Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội đến Hùng 2010: Bữa tiệc lẫn nhiều…hạt sạn!

Thứ Tư, 12/05/2010, 13:45
Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội đền Hùng 2010 đã kết thúc. Tuy nhiên, dư âm từ dịp lễ hội chưa phải đã hết trong tâm trí của nhiều người. Với không ít du khách về thăm đất Tổ, dường như, vẫn còn có những điều khiến lễ hội này chưa xứng tầm của một lễ hội lớn nhất từ trước đến nay, nhất là đã được Nhà nước đầu tư với kinh phí khổng lồ.

Giải pháp... hứa

Có thể nói rằng, cùng với an ninh, vấn đề giá cả các dịch vụ tại lễ hội là điều được quan tâm nhiều nhất, vì 10 ngày lễ hội, Ban Tổ chức (BTC) dự kiến có khoảng 5,5 triệu lượt người. Tại cuộc họp báo do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) và UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức trước khi diễn ra lễ hội, nhiều phóng viên đã đặt câu hỏi về các giải pháp chống nâng giá dịch vụ vô lý, đặc biệt là  dịch vụ về lưu trú, trông giữ ôtô, xe máy, ăn uống v.v... có thể làm xấu đi hình ảnh của miền đất Tổ.

Với sự quyết đoán mạnh mẽ, bà Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ đã khẳng định như đinh đóng cột rằng, BTC đã có các biện pháp kiểm tra và xử lý, để không xảy ra những việc làm ảnh hưởng đến hình ảnh của vùng đất thiêng. Rằng, suốt những ngày diễn ra lễ hội, sẽ có lực lượng liên ngành thường xuyên kiểm tra việc niêm yết giá cả hàng hóa, chống việc lợi dụng lễ hội để tăng giá. Với niềm tin tưởng vào lời quyết tâm của vị lãnh đạo tỉnh, chúng tôi yên tâm về núi Nghĩa Lĩnh để tác nghiệp.

Nhưng, thực tế đã không như những gì các nhà báo đã được nghe. Tình trạng lộn xộn trong hoạt động nhiều dịch vụ ở khu vực đền Hùng diễn ra rất phổ biến. Hầu hết các nhà nghỉ, khách sạn đều tăng giá từ đến 50% thậm chí, tới 300%, tùy theo thời điểm đầu lễ hội, hay giáp ngày giỗ Tổ.

Trước lễ khai mạc một ngày, những nhà nghỉ gần khu vực lễ hội đã “hét” giá 200.000đ/đêm/phòng, dù đó chỉ là những căn phòng ẩm mốc, hôi hám, thiếu vệ sinh. Ở khu vực ngoài đại lộ Hùng Vương, một phòng nghỉ bình dân dành cho 2 người, ngày thường giá khoảng 150.000đ/đêm, cũng tăng lên 250 - 350.000đ/đêm, khách vẫn phải chấp nhận, vì không còn chỗ nào mà nghỉ.

Càng gần ngày giỗ Tổ 10/3, giá phòng nghỉ càng tăng vọt. Vẫn căn phòng ở nhà nghỉ tại khu vực ngã ba Hùng Vương rẽ vào đền Hùng, hôm khai mạc lễ hội có giá 250.000đ/đêm, nay gần ngày giỗ Tổ đã được “hét” giá 350.000đ/đêm. Trong phòng 2 giường, nhưng chỉ có một chiếc quạt không tuốc-năng, tức là chỉ có thể một người sử dụng, vậy mà chủ nhà quy định: với giá ấy khách không được dùng điều hòa (!).

Chiếc tivi bé xíu, dùng ăngten râu nên chỉ xem được mỗi VTV1,  Truyền hình Phú Thọ và Vĩnh Phúc. Để xem VTV3, chúng tôi phải huy động mấy chiếc dép trong phòng kê lên nóc tivi, rồi xoay sở đủ kiểu, mà vẫn được hình thì không có tiếng, còn được tiếng thì không có hình.

Chưa hết, tối 9/3 âm lịch, chủ nhà trâng tráo đòi nâng giá căn phòng chúng tôi đang ở lên 600.000 đêm, vì lý do... cháy phòng. Chúng tôi không chấp nhận yêu sách vô lý này, thế là tối hôm đó đi làm về, chúng tôi đã không có nước nóng để tắm, vì chủ nhà đã tắt nóng lạnh. Thế mà lúc thanh toán tiền phòng, chủ nhà nghỉ còn "cò quay" thêm bằng cách nâng 20% giá, là tiền thuế giá trị gia tăng, khi chúng tôi đề nghị lấy hóa đơn đỏ.

Giá dịch vụ ăn uống cũng tăng chóng mặt. Hà Nội được coi là nơi đắt đỏ nhất, vậy mà còn thua xa ở đây trong dịp này. Một bữa cơm bình dân cũng được bán với giá hơn 100.000đ. Không chỉ thế, các loại hoa quả, nước giải khát đều được định giá theo kiểu "tùy mặt mà bán". Mặc dù những người có trách nhiệm đều khẳng định, có lực lượng liên ngành thường xuyên kiểm tra để tránh ép khách và chém chặt, nhưng suốt những ngày chúng tôi ở đây, chẳng thấy một ai kiểm tra, đã cho thấy, hoạt động này thực sự bị buông lỏng.

