Hà Nội: Nhức nhối gửi xe vỉa hè

Thứ Năm, 06/06/2013, 02:40

Câu chuyện "con gà đẻ trứng vàng" vỉa hè, lòng đường Hà Nội từ cuộc tranh cãi thất thu 20 tỉ đồng giữa Bộ giao thông vận tải (GTVT) và Sở GTVT Hà Nội chưa kịp lắng xuống thì mới đây lại được làm "nóng" lên với một phát biểu của chuyên gia kinh tế về con số không dưới 20 nghìn tỉ đồng (tương đương 1 tỉ USD) mỗi năm là số tiền mà người Việt Nam phải chi trả cho dịch vụ… trông giữ xe vỉa hè! Cũng chưa rõ kết quả của thống kê này lấy từ đâu ra nhưng có một thực tế rằng vấn đề quản lý, sử dụng vỉa hè, lòng đường hiện nay quả đang rất nhức nhối. 

Có cầu thì mới sinh cung

Phố Bát Đàn, Hoàn Kiếm, Hà Nội có một hàng phở ngon và một vài quán cà phê, ăn nhanh rất được. Khách vào ăn phở thường phải xếp hàng, đợi đến lượt mới được ăn. Nhưng chẳng mấy ai cho đó là phiền phức. Mà sự phiền phức lớn nhất cho khách của các cửa hàng, quán ăn ở trên con phố dài khoảng 300m này chỉ một thời ngắn trước đây có lẽ lại là nơi để xe. Khách đi xe máy còn đỡ. Khách đi ôtô, chỉ cần đỗ xịch vào vỉa hè là có người, lúc đồng phục lúc không, chẳng biết từ đâu chạy ra thu ngay 30 nghìn đồng, không cần biết vào đâu, ăn gì, mua gì. Khách vào ăn bát phở 45 nghìn, gửi xe hết 30 nghìn, không vé, không thắc mắc. Có khách nào "ngứa mồm" mà hỏi ai tổ chức trông xe ở đây, thì chỉ nhận được cái quắc mắt: Không gửi thì đem đi chỗ khác mà để!

Trên vỉa hè phố Hai Bà Trưng đoạn giữa giao với phố Phan Bội Châu và Thợ Nhuộm, cũng thuộc quận Hoàn Kiếm, mới xuất hiện một bãi trông giữ xe máy. Gọi là mới bởi ai có con gửi ở nhà trẻ 20-10 sẽ biết rõ bãi trông xe này mới có từ dạo đầu năm. Tôi đưa xe vào bãi, nhận vé. Trên tấm vé ghi đầy đủ đơn vị quản lý bãi xe này là Công ty cổ phần 901, địa chỉ xóm Thắng Lợi, phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. MST 0103615284. Trên vé ghi rõ "Vé trông giữ xe ban ngày", có dòng chữ ghi "Lưu tại cuống" và mức tiền ghi rõ 2.000 đồng/lượt bằng chữ đỏ với chú thích "Đã bao gồm thuế GTGT". Không có ngày tháng.

Thực tế là cái phần mà hai người trông giữ xe đưa cho tôi, một nam một nữ, chính là phần cuống vé. Nôm na theo tôi hiểu, đó là một chiếc vé đáng ra xé phần vé đưa cho khách, còn phần cuống giữ lại thì đây nó lại được tính thành 2 vé, thu 2 lần tiền. Chưa hết, mặc dù trên vé ghi rõ mức tiền 2.000 đồng/lượt nhưng thực tế, khi lấy xe, tôi đã phải trả 5.000 đồng cho lượt gửi xe của mình trong một quãng thời gian chưa tới 15 phút. Thắc mắc với người trông xe thì nhận được câu trả lời hết sức "có tình": “Anh ơi, trời nắng nôi thế này…”.

Dũng, có thể coi là một tay "cò" vỉa hè mới giải nghệ, cho rằng trông giữ xe bây giờ được coi là một nghề. Nhớ hồi trước đây, mỗi lần sân vận động Hàng Đẫy có trận bóng hay hoạt động gì lớn là anh em nhà Dũng kiểu gì cũng phải có ít nhất một bãi trông xe. Dũng bảo phải ngày nắng nôi thì cũng hơi vất vả tí, nhưng đúng là trông xe gần như chẳng phải đầu tư gì, bỏ công ra ngồi trông là chính, tiền thu về cũng khá. Khoản gọi là đầu tư lớn nhất là để "xin phép" phường thôi. Cách đây ít lâu, vẫn còn thấy anh em nhà Dũng tất tả hướng dẫn xe cho khách gửi vào Bệnh viện Xanh Pôn trên phố Trần Phú…

Trước khi đi vào các chi tiết trong "nghề", Dũng bảo, mọi người cứ nhìn thấy dịch vụ trông xe thu tiền tới tấp, xe vào xe ra ào ào mà tưởng này tưởng nọ, rồi lại nghĩ đến chuyện hạn chế này nọ. Đương nhiên là phải có thu nhập thì người ta mới làm. Nhưng thực tế nhu cầu gửi xe của người dân là có thật. Có ai ép họ phải vào gửi xe đâu. Người ta không thể vứt xe ngoài đường để chạy đi đâu đó làm việc khác được. Bởi thế, việc trả một ít tiền phí để được yên tâm là một nhu cầu chính đáng.

Đấy là chưa kể, từng trông xe dịch vụ ở bệnh viện, Dũng bảo nhiều khi bãi xe trong bệnh viện có chỗ nhưng người ta vẫn cứ gửi ở bãi xe ngoài vỉa hè. Là bởi họ muốn đi ra, đi vào cho