Góc khuất thị thành

Chủ Nhật, 24/10/2010, 13:25
TP HCM, một trong những trung tâm kinh tế hàng đầu của cả nước. Nghĩ về thành phố này, đa phần người ta đều nhớ đến nhịp sống hối hả, nạn kẹt xe, nước ngập, khói bụi nhiều như sương, các mánh khóe lừa lọc trên đường phố… Tuy nhiên, ẩn khuất sâu trong lòng những con hẻm, ngoài vòng phồn hoa là những câu chuyện nhỏ mà phải đi và quan sát nhiều năm ở thành phố, người ta mới có thể nhận ra…

Trong phóng sự này, PV Chuyên đề ANTG sẽ giới thiệu đến bạn đọc những góc khuất nhỏ nằm trong một thành phố lớn. Những góc khuất thấm đượm tình người…

Xóm cơm cân ký

Xóm nằm cạnh ga Hòa Hưng, thuộc quận 3. Người ở thành phố này nhiều năm sẽ biết chuyện ga Hòa Hưng trước đây  là một trong những điểm nóng về đủ thể loại từ nạn giang hồ, hút xách cho đến trộm cướp. Xóm có tên là hẻm 240... Một xóm lao động với những con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo, rất đặc trưng cho đường phố Sài Gòn. Thứ được bày bán nhiều nhất ở xóm là cơm không, tức cơm không có thức ăn. Cơm ở đây được bán theo dạng... cân ký.

Trưa một ngày giữa tháng 10, tôi ngồi ở quán cơm cân ký của chị Nguyễn Thanh Nga, ở số 149 Nguyễn Thông, quận 3. Cái quán của chị bao gồm 3 cái nồi cơm cỡ lớn, một bình gas, thêm cây dù và vài vật dụng linh tinh khác. Chị cười, nói với tôi là tất cả vốn liếng chị bỏ ra cho quán cơm cân ký này chắc chỉ khoảng 10 triệu đồng đổ lại, vì "nhiều hơn lấy đâu ra mà làm".

Cơm cân ký là loại cơm được người bán cho vào bao nylon, đặt lên cân so so xét xét trước khi giao cho khách. Mỗi ký cơm của quán chị Nga có giá từ 7 đến 8 nghìn đồng, tùy theo chủng loại gạo mà khách muốn mua. Bán cho các quán cơm bụi vô tình nửa chừng còn khách mà hết cơm, chị lấy giá thấp hơn một chút.

Chị kể khách của chị đa phần là dân lao động nghèo. Họ ghé ngang quán chị sau khi những đôi chân bước đã mệt nhoài. Họ, theo cách gọi của mọi người là dân nhập cư đến từ mọi miền... Họ có một điểm chung là nghèo. Nghèo nên 6, 7  con người mướn chung cái nhà trọ áng chừng 10m2. Nhà chật, không có chỗ nấu ăn, họ tìm đến quán cơm của chị Nga. Mua hơn ký cơm, về ăn cho qua bữa. Ăn với gì cũng được, trái cóc còn dư hay cái râu mực ế... Khách nghèo, chủ quán cũng nghèo không kém. Nên họ dễ dàng thông cảm và thân thiện với nhau.

Chị Nga nói với tôi rằng, sau khi trừ hết mọi chi phí, thì ngày lời cao điểm nhất của chị là... dưới 100 nghìn đồng. Hỏi chị là sao tự nhiên chị chọn cái nghề bán cơm cân ký này chi cho ngộ vậy. Chị trả lời trước đây mình bán gạo, bán gạo lỗ rồi thấy người ta bán cơm cân ký cũng có khách, mà bán thứ này chỉ cần ít vốn nên nhào ra làm đại. Mới đó mà chị mở quán đã hơn 10 năm. Quán chị Nga theo quan sát của tôi thì là quán cơm cân ký duy nhất có "hộ khẩu" ngoài mặt tiền, bởi chị bán nhờ mái hiên trước nhà của mẹ chồng chị.

