Giữa tâm dịch sốt xuất huyết: Đừng hoảng sợ để gây quá tải bệnh viện

Thứ Tư, 16/08/2017, 10:54
Hà Nội đang trở thành điểm nóng về dịch sốt xuất huyết (SXH) khi mỗi ngày có hàng nghìn người đến các bệnh viện (BV) khám và điều trị SXH. Tất cả các BV ở nội thành đều trong tình trạng quá tải. Số bệnh nhân SXH ở Hà Nội đã vượt qua con số 14.000 người cùng với 7 trường hợp tử vong.

Dịch SXH hiện diện ở 100% quận, huyện của Hà Nội với số mắc tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ 2016, khiến Hà Nội đang giữ vị trí “quán quân” ở miền Bắc về số người mắc SXH.

Quá tải trong điều trị...

Những ngày này, đến BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, BV Bạch Mai, BV Đống Đa, BV Thanh Nhàn... đều phải chứng kiến cảnh bệnh nhân SXH nằm ghép 2-3 người/giường dù rất nóng nực. Nhiều BV đã phải trưng dụng cả hội trường, kê thêm giường ở hành lang, phòng của nhân viên y tế, hoặc bố trí thêm khu vực vốn dành để điều trị bệnh khác cho bệnh nhân SXH, nhưng vẫn không xuể. Các BV quá tải, bệnh nhân khổ mà các bác sỹ cũng rất vất vả vì cường độ làm việc căng thẳng hơn nhiều lần.

Việc quá tải bệnh nhân SXH là điều rất đáng lo ngại, nhất là những người có bệnh mãn tính về tim mạch, đái tháo đường v.v... Bởi bài học đau lòng của vụ dịch sởi năm 2014 còn đó, khi trẻ ùn ùn nhập viện mà không được sàng lọc, phân tuyến kỹ thuật, dẫn đến lây chéo BV và làm tăng tỉ lệ tử vong.

Thực tế, trong số 7 bệnh nhân tử vong có liên quan đến SXH những ngày qua, hầu hết đều do mắc SXH trong khi đang có bệnh khác, khiến cơ thể suy yếu nhanh chóng và không đủ sức chống đỡ với bệnh tật.

Các Bệnh viện nội thành Hà Nội đều quá tải.

Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, không phải trường hợp SXH nào cũng phải nhập viện. 70% các trường hợp SXH nhẹ có thể chăm sóc, điều trị, theo dõi tại nhà. SXH là bệnh thông thường mà các BV tuyến dưới hoàn toàn có thể điều trị được. Hiện BV tuyến quận/huyện đã có test để xác định SXH. Thế nhưng, nhiều người cứ bị bệnh là lập tức đến BV tuyến Trung ương để điều trị dù chưa cần thiết, khiến cho các BV càng quá tải, tăng nguy cơ lây chéo.

Theo ông Nguyễn Khắc Hiền - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, kiểm tra thực tế ở một số BV cho thấy có tới 40% số người đang điều trị nội trú chưa đến mức phải nhập viện, mà có thể điều trị ngoại trú. Đây là do tâm lý không yên tâm với BV tuyến dưới, cũng như chưa hiểu đúng về bệnh này.

Hiện nay, các BV đều có khám sàng lọc, bệnh nhân ở thể nhẹ được cho về điều trị ngoại trú, mắc ở thể nặng mới phải nhập viện, nhưng nhiều người bệnh nhẹ vẫn đòi nhập viện bằng được.

BV Xanh Pôn cũng đang chịu sức ép quá tải bệnh nhân SXH. Ông Nguyễn Văn Thường - Phó Giám đốc BV chia sẻ: Mỗi ngày có tới hơn 300 bệnh nhân SXH tới khám và sau khi sàng lọc, BV chủ yếu là cho về điều trị ngoại trú, hẹn thời gian khám lại. Nhưng hiện vẫn có 117 bệnh nhân SXH đang nằm viện. Bệnh nhân nội trú đông là do nhiều người kiên quyết đòi nhập viện, chấp nhận nằm ghép.

