Giới nhà giàu Trung Quốc tỏa đi đâu?

Thứ Ba, 01/08/2017, 15:26
Theo báo cáo của New World Wealth, năm 2016, Trung Quốc xếp thứ nhì trong danh sách di cư, với 9.000 triệu phú. Ngoài nhu cầu cải thiện môi trường sống cho gia đình của phần đông người giàu Trung Quốc, “ra nước ngoài” còn là cách để giới quan chức tẩu tán những khối tài sản bất minh.

Theo nhận định từ giới hữu trách vấn đề nhập cư và chuyên gia tư vấn, chiến dịch chống tham nhũng của Bắc Kinh đang khiến nguồn tiền từ Trung Quốc đổ vào địa ốc các nước Mỹ, Anh, Australia và châu Âu tăng nhanh.

Kẻ vỗ tay, người lo ngay ngáy

Từ năm 1986, chính quyền Canada vì muốn thu hút di dân có khả năng tài chính đến sinh sống lập nghiệp và đóng góp cho sự phát triển kinh tế của Canada đã lập ra chương trình Immigrant Investor Program (IIP). Một nhà đầu tư muốn di dân sẽ được hưởng quy chế thường trú nếu đầu tư ít nhất 150.000 đôla Canada (CAD) trong 3 năm. Còn với 1,6 triệu CAD, trong đó phân nửa cho chính phủ vay không lấy lãi trong 5 năm, nhà đầu tư di dân có thể mau chóng được nhập quốc tịch để trở thành công dân Canada chính thức. Qua chương trình này Canada đã nhận mỗi năm gần 8.000 đơn của các doanh gia và cho 25.000 nhà đầu tư hưởng quy chế thường trú nhân.

IIP được giới nhà giàu Trung Quốc ưa chuộng vì thủ tục đơn giản và an toàn. Đối với phần đông giới nhà giàu Trung Quốc, số tiền đầu tư này không phải là quá lớn để đổi lấy việc cả gia đình họ được thay đổi môi trường sống an lành, nền giáo dục tiên tiến cho con cái nên sau 28 năm tồn tại, IIP đã đón khoảng 185.000 người nước ngoài định cư ở Canada, trong đó có 30.000 người ở Hong Kong và 65.000 người từ Trung Quốc đại lục.

Theo khảo sát mới đây của hãng Hurun Report và tập đoàn tư vấn Visas, về xu hướng nhập cư của giới nhà giàu Trung Quốc có tài sản từ 1,5 - 30 triệu USD, hơn một nửa số người tham gia nói rằng môi trường sống chính là động lực khiến họ phải làm cuộc “di dân”. Từ hơn 3 thập kỷ qua, chất lượng môi trường sống tại Trung Quốc không ngừng đi xuống mặc cho giới chức chính quyền luôn nỗ lực cải thiện bằng nhiều biện pháp.

Giới nhà giàu Trong Quốc cũng lo ngại về sự mất giá của đồng nhân dân tệ trong bối cảnh giá trị đồng tiền này vừa mất giá trị xuống mức thấp nhất trong 8 năm trở lại đây trước khi phục hồi nhẹ vào đầu năm 2017.

Thế nhưng theo nhiều kết quả nghiên cứu, người ta nhận thấy chương trình đầu tư/di dân không đem lại lợi ích xứng đáng cho Canada. Đa phần những nhà đầu tư từ đại lục chỉ đóng thuế rất ít so với những di dân kinh tế khác, họ sử dụng nhân công bản địa không hợp lý - như thường ưu tiên thuê dụng người có gốc gác Trung Quốc chứ tỷ lệ nhân công người bản xứ chiếm rất nhỏ trong doanh nghiệp của họ.

Sau 6 năm bước chân vào giới kinh doanh tại Australia, Shen (người đeo kính, đội mũ lưỡi trai) đã sở hữu khối tài sản triệu đô nhờ mua bán bất động sản cho người đồng hương.