Tình trạng lộn xộn của các điểm trông giữ xe tư nhân cũng là điều gây bức xúc cho du khách, khi mỗi ngày, theo báo cáo của Công an tỉnh, có tới hàng chục vạn lượt xe máy và ôtô đổ về đây. Trừ các điểm giữ xe của lực lượng Công an có niêm yết giá, còn không một điểm nào của tư nhân đề giá trông xe, nên dĩ nhiên, giá trông giữ xe cũng vô tội vạ: 10-15.000đ/xe máy, 30-40.000đ/ôtô. Cũng không có điểm nào dùng vé do ngành tài chính phát hành.

Nhưng có lẽ, hình ảnh phản cảm nhất diễn ra trong những ngày lễ hội đền Hùng, là trên các ngả đường vào khu di tích, liên tiếp có những nhóm người dàn hàng ngang ra giữa đường, dùng còi và gậy ngắn, có màu đỏ và trắng như của các lực lượng chính quy, để chặn khách, chèo kéo gửi xe. Hành vi của họ đã không chỉ làm phiền người đi đường, mà còn gây cản trở, mất an toàn giao thông. Việc sử dụng còi và gậy điều khiển đã khiến nhiều người lầm tưởng họ là lực lượng đang thi hành công vụ.

Chiều 9/3 âm lịch, trên đường từ cổng chính vào đền Hùng, chúng tôi liên tục bị nhiều nhóm người chặn lại bằng còi và gậy. Khi một thanh niên trong nhóm tự xưng là bảo vệ quát nạt, yêu cầu gửi xe vào khu vực của họ, chúng tôi cũng yêu cầu họ xuất trình những gì chứng minh họ là bảo vệ, thì một người dịu giọng bảo chúng tôi đi tiếp. Điều đáng lên án khi tình trạng lạm dụng còi và gậy để chặn, ép du khách gửi xe như thế này diễn ra ngang nhiên, mà không chỉ năm nay mới có.

Cấm  cả xe của... VIP

Điều ghi nhận ở dịp lễ hội này, là công tác an ninh được làm tốt hơn bất kỳ một lễ hội đền Hùng nào đã diễn ra, dù lượng khách hành hương tới hơn 6 triệu lượt, đông hơn dự kiến khoảng 1 triệu người. Những vấn đề lo lắng nhất của BTC là công tác bảo vệ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đồng bào về dự Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội đền Hùng 2010 đã diễn ra an toàn tuyệt đối.

Núi Nghĩa Lĩnh là rừng quốc gia cần được bảo vệ đặc biệt, đã không xảy ra một vụ cháy nổ nào, dù lượng người đông, lại thắp hương, hóa vàng nhiều. Các tuyến đường cũng được đảm bảo thông suốt, không ùn tắc, tai nạn giao thông. Năm nay, hiện tượng cờ bạc, trò chơi trá hình cũng như ăn xin, ăn mày được xóa bỏ triệt để. 10 ngày lễ hội luôn có lượng khách rất đông, nhưng cũng không để xảy ra một vụ trọng án

Những kết quả đó đã ghi nhận nỗ lực rất lớn của lực lượng Công an trong công tác bảo vệ an ninh trật tự suốt cả dịp lễ hội. Tuy nhiên, vẫn có những điều đáng tiếc xảy ra mà một số nhà báo tình cờ được chứng kiến. Ở một chốt gác của lực lượng Công an, xe của đồng chí Đ., là người đứng đầu một đoàn thể cấp TW, đã bị chặn lại và không cho vào. Một người có trách nhiệm xuống xe, nói rõ với lực lượng bảo vệ an ninh đây là xe của đồng chí Chủ tịch, thì một đồng chí cảnh sát còn nói đại ý là, xe của Chủ tịch Ủy ban chứ kể cả xe của... Chủ tịch nước mà không đủ thủ tục thì cũng không được vào!

Việc thực hiện đúng nguyên tắc là rất đáng hoan nghênh, song cách nói năng kiểu đó quả là thiếu văn hóa. Có vẻ như, đồng chí cảnh sát nọ cũng không hiểu hết được vị trí và chức danh của đồng chí lãnh đạo? Các nhà báo lại phải chứng kiến cảnh chính một đồng chí lãnh đạo Công an tỉnh Phú Thọ, trực tiếp phụ trách công tác an ninh của lễ hội, cũng bị... cấm vào! --PageBreak--

Thực tế này cho thấy, cùng với việc mỗi CBCS tự bồi dưỡng kiến thức, thì văn hóa ứng xử của lực lượng làm công tác bảo vệ lễ hội là rất quan trọng. Cũng bởi thế, vấn đề văn hóa ứng xử trong lực lượng Công an được Bộ Công an triển khai đồng loạt đã mấy năm rồi.

