Hà Nội: Kiên quyết thu hồi "đất vàng" bỏ hoang

Thứ Sáu, 28/09/2012, 21:30

Hàng chục khu đất “vàng” nằm giữa thủ đô bị bỏ hoang hoặc sử dụng sai mục đích đã bị các lực lượng liên ngành chức năng của Hà Nội điểm mặt, chỉ tên. Trót "ôm" đất từ khi thị trường bất động sản sốt nóng, nhưng nay, khi thị trường xuống dốc, khách hàng quay lưng, nhiều chủ đầu tư hoặc sức cùng lực kiệt, hoặc chẳng còn thiết tha, mặn mà để tiếp tục triển khai dự án. Việc các đơn vị này phải đối mặt với nguy cơ thu hồi đất là một nhẽ. Nhưng kết quả cũng khiến nhiều người không khỏi giật mình: Hà Nội còn nhiều đất lãng phí quá!

Quây rào, bảo vệ để… trồng cỏ!

Còn nhớ thời điểm giữa năm 2010, khi thị trường bất động sản lên đỉnh điểm, giá mỗi mét vuông đất liền kề, đất biệt thự ở khu đô thị mới Cầu Giấy được ra giá lên tới hơn 200 triệu đồng/m2, thuộc vào hàng đắt nhất thủ đô. Thời điểm ấy, nhà nhà nói chuyện đất, người người bàn chuyện cắt mảnh này, bán mảnh kia. Chỉ cần hở ra chút thông tin có đất muốn bán là người ta lùng vào tận nơi, xem xem, chỉ chỉ… Các dự án cũng theo đó mà mọc lên như nấm. Vốn được giới đầu tư đánh giá cao bởi có vị trí đắc địa, đất dự án ở khu vực này luôn đứng vào loại được "quan tâm" nhất thành phố. "Tấc đất, tấc vàng" trở thành câu nói cửa miệng của không ít người…

Hết cơn sốt, đất lẻ chậm giao dịch đã đành, dạo một vòng quanh khu đô thị mới Cầu Giấy, người ta còn bắt gặp hàng loạt các ô đất vàng ngay mặt đường nằm im lìm trong bờ rào, dưới lớp cỏ lác cao cả mét.

Tọa lạc ngay vị trí cực kỳ đắc địa, góc giao lộ giữa đường Trần Thái Tông và đường Tôn Thất Thuyết, ô đất vàng rộng hơn 5.000m2 của Ngân hàng CP Ngoại thương Việt Nam là một ví dụ. Đây là khu đất mang ký hiệu D23 thuộc khu đô thị mới Cầu Giấy. Được biết khu đất này trúng đấu giá quyền sử dụng đất từ cuối năm 2008, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, song cũng ngần ấy năm nó được người ta quây rào tôn kín mít, cao quá đầu người để "bảo vệ" toàn bộ số... cỏ dại mọc tự do phía bên trong.

Chị Hương, bán nước chè phía ngoài tường rào quẳng một chiếc ghế cho khách, rồi lại cắm mặt vào tờ báo mới mua. Nhiều năm nay, quán của chị thành địa chỉ quen thuộc cho những người đi tập thể dục cùng với đám thanh niên đá bóng, thể thao xung quanh. "Mình chẳng biết đất vàng đất bạc gì, chỉ thấy người ta đóng hàng rào im ỉm suốt. Vỉa hè thì rộng, đường đẹp thế này, thôi thì dọn ít hàng kiếm tiền cho con nó mua sách vở mới. Mấy năm nay rồi, có thấy ai nói gì đâu?" - bà chủ quán nước nói giọng nhát gừng.