Từ năm 2012, IIP đã phải tạm ngưng nhận hồ sơ để giải quyết lượng lớn hồ sơ tồn đọng. Vấn đề không nằm ở cách xét duyệt hồ sơ của các cơ quan thẩm quyền của Canada mà ở chỗ, chương trình đã bị các nhà đầu tư Trung Quốc lạm dụng. Tờ South China Morning Post đã đăng hàng loạt bài phản ánh thực tế là sau khi nhận được thị thực nhập cảnh, các nhà đầu tư để vợ con họ lại “hưởng môi trường sống và giáo dục”, còn họ tiếp tục quay về quê nhà làm ăn.

Trong báo cáo ngân sách trình quốc hội đầu năm 2014, Bộ trưởng Tài chính Canada Jim Flaherty thừa nhận: IIP từ hơn một thập niên qua đã “hạ thấp giá trị định cư thường trú ở Canada”, cung cấp con đường nhập tịch với điều kiện “thấp hơn nhiều so với yêu cầu của những nước khác”.

Trước hết, người giàu Trung Quốc đã chuyển sang tìm cách định cư ở Mỹ. Theo thống kê của Hiệp hội Các nhà môi giới địa ốc Mỹ (NAR), người Trung Quốc đã mua 40.572 căn nhà và bất động sản với trị giá khoảng 31,7 tỷ USD. 4 thành phố tập trung nhiều người giàu Trung Quốc là Los Angeles, Seatle, San Francisco và New York.

Từ sau khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền, những địa điểm này đã không còn hấp dẫn với họ. Tuy nhiên, Mỹ vẫn dẫn đầu trong danh sách điểm lựa chọn mua nhà tại nước ngoài của người giàu Trung Quốc năm thứ 3 liên tiếp. “Vùng đất hứa” tiếp theo là châu Âu. Nhiều quốc gia của cựu lục địa đã đưa ra sáng kiến thu hút đầu tư từ giới nhà giàu Trung Quốc sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Như Bồ Đào Nha có chương trình cấp phép “định cư vàng” cho những công dân ngoài EU có vốn đầu tư ít nhất 1 triệu euro hoặc đầu tư 500.000 euro vào bất động sản.

Thời gian gần đây, con số này còn được “khuyến mãi” giảm còn 350.000 euro và thời gian được cấp thị thực nhập cư được rút ngắn chỉ còn từ 3-6 tháng sau khi nhà đầu tư hoàn thành hồ sơ. Hy Lạp thì chào mời cấp thị thực định cư 5 năm cho bất kỳ ai đầu tư 250.000 euro vào bất động sản, còn đảo quốc Cyprus thì cấp thị thực định cư cho ai đầu tư 300.000 euro vào nước này.

Điều quan trọng thu hút những người dồi dào tiền bạc là chính quyền các nước này không quan tâm số tiền các nhà đầu tư có được bằng cách nào, điều mà người giàu Trung Quốc hoan nghênh.

Bắt đầu từ tháng 2-2014 (thời điểm Canada đóng chương trình IIP), đảo quốc Malta ở vùng Địa Trung Hải nhanh chóng triển khai chương trình mua bán quốc tịch, mang tên Citizenship for cash (CFC), được hiểu trắng ra là “bán quốc tịch” hay “có tiền là có quốc tịch”. Chương trình này đã làm dấy lên mối lo ngại về an ninh toàn cầu, nhất là nạn nhập cư trái phép vào các nước Âu-Mỹ.

Cộng hòa Malta là một đảo quốc rộng chỉ 300 km2 nhưng lại có mật độ dân số cao bậc nhất thế giới. Quốc đảo gồm bảy hòn đảo nằm giữa Địa Trung Hải, cách đảo Sicilia của Italia 93 km về phía nam, cách Tunisia 288 km về phía bắc, vịnh Gibralta 1.826 km về phía đông và hải cảng Alexandria 1.510 km về phía tây. Là một quốc gia trung lập, Malta được xem là nơi có chính sách nhập cư thoáng nhất châu Âu.

