Góc tài hoa và tinh thần Tây Tiến

Thứ Năm, 17/09/2020, 20:22
Những ai đến thăm Khu di tích lịch sử lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến (gọi tắt là Trung đoàn Tây Tiến) trên đồi Nà Bó (tiểu khu 12, thị trấn Mộc Châu, tỉnh Sơn La) sẽ khó có thể rời mắt với góc “Tài hoa Tây Tiến” được bố trí trang trọng tại Nhà Truyền thống của di tích.


Ở đó du khách có thể chiêm ngưỡng 4 tác phẩm được coi là đặc trưng nhất cho sự tài hoa của các chàng lính trẻ tham gia Trung đoàn anh hùng từ cách đây hơn nửa thế kỷ và cùng “sống dậy” tinh thần Tây Tiến.

Một Quang Dũng tài hoa trong hội họa

Theo chân “người bản địa” Nguyễn Văn Vỵ, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Sơn La, tôi đến địa danh được xếp hạng Di tích quốc gia tại xứ sở bò sữa. Và ông, một “vị quan tỉnh” về hưu cũng không ngần ngại là hướng dẫn viên du lịch cho tôi.

Thời gian này, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 mà Mộc Châu hầu như không có du khách ghé thăm và tất nhiên khu di tích này cũng “lặng tiếng chân người”. Sau khi thắp nén hương cho chiến sĩ trên đài tưởng niệm, ông giới thiệu cho tôi một vài nét về khu di tích này.

Trong đó, ông nhấn mạnh nét đặc sắc của công trình là theo ý tưởng thiết kế từ nội dung bài thơ “Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng sáng tác năm 1948. Bài thơ tựa như “linh hồn” của Trung đoàn Tây Tiến gắn với bước hành quân khó khăn, gian khổ nhưng vẫn hào hoa, lạc quan cách mạng của những thanh niên, sinh viên Hà Nội và những vùng lân cận tiến về miền Tây của Tổ quốc vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì nhiệm vụ quốc tế cao cả.

Cuốn sách “Nhà thơ Quang Dũng - Người mang trong trắng đi tìm thanh cao” vừa được xuất bản.

Bài thơ “Tây Tiến” đã tốn không ít giấy mực của các nhà nghiên cứu phê bình văn học, nhất là với câu thơ “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm” đã từng gây “tranh cãi” về sự ủy mị của người chiến sĩ cộng sản. Vì thế, bài thơ khi mới ra đời đã không được phổ biến rộng rãi.

Thế nhưng, sau này nó được đánh giá là một trong những tác phẩm tiêu biểu trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp ác liệt của dân tộc. Riêng về tác giả Quang Dũng, gần đây cũng đã được giới truyền thông nhắc đến không chỉ với tư cách là một nhà thơ mà còn là một họa sĩ tài hoa.

Họa sĩ Tô Chiêm, người cùng con gái nhà thơ Quang Dũng là bà Phương Thảo biên soạn và vừa cho ra mắt cuốn sách “Nhà thơ Quang Dũng - người mang trong trắng đi tìm thanh cao” cho biết: “Trong một bản khai lý lịch năm 1961, phần làm việc gì, Quang Dũng ghi: “Họa sĩ thuộc ngành hội họa, Chi hội Văn nghệ Liên khu 3 - năm 1952”, trước đó, từng tham gia một khóa học hội họa từ xa do Pháp tổ chức. Điều đó cho thấy, ngoài năng khiếu hội họa, ông còn có thời gian học tập và hoạt động mỹ thuật khá sôi nổi. Quang Dũng cũng minh họa một số truyện cho thiếu nhi như “Sơn Tinh - Thủy Tinh”, “Thánh Gióng”, “Tấm Cám”...”.

Tượng nhà thơ Quang Dũng tại Nhà Truyền thống của Khu di tích.

Họa sĩ Tô Chiêm cũng cho biết, khi làm cuốn sách này, tiếp xúc với những bức tranh gốc do nhà thơ Quang Dũng để lại, ông thấy nhiều bức rất đẹp, rất tình cảm. “Mỗi bài thơ ông viết, hoặc chép ra sổ tay đều có vài hình minh họa đi kèm. Nhà thơ Quang Dũng tự minh họa cho những bài thơ, bút ký, tự làm bìa cho sách của mình.