Ngẩng mặt nhìn quanh, mới thấy địa thế khu đất này đẹp thật! Đường Trần Thái Tông đường đôi rộng thênh thang. Chênh chếch bên kia là giao lộ với đường Tôn Thất Thuyết. Hai bên đường, hàng quán, nhà cửa đã mọc lên san sát. Chợt để ý ngay phía sau lưng chị chủ quán, bờ rào tôn sao lại có một lỗ khoét to cỡ bàn tay. Dí chiếc máy ảnh vào, bên trong bờ rào là một bãi cỏ rộng, cao đến cỡ tầm ngang hông. Giữa "bãi cỏ", có một cái chuồng gà quây bằng bạt dứa. Dưới "mái hiên" của chuồng gà, có mấy chú gà đang tha thẩn tìm mồi…

Cách khu đất của Vietcombank không xa, một vài dự án khác thay vì bịt kín lại đàng hoàng mở rộng cửa cho tư nhân vào thuê mặt bằng kinh doanh. Hầu hết cơ sở đang "bám mặt đường" ở những lô đất này là các dịch vụ nhỏ lẻ như rửa xe, quán ăn, trông giữ xe, sân bóng mini, hàng giải khát... Tại ô đất ký hiệu D2 tại khu đô thị mới Cầu Giấy thuộc Ban quản lý dự án quận Cầu Giấy cũng đang ở trong tình trạng như thế. Rộng hơn 1.100 m2, khu đất này đang bị cho thuê, cho mượn trái mục đích làm gara ôtô, rửa xe, quán ăn…

Không chỉ ở Cầu Giấy, nhiều khu đất “vàng” khác tại khu đô thị mới Nam Trung Yên, khu đô thị mới Mỹ Đình II, khu đô thị Đông Nam Trần Duy Hưng, dọc hai bên tuyến Lê Văn Lương, khu đấu giá quyền sử dụng đất 18,6 ha quận Tây Hồ (khu Vườn Đào)... cũng đang nằm phơi sương, phơi nắng hoặc bị cho thuê, cho mượn, sử dụng sai mục đích.

Trong danh sách dài các đơn vị có dự án vi phạm xuất hiện những cái tên rất "quen" trong lĩnh vực bất động sản xưa nay như Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam (Vinaconex); Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị (HUD); Công ty CP Hacinco; Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội; Công ty CP Xây dựng dân dụng Hà Nội; Công ty CP Tu tạo và Phát triển nhà; Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội... Đã qua rồi thời hào nhoáng của các đại gia bất động sản. Các đơn vị này có trong tay quỹ đất đắc địa bậc nhất Hà Nội nhưng lại bỏ không hay đành chấp nhận cho thuê lại đất để làm các dịch vụ nhỏ lẻ, thu bạc cắc, giờ đây đang phải đối mặt với "chiếu thu hồi" của chính quyền thành phố. Thật là đốt tờ 500 nghìn để tìm tờ 500 đồng!

Lô đất bỏ hoang của Công ty cổ phần đầu tư Song Kim tại khu đấu giá 18,6ha quận Tây Hồ nằm trong danh sách rà soát, đề xuất thu hồi.

Không thể đất “vàng” để lâu cũng… hóa bùn!

Trong số các vi phạm Luật Đất đai vừa được đoàn liên ngành TP Hà Nội làm rõ, có những sai phạm mới nhưng cũng có những địa chỉ vi phạm kéo dài nhiều năm nay. Một số dự án sử dụng sai mục đích trên tuyến Láng Hạ - Thanh Xuân (nay là đường Lê Văn Lương) nhiều năm qua, thậm chí còn mở ra buôn bán, dịch vụ rất nhộn nhịp khiến cho nhiều người cứ ngỡ như xưa nay vẫn thế, chẳng có dự án nào ở đấy(?). Từ giữa năm 2004, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án thí điểm xây dựng nhà cao tầng cho thuê tại các ô đất hai bên tuyến đường này. Thế nhưng, hơn 8 năm sau, tới tận hôm nay, chủ đầu tư vẫn chưa tiến hành làm thủ tục sử dụng đất để thực hiện dự án. Đó là ô đất ký hiệu 3.10-NƠ Láng Hạ - Thanh Xuân có diện tích 11.255m2.

