Liên hoan sân khấu về hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân

Góc nhìn đa chiều về người chiến sĩ

Thứ Ba, 16/06/2020, 10:02
Chào mừng kỷ niệm 75 năm Ngày Truyền thống CAND Việt Nam, 15 năm Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Liên hoan Nghệ thuật sân khấu về “Hình tượng người chiến sĩ CAND” lần thứ IV dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 7/2020 (5 năm một lần) do Bộ Công an, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức.

Đây là liên hoan có quy mô lớn được đông đảo các đoàn nghệ thuật khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam tham dự với các loại hình sân khấu đa dạng  như chèo, cải lương, kịch nói, ca kịch với kịch bản đa dạng, cho khán giả những góc nhìn đa chiều về hình tượng người chiến sĩ CAND trong chiến đấu cũng như cuộc sống đời thường.

Nhiều loại hình nghệ thuật sân khấu tham dự liên hoan

Liên hoan Nghệ thuật sân khấu toàn quốc về "Hình tượng người chiến sĩ CAND" lần thứ IV, để đạt được những kết quả tốt nhất, về phía Bộ Công an cũng như đơn vị tham mưu, thường trực là Cục Công tác Đảng và Công tác chính trị, Bộ Công an đã có sự chuẩn bị từ rất sớm. Bởi đây là hoạt động nghệ thuật có ý nghĩa đặc biệt thiết thực khi khắc họa nét đẹp bình dị của người chiến sĩ CAND đúng như lời Bác dạy: “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.

Để có được nguồn kịch bản phong phú cho các nhà hát - đơn vị nghệ thuật có thể lựa chọn dàn dựng, thời gian qua, Bộ Công an đã tổ chức 2 trại sáng tác kịch bản sân khấu về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống", được đông đảo tác giả hào hứng tham dự. Trong số 33 vở diễn tham gia kỳ liên hoan lần này có tới 10 vở diễn là tác phẩm ra đời từ trại sáng tác kịch bản sân khấu lần thứ hai và từng được ban tổ chức trao giải thưởng về kịch bản vào giữa năm 2019.

Cảnh trong vở “Chuyên án Z5” được Nhà hát Kịch CAND khởi dựng hồi tháng 5/2020.

Liên hoan lần này đã quy tụ được nhiều đơn vị nghệ thuật khắp cả 3 miền, điều đó cũng đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều loại hình nghệ thuật tưng bừng trên sân khấu như chèo, cải lương, kịch nói, ca kịch.

Ở loại hình cải lương có 3 vở diễn tham gia, đó là: "Bão ngầm" (Kịch bản: Đào Trung Hiếu, đạo diễn: NSND Hoàng Quỳnh Mai) của Nhà hát Cải lương Việt Nam; "Sen Việt" (Kịch bản: Chu Thơm, đạo diễn: Trần Đức Bảo Khanh) của Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP Hồ Chí Minh; "Hồi sinh" (Kịch bản: NSƯT Quế Anh, đạo diễn: NSƯT Lê Hải).

Riêng với loại hình ca kịch Huế có 2 vở diễn tham gia đó là vở "Chuyên án Z1" (Kịch bản: Lê Thanh Hương, đạo diễn: La Thanh Hùng) và "Những đứa con thời loạn" (Kịch bản: Xuân Đức, đạo diễn Nguyễn Ngọc Linh). Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca xứ Nghệ cũng tham gia 2 vở diễn "Người thứ 13" và "Vụ án Am Bụt Mọc". 

Ngoài ra, còn có đoàn ca kịch Quảng Nam tham gia với vở diễn dân ca bài chòi mang tên "Cơn lốc" (Kịch bản: Trung tướng, nhà văn Hữu Ước, đạo diễn: NSND Giang Mạnh Hà). Trung tướng - nhà văn Hữu Ước đi lên từ người lính và là một người đặc biệt yêu sân khấu đã thành công với không ít vở diễn. Lần này ông có 3 tác phẩm dự liên hoan. Nhà hát Chèo Hưng Yên sẽ tham gia vở "Tiếng chuông" (Đạo diễn: NSƯT Tuấn Cường). Trung tâm Bảo tồn và Phát triển nghệ thuật sân khấu (Hội Sân khấu Việt Nam) vừa tổng duyệt vở kịch "Nhật kí kẻ tử tù".

Phong cách kịch "Nhật kí kẻ tử tù" cũng là trục chính trong phong cách kịch của Hữu Uớc, luôn dữ dội, vật lộn nhưng đó là khát vọng của chân lí. Nó khiến người xem hồi hộp, sợ sệt, lo âu... rồi nhỏ lệ. Những giọt lệ của niềm tin và đẹp đẽ bên cạnh giông bão mà cuộc đời mỗi người từng nếm trải. Khán giả luôn tìm thấy một phần số phận, cuộc đời mình trong đó. Ông cũng là một trong số tác giả có số lượng tác phẩm viết về hình tượng người chiến sĩ công an nhiều nhất với tổng số 10 vở.