Có bệnh nhân đi 4 BV đều được bác sĩ xác định là thể nhẹ và cho về điều trị ngoại trú, vẫn tiếp tục đến BV Xanh Pôn khám rồi gây áp lực với bác sĩ để phải cho nhập viện. Quá tải, BV phải huy động tối đa các bác sĩ làm việc, kể cả một số người đang đi học cũng được gọi về. Thời điểm này, các nhân viên y tế không được nghỉ phép, hạn chế tối đa nghỉ việc riêng.

Ông Nguyễn Văn Kính - Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng cho biết, hàng tháng nay, mỗi ngày BV khám 800-1.000 lượt bệnh nhân SXH, trong đó, 70-80 ca nhập viện, chủ yếu là bệnh nhân ở nội thành Hà Nội. Để giảm tải, BV tổ chức khám sàng lọc cho bệnh nhân SXH và chỉ cho nhập viện những bệnh nhân ở mức độ cảnh báo trở lên.

Những người SXH thể nhẹ được hướng dẫn đến các cơ sở y tế tuyến dưới, hoặc phòng khám tư nhân để truyền dịch, hay điều trị tại nhà, nhưng nhiều người không đồng ý, nhất quyết đòi nhập viện tuyến trên. Có bệnh nhân đã cho về rồi nhưng nửa đêm quay lại để buộc bác sĩ phải cho nhập viện. Số lượng bệnh nhân tăng cao, BV phải chuyển bớt sang cơ sở 2 ở Đông Anh, nhưng cơ sở 1 vẫn phải nằm ghép.

Bệnh nhân đông, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương phải dành riêng 5 phòng chuyên khám cho bệnh nhân SXH, tăng giờ làm việc của bác sĩ để tổ chức khám cho bệnh nhân từ 7 giờ đến 17 giờ; làm việc cả ngày nghỉ cuối tuần; các nhân viên y tế của Khoa Khám bệnh không được nghỉ phép... để tập trung cho bệnh nhân SXH.

Trời nắng nóng 37-38 độ mà nằm ghép 2-3 người một giường là điều không dễ dàng gì với người khỏe chứ với người bệnh thì càng là cực hình. Nhưng nhiều người dân vẫn muốn nằm viện cho yên tâm. Bà Nguyễn Thị Vân (tổ 12, phường Hàng Bột) đang điều trị ở BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, thấy bị sốt cao, người đau mỏi thì gia đình đưa vào viện cho an tâm.

Mặc dù bác sĩ tư vấn nên về nhà và hướng dẫn kỹ các dấu hiệu cảnh báo, nhưng gia đình bà vẫn sợ ở nhà không có chuyên môn y tế sẽ không biết được khi bệnh chuyển nặng nên vẫn đòi cho bà nhập viện. Vả lại, bà sợ không dám truyền dịch ở phòng khám tư nên muốn điều trị ở BV cho yên tâm.

Chị Vũ Thị Trần Nga (Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, chị bị SXH lần đầu, nên dù được bác sĩ tư vấn về điều trị ngoại trú, chị vẫn cứ xin cho được nằm viện để yên tâm, khỏi canh cánh xảy ra chuyện gì lại không phản ứng kịp. 

Dù phải nằm ghép, nhiều bệnh nhân vẫn nằng nặc xin nằm viện, thậm chí to tiếng với bác sĩ để “được” điều trị nội trú, nên hầu hết các BV đều phải chấp nhận, vì ngại nhỡ xảy ra chuyện gì thì lại phải chịu trách nhiệm!

Nhưng thờ ơ với phòng dịch

Trước tình hình dịch SXH gia tăng, UBND TP Hà Nội đã tăng kinh phí hàng chục tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch. Ngành y tế căng mình ra với tất cả các biện pháp có thể, từ điều trị đến dự phòng. Liên tiếp các hội nghị được tổ chức. Tuy nhiên, ở một số nơi vẫn diễn ra tình trạng “trên nóng dưới lạnh” như “vào hùa” với thời tiết khắc nghiệt khiến cho dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu khống chế được.

Thậm chí, theo ông Nguyễn Văn Kính, thời gian tới khi sinh viên nhập trường ở Hà Nội, số người mắc SXH sẽ còn tăng vọt.