Cũng chẳng cần giấu giếm, chị nói 50kg gạo chị nấu được 80kg cơm. Có khi, gạo hơi nở thì nấu được tầm 85kg. Mỗi ngày, tất bật thức dậy từ lúc 4h sáng, bán một lèo đến 13h, nghỉ ngơi lo chuyện nhà đến 15 giờ thì lại bán. Bán đến khi hết cơm thì mới dọn quán. Ngày nào cái quy trình này cũng diễn ra như vậy.

Tại một quán bán cơm ký khác, cô chủ quán có cái tên rất ngộ là Bi Bi Ka Lon, ở con hẻm 240 - "trung tâm" của cơm cân ký Sài Gòn, là một người phụ nữ cao lớn. Chị bảo, ba chị là người gốc Ấn, đã đặt cho chị cái tên Tây kỳ lạ, đi học bị bạn bè chọc hoài, mắc cỡ chết được. Để cho dễ gọi, mẹ chị đặt cho chị cái tên ở nhà là Gái.

Chị là một trong những người bán cơm cân ký lâu năm nhất con hẻm này. Giá cơm của chị Gái rất rẻ: 5.500đồng/kg. Chị nấu bằng loại gạo nở nhiều, 50kg gạo được 100kg cơm. Mỗi ngày, chị bán được khoảng 150kg gạo, mỗi nồi cơm tầm 14kg chị lãi khoảng 3 đến 4.000đồng. Sống tằn tiện thì cũng có thể lo được phần nào cho gia đình. Chị cho biết, thỉnh thoảng, quán của chị thành cơ sở thiện nguyện bất đắc dĩ cho vài tay dặt dẹo, nghiện hút... Thế nhưng, thậm chí kể về câu chuyện ấy chị cũng cười, vì hình như cái quán của chị bán cho toàn người nghèo, nhìn khách riết rồi từ chuyện bán buôn người ta trở thành nhân hậu lúc nào mà chính họ cũng không biết.

Quán cơm cân ký của chị Nga.

Cùng hẻm còn có quán cơm ký của anh Hiếu. Hôm tôi ghé, anh Hiếu đang ngủ trưa. Cô con gái một mực bảo: "Chú nhà báo về đi, 3 giờ rưỡi ba con dậy rồi tính. Ba con thức từ hồi khuya làm việc, nên con không gọi dậy đâu". Chị Gái nói, người đầu tiên bán cơm cân ký là chú Thọ, giờ đã xuất cảnh đi nước ngoài. Ban đầu, ông Thọ nấu cơm ở nhà, bỏ vào rổ bưng ra ga Hòa Hưng bán cho những người khách lỡ tàu hay chờ tàu, và những người ăn theo ga tàu... Lâu dần thành thói quen, hôm nào ông không mang cơm ra thì y như rằng hôm đó... có người vào tận nhà để hỏi mua.

Nghề cứ "phát triển" từ từ mà thành. Ông mở quán cơm cân ký ngay tại nhà mình. Ông đi Mỹ, người em rể là Mến kế nghiệp. Bán được thời gian, ông Mến cũng dẹp tiệp hẳn vì phát hiện có nhiều cái để làm giàu hơn là chuyện đi lượm bạc cắc từ nghề bán cơm cân ký. Nhiều người trong hẻm thấy cái nghề của ông Mến dễ học, dễ làm, họ học theo và lâu dần, hình thành nên cái xóm bán cơm ký duy nhất ở Sài Gòn này.

Suất ăn giá... 2.000 đồng

Không chỉ vậy, ở quận 10 còn có quán cơm đồng giá, với mức giá không tưởng là... 2.000 đồng/suất.

Quán nằm trong con hẻm cụt trên đường Ngô Quyền, với địa chỉ chính xác là 14/1 Ngô Quyền, phường 5, quận 10. Tên của quán là Quán cơm 2.000, đó không phải là một thương hiệu kinh doanh, kiểu như phở hoặc bún mà nhiều nhà kinh doanh đang làm ở thành phố này. Khi mà mọi vật giá đều ăn theo mức độ tăng giá... của giá vàng thì với 2.000 đồng, người ta sẽ làm được những gì? 2.000 đồng hiện tại, rất khó để có thể phát huy công năng là thứ để giao dịch như bản thân nó được quy định. Thế nhưng, hiện tại 2.000 đồng đã được quy đổi thành  một phần cơm bao no, với 3 món xào, mặn, canh và có cả tráng miệng.