Một số người từng tiếp xúc với nhà thơ cũng kể rằng, đam mê hội họa trong nhà thơ Quang Dũng không kém gì thi ca và có lẽ ông vừa vẽ vừa làm thơ cùng lúc. Tranh của Quang Dũng sau này phần lớn là vẽ phong cảnh những nơi ông đã từng qua, vùng biên giới, vùng trung du Hòa Bình. Riêng vùng Ba Vì, Tam Đảo ông vẽ khá nhiều... Tôi nghĩ, Quang Dũng rất xứng đáng được gọi đầy đủ là nhà thơ - họa sĩ”, họa sĩ Tô Chiêm nhấn mạnh.

Khắc họa tình quân dân thắm thiết

Ít ai biết rằng nhạc sĩ, chiến sĩ Trung đoàn Tây Tiến Doãn Quang Khải là người “chắp đôi cánh âm nhạc” cho khẩu hiệu truyền thống “Vì nhân dân quên mình” của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Hành khúc ấy được sáng tác vào tháng 5/1951, tức là sau gần 7 năm, kể từ ngày Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ra đời tại khu rừng Trần Hưng Đạo (huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng). Ca khúc nói lên nguồn gốc “từ nhân dân mà ra”, mục đích “vì nhân dân mà chiến đấu” của Quân đội nhân dân Việt Nam, ca ngợi quan hệ gắn bó, thắm thiết như “cá với nước” giữa quân đội và nhân dân, sự tin yêu của nhân dân với quân đội.

Những chiến sĩ tham gia Trung đoàn Tây Tiến.

Với ý nghĩa sâu sắc ấy, sáng tác của người chiến sĩ Trung đoàn Tây Tiến là một trong những bài hát truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam, được sử dụng làm nhạc hiệu cho các chương trình phát thanh và truyền hình Quân đội nhân dân.

Nhạc sĩ Dân Huyền, nguyên Trưởng phòng Dân ca và nhạc cổ truyền Đài Tiếng nói Việt Nam từng kể lại với tôi câu chuyện về xuất xứ của bài hát “Vì nhân dân quên mình” khi được nhạc sĩ Doãn Quang Khải chia sẻ lúc sinh thời.

Theo nhạc sĩ Dân Huyền thì đây là sáng tác duy nhất của nhạc sĩ Doãn Quang Khải và chính nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, một trong những người sáng lập và Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã góp ý để tác giả sửa bài hát này. Bài hát thực sự đến với công chúng vào năm 1952, khi được giải Nhì (không có giải Nhất) trong cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật toàn quốc.

“Sinh thời, nhạc sĩ Doãn Quang Khải coi ca khúc là phần thưởng lớn nhất mà cuộc đời đã dành cho ông, một người chiến sĩ từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Ông luôn thấy mình may mắn vì có được một sản phẩm tinh thần, một “tài sản cuộc đời” được mọi người yêu mến và đồng cảm”, nhạc sĩ Dân Huyền bồi hồi nhớ lại.

Khắc họa tài tình tình quân dân của những người chiến sĩ ở Trung đoàn Tây Tiến còn có bức tranh sơn dầu “Nuôi giấu thương binh” của họa sĩ Quang Thọ. Bức tranh được tác giả lấy cảm hứng từ thực tiễn những ngày đói khát của đoàn quân Tây Tiến, trong đó một chiến sĩ được cứu sống nhờ bầu sữa của một phụ nữ người dân tộc.

Theo một số tài liệu ghi lại thì vào cuối năm 1947 quân Pháp tấn công từ Sơn La về. Lúc đó, tương quan lực lượng rất chênh lệch, quân địch là đội quân chính quy còn quân ta là tập hợp những thanh niên từ miền xuôi lên, kinh nghiệm trận mạc chưa nhiều.

Một góc Khu di tích lịch sử lưu niệm Trung đoàn Tây Tiến.

Một lần, trên đường hành quân, cả tiểu đội đói lả, trong đó có một chiến sĩ bủn rủn chân tay không thể đi được thì bỗng nhiên có một người phụ nữ dân bản địu con đi đến. Chị lặng lẽ tháo địu đặt đứa con xuống bên đường, ngồi nâng đầu người chiến sĩ ấy lên đùi và vạch bầu sữa. Người chiến sĩ đang lịm đi được nhận những giọt sữa thấm vào môi đã dần tỉnh lại.

