Góc tối thị trường đấu giá tác phẩm nghệ thuật (bài cuối)

Thứ Hai, 05/02/2018, 16:44
Một nửa quy mô thị trường nghệ thuật được tính bằng số doanh thu qua kênh môi giới, dù là trực tiếp từ các nghệ sĩ (thị trường sơ cấp) hay bán lại một tác phẩm (thị trường thứ cấp). Nửa còn lại là doanh thu đến từ các nhà đấu giá, hệ thống có độ mở và tính cạnh tranh cao. Tuy nhiên, trên thực tế, trong thế giới mua bán các tác phẩm nghệ thuật có nhiều yếu tố bí mật với các thỏa thuận tài chính phức tạp.

Bài cuối: Đòi hỏi sự minh bạch là điều xa xỉ

Giá trị thẩm mỹ khó xác định hơn việc tăng giá tác phẩm qua từng phiên đấu giá

Giá trị thẩm mỹ và trị giá của một tác phẩm mỹ thuật luôn gây ra những sức hút khó cưỡng đối với giới đầu tư và sưu tập nói chung. Không phải ngẫu nhiên mà tác phẩm của các bậc danh họa trên thế giới như Van Gogh, Picasso, Gauguin... với những bảo đảm xác tín về tính nguyên bản của chúng, thông qua các nhà đấu giá uy tín quốc tế, đều tăng giá hàng triệu, thậm chí, hàng chục triệu USD sau mỗi kỳ đấu giá, đem lại cho nhà đầu tư một nguồn siêu lợi nhuận.

Giá của các tác phẩm thuộc hầu hết các trường phái nghệ thuật đều tăng trưởng tốt hơn thị trường chứng khoán, chỉ có dòng tác phẩm hội họa Anh thế kỷ XVII-XIX và hội họa thời Phục hưng của Italy là kém hơn một chút.

Theo Cơ quan phát triển nghiên cứu thị trường nghệ thuật, giá trị của các tác phẩm nghệ thuật Mỹ đã tăng gấp 9 lần chỉ số S&P 500 trong 10 năm qua (S&P 500 - những chữ viết tắt từ Standard & Poor's 500 Stock Index - Chỉ số cổ phiếu 500 của Standard & Poor; là chỉ số cổ phiếu dựa trên cổ phiếu phổ thông của 500 công ty có vốn hóa thị trường lớn nhất niêm yết trên NYSE hoặc NASDAQ).

Nghệ thuật thời hậu chiến - một thể loại tổng hợp bao gồm nhiều trường phái cùng với một số cái tên tiêu biểu như họa sĩ trường phái biểu hiện trừu tượng Willem de Kooning, họa sĩ trường phái tượng trưng Francis Bacon và nhà điêu khắc nổi tiếng người Thuỵ Điển Alberto Giacometti - cũng là một trong 3 loại hình nghệ thuật hàng đầu có giá trị tăng nhanh theo thời gian.

Hoàng thân Ảrập Xêút Bader bin Abdullah bin Farhan al-Saud là người mua bức "Salvator Mundi" với giá 450,3 triệu USD.

Nếu tranh sơn dầu của họa sĩ Mark Rothko với giá trung bình 11 triệu USD là quá đắt đỏ, nhà đầu tư có thể tìm đến tranh của họa sĩ người Mỹ Jackson Pollock với giá thấp hơn 2,5 triệu USD hay tranh của họa sĩ Salvador Dali với giá chỉ vài chục nghìn USD. Bên cạnh đó thị trường nghệ thuật vẫn tồn tại 2 dòng sản phẩm tăng trưởng chậm hơn so với S&P 500.

Trước khi quyết định đầu cơ vào một kiệt tác thời Phục hưng, nhà đầu tư cần biết rằng, giá trị của những tác phẩm thuộc trào lưu Phục hưng của Italy từ năm 2006 đã tăng chậm hơn so với chỉ số S&P. Tuy nhiên, nếu muốn trở thành nhà đầu tư lớn và thật sự ngưỡng mộ các kiệt tác thời Phục hưng, quãng thời gian nền kinh tế thế giới gặp khủng hoảng là thời điểm cực kỳ tốt để mua vào.