Bất chấp số người nhập viện do SXH tăng nhanh từng ngày, nhất là khi đã có 7 người chết, nhiều người vẫn không thấy sợ hãi, mà còn thờ ơ như dịch xảy ra ở tận đâu theo kiểu “điếc không sợ súng”. Điều này dễ dàng nhận thấy khi đến các “tâm dịch” vào những ngày đỉnh điểm này.

Cuối tháng 7-2017, khi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trực tiếp kiểm tra việc phòng, chống dịch SXH tại công trường xây dựng tòa nhà căn hộ cao cấp Hồng Kông Tower ở 243 Đê La Thành, Hà Nội, ông đã rất ngạc nhiên khi thấy công nhân ở trong tầng hầm tăm tối, ẩm thấp và đầy muỗi - dù vừa được rắc vôi bột, phun hóa chất trước khi ông đến. Thế nhưng, 2 tuần sau, vào buổi trưa nắng nóng gần 40 độ của ngày cuối tuần, chúng tôi trở lại đây thì tình hình phòng dịch bệnh gần như không thay đổi. Trái lại, tầng hầm khô ráo, được rắc vôi hôm trước nay lênh láng nước.

Những vũng nước đọng khắp tầng hầm. Chưa kể, các cầu thang lên các tầng đầy rác rưởi, uế khí nồng nặc, rất thích hợp cho dịch bệnh phát triển. Bể nước rất lớn trong công trường cũng không có nắp đậy để ngăn bọ gậy đẻ trứng.

Ở điểm nóng Hoàng Mai - nơi hiện đang giữ vị trí thứ 2 Hà Nội về số người mắc SXH, công tác phòng dịch cũng chưa được nhiều người dân thực sự quan tâm, nhất là công trình đang xây dựng với đủ loại đồ vật chứa nước đọng, nước mưa, phế thải phế liệu... là những điểm lý tưởng cho bọ gậy, muỗi phát sinh, lây truyền bệnh dịch.

Hà Nội đang tiến hành phun hóa chất diệt muỗi để phòng chống SXH.

Điển hình là ở các công trường xây dựng số 1 phố Giáp Nhị, 89 phố Thịnh Liệt; khu vực trồng rau bằng hộp xốp, khu tập kết lốp xe cũ tại phường Hoàng Liệt, Trần Phú, Yên Sở...

Vòng quanh các phường ở quận Thanh Xuân, cũng thấy ở nhiều công trường như trên địa bàn vẫn còn những vật chứa nước đọng, làm ổ cho bọ gậy.

Thực tế cho thấy, các công trình đang xây dựng là những ổ muỗi, bọ gậy với nhiều nguy cơ phát sinh dịch bệnh, nhưng chưa được các chủ đầu tư chú ý vệ sinh phòng dịch cho công nhân và nhân dân địa phương theo yêu cầu của TP Hà Nội và ngành y tế.

Những hồ, đầm, cây cối rậm rạp, các khu đất trống với mật độ khá dày trên địa bàn quận Hoàng Mai cùng đặc điểm là nơi có nhiều nhà trọ, đa số là học sinh, sinh viên, người lao động, cuộc sống tạm bợ nên ý thức vệ sinh môi trường chưa tốt. 40% người mắc SXH ở Hà Nội là học sinh, sinh viên và lao động ngoại tỉnh là những con số chứng minh cho điều này.

Nhiều người dân cũng chưa nhận thức được mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, nên chưa chủ động diệt muỗi, diệt bọ gậy, thậm chí còn thờ ơ như thể dịch diễn ra ở đâu đó chứ không liên quan đến họ. Vài ngày trước, nhân viên y tế đã phát hiện 3 ổ dịch bọ gậy đang lưu hành tại gia đình anh A. ở tổ 15 làm nghề rửa xe ô tô, trong khi cả 2 vợ chồng anh đều đã bị SXH nhưng vẫn không xử lý triệt để nguồn lây bệnh. Nhiều gia đình, cơ quan, xí nghiệp chưa hợp tác trong công tác phòng chống dịch.