Chương trình CFC được đảng Lao động cầm quyền của Malta đề xướng nhằm thu hút hàng tỷ USD đầu tư, giúp kinh tế Malta tạo thêm công ăn việc làm, phát triển nền kinh tế. Ngay từ đầu, CFC đã thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia như Trung Quốc, Nga, Arập Xêút, Iraq hay Libya, bởi đây là những nước có tỷ lệ di cư cao. Tuy nhiên, dự án này đã làm cho nhiều nước đặc biệt lo ngại, trước tiên phải kể đến Liên minh châu Âu (EU) bởi một khi passport (hộ chiếu hay giấy thông hành) bị thả nổi thì chủ nhân của nó có thể đi lại và làm việc tại bất ở cứ nơi nào trong số 27 nước thuộc EU mà không cần visa.

Ngoài ra, còn có thể đi lại không cần visa đến 69 quốc gia khác ngoài EU, trong đó có cả Mỹ và... Canada! Ngay trong Chính phủ Malta cũng có nhiều người phản đối, cho rằng CFC sẽ tạo ra kẽ hở nguy hiểm an ninh cho các quốc gia EU, tiếp tay cho nạn mua bán quốc tịch, nạn giả mạo hộ chiếu, rửa tiền... Riêng Mỹ thì lo lắng sự lạm dụng giấy thông hành giả sẽ tạo cơ hội cho bọn tội phạm, khủng bố đi lại một cách dễ dàng, gây ra nhiều thảm họa mà các tổ chức an ninh không thể lường hết.

Ai từ chối những người “mang lại nét sống động cho nền kinh tế”?

Trong bối cảnh châu Âu đau đầu với vấn đề nhập cư, tị nạn, gây chia rẽ nội bộ, nhiều nước không tán thành quy chế “chia sẻ quota” tiếp nhận thuyền nhân, điển hình nhất là trường hợp Hungary, vào đầu tháng 10-2016, đã tổ chức trưng cầu dân ý trên vấn đề này.

Thủ tướng Viktor Orban vừa công khai bày tỏ thái độ “tẩy chay” người tị nạn tràn vào châu Âu, vừa thể hiện qua hành động xây rào ở biên giới ngăn chặn dòng người từ châu Phi, Trung Đông đổ đến, nhưng ông lại kín đáo mở cửa đón những người rủng rỉnh tiền bạc đến đây sinh sống. Trong diện này, số đông là người đến từ Trung Quốc.

Chính sách “mở cửa sau” này đối với những người giàu có, mà phần đông là người Trung Quốc, đã bị chỉ trích gay gắt vì đối nghịch hẳn với chủ trương và hành động của Thủ tướng Orban đối với người nhập cư tị nạn, chạy khỏi Trung Đông, Syria, Iraq, Afghanistan... Lập luận của Thủ tướng Orban là những người tị nạn này, đa số là người Hồi giáo, là một mối đe dọa đối với châu Âu trên phương diện an ninh và văn hóa.

Thực tế là Hungary đã “mở cửa” bằng chương trình “Trái phiếu định cư” - Residency Bond. Đương nhiên, người nhập cư vào Hungary bằng những trái phiến này sẽ được nhà chức trách niềm nở đón tiếp và còn tạo nhiều cơ hội làm ăn, sinh sống với nhiều ưu đãi. Như doanh nhân Yan Ding cùng vợ và con gái đến Budapest tháng 4-2015, sau khi bán tài sản thừa kế và mua trái phiếu trị giá 300.000 euro.

Một góc quốc đảo Malta.

Như lời giải thích, Yan Ding đến Hungary vì tương lai con gái của ông. Hơn nữa chính quyền và trường học đã hết sức giúp đỡ, sẵn sàng có những ngoại lệ giúp cô học sinh mới hội nhập. Theo ông, Trung Quốc tuy phát triển nhanh, nhưng vấn đề ô nhiễm đã quá trầm trọng, các cơ sở giáo dục không  theo kịp đà phát triển dân số nên thường quá tải.