Năm 2013, thời điểm mà thị trường chứng khoán Mỹ còn đang gặp khó khăn, khủng hoảng nợ công đang trong giai đoạn căng thẳng, các cuộc đấu giá vẫn diễn ra với tổng giá trị 594,6 triệu USD cho 10 tác phẩm đắt giá nhất. Thị trường nghệ thuật đã trở thành kênh đầu tư hấp dẫn và an toàn của giới siêu giàu giữa tình hình thị trường tài chính bất ổn.

Trong một báo cáo của tiến sĩ Clare McAndrew, chuyên gia thị trường nghệ thuật - mỹ thuật, sáng lập viên Art Economics nhận định: "Tùy loại hình nghệ thuật mà người đầu tư có mức lợi nhuận khác nhau, nhưng có thể lên đến 40%. Nhược điểm của thị trường này là mỗi một tác phẩm nghệ thuật cần có nguồn cầu tiềm năng lớn, sẵn sàng chi mạnh tay để đổi lấy lợi nhuận cao. Với sự xuất hiện lớp người mua giàu có từ Trung Đông, Trung Quốc và Nga, số cá nhân giàu có xem nghệ thuật là một kênh đầu tư đã tăng đáng kể. Nhiều người trong số này lại không theo thị hiếu và sở thích riêng mà đơn thuần là 'hùa' theo bắt chước những gì người khác đang làm".

Động cơ tăng trưởng của thị trường đấu giá tác phẩm nghệ thuật còn nằm ở chỗ, sức hút của giá trị thẩm mỹ có thể còn mơ hồ vì khó đong đếm nhưng sức hút của việc tăng giá tác phẩm qua từng phiên đấu giá là hết sức cụ thể.

Giá tăng, nhà đầu tư thêm cơ hội có lãi trong tương lai. Còn hiện tại, nhà đấu giá sẽ thu lời từ tỷ lệ phần trăm thu về, theo thỏa thuận với cả bên mua lẫn bên bán, sau một tiếng gõ búa thành công. Cơ sở để quyết định "mức giá bình thường" của một tác phẩm nghệ thuật luôn tồn tại như một làn khói vô định.

Trong một bài viết của nghệ sĩ Andrea Franser có tên "L'1%, C'Est Moi", cô thuật lại nghiên cứu của 3 nhà kinh tế học từng bỏ công đi tìm lời đáp cho câu hỏi này. Họ phát hiện ra rằng nếu mức thu nhập của giới nhà giàu chóp bu - vốn chiếm 0,1% dân số thế giới - tăng 1%, nó sẽ kích cho giá các tác phẩm nghệ thuật tăng khoảng 14%".

Như vậy, tiền của tầng lớp người giàu sụ đang lèo lái giá cả của thị trường nghệ thuật chứ không phải bản chất của những tác phẩm nghệ thuật. Điều này cũng ẩn chứa những "cơn sốt nghệ thuật" sẽ xảy ra khi độ chênh lệch về thu nhập tăng mạnh.

Có lẽ, khi nhìn thấy một người giàu có bỏ hẳn một gia tài để mua một tác phẩm nghệ thuật, chắc hẳn sẽ có không ít người đặt câu hỏi họ mua những tác phẩm nghệ thuật đó về để làm gì? Phục vụ nhu cầu sử dụng hàng ngày chắc chắn không. Nhưng nếu nói là giải trí thì với những người giàu có - họ bận rộn với cả trăm công nghìn việc thì có thể dành thời gian thưởng thức nghệ thuật được mấy chốc?