Từ năm 2003, ô đất này được giao cho Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội thực hiện xây dựng hạ tầng kỹ thuật các ô đất hai bên đường Láng Hạ - Thanh Xuân. Một năm sau đó, cũng đơn vị này được lựa chọn thực hiện dự án thí điểm xây dựng nhà cho thuê. Đến năm 2008, tức là cũng ngần ấy thời gian dự án giậm chân tại chỗ, UBND thành phố đành chấp thuận điều chỉnh chủ đầu tư và cũng đồng thời chấp nhận chuyển đổi mục đích sử dụng cho Công ty TNHH nhà nước MTV Kinh doanh dịch vụ nhà Hà Nội xây văn phòng cho thuê. Song tới nay, khu đất này vẫn đang bị sử dụng sai mục đích, làm gara ôtô, bãi rửa xe, cửa hàng bán sản phẩm gốm...

Kết quả kiểm tra mới nhất về tình trạng các khu đất dự án nằm tại nhiều vị trí đắc địa (đất vàng) bị bỏ hoang trên địa bàn các quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, Tây Hồ và huyện Từ Liêm của Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội mới đây cho biết, trong tổng số 32 khu đất trên địa bàn của 23 chủ đầu tư, có 19 khu đất với tổng diện tích khoảng 309.368m2 đang bị bỏ hoang hóa, lãng phí. 10 khu đất có tổng diện tích khoảng 159.328m2 đã giao cho các chủ đầu tư quản lý, thực hiện dự án nhưng hiện đang sử dụng sai mục đích như làm bãi đỗ xe, sân bóng đá mini, cửa hàng thu gom phế liệu, quán ăn, gara sửa xe ôtô.... Ngoài ra, còn 2 dự án đã được giao đất nhưng còn vướng về thủ tục pháp lý hoặc chủ đầu tư đã tạm dừng sau khi triển khai một vài hạng mục…

“Tôi ngồi đây mấy năm nay, có thấy ai làm gì đâu" - bà chủ quán nước trên đường Trần Thái Tông cho biết.

Kiên quyết thu hồi

Về hướng xử lý các vi phạm đất đai mới được làm rõ, ngành chức năng của thành phố cũng đưa ra nhiều phương án, tùy theo mức độ và dạng vi phạm. Một số vi phạm không lớn được khuyến nghị sớm liên hệ với các sở, ngành chức năng để hoàn thiện các thủ tục thực hiện dự án theo đúng quy định, sớm đưa đất vào sử dụng có hiệu quả. Số khác phải chấm dứt ngay việc cho thuê, cho mượn trái mục đích, hoàn trả lại mặt bằng khu đất. Tuy nhiên, với một số chủ đầu tư được xác định vi phạm Điều 38 Luật Đất đai, cơ quan chức năng thành phố đều đề nghị thu hồi, dành các diện tích đất này cho mục đích công cộng hoặc bố trí chủ đầu tư khác, đủ năng lực thực hiện dự án.

Đơn cử, khu đất rộng 7.463m2 của Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị (HUD) tại khu đô thị Mỹ Đình II (Từ Liêm); khu đất rộng 9.077m2 của Công ty CP Tu tạo và Phát triển nhà tại khu đô thị Mễ Trì Hạ (Từ Liêm); khu đất tại tuyến Lê Văn Lương của Công ty Hacinco... đều bị các quận, huyện nơi có đất đề nghị thành phố làm thủ tục thu hồi. Điển hình mới đây nhất, mặc dù không nằm trong khu vực tam giác trọng điểm, chính quyền UBND quận Hoàn Kiếm cũng đã đề xuất thành phố thu hồi 6 địa chỉ có sai phạm trong sử dụng đất trên địa bàn quận, nhận được ủng hộ của đông đảo quần chúng nhân dân trên địa bàn.

Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) Hà Nội, ông Vũ Văn Hậu cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên. Một số dự án do phải rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch hoặc do chủ đầu tư chưa đủ năng lực tài chính để thực hiện dự án do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế. Một số được thành phố giao làm chủ đầu tư các ô đất nhưng không tích cực lập dự án, lập hồ sơ giao đất, cho thuê đất theo quy định. Đối với các đơn vị trúng đấu giá quyền sử dụng đất, sau khi được cấp "sổ đỏ" và được bàn giao đất ngoài thực địa, nhiều doanh nghiệp đã không triển khai dự án để đưa đất vào sử dụng. Không liên hệ với ngành chức năng để thỏa thuận quy hoạch tổng mặt bằng, phương án kiến trúc sơ bộ, hướng dẫn lập dự án đầu tư, cấp phép xây dựng... Đáng chê trách hơn, một số chủ đầu tư sau khi giải phóng mặt bằng (GPMB) và xây dựng xong hạ tầng kỹ thuật lại sử dụng đất sai mục đích làm gara ôtô, trông giữ ôtô, xe máy, sân bóng đá mini, bán bia hơi...

Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh khẳng định, để xử lý nghiêm, dứt điểm các trường hợp vi phạm tại các quận, huyện, phải tiếp tục kiểm tra, rà soát tiến độ thực hiện đối với các dự án đã được giao cho chủ đầu tư. Trong đó, phải đặc biệt chú ý các dự án được bàn giao đất đã GPMB, chưa có quyết định giao đất cho thuê đất nhưng đến nay đã quá thời hạn 12 tháng vẫn để đất trống, chưa sử dụng, sử dụng hoặc sử dụng sai mục đích.

Theo ông Vũ Hồng Khanh, nếu dự án không triển khai được do nguyên nhân khách quan hoặc lỗi do các cơ quan chức năng, liên ngành thành phố phải đề xuất các biện pháp tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ. Đối với các trường hợp vi phạm, không có khả năng thực hiện thì đề xuất thu hồi quyết định giao chủ đầu tư, tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

UBND thành phố cũng giao Thanh tra thành phố khẩn trương thanh tra việc chấp hành chính sách pháp luật tại một số dự án do Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội làm chủ đầu tư, kết luận, làm rõ việc quản lý, sử dụng đất sai mục đích đối với toàn bộ diện tích đất Tổng Công ty này được giao để GPMB, san nền sơ bộ để bố trí trụ sở các tổng công ty tại khu đô thị mới Cầu Giấy. Đồng thời, truy thu tiền cho thuê đất trái mục đích, nộp vào ngân sách thành phố và yêu cầu hoàn trả mặt bằng khu đất đối với các diện tích sử dụng đất sai mục đích.

Được biết UBND thành phố cũng đã chỉ định Sở TN-MT là đầu mối tập trung rà soát kết quả kiểm tra, kết luận cụ thể những vi phạm trong việc quản lý, sử dụng đối với từng ô đất, làm căn cứ lập hồ sơ thu hồi đất theo quy định của pháp luật. Thành phố cũng yêu cầu các tổng công ty đã được chấp thuận cho phép lập dự án đầu tư xây dựng trụ sở làm việc tại khu đô thị mới Cầu Giấy phải khẩn trương lập dự án đầu tư trong thời hạn 6 tháng. Sau thời hạn trên, nếu chưa hoàn thiện hồ sơ, thành phố sẽ chấm dứt việc thực hiện dự án theo quy định.

Theo các chuyên gia, việc thành phố điểm mặt, chỉ tên một cách cụ thể các dự án có vi phạm trong sử dụng đất công, đất vàng lần này coi như một tín hiệu khả quan từ các cơ quan quản lý. Trên thực tế, việc thu hồi được dự đoán là không phải là không gặp những trở ngại, và thậm chí kể cả có thu hồi ở chỗ này rồi thì vẫn phải giao vào chỗ khác. Tuy nhiên, đây có thể coi như một nỗ lực đáng kể trong vai trò của các cơ quan quản lý trên địa bàn, đồng thời cũng sẽ là một cú huých có cường độ nhất định tới thị trường bất động sản vốn đang ế ẩm, đóng băng hiện tại

Việt Ba
.
.