đình đã vơi đi khó khăn, không còn sợ thiếu cái ăn nữa.

3. Thời điểm cuối năm 2007, đầu năm 2008, trên địa bàn nhiều tỉnh miền núi phía Bắc như: Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Bắc Kạn, Hà Giang… đã xuất hiện rét đậm, rét hại gây thiệt hại nghiêm trọng về lương thực, hoa màu. Đặc biệt, nhiều đàn gia súc trâu, bò đã bị chết khiến đời sống của không ít hộ gia đình gặp khó khăn.

Trước những khó khăn, vất vả của đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc đang gặp phải, Báo CAND & Chuyên đề ANTG đã tổ chức phát động chương trình “1.000 con trâu, bò giúp đỡ bà con các tỉnh miền núi phía Bắc”, nhằm kêu gọi các nhà hảo tâm chung tay mua trâu, bò tặng đồng bào nghèo bị thiệt hại do rét đậm, rét hại gây ra.

Nhờ có trâu do Báo CAND & Chuyên đề ANTG trao tặng, gia đình anh Khoàng Lỳ Phạ đã có thêm sức cày, tăng gia sản xuất.

Hưởng ứng đợt vận động trên, với tinh thần “tương thân tương ái”, “bầu ơi thương lấy bí cùng”, nhiều đơn vị tài trợ, nhà hảo tâm đã ủng hộ tiền để mua trâu, bò cho chương trình. Kết quả sau cuộc vận động, đã có 1.200 con trâu được trao tận tay tới đồng bào nghèo các tỉnh miền núi phía Bắc. Qua đó, giúp bà con có thêm trâu, bò để cày bừa, tăng gia sản xuất, ổn định cuộc sống.

Trở lại tỉnh Lai Châu - nơi cách đây hơn 8 năm được trao tặng 200 con trâu với tổng trị giá 1,4 tỷ đồng và chứng kiến nhiều gia đình đã có trâu tăng gia sản xuất đạt hiệu quả,  những người làm Báo CAND chúng tôi thấy thật ấm lòng về tình người thân thương nơi phên giậu Tổ quốc.

Từ năm 2011 đến năm 2015, tổng số tiền hỗ trợ và trao tặng cho các hoạt động xã hội – từ thiện của Báo CAND & Chuyên đề ANTG đạt hơn 47 tỷ đồng. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2016, Báo CAND & Chuyên đề ANTG đã phối hợp với các nhà hảo tâm thực hiện nhiều chương trình xã hội – từ thiện như “Tết vì người nghèo”, “Khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí”, “Tặng thẻ bảo hiểm y tế”, “Trao học bổng, tặng quà học sinh nghèo hiếu học”… với tổng số tiền trên 6,5 tỷ đồng.

Đáng chú ý, nằm trong chuỗi các hoạt động hướng đến Kỷ niệm 70 năm Báo CAND phát hành số đầu tiên (1/11/1946 - 1/11/2016), Báo CAND & Chuyên đề ANTG đã phát động và triển khai chương trình “70 năm Báo CAND – 70 nhà tình nghĩa” nhằm sẻ chia khó khăn với các gia đình cán bộ chiến sĩ Công an có hoàn cảnh khó khăn trên mọi miền Tổ quốc.

Trần Huy
.
.