Những ngày qua, ngành y tế đã tăng cường hoạt động phun hóa chất chống dịch, nhưng việc phun thuốc diệt muỗi tại các khu vực ổ dịch còn chưa được triệt để, hiệu quả chưa cao do phun thuốc vào giờ hành chính nên nhiều gia đình đi vắng. Đáng lưu ý là có tới 5% số hộ không đồng ý phun, hoặc không hợp tác với nhân viên y tế chống dịch, trong đó có cả những gia đình có người bị SXH phải nằm điều trị ở BV nhưng cũng không cho nhân viên y tế phun thuốc xử lý ổ dịch.

Đã vậy, điều tra của Sở Y tế Hà Nội cho thấy, số dụng cụ chứa nước là nơi muỗi vằn đẻ trứng tăng lên gấp 3 lần năm 2016 ở các gia đình. Hiện nay có tới 14 loại chủ yếu là ở các bể xi măng chứa nước không có nắp chiếm trên 40%, tiếp đó là các xô, thùng chậu, chậu cảnh và phế liệu, phế thải, chậu hoa cảnh...

Với lượng dụng cụ chứa nước tăng như thế, mà từng người dân không có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường thì bệnh không thể khống chế được. Do đó, có thể nói rằng, nguyên nhân chủ quan có vai trò không nhỏ khiến dịch vẫn tăng, bên cạnh các yếu tố khách quan như thời tiết, typ virus tăng.

Rõ ràng để phòng chống dịch SXH, chỉ lực lượng y tế là chưa đủ. Bệnh dễ lây, chưa có vaccine phòng bệnh và thuốc điều đặc hiệu, việc phòng chống chủ yếu dựa vào cộng đồng, mà cộng đồng lại chưa làm triệt để thì việc ngăn chặn dịch đầy rào cản. Bởi như Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, việc phun hóa chất diệt muỗi mang tính chất tức thời, còn việc diệt bọ gậy/loăng quăng mới là gốc của vấn đề. Vì phun thuốc mà không diệt bọ gậy, sẽ chỉ chết muỗi còn ngày hôm sau, bọ gậy tiếp tục nở ra muỗi, thì bệnh vẫn cứ phát triển.

Đáng nói là, không chỉ người dân, mà ý thức của một số người làm nhiệm vụ chống dịch cũng chưa tốt. Ông Nguyễn Văn T. ở tổ 67, Tân Mai cho biết, mấy hôm trước khi có đợt phun hóa chất diệt muỗi, ông đã chủ động nhờ nhân viên phun trên các tầng nhà của gia đình và cả dãy nhà trọ phía sau, nhưng họ không làm mà chỉ phun ở tầng 1 và phía trước cửa. Vì thế, gia đình ông đã phải tự đi mua hóa chất về phun toàn bộ nhà và khu trọ để phòng dịch.

Trong bối cảnh nhiều người dân chưa hợp tác phòng dịch, thì những gia đình chủ động hợp tác là rất đáng hoan nghênh và nhân rộng. Nhưng thái độ làm việc không đúng như của nhân viên trên là cần phê phán, vì sẽ tác động xấu đến công tác phòng dịch mà cả nước đang tập trung sức lực vào.

Vì thế, các địa phương cũng cần kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm những trường hợp nhân viên phòng dịch không làm hết trách nhiệm, tránh tình trạng “trên nóng dưới lạnh” khiến hiệu quả chống dịch không xứng với tiền của, tâm sức đã được đầu tư.

Ngành y tế khuyến cáo, bệnh SXH thường khởi phát đột ngột và tiến triển qua ba giai đoạn: sốt, nguy hiểm và hồi phục. Trong quá trình điều trị, người bệnh phải phối hợp chặt chẽ với thầy thuốc để thực hiện quy trình điều trị để bệnh mau khỏi. Không nhất thiết người mắc SXH là phải nằm điều trị trong BV mà nên theo tư vấn của thầy thuốc sau khi khám sàng lọc, có thể về nhà.

Nếu bệnh nhân nằm điều trị tại nhà thì cần chú ý uống nước đầy đủ như Oresol, các nước hoa quả như nước cam, chanh, mía, bưởi ép. Nếu sốt cao có thể hạ nhiệt bằng thuốc theo chỉ định của nhân viên y tế, bằng cách chườm mát.

Bệnh nhân SXH không phải kiêng khem gì về ăn uống. SXH chỉ lây qua muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt.

Thanh Hằng
.
.