Góc khuất thương vụ Oracle-ByteDance

Thứ Ba, 22/09/2020, 10:05
Số phận của TikTok, ứng dụng chia sẻ video cực kỳ phổ biến, đã liên tục trải qua những khúc quanh từ khi Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh hành pháp hồi tháng 8, tuyên bố cấm TikTok vì lý do an ninh quốc gia - trừ khi chủ sở hữu của ứng dụng này, Tập đoàn ByteDance Trung Quốc bán “đứa con” của mình cho một doanh nghiệp “rất Mỹ” trong vòng 90 ngày.

Khởi nguồn từ những nghi ngại

Bất ngờ mới diễn ra vào ngày 14-9 khi Oracle trở thành đối tác được ByteDance lựa chọn cho “bản hợp đồng” TikTok. Thực tế, Oracle không thực sự “mua đứt” TikTok. Thay vào đó, doanh nghiệp này đề nghị mua quyền tiếp quản các hoạt động dữ liệu của TikTok tại Mỹ (điều mà Microsoft ban đầu cũng thúc đẩy song không được chính quyền đồng tình).

Chưa rõ thương vụ của Oracle có đủ để thỏa mãn những lo ngại về an ninh quốc gia mà chính quyền ông Trump tuyên bố hay không. Chi tiết của thỏa thuận vẫn chưa được công khai ngoài thông tin cho biết Oracle sẽ trở thành “nhà cung cấp công nghệ đáng tin cậy” của ByteDance, thay vì mua hoàn toàn các hoạt động tại Mỹ của TikTok.

Người đồng sáng lập Oracle Larry Ellison, một cử tri nhiệt thành của ông Donald Trump.

Tuyên bố từ Oracle sáng 14-9 có đoạn: “Oracle xác nhận tuyên bố của Bộ trưởng (Steven) Mnuchin rằng theo đề xuất do ByteDance đệ trình Bộ Tài chính hồi cuối tuần, Oracle sẽ đóng vai trò là nhà cung cấp công nghệ đáng tin cậy. Oracle đã có thành tích 40 năm cung cấp các giải pháp công nghệ an toàn với hiệu suất cao”. Tuy nhiên, điều khiến người ta băn khoăn là việc Oracle, một công ty chuyên về cơ sở dữ liệu, lại là “kẻ được chọn”?

Nếu “thương vụ” Oracle-ByteDance diễn ra theo kế hoạch kể trên, một câu hỏi được đặt ra sẽ là tại sao Tổng thống Trump lại không ban hành sắc lệnh buộc TikTok phải bán toàn bộ hoạt động của mình tại Mỹ ngay từ đầu. Bản thân việc ban hành sắc lệnh này cũng là vì những lo ngại nghiêm trọng liên quan đến an ninh quốc gia. Cụ thể, Chính phủ Trung Quốc bị cáo buộc gây áp lực buộc TikTok phải chuyển dữ liệu người dùng tại Mỹ cho Bắc Kinh bởi chủ sở hữu TikTok - Tập đoàn ByteDance - là một doanh nghiệp Trung Quốc.

TikTok nhiều lần khẳng định rằng họ lưu trữ tất cả dữ liệu của người dùng Mỹ tại các máy chủ đặt tại quốc gia này và Singapore - một thực tế, nếu đúng, sẽ khiến Chính phủ Trung Quốc khó có thể thao túng như cáo buộc. ByteDance cũng từ chối kiểm duyệt các nội dung của TikTok tại Mỹ theo yêu cầu của giới chức Trung Quốc.

Cáo buộc của Washington bắt nguồn từ những nghi ngại dù không có bằng chứng cụ thể rằng Bắc Kinh thường xuyên giật dây các doanh nghiệp trong nước vì mục đích chính trị, chẳng hạn như gây áp lực buộc các công ty công nghệ phải giao dữ liệu người dùng cho các nhà chức trách. Điều đáng lo ngại thực sự trong thương vụ Oracle-TikTok hiện nay là chưa rõ cách Oracle xử lý dữ liệu của TikTok tại Mỹ nếu không biến TikTok tại Mỹ thành một công ty riêng biệt không chịu sự giám sát của ByteDance - có thể giải tỏa bất kỳ lo lắng nào về bảo mật hoặc kiểm duyệt của Washington hay không.

Thậm chí, khi có tin về việc Oracle tiếp quản TikTok tại Mỹ, không ít chuyên gia về luật an ninh quốc gia như Bobby Chesney, làm việc tại Đại học Texas, đã đặt câu hỏi rằng tại sao những mối lo ngại trước đây dường như không còn được đặt ra nữa?

Trụ sở ByteDance tại Bắc Kinh, Trung Quốc.