Tuy nhiên, nó cho phép họ "mua chỗ đứng trong giới thượng lưu đẳng cấp quốc tế" và khiến họ trông quyến rũ hơn nữa trong mắt… chính mình - một cách ve vuốt lòng tự tôn. Còn trên phương diện đầu tư, nghệ thuật là một trò đánh bạc của những người siêu giàu, giúp của cải tiếp tục sinh sôi.

Môi trường lý tưởng cho tội phạm xuyên quốc gia

Tối ngày 15-11-2017, tại nhà đấu giá Christie's ở New York, Mỹ, đã diễn ra buổi đấu giá bức tranh "Salvator Mundi" (Đấng Cứu thế) của danh họa thời Phục hưng Leonardo da Vinci. Bức tranh này được giới am hiểu cho là sáng tác cuối cùng của ông nên còn có tên "Da Vinci cuối cùng".

Một phiên đấu giá cổ vật Trung Quốc diễn ra tại Hồng Kông năm 2015.

Bức họa đạt mức giá kỷ lục trong buổi đấu giá căng thẳng với sự góp mặt của nhiều "ông lớn" trong giới sưu tầm nghệ thuật dù có nguồn gốc gây tranh cãi. 19 phút đấu giá, 4 người trả giá qua điện thoại và 1 người trong phòng, bức "Salvator Mundi" của Leonardo da Vinci đã được bán với giá 450,3 triệu USD- mức cao nhất cho một tác phẩm hội họa từng được đấu giá. Theo bình luận của New York Times, con số này bỏ xa bức họa "Những người phụ nữ Alger" của Picasso được nhà đấu giá Christie's bán ra hồi tháng 5-2015 với giá 179,4 triệu USD.

Những người tham dự đã có những phút nín thở khi mức giá tăng từ vài chục triệu đến 225 triệu USD, sau đó tăng lên 260 triệu USD và lại tăng gấp đôi. Khi nhịp độ cuộc đấu giá chậm lại và một người mua cân nhắc ra bước giá hàng triệu USD tiếp theo.

Cuối cùng, Alex Rotter, đồng chủ tịch mảng nghệ thuật hậu chiến và đương đại của nhà Christie's, đại diện cho một người mua qua điện thoại, đã thực hiện 2 bước ra giá lớn, loại bỏ người mua còn lại của Francis de Poortere, người đứng đầu mảng hội họa trước thế kỷ XIX cũng của nhà đấu giá Christie's.

Đối với các nhà phê bình, cuộc mua bán tầm cỡ này còn có ý nghĩa khác khi góp phần thúc đẩy cuộc tranh luận về giá trị một tác phẩm nghệ thuật. Một số chuyên gia hội họa đã chỉ ra tình trạng hư hỏng của bức tranh và vấn đề về tính xác thực của nó.

Chiến dịch tiếp thị của Christie's có lẽ chưa từng có tiền lệ trong giới nghệ thuật. Đây là lần đầu tiên một nhà đấu giá thuê công ty bên ngoài quảng cáo cho món hàng. Christie's cũng phát hành video với hình ảnh các nhân vật tiếng tăm trong giới sưu tầm mô tả bức tranh là "Chén thánh" và so sánh sự hiện diện của bức tranh với "sự phát hiện một hành tinh mới".

Báo New York Times đã dựa vào các tài liệu mà họ đã xem xét kỹ trong bối cảnh có cuộc điều tra về tầng lớp quyền quý ở Arập Xêút và đưa ra khẳng định: Hoàng thân Arập Xêút Bader bin Abdullah bin Farhan al-Saud chính là người mua bức "Salvator Mundi", bản thân ông không phải là nhà sưu tầm tranh có tiếng và xuất thân từ một nhánh khá xa của hoàng gia Ảrập Xêút. Mức giá "điên rồ" để trả cho bức tranh đã làm dấy lên những câu hỏi về người bị nhắm tới hoặc miễn tội trong cuộc triệt phá tham nhũng ở Ảrập Xêút đồng thời diễn ra trong thời gian này.