Quán chỉ mở cửa vào các trưa thứ Ba, Năm, Bảy trong tuần, đối tượng phục vụ là người nghèo và sinh viên. Nhưng, hôm tôi ghé quán để thực tế, thấy có rất ít sinh viên xuất hiện mà thay vào đó, đa phần thực khách là dân lao động nghèo, người thất nghiệp già cả hoặc những người bán vé số, người buôn thúng bán bưng... những người ngoại tỉnh lưu lạc kiếm sống ở thành phố phồn hoa này.

Họ, những người thành lập quán cơm rất tình nghĩa đó là những người sáng lập ra trang web nguoitoicuumang.com. Họ không thích được nhắc đến trên mặt báo, bởi đơn giản với họ, hành động giúp người khác không phải là việc làm được thực hiện rồi trông chờ vào sự tung hô của dư luận. Họ là những doanh nhân, công nhân viên chức hoặc là nhà báo... Họ làm việc chỉ để thỏa mãn đam mê giúp đỡ những người xung quanh đang có cảnh ngộ khó khăn hơn mình.

Một thành viên sáng lập trang web nói với tôi rằng, ngay từ năm 2008, một thành viên trên diễn đàn đã đề xuất ý tưởng thành lập quán cơm dành cho người nghèo. Đó là một ý kiến hay, nhưng diễn đàn chưa thể bắt tay vào thực hiện được bởi đơn giản, họ chưa có đủ điều kiện. Mãi cho đến giữa năm 2009, được một thành viên của diễn đàn tự nguyện cho mượn mặt bằng để mở quán cơm, thì đề xuất quán ăn dành cho người nghèo bắt đầu được thực hiện.

Mặt bằng quán là căn nhà của thành viên ấy, ban đầu anh cho người ta thuê để kiếm thêm thu nhập. Khi thời hạn thuê nhà vừa hết, anh lấy lại nhà để cho diễn đàn mượn làm nơi mở quán. Quán có đăng ký kinh doanh hẳn hoi, có cả giấy chứng nhận an toàn thực phẩm do Sở Y tế cấp. Và quán bán cơm có thu tiền, chứ không phải là một quán ăn từ thiện miễn phí.

"Tại sao chúng tôi thu tiền chứ không phải miễn phí? Anh em ở diễn đàn cũng suy nghĩ vấn đề này rất nhiều. 2.000 đồng là số tiền không lớn. Nhưng, 2.000 đồng sẽ xóa đi mặc cảm của một bữa ăn từ thiện từ thực khách, dẫu bản chất bữa ăn này là như vậy. Khi trả tiền, thực khách có quyền được yêu cầu một thái độ phục vụ  chu đáo, yêu cầu về món ăn, chê trách thái độ của nhân viên... Với 2.000 đồng, chúng tôi muốn những người nghèo ấy tin vào cái quyền mà mình đã bỏ tiền ra để được thụ hưởng", thành viên này nói với tôi.

Hóa ra là vậy, họ làm việc thiện nhưng cũng ý tứ để đối tượng mình đang phục vụ không lâm vào trạng thái của người được ban ơn. Ngày 5/9/2009, quán cơm chính thức đi vào hoạt động. Trước đó, ngày 18/8/2009, gần 50 thành viên của diễn đàn đã đóng vai thực khách để "tổng duyệt" lần cuối. Họ ăn để xem thức ăn có ngon không, gạo có dẻo không, thái độ phục vụ khách của thành viên tự nguyện có tốt không... Kết quả, mọi thứ đều rất đạt.

Để có khách, ngay khi quán cơm chuẩn bị khai trương, những thành viên của diễn đàn đã cho in nhiều tờ rơi phát ở các ngã tư, bệnh viện... Thực khách của ngày đầu tiên đông lắm, ai cũng háo hức muốn tận mắt xem suất cơm 2.000 đồng ra sao. Và sau khi bước ra khỏi quán, chẳng ai thất vọng. Tiếng lành đồn xa, khách đến ngày một đông hơn. Cao điểm, có ngày khách lên đến 470 người cho một buổi phục vụ.