Dấu hỏi lớn

Mối quan hệ ấm cúng của lãnh đạo Oracle với Tổng thống Trump có thể chính là yếu tố đưa doanh nghiệp này vượt mặt các nhà thầu khác. Người đồng sáng lập Oracle, Larry Ellison và Giám đốc điều hành Safra Catz là những người hiếm hoi ủng hộ ông Trump trong số các CEO công nghệ nổi tiếng ở Thung lũng Silicon (thành viên hội đồng quản trị Facebook Peter Thiel cũng là một ngoại lệ). Tháng 2 vừa qua, Ellison đã tổ chức một cuộc gây quỹ lớn để ủng hộ Tổng thống Trump tại dinh thự riêng ở thung lũng Coachella.

Vào tháng 8, khi có tin Oracle cũng sẽ tham gia cuộc đua tranh giành TikTok, Tổng thống Trump đã tán dương Oracle, gọi đây là “một công ty tuyệt vời” và Ellison là “người vĩ đại”. Tuy nhiên, có một thực tế là mối quan hệ tốt đẹp giữa Catz và Ellison với Tổng thống Trump không phải lúc nào cũng nhận được sự tán thành của nhiều nhân viên theo khuynh hướng tự do của Oracle, nhiều người trong số này là những người nhập cư làm việc với thị thực H1B và những người từng bị ảnh hưởng bởi các chính sách chống nhập cư mà ông Trump thúc đẩy.

Mối quan hệ giữa ban lãnh đạo của Oracle và ông Trump đang khiến người ta phải băn khoăn về việc liệu điều này có đóng vai trò gì trong kế hoạch mới về tương lai của TikTok ở Mỹ hay không.

Xét ở góc độ nào đó, đây cũng có thể chỉ là một vở kịch khác trong cuộc chiến thương mại dai dẳng giữa Trung Quốc và Mỹ mà chính Tổng thống Trump đã leo thang trong nhiệm kỳ của mình. Trung Quốc từ lâu đã có những động thái bị coi là chèn ép với nhiều tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ như Facebook và Google khi hoạt động trên lãnh thổ của mình. Đổi lại, Tổng thống Trump ban hành hàng loạt quy định và điều luật để hạn chế các công ty công nghệ Trung Quốc, như Huawei, kinh doanh tại Mỹ.

Các lệnh trừng phạt kinh tế vốn được xem như chiến thuật chính sách đối ngoại ưa thích của người đứng đầu Nhà Trắng. Song, những diễn biến trong thương vụ TikTok - từ các sắc lệnh bất ngờ và khó hiểu của ông Trump, các tuyên bố trái ngược với báo chí, công khai gợi ý rằng TikTok có thể tìm cách đi cửa sau với Chính phủ Mỹ để xoa dịu lo ngại và cả việc giới chức đang xem xét một thỏa thuận - với nội dung cơ bản là những gì họ từng phủ nhận đã làm cộng đồng ủng hộ các quyền tự do dân sự và giới phân tích chính trị phải đặt dấu hỏi về cách thức nhà lãnh đạo Mỹ sử dụng quyền lực và tác động tới thị trường tự do Mỹ.

"Kết hôn" với Oracle có giúp ByteDance trụ lại ở Mỹ?.

Thêm những bước ngoặt

Một số thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa bao gồm Marco Rubio bang Florida, Thom Tillis bang Bắc Carolina và John Cornyn từ Texas đã ngay lập tức chỉ trích đề xuất kể trên giữa ByteDance và Oracle, cho rằng mọi thỏa thuận khiến một công ty Trung Quốc - cụ thể là ByteDance - vẫn tiếp tục có quyền kiểm soát thuật toán trong ứng dụng sẽ không giải quyết được các mối lo ngại về an ninh quốc gia.

Phản ứng dữ dội từ các nhà lập pháp đang tạo thêm một bước ngoặt khác cho “bộ phim dài kỳ” về TikTok, một ứng dụng rất phổ biến trong giới trẻ và cả những người nổi tiếng. Sự phản đối của giới lập pháp cũng làm dấy lên câu hỏi về nguy cơ Tổng thống Trump đối mặt với những lời chỉ trích trong giai đoạn nước rút của quá trình vận động tái tranh cử. Nhận thức được các luồng dư luận nhạy cảm, người đứng đầu Nhà Trắng tỏ ra khá thận trọng và khẳng định ông vẫn chưa thể đưa ra quyết định mà “vẫn phải chờ xem thỏa thuận”, đồng thời nhấn mạnh ông sẽ không hài lòng nếu “phần lớn TikTok vẫn thuộc sở hữu của một công ty Trung Quốc”.

Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin khẳng định chính quyền Washington “rất tin tưởng vào cả Microsoft và Oracle và họ (ByteDance) đã chọn Oracle”. Sau khi hoàn tất đánh giá tổng thể đối với TikTok - tiến trình mà nhiều người cho là Tổng thống Trump đã phớt lờ khi ban hành sắc lệnh hành pháp, Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) sẽ đưa ra khuyến nghị để Tổng thống Trump cân nhắc phê chuẩn về đề xuất giữa Oracle và ByteDance trong tuần này, thỏa thuận đảm bảo việc thành lập một công ty với 25.000 việc làm có trụ sở tại Mỹ.

