Gỡ nút thắt cho điện ảnh như thế nào?

Thứ Ba, 15/12/2020, 20:20
Luật Điện ảnh sửa đổi được kỳ vọng là cây gậy pháp lý đa năng có thể tháo gỡ những “nút thắt” trong phát triển điện ảnh Việt Nam nhiều năm nay. Tuy nhiên, với bản dự thảo lần 3 vừa được Ban soạn thảo đưa ra lấy ý kiến, nhiều người làm điện ảnh cho rằng còn rất nhiều điểm phải điều chỉnh, nếu không sẽ không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.


Chưa hoàn thiện đã lo... lạc hậu

Nếu thời gian dự kiến trình Luật Điện ảnh sửa đổi lên Chính phủ, Quốc hội để được thông qua vào năm 2021 thì e rằng đến thời điểm ấy, có những điều trong đó trở nên lạc hậu. Đó là chia sẻ của bà Dương Cẩm Thúy, Chủ tịch Hội Điện ảnh TP Hồ Chí Minh khi đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi lần mới nhất. Theo bà, một số nội dung của dự thảo cần có phần thuộc về “tầm nhìn, dự báo”. 

Bởi lẽ, thế giới có thể phát minh ra một nguyên liệu khác, một thiết bị khác để làm phim so với hiện tại, cũng giống như là thời kỳ băng umatic, betacam đã từng thay cho phim 35 ly, sau này là kỹ thuật số thay thế băng betacam và hiện nay, người ta có thể quay và dựng phim bằng điện thoại di động... Định nghĩa về điện ảnh cũng vì thế có thể thay đổi.

“Luật Điện ảnh mới phải là bệ phóng, là nền tảng để phát triển điện ảnh trở thành ngành công nghiệp và sản phẩm điện ảnh phải trở thành hàng hóa trong và ngoài nước”, bà Dương Cẩm Thúy khẳng định.

Phim “RÒM” - một trong số tác phẩm điện ảnh gây nhiều tranh cãi về phổ biến, phát hành phim thời gian qua.

Đồng quan điểm, TS Ngô Phương Lan, nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam cũng cho rằng, so với các dự thảo trước thì dự thảo 3 có bước tiến bộ vượt bậc, đã ra hình dáng một văn bản luật với nhiều điều được sửa hoặc viết mới hợp lý, chuẩn hơn. Tuy nhiên, nếu Luật Điện ảnh vẫn được xây dựng trên quan niệm cũ rằng điện ảnh là nghệ thuật tổng hợp thì sẽ không điều chỉnh được hết các hoạt động của điện ảnh, không giải quyết được các vấn đề khúc mắc của điện ảnh hiện nay. 

Luật Điện ảnh năm 2006, sửa đổi năm 2009 được xây dựng trên quan điểm điện ảnh là ngành nghệ thuật tổng hợp vì thời điểm ấy điện ảnh tồn tại ở dạng truyền thống, là điện ảnh phim nhựa. Các quy định của Luật Điện ảnh cũ chưa quan tâm khía cạnh bộ phim là hàng hóa đặc biệt, chưa quan tâm đến thị trường điện ảnh. Luật Điện ảnh sửa đổi cần có thêm những quy định điều chỉnh hoạt động của nền công nghiệp điện ảnh trong môi trường số hóa và khuyến khích phát triển thị trường điện ảnh.

Đạo diễn Lê Hồng Chương cũng chia sẻ, khái niệm điện ảnh là loại hình nghệ thuật tổng hợp cần được Ban soạn thảo xem xét lại và định nghĩa về chủ sở hữu phim trong dự thảo đang hơi trái với quy định chung của thế giới. Bởi lẽ, chủ sở hữu phim là nhà sản xuất, không phải là chủ đầu tư và nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm với bản quyền tác giả và nhiều trách nhiệm khác nữa...