Tại Hungary, một lớp chỉ có 25 học sinh, quả là lý tưởng so với Trung Quốc. Mặt khác, những người Trung Quốc mua trái phiếu định cư là giới có kinh nghiệm kinh doanh, nhạy bén trong việc nhận diện cơ hội đầu tư nên họ sẽ là những thành tố cho một nền kinh tế trở nên giàu sức sống hơn.

So về cự ly thì các quốc gia của cựu lục địa không hấp dẫn giới đầu tư Trung Quốc bằng Australia. Vì vậy, chỉ tính đến nửa đầu năm 2015, người Trung Quốc đã mua đến 28% tổng lượng căn hộ mới ở Melbourne (bang New South Wales của Australia), tương đương 11% tổng số nhà đất và căn hộ nói chung ở thành phố này.

Chính phủ Australia dù đã thắt chặt quy định mua nhà đối với người nước ngoài, nhưng dường như các biện pháp này cũng chẳng thể cản được người Trung Quốc. Giá nhà ở Sydney và Melbourne tăng chóng mặt nhưng điều đó vẫn không làm người Trung Quốc chùn tay. Đại diện nhiều công ty bất động sản tại Sydney cho biết trước đây, chủ yếu khách mua nhà tập trung ở phân khúc giá thấp, khoảng từ 500.000 đến 1 triệu USD, nhưng từ khi đó, người Trung Quốc đã với tay đến phân khúc nhà hạng sang giá hàng triệu USD, có không ít người mua căn nhà trị giá trên dưới 20 triệu USD.

Trên thực tế, đây chỉ là hoạt động đầu tư bất động sản. Số liệu do báo The Australian công bố cho thấy khoảng 4.000 căn nhà mà người Trung Quốc “ào ào xuống tiền” sau đó gần như bị bỏ trống hoàn toàn. Vì vậy Chính phủ Australia phải đưa ra biện pháp: từ 1-12-2015, những người mua nhà mà không ở thường xuyên sẽ phải trả phí 5.000 USD cho căn nhà dưới 1 triệu USD, 10.000 USD cho nhà 2 triệu USD và mức tăng tương tự áp dụng cho căn nhà đắt hơn. Đi cùng biện pháp chế tài này là các chương trình thu hút đầu tư để nhập cư của Australia cũng ngày càng chặt chẽ và khó khăn hơn.

Từ ngày 1-7-2015, chương trình nhập cư Australia đã có rất nhiều thay đổi với việc áp dụng 2 diện nhập cư mới với số tiền đầu tư lên tới 5 và 15 triệu đôla Australia (AUD). Để so sánh, từ giữa năm 2012 trở về trước, nhập cư diện kinh tế của Australia chia thành rất nhiều loại visa tạm trú, thường trú khác nhau, với yêu cầu chứng minh tài chính nhiều nhất cũng chỉ chưa tới 1,2 triệu AUD đi cùng với cam kết đầu tư khoảng 750.000 AUD.

Đem số tiền đầu tư cả triệu này vào Australia, nhà đầu tư lại không được phép rót toàn bộ vào các tài sản an toàn như trái phiếu chính phủ hay bất động sản mà phải chia vào Quỹ đầu tư mạo hiểm (tối thiểu 500.000 AUD) để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ mới thành lập; vào các quỹ ủy nhiệm để hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán (tối thiểu 1,5 triệu AUD); vào quỹ phát triển một loại tài sản như bất động sản, trái phiếu hay tín phiếu (3 triệu AUD) và phải duy trì liên tục trong 4 năm.

Dòng tiền các doanh nhân, nhà đấu tư nước ngoài mang vào Australia cũng được quản lý rất chặt. Việc đầu tư trực tiếp vào bất động sản dân cư vẫn tiếp tục bị cấm, đồng thời đầu tư gián tiếp vào bất động sản dân cư thông qua các quỹ quản lý cũng bị giới hạn nghiêm ngặt.

Nhưng giữa những người giàu Trung Quốc có những người... rất giàu và họ vẫn có câu “cái gì mua không được bằng tiền thì có thể mua được bằng... rất nhiều tiền” kia mà!

Hiếu Thảo (tổng hợp)
.
.