Trong bối cảnh các đồng chí lãnh đạo còn như thế, nên hoạt động của các nhà báo cũng không mấy dễ dàng. Là Quốc giỗ, nên Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội đền Hùng 2010 được báo giới đặc biệt quan tâm. BTC đã phát rất nhiều thẻ mang 2 chữ "phóng viên" cho các nhà báo, nhưng thực tế thẻ này không có giá trị gì khi mà được có mặt ở nơi mà bất kỳ người dân nào chả cần thẻ cũng có thể đi đến.

Ngày dự lễ dâng hương, chỉ có đúng 20 thẻ được "âm thầm" phát ra, vì hầu hết các báo không được biết phải làm thủ tục ở đâu và thế nào, để có được tấm thẻ ưu tiên dành cho nhà báo dự lễ. Bộ VH-TT&DL cũng như UBND tỉnh Phú Thọ đã không công khai thủ tục và tiêu chí đăng ký dự lễ cho các nhà báo, đã gây khó khăn cho hoạt động tác nghiệp của nhiều tờ báo.

"Máu" được chụp ảnh cùng VIP...

Trong chương trình hoạt động 2 ngày tại Phú Thọ của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, có lễ phát động trồng cây hướng về Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội tại Khu di tích đền Hùng, trước khi về Việt Trì dự chương trình "Nối vòng tay nhân ái - Vì người nghèo đất Tổ" được truyền hình trực tiếp trên VTV1, chưa kể một số hoạt động văn hóa khác.

Dàn hàng ngang chặn du khách.

Vì thế, lịch hoạt động của Chủ tịch nước khép kín, tính đến từng phút. Vậy mà, lễ phát động trồng cây đã kéo dài với bài diễn văn lê thê của ông đại diện, khiến tất cả những người dự đều cảm thấy sốt ruột. Đã vậy, trong lễ phát động diễn ra trang trọng, một vài đại biểu còn nháy người khác chụp cho mình bức ảnh ngồi cạnh đồng chí lãnh đạo cấp cao, dẫn đến cảnh có đại biểu đứng sừng sững trên khán đài, trước mặt Chủ tịch nước để... chụp ảnh.

Có người còn ngang nhiên đến nỗi, Trưởng phòng PC14 Công an tỉnh Phú Thọ phải đến tận nơi đưa ra ngoài. Sự tùy tiện này không chỉ khiến lực lượng an ninh hết sức vất vả, mà còn làm mất đi vẻ nghiêm túc cần có của hoạt động đang được lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự.

Khi Chủ tịch nước viết lưu niệm, đến lượt cánh báo chí khốn khổ vì nhiều đại biểu ào lên đứng sau, để được... chụp ảnh chung, đẩy bật 2 đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ đang tháp tùng bên Chủ tịch nước, ra phía sau.

Lại nữa, khi Chủ tịch nước tiến hành việc trồng cây, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Phú Thọ và lãnh đạo nhiều bộ, ban, ngành đều trân trọng dành riêng không gian để Chủ tịch thực hiện nghi thức này, thì có vị đại biểu doanh nhân lại nhanh nhảu chen vào cạnh đồng chí Chủ tịch và cầm xẻng trồng cây cùng, lại còn tươi cười diễn trước ống kính các nhà báo (!). Có vẻ như sự sốt sắng quá mức đã khiến một số người quên, hay không biết đến những nghi thức không phải dành cho mình?

Lời kết

Tiền của Nhà nước đầu tư cho lễ hội, là mong muốn, muôn dân về với cội nguồn, nhất là trong dịp chuẩn bị Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, sẽ được vui chơi và thơi thảnh. Nhưng với những gì đã diễn ra như ở Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội đền Hùng 2010, sẽ khiến du khách chưa thực sự hài lòng.

Có lẽ, cần nhiều hơn sự quan tâm của BTC, để khách hành hương cảm nhận được nét văn hóa, sự gần gũi khi đặt chân đến vùng đất thiêng, thay vì cảm thấy tủi thân khi đi Giỗ Tổ còn bị chém chặt, hay sự khó chịu vì những điều chưa thật văn hóa ở vùng đất tâm linh. Một số người kinh doanh đã thiếu ý thức tự giác, lợi dụng lễ hội để trục lợi, tự làm xấu đi hình ảnh con người và một miền đất du lịch văn hóa tâm linh.

Nhưng trách nhiệm của cơ quan quản lý trong kiểm tra, xử lý cũng rất quan trọng khi để xảy ra những điều không ai muốn gặp này. Mong rằng, lễ hội đền Hùng những năm sau, sẽ chỉ để lại những ấn tượng đẹp, xứng đáng là miền đất thiêng của khát vọng tâm linh trong mỗi con người Việt Nam và là nơi để cộng đồng người Việt muôn nơi luôn hướng về nguồn cội

Thái Hoàng
.
.