Ngày 16-9, Tổng thống Trump cho biết ông “không thích” đề xuất liên quan đến Oracle và TikTok. Bình luận này được đưa ra sau khi CFIUS báo cáo rằng cấu trúc của thỏa thuận không giải quyết được các lo ngại về an ninh quốc gia, dù ông Trump khẳng định ông chưa biết về các nhận định này. Trước đó, Bloomberg đưa tin CFIUS đã kết luận rằng việc cho phép Oracle trở thành “đối tác công nghệ đáng tin cậy” của TikTok là không đủ để giải quyết vấn đề về nguy cơ đối với dữ liệu từ gần 100 triệu người dùng Mỹ của ứng dụng chia sẻ video phổ biến.

Oracle sẽ trở thành đối tác công nghệ của TikTok.

Lối thoát...

Một nhân tố quan trọng không thể không nhắc đến trong “thương vụ” Oracle-ByteDance là chính quyền Trung Quốc, từng khẳng định không để ByteDance bán những thuật toán độc quyền. Vì vậy, rất có thể theo quan điểm của ByteDance, việc để Oracle trở thành đối tác cung cấp công nghệ - một thỏa thuận không bao gồm việc bán đi thuật toán “For You” quý giá - là lựa chọn đôi bên cùng có lợi cho cả Mỹ và Trung Quốc.

Trên thực tế, có những ý kiến cho rằng thỏa thuận của Oracle có thể chỉ là để lách luật và rõ ràng không phải là một vụ mua bán mà ông Trump mong muốn. TikTok không phải là nền tảng có xuất xứ Trung Quốc duy nhất mà chính quyền nhắm đến. Song song với lệnh cấm TikTok, cũng với lý do lo ngại về an ninh quốc gia, Washington cũng chĩa mũi dùi vào WeChat, một ứng dụng nhắn tin-mạng xã hội và thanh toán di động do Tencent phát triển. Có ý kiến còn cho rằng nhà lãnh đạo Mỹ dường như đang thúc đẩy một cuộc "Thập tự chinh" chống các công ty viễn thông khổng lồ của Trung Quốc.

Điều khoản và nội dung các cuộc thương thuyết vẫn được giữ kín, vì vậy không rõ liệu Oracle có quyền truy cập vào mã nguồn và thuật toán căn bản của TikTok hay không. Nếu không, Oracle chỉ là người đóng vai trò giám sát một hệ thống hoàn toàn bí mật. Hơn thế nữa, nếu Oracle không nắm được thuật toán của TikTok, họ khó có thể biết dữ liệu người dùng tại Mỹ được xử lý thế nào, thực chất những gì đang diễn ra và thậm chí không thể biết chúng có bị chuyển qua Trung Quốc như Tổng thống Trump lo ngại hay không.

Đề nghị mua TikTok của Microsoft, nhà thầu từng được cho là tiềm năng nhất, trước đó đã bị ByteDance từ chối. Gã khổng lồ công nghệ thông tin của Mỹ muốn mua lại TikTok và các thuật toán tiên tiến của ứng dụng này, song cuối tháng 8 vừa qua, Chính phủ Trung Quốc đã công bố danh sách các công nghệ mới bị cấm xuất khẩu và nhiều khả năng loại công nghệ được dùng trong thuật toán của TikTok nằm trong danh sách này.

Sau khi Trung Quốc công bố danh sách các loại công nghệ bị cấm xuất khẩu, giới quan sát cho rằng chính quyền Bắc Kinh đang tìm cách ngăn Mỹ thâu tóm thuật toán giá trị của TikTok và cả những công nghệ độc quyền của nhiều nền tảng ứng dụng mà Washington đang nhắm tới. Thậm chí, có ý kiến cho rằng sự vụ lần này phản ánh ý đồ độc quyền trên thị trường mạng xã hội Mỹ của Washington. Về cơ bản, nước cờ của Bắc Kinh được cho là lý do chính khiến Microsoft không thể mua lại TikTok.

Trước đó, Microsoft tuyên bố việc họ mua lại TikTok sẽ vừa đảm bảo lợi ích cho người dùng vừa đáp ứng các yêu cầu về lợi ích an ninh quốc gia. Hãng này tuyên bố sẽ thực hiện những cải tổ căn bản để dịch vụ mà họ cung cấp thỏa mãn các tiêu chuẩn cao nhất về bảo mật, quyền riêng tư, an toàn trực tuyến và chống lại các thông tin sai lệch.

TikTok là một ứng dụng cực kỳ phổ biến với 100 triệu người dùng ở Mỹ, vì vậy số phận của ứng dụng này thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của dư luận. Nếu Tổng thống Trump chấp nhận vụ thương thảo giữa ByteDance và Oracle, mọi chuyện với người dùng sẽ không có nhiều xáo trộn bởi công ty Mỹ chỉ quản lý dữ liệu ở cửa sau chứ không tác động tới giao diện. Tuy nhiên, những diễn biến xung quanh bộ phim dài kỳ này vẫn đang gây ra rất nhiều tranh cãi và có thể sẽ khó sớm hạ màn.

Thái Hân (Tổng hợp)
.
.