Cảnh phim “Cô Ba Sài Gòn”.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, việc xây dựng Luật Điện ảnh lần này cần được đặt trong bối cảnh mới, với nhận thức mới. Việc xây dựng Luật Điện ảnh cần chú trọng bảo vệ tối đa quyền tự do sáng tạo của người nghệ sĩ, bảo vệ tài sản và trí tuệ của nhà làm phim... Theo đó, cơ chế duyệt phim phải đổi mới, thay vì độc quyền thì việc duyệt phim phải do nhiều đơn vị có năng lực được thực hiện và nhà làm phim có nhiều điều kiện để lựa chọn giữa nhiều đơn vị

Cũng theo ông Đậu Anh Tuấn, việc dự thảo yêu cầu các cơ sở điện ảnh phải là doanh nghiệp hoặc đơn vị sự nghiệp và một cá nhân, nhóm cá nhân buộc phải làm thủ tục doanh nghiệp thì mới được làm phim là chưa phù hợp. Hiện nay, nhiều cá nhân, nhóm cá nhân vẫn làm phim, phát hành trên mạng, thậm chí rất được khán giả yêu thích mà không phải là doanh nghiệp. Yêu cầu xuất khẩu phim phải có giấy phép phát hành cũng cần lưu ý vì phim xuất khẩu phục vụ khán giả ở nước ngoài còn giấy phép phổ biến phim là bảo vệ người xem tại Việt Nam. Trường hợp phim chiếu ở nước ngoài thì không cần giấy phép này.

Vẫn lo bế tắc

Một vấn đề khác đòi hỏi Luật Điện ảnh cần điều chỉnh kịp thời là thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh. Theo đạo diễn Nguyễn Hồng Chương, Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh được đề cập trong dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi là công cụ để Nhà nước phát triển công nghiệp điện ảnh theo định hướng của mình. Nhiều quốc gia khác, kể cả châu Âu đều có chính sách hỗ trợ phát triển điện ảnh trong nước theo hướng này. 

“Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” - dự án phim do Nhà nước và tư nhân cùng đầu tư sản xuất.

Ví dụ, tại Pháp có Trung tâm Điện ảnh quốc gia Pháp. Phim phát hành tại Pháp sẽ phải trích một tỷ lệ % nhất định, chuyển về Trung tâm để tái đầu tư cho hoạt động điện ảnh theo định hướng của nhà nước. Dù không đầu tư 100% cho phim nhưng nhà nước có quyền can thiệp vào nội dung phim nhận kinh phí đầu tư và nhà sản xuất không được dùng tiền đấy để chi tiêu, chi phí cho các hoạt động ngoài sản xuất phim. Phim được đầu tư cũng chia ra 2 loại, một loại xét từng kịch bản, một loại là tự động đầu tư hằng năm, dành cho các công ty sản xuất phim tốt, đúng định hướng và hiệu quả. Đây là cách làm mà Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh Việt Nam có thể tham khảo.

Bà Ngô Thị Bích Hạnh, Phó Tổng giám đốc Công ty BHD cũng cho biết, doanh thu phòng vé của điện ảnh Việt Nam năm 2005-2006 khoảng 50 tỷ đồng/năm, năm 2019 tăng lên trên 4.100 tỷ đồng. Công nghiệp điện ảnh Việt Nam sẽ còn phát triển mạnh mẽ. Những người làm điện ảnh tin tưởng, trong 10 năm tới, con số này sẽ tăng lên 20.000 đến 30.000 tỷ đồng. Doanh số này thể hiện sự ảnh hưởng về cả vật chất và tinh thần của điện ảnh với đời sống. 

Nhưng, nếu coi đây là một ngành của công nghiệp văn hóa thì cần lưu tâm là hiện nay Nhà nước đặt hàng làm phim rất ít, hầu hết phim do tư nhân sản xuất, hướng tới đáp ứng thị hiếu khán giả, bị điều chỉnh bởi nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, nếu sản xuất phim để cho thị trường tự động điều chỉnh thì con số 20.000 - 30.000 tỷ đồng nói trên sẽ chỉ là doanh thu từ các phim thương mại, các phim nước ngoài hoặc các doanh nghiệp nước ngoài có nhiều tiền đầu tư. Trong khi đó, hiện nay, với rất nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Mỹ thì sản phẩm văn hóa, trong đó có điện ảnh là tiếp thị, quảng bá cho sản phẩm, cho đất nước, du lịch của họ.