Năm 2013, một báo cáo được tung ra gây chấn động, cho thấy Trung Quốc vượt qua Mỹ trên thị trường trao đổi đồ cổ và các tác phẩm nghệ thuật. Tiến hành điều tra hiện tượng này, các chuyên gia nhận thấy một sàn giao dịch có tên Poly Auctions, trụ sở tại Bắc Kinh, đóng vai trò rất lớn trong các phiên đấu giá và giao dịch lớn trên thị trường mua bán các tác phẩm nghệ thuật. Không khó để nhận ra, tôn chỉ hoạt động của Poly Auctions là "Mang những tác phẩm nghệ thuật của Trung Quốc về Trung Quốc", nhưng sàn giao dịch này có liên quan trong rất nhiều hoạt động khó hiểu.

Một nguồn thạo tin tiết lộ: Poly Auctions thường xuyên thỏa thuận ngầm với người bán để xác định một mức giá cố định cho tác phẩm, thường cao gấp hàng chục lần giá trị thực, sau đó cho phép chính người bán tham gia đấu giá. Khi đưa lên sàn, nếu mọi người trả giá thấp hơn giá đã định trước, người bán sẽ chốt tại giá đã định và thản nhiên "rinh" bức tranh về. Cuối cùng, người bán sẽ trả một khoản phí cho Poly Auctions, nhưng sở hữu một tác phẩm đã được đẩy giá khống lên gấp nhiều lần. Hình thức giao dịch này rất khó để định giá một bức tranh hay món đồ cổ.

Steve Dickinson, luật sư tại Phòng luật Harris & Moure cho biết: "Đây là một phương cách hoàn hảo, vì không ai có thể bắt bẻ bạn về giá cả. Một bức tranh có thể có giá 5 USD, nhưng cũng có thể được định giá 50 triệu USD".

Giao dịch bằng "con đường mòn" này phù hợp với đặc thù của thị trường nghệ thuật nói chung và thị trường nghệ thuật ở vài nước Trung Đông và Châu Á nói riêng, chúng rất thích hợp để che giấu những hành vi trái pháp luật.

Điển hình là các nhà điều tra còn lần ra rằng, nhiều người "giàu xổi" ở Đại lục mua một tác phẩm nghệ thuật trong nước, sau đó bán ra nước ngoài lấy một khoản tiền lớn. Khoản lợi nhuận dưới dạng ngoại hối sẽ được quay về két của họ một cách hợp pháp. Một phương pháp khác là mua tác phẩm từ nước ngoài của một bên thứ ba với giá bị thổi lên, bên thứ ba đóng vai trò "chân gỗ" sẽ lấy phần gốc, gửi phần dư ra vào một tài khoản ngân hàng nước ngoài do bên mua chỉ định.

Như vậy, nếu cơ quan chức năng đến điều tra, người mua chỉ việc trình ra hóa đơn và tác phẩm, kể cả đó chỉ là một tác phẩm giả mạo. Trong nhiều trường hợp, các tác phẩm được dùng như một hình thức để đút lót, trong đó người đi đút lót sẽ trả mức giá cao bất thường để người nhận đút lót bán một tác phẩm, sau đó tiền sẽ nằm trong tài khoản của người nhận đút lót một cách hợp pháp.

Đòi hỏi sự minh bạch trong thị trường này nhiều khi được xem là điều quá xa xỉ. Những kẻ muốn rửa tiền thì thậm chí dùng thủ đoạn mua chuộc để có được cơ hội sở hữu món đồ thông qua "cửa sau", còn những kẻ thẩm định giá trị nghệ thuật thì nhận hối lộ để đưa ra những thông tin không chính xác. Số tiền trong những thương vụ giao dịch trên thị trường nghệ thuật thông thường rất lớn, và nó là môi trường để loại tội phạm xuyên quốc gia chuyên đánh cắp những tác phẩm nghệ thuật hoặc cung cấp những món đồ giả lộng hành.

Quang Hiếu (tổng hợp)
.
.