Chứng kiến toàn bộ sự việc này, Chính trị viên Trung đội Quang Thọ đã vô cùng xúc động và nghĩ ngay đến việc vẽ một bức tranh tái hiện khung cảnh ấy. Thế nhưng, đến khi hòa bình lập lại, được học lớp hội họa, Quang Thọ mới có thể gửi gắm tình quân dân sâu nặng thuở xưa vào bức tranh màu dầu khổ lớn “Nuôi giấu thương binh” của mình.

Theo nhiều chuyên gia hội họa thì ở bức vẽ này, Quang Thọ đã xử lý tình huống rất thú vị. Trong cánh rừng nhiệt đới với những cây lá kỳ lạ, anh thương binh nằm trên chõng tre sốt mê man được bà mế già đang lau mồ hôi trên trán, người mẹ trẻ vắt sữa ra cái bát. Tác giả dùng bút pháp vừa kỳ ảo vừa chân thực để vẽ nên hình ảnh những người phụ nữ dân tộc miền núi đang dồn hết tất cả để giành giật sự sống cho người chiến sĩ đang kiệt sức.

Không phải ngẫu nhiên mà tác phẩm “Trên đường hành quân” của họa sĩ Văn Đa cũng có mặt trong “bộ tứ” này. Bức họa đã một lần nữa cùng với bài thơ “Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng khắc họa hành trình hành quân đầy gian lao, vất vả của người chiến sĩ khi phải vượt qua những con đường rừng núi khúc khuỷu, hiểm nguy.

Nhưng trên hết, trước hết, những người chiến sĩ vẫn bền gan, vững chí, chắc niềm tin vào lý tưởng phía trước. Về tác giả Văn Đa, giới hội họa đánh giá ông là bậc kỳ tài về ký họa. Ông có khả năng vẽ rất nhanh, rất thanh thoát. Xem tranh của ông, người ta thấy cuộc sống của con người hiện ra rất thực, rất sinh động.

Dù không thiếu những cảnh lam lũ, nhọc nhằn nhưng tranh ông không có cái nặng nề, bi ai mà nhẹ nhõm, thanh thản. “Trên đường hành quân” cùng các bức họa khác của ông như “Sương sớm”, “Long Biên những năm chống Mỹ”, “Cù lao Chàm”, “Tây Tiến” đã trở thành những tác phẩm được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật ngay đợt đầu tiên, năm 2001.

Sáng mãi tinh thần Tây Tiến

Nếu như trong kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên-Mông ở thế kỷ 13, quân và dân ta từng có hào khí Đông A nức trời Nam thì trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở thế kỷ 20, chúng ta đã có một tinh thần Tây Tiến.

Đài Tưởng niệm tại Khu di tích.

Đó là tinh thần của đơn vị đặc biệt trong quân đội ta, đơn vị đầu tiên đi làm nghĩa vụ quốc tế tại Lào và đặc biệt hiếm có đơn vị nào mà khi ra trận, người chiến sĩ anh dũng nhưng cũng rất hào hoa như vậy. Chất lãng mạn ấy có được theo nhiều nhà nghiên cứu là bởi trong Trung đoàn Tây Tiến có nhiều người con đến từ Thủ đô, mảnh đất nghìn năm văn hiến.

Trong bức thư gửi các cựu chiến binh Tây Tiến vào ngày 22/2/2007, Đại tướng Võ Nguyên Giáp một lần nữa khẳng định những người chiến sĩ tham gia Trung đoàn Tây Tiến năm ấy đã từng nêu cao khí phách hào hùng của tuổi trẻ, vượt qua mọi khổ cực gian nan để chiến thắng quân thù. Đặc biệt, cuối thư, Đại tướng mong muốn và hy vọng các cựu chiến binh Tây Tiến trở về đời thường sẽ “có nhiều hoạt động góp phần làm cho tinh thần Tây Tiến sống mãi với non sông đất nước”.

Dù số cựu chiến binh Tây Tiến trong Ban liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn 52 Tây Tiến ngày một ít dần nhưng tinh thần của các chiến sĩ Tây Tiến còn sống mãi. Họ mãi mãi như những “ngọn đuốc sống” soi sáng lý tưởng cho thế hệ trẻ hôm nay.

Chiến tranh đã lùi xa, đất nước đang hội nhập quốc tế sâu rộng, đòi hỏi nguồn nhân lực trẻ phải thật dồi dào về số lượng và tất nhiên chất lượng cũng phải được nâng lên. Và hơn lúc nào hết, tinh thần Tây Tiến nói riêng và tinh thần Việt Nam nói chung phải được “trỗi dậy” trong mỗi người trẻ.

Đăng Khoa
.
.