“Kong Skull Island” - phim Hollywood quay tại Việt Nam.

Báo chí từng đưa rất nhiều về việc doanh nghiệp nước ngoài không muốn chiếu phim Việt Nam vì họ muốn chiếu phim của họ nhập vào. Họ đại diện cho các hãng phim của Hollywood, các hãng phim Hàn Quốc thì đương nhiên sẽ chiếu phim của họ. Như thế họ vừa có doanh thu của rạp chiếu, vừa thu được doanh thu bán hàng các sản phẩm của mình. 

Vì vậy, Luật Điện ảnh cần có chính sách hỗ trợ cụ thể hơn cho các doanh nghiệp điện ảnh Việt Nam. Nếu xác định điện ảnh là nền công nghiệp văn hóa được bảo trợ thì thay vì Nhà nước bỏ tiền đầu tư cho điện ảnh, cho làm phim mỗi năm, Ban soạn thảo nên đề nghị Chính phủ có chính sách dành 50% hoặc 100% thuế VAT cho Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh Việt Nam, lấy doanh thu từ điện ảnh phục vụ cho công cuộc phát triển điện ảnh, hỗ trợ cho nền công nghiệp điện ảnh Việt. 

Ngoài quỹ của Nhà nước, cần đề cập chính sách thành lập quỹ đầu tư phát triển điện ảnh tư nhân. Chính sách thành lập quỹ cũng cần xem xét kỹ vì  theo quy định hiện hành, giá trị của điện ảnh là giá trị vô hình nên chưa được thành lập quỹ. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các Bộ, ban, ngành để tháo gỡ cho những bất cập nói trên trong thành lập quỹ.

Về vấn đề này, TS Ngô Phương Lan cũng khẳng định, thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh rất khó. Việc này từng được đưa vào Luật Điện ảnh từ năm 2006 nhưng đến nay chưa thực hiện được. Vướng mắc lớn nhất là nguồn thu cho quỹ. Nếu tiếp tục đưa thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh vào dự thảo mà không có cơ chế về nguồn thu, không khắc phục được những điểm không phù hợp với Luật Ngân sách, Luật Phí và Lệ phí... thì việc này vẫn sẽ bế tắc như cũ.

Dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi bao gồm 8 chương, 44 điều, trong đó có nhiều nội dung mới như quy định về nguyên tắc hoạt động điện ảnh; vai trò, trách nhiệm của tổ chức xã hội - nghề nghiệp lĩnh vực điện ảnh; mở rộng đối tượng nhập khẩu phim; quy định đối với phổ biến phim trên hệ thống truyền hình; phổ biến phim trên không gian mạng; sửa lại các quy định về tổ chức liên hoan phim, thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh.

Dự thảo đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung như giải thích từ ngữ, bổ sung khái niệm công nghiệp điện ảnh, phim Việt Nam, phim hợp tác kinh doanh với tổ chức, cá nhân nước ngoài; sắp xếp lại các chính sách về điện ảnh; bổ sung một số nội dung, hành vi bị cấm và một số quyền, nghĩa vụ của cơ sở điện ảnh; về việc hợp tác sản xuất phim, cung cấp dịch vụ thực hiện sản xuất phim; mở rộng nội dung đề tài đặt hàng sản xuất phim theo yêu cầu của Nhà nước...

Nhiều quy định trong Luật Điện ảnh hiện hành cũng được bãi bỏ. Theo Cục trưởng Cục Điện ảnh, ông Vi Kiến Thành, Luật Điện ảnh sửa đổi dự kiến hoàn thiện, trình Chính phủ, Quốc hội vào tháng 10-2021. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa yêu cầu dời lịch trình sớm hơn là tháng 6-2021.

Minh Hà
.
.