Những vở diễn nóng hổi tính thời sự

Kì liên hoan lần này có 3 vở chèo, trong đó có 2 vở của Nhà hát Chèo Quân đội là "Bóng ma tội ác" (Kịch bản: Lê Chí Trung, đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang) và "Gặp lại người đã chết" (Kịch bản: Nguyễn Đăng Chương, đạo diễn: NSND Lê Hùng).

Cảnh trong vở “Hoa sen lửa”.

Vở chèo “Gặp lại người đã chết” dựa trên bút ký “Trở về” của Đại tá Phạm Văn Quyền, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử CAND, đã “lấy” đi không ít nước mắt của khán giả trước sự hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ tình báo trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Ở đó, một cuộc chiến thầm lặng giữa các chiến sĩ tình báo của ta với phía bên kia đang diễn ra ác liệt. Nữ chiến sĩ Bảo Yến trước ngày cưới đã nhận một nhiệm vụ vô cùng nan giải. Cô phải chấp nhận lấy viên sĩ quan Việt Nam Cộng hòa để thu thập thông tin.

Trước nhiệm vụ cấp trên giao phó, Bảo Yến và người yêu đã hy sinh hạnh phúc cá nhân, đặt Tổ quốc lên trên hết. Rồi cô sinh con cho viên sĩ quan Việt Nam Cộng hòa nhưng thực chất Bảo Yến vẫn đang thực hiện nhiệm vụ của mình, giữ liên lạc với tổ chức. Và trong một lần sơ sẩy, cô bị bắt và hy sinh. Đứa con nhỏ của cô đã được người đồng đội đưa trở ra Bắc. Điều bất ngờ đứa con ấy lại là con của Bảo Yến và người yêu của mình. Anh người yêu đã lập ngôi mộ gió cho Bảo Yến ở làng quê và vẫn đang mong ngóng điều kỳ diệu sẽ xảy ra. Vở kịch khép lại với màn hai cha con mừng mừng tủi tủi gặp lại nhau sau bao năm ly biệt.

Nhà viết kịch Nguyễn Đăng Chương trải lòng: “Chúng ta đang sống trong thời kỳ đổi mới và đang bị cuốn đi theo quy luật của nền kinh tế thị trường. Đâu đó trong cuộc sống này, đã có những giây phút quên lãng quá khứ. Vì thế, chỉ khi quá khứ và hiện tại được nối lại với nhau bằng sự tri ân, những con người ngày nay mới biết cách sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh đó”.

Nhà hát Kịch Việt Nam đem đến liên hoan với 2 vở "Hoa sen lửa" (Kịch bản: Chu Thơm, đạo diễn: NSƯT Trịnh Mai Nguyên) và "Nữ cảnh sát SBC" (Kịch bản: Nguyễn Quang Vinh, đạo diễn: NSƯT Lâm Tùng).

“Hoa sen lửa” gợi liên tưởng tới sự tôi luyện trong gian nan, thử thách của những đóa sen thơm mát, nhẹ nhàng. Đó chính là ý nghĩa mà người xem có thể cảm nhận về vở diễn khi xây dựng hình tượng nghệ thuật về người chiến sĩ CAND, những con người giống như đóa sen lửa vững vàng, gan góc.

Vở diễn xoay quanh vụ án mạng liên quan đến Tập đoàn Thiện Tâm và cuộc đấu tranh không khoan nhượng của lực lượng Công an với hành vi pháp luật. Mãnh lực của đồng tiền liên tiếp tạo nên sóng gió cho công cuộc phá án của cơ quan điều tra, mà người đứng đầu là Đại tá Liên - giám đốc công an tỉnh. Cấp dưới bị mua chuộc, cấp trên tạo sức ép, liệu nữ đại tá có đủ bản lĩnh tìm ra sự thật?

Vở diễn khắc họa hình tượng chiến sĩ CAND trên nhiều mặt trận, từ các công việc điều tra, phá án đến giáo dục, cảm hóa những người đã phạm tội cải tạo tốt để sớm trở về làm lại cuộc đời.

Tác phẩm “Nữ cảnh sát SBC” lại là câu chuyện về những chiến sĩ CAND đó là cuộc chiến không khoan nhượng với cái xấu, cái ác. Nội dung kịch bản là những lát cắt nhỏ về đời sống của những chiến sĩ CAND, để người xem hiểu thêm và đồng cảm với một công việc đặc thù này. Không khô cứng như những gì người ta thường hình dung về nữ công an mà trái lại, đó là những người cũng có nội tâm phong phú, trái tim nhiệt huyết rung cảm và đầy bao dung, mềm mại.

NSƯT Xuân Bắc - Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cho biết: Kịch bản “Nữ cảnh sát SCB” được chọn từ hơn 40 kịch bản về cùng đề tài, một số kịch bản khác cũng được chọn nhưng thuộc dạng “của để dành”.

Kịch bản này đạt các điều kiện về nội dung, phù hợp nhân lực diễn viên. Cái ác, cái xấu luôn rình rập khắp nơi và có thể tấn công bất kể ai, bất kể lúc nào. Những người chiến sĩ công an chính là lực lượng tiêu diệt cái ác. Vở diễn đi sâu khai thác theo hướng mới, vẫn thể hiện hình tượng người chiến sĩ CAND nhưng không nhìn vào những chiến công mà ở góc độ họ cũng là những con người bình dị, đời thường cũng biết yêu ghét, giận hờn”.

Nhà hát Tuổi trẻ đem đến Liên hoan với "Bộ cảnh phục chưa mặc" (Kịch bản: Đỗ Đức Trung, đạo diễn: NSƯT Sỹ Tiến). Đây là kịch bản đã đạt giải A trong cuộc thi sáng tác kịch bản về phòng chống ma túy năm 2014. Câu chuyện kể về một nữ trinh sát trong quá trình được giao nhiệm vụ bí mật làm người giúp việc cho một gia đình đã phát hiện ra nhiều sự thật liên quan đến việc tàng trữ trái phép ma túy. Vượt qua mọi khó khăn, cô đã dũng cảm hoàn thành nhiệm vụ.

Nhà hát Kịch Hà Nội với "Kẻ trộm" (Kịch bản: Lê Quý Hiền, đạo diễn NSƯT Thu Hạnh): Vở kịch được Bộ Công an trao giải tại trại sáng tác kịch bản sân khấu về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” lần thứ hai vào tháng 11/2019.

Bắt đầu từ câu chuyện anh xe ôm nọ thường chờ khách ở cổng UBND huyện. Hằng ngày hành nghề tại đây, anh xe ôm đã quá quen thuộc với cảnh khách vào ra chốn này. Một hôm, anh đột nhập vào phòng ông chủ tịch huyện lấy đi 5 tỷ đồng cùng mớ phong bì rồi ra... tự thú...

Tại Cơ quan công an, kẻ trộm khai ăn trộm 5 tỷ đồng nhưng vị chủ tịch huyện (người bị hại) lại phủ nhận, khai rằng chỉ mất có 5 triệu đồng. Vị chủ tịch huyện bấm bụng không dám nói thật số tiền bị mất vì sợ dư luận ầm ĩ, đặt nghi vấn số tiền đó ở đâu ra.

Vụ trộm mất 5 tỷ hay 5 triệu đồng này làm rõ không khó nhưng khổ nỗi anh đội trưởng đội cảnh sát hình sự công an huyện lại là người yêu của con gái ông chủ tịch huyện. Cái khó nảy sinh từ những mối quan hệ cấp trên và cấp dưới, cha con, người yêu, quan hệ đồng chí... dẫn tới việc câu chuyện bị lái sang một hướng khác...

Để sân khấu mãi là thánh đường

Cũng vẫn như các kỳ liên hoan sân khấu toàn quốc về "Hình tượng người chiến sĩ CAND" đã diễn ra trước đây, kịch nói luôn là một thế mạnh không thể phủ nhận. Trong đó có những tên tuổi trong làng kịch nói phải kể đến như Nhà hát Kịch Quân đội với 2 vở diễn "Ngọn đèn trước gió" (Kịch bản: Thu Phong, đạo diễn: NSND Lê Hùng) và "Lời xin lỗi muộn màng" (Kịch bản: Xuân Đức, đạo diễn: NSND Lê Hùng); Nhà hát Kịch TP Hồ Chí Minh với vở "Lằn ranh" (Kịch bản: Kiến Bình, đạo diễn Trần Quý Bình); Nhà hát Kịch CAND với 2 vở: "Vẫn sống" (Kịch bản: Phạm Quyền, đạo diễn: NSND Lê Hùng) và "Chuyên án Z5" (Kịch bản: Thượng Luyến, đạo diễn: NSND Trần Ngọc Giàu)...

Cảnh trong vở “Kẻ trộm”, tác giả: nhà biên kịch Lê Quý Hiền, đạo diễn: Lê Thu Hạnh.

Đại tá, NSND Nguyễn Công Bảy, Phó Cục trưởng Cục Công tác Đảng và Công tác chính trị, nguyên Trưởng đoàn Kịch nói CAND đi lên từ người lính trong lực lượng vũ trang, lại được sống trong môi trường kịch nghệ, gắn bó hàng chục năm, trải lòng: “Liên hoan về hình tượng người chiến sĩ CAND là mỗi dịp sân khấu cả nước có cơ hội quy tụ để làm nghề có sự giao lưu tiếp xúc học hỏi giữa những người làm nghề, tôi đều rất xúc động.

Trong bối cảnh sân khấu cả nước có nhiều khó khăn như trong suốt thời gian qua từ sau đợt tết Nguyên đán, đặc biệt ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến toàn bộ hoạt động văn hóa - nghệ thuật cả nước bị tê liệt, tôi hi vọng Liên hoan Nghệ thuật sân khấu toàn quốc về "Hình tượng người chiến sĩ CAND" lần này sẽ tiếp tục khơi nguồn cảm hứng, nuôi dưỡng ngọn lửa của tình yêu sân khấu đối với khán giả, để sân khấu mãi là thánh đường đích thực và sân khấu sẽ lại tiếp tục để cho khán giả Thủ đô tin yêu và chờ đón...".

Trần Mỹ Hiền
.
.