Giới đầu từ chuyển sang kinh doanh… nghệ thuật

Thứ Ba, 20/09/2011, 15:15

Nữ doanh nhân Hồng Công Amy Yuen nói về bức tranh "The Crying Baby Series One" của nghệ sĩ Trung Quốc Yin Jun đang gây tranh cãi: "Lần đầu tiên nhìn thấy bức tranh tôi thích ngay. Tôi thích các chi tiết và sự pha trộn màu sắc". Cô cũng ưng giá: 168.000 đôla Hồng Công - một khả năng kiếm tiền tiềm tàng từ việc cho thuê bức tranh.

Amy Yuen là thành viên của một nhóm nhà đầu tư (đang ngày một đông) vào nghệ thuật. Amy Yuen từng mua cổ phiếu, bất động sản và thậm chí tham gia vào một số hoạt động đầu tư mạo hiểm như là tài trợ cho dự án.

Amy Yuen tính toán cô sẽ thu lợi nhuận 6% một năm bằng việc cho những khách hàng như khách sang hoặc ngân hàng tư nhân thuê bức tranh. Cô còn dự tính sẽ bán bức tranh sau khoảng 3 năm cho thuê. Đến lúc đó, Yuen dự đoán giá bức tranh sẽ tăng đều  đều từ 15 đến 20% một năm.

"Tôi coi đây là quyết định đầu tư thay thế giúp cân bằng vốn đầu tư của tôi. Tôi đang có kế hoạch mua thêm nhiều tác phẩm nghệ thuật nữa để đa dạng hóa hoạt động".

Công ty đường sắt quốc hữu hóa của Anh đã giúp nhiều nhà đầu tư nhận thức về khả năng sinh lợi của nghệ thuật trong thập niên 70 thế kỷ trước, khi dùng quỹ lương hưu đầu tư khoản 100 triệu đôla Hồng Công - khoảng 2,5% vốn đầu tư - vào nghệ thuật. Danh mục đầu tư của công ty bao gồm 25 bức tranh của các họa sĩ trường phái ấn tượng cùng với hơn 2.000 tác phẩm nghệ thuật khác từ nghệ thuật bộ tộc châu Phi cho đến đồ gốm của Trung Quốc. Các nhà đầu tư hôm nay có lẽ cũng tìm thấy lợi ích kinh doanh tương tự như thập niên 70.

Amy Yuen bên bức tranh "The Crying Baby Series One".

Thị trường chứng khoán chao đảo. Phương Tây đang đối mặt với lạm phát cao và đà tăng trưởng kinh tế thấp hoặc bằng không. Khu vực Trung Đông bất ổn và giá dầu thế giới tăng như vũ bão. Quỹ lương hưu của Công ty Đường sắt Anh bắt đầu rao bán bộ sưu tập nghệ thuật của mình. Nghe đâu công ty đã thu lời khoảng 11,3% một năm.

Nhà đấu giá và nhà môi giới nghệ thuật thường hay kể những câu chuyện về những người bỏ ra vài trăm đôla để mua một bức tranh rồi về sau đem bán nó được hàng triệu đôla khi tác giả trở nên nổi tiếng. Nhưng trong thực tế, vận may như thế hiếm thấy và có nhiều nguy hiểm khi đầu tư vào nghệ thuật.

Không giống như cổ phiếu có thể bán ra từng giờ, những bức tranh chỉ được bán sau một thời gian khá dài, thậm chí đến nhiều năm. Còn các nhà đấu giá và gallery có thể ra giá lệ phí cao cho dịch vụ của họ. Nhưng dù sao nghệ thuật cũng có mặt hấp dẫn để bỏ tiền đầu tư. Một nghiên cứu cho thấy nhìn chung thì giá của bức tranh tăng tỉ lệ thuận theo sự lạm phát - nghĩa là giá trị không bị mất đi theo thời gian. Cho nên việc mua một bức tranh để kinh doanh cho thuê cũng tạo ra tiền mặt.

Art Futures Group là một trong những công ty tiên phong về lĩnh vực mua tác phẩm nghệ thuật để kinh doanh cho thuê. Công ty tập trung vào những nhà đầu tư chịu chi từ 10.000 đến 20.000 đôla vào những nghệ sĩ Trung Quốc đại lục đang giữa phát triển sự nghiệp - bởi vì những nghệ sĩ mới bước vào nghề thường khó dự đoán được tương lai, còn nghệ sĩ đã nổi danh thì tranh của họ quá đắt tiền đối với nhà đầu tư có số vốn khiêm tốn

Thanh Phong (tổng hợp)
.
.