Hình ảnh thường thấy ở quán cơm 2000.

Tôi hỏi là quán ăn chủ yếu để phục vụ người nghèo, nhỡ những người... không nghèo vẫn cứ vào quán thì sao. "Đâu có sao. Người không nghèo vào quán một lần, họ sẽ hiểu là mình nên rút lui để nhường chỗ cho những người nghèo thực sự. Đánh động được sự quan tâm đối với người khác trong từng bản thân của thực khách, với chúng tôi đã là một thành công...", thành viên của diễn đàn cho biết.

Vẫn là câu hỏi: "Số tiền 2.000 đồng cho mỗi suất ăn, các anh dùng để bù lỗ hay sao?". "Không có, vài trăm nghìn thu được từ buổi bán cơm chúng tôi bỏ vào quỹ của diễn đàn. Quán cơm duy trì được là nhờ vào sự đóng góp âm thầm nhưng lớn lao của các thành viên. Chúng tôi luôn mang ơn những tấm lòng hảo tâm ấy. Anh cứ về vào trang web mà xem, chúng tôi luôn minh bạch thu chi từ trái ớt cho đến bó rau trên trang web để mọi người cùng biết". Mỗi tháng, quán đều báo cáo lỗ với cán bộ thuế của phường. Và hiểu được ý nghĩa của quán, phòng thuế cũng du di cho cả chuyện phải đóng thuế môn bài.

10h sáng, một ngày thứ Ba của tháng 10, tôi đến quán cơm để ghi lại một số hình ảnh. Còn khá sớm, các nhân viên của quán đang chuẩn bị thức ăn cho thực khách. Bà con lao động nghèo đã ngồi kéo dài từ đầu hẻm đến quán cơm. Họ ngồi một bên lối đi, rất trật tự.

Thực khách Nguyễn Thị Nguyệt, quê ở Tây Ninh, bán vé số, tối chị làm thêm nghề đấm bóp giác hơi ngoài vỉa hè, nói rằng, chị đã ăn cơm ở quán được vài tháng nay. Cứ tuần 3 buổi chị canh đúng giờ này để đến quán ngồi đợi. Chị bảo, quán bán cơm ngon lắm, ngon nhất là món thịt gà. Chị ăn nhanh thôi, để dành chỗ cho người khác...

Ông Nguyễn Văn Hùng, quê Quảng Ngãi đã ngoài 70. Ông nghe mấy người bán vé số cùng khen quán cơm hết lời, vậy là đến ăn thử. Ông nói là nếu ăn ở ngoài, có giá dao động từ 12 đến 14.000đ/ phần cơm trưa. Ăn ở quán này, ông tiết kiệm được mỗi tháng đúng bằng số tiền ông hùn thuê nhà với những người đi bán vé số cùng quê.

Rồi còn nhiều lắm những thực khách nghèo khác của quán mà tôi đã tiếp xúc. Ở đây, họ chia nhau từng hơi dầu gió, từng câu chuyện nhỏ nhặt gặp trên đường, giá rau ngoài chợ, khu nào bán vé số đắt, khu nào ế... Có cả vị khách đạp xe đạp, do không nói được nhưng liên tục ra hiệu để góp chuyện cho vui.

Có tiếp xúc với những thực khách nghèo trong bữa ăn hôm ấy, mới cảm nhận được tình người lan tỏa từ quán cơm nhỏ nằm trong con hẻm ở quận 10 này.

Một bữa ăn, không thể làm những con người thoát nghèo, không thể giúp họ vượt qua được sự khốn khó. Nhưng tin chắc rằng, sau khi bước ra khỏi quán, những con người không may ấy có thể mỉm cười vì sự quan tâm của những người xung quanh dành cho mình. Ở thành phố xa hoa, không chỉ có những vội vã lo toan tranh giành vụ lợi, ở đó còn có cả những tấm lòng sống là để cho đi...

Ngô Nguyện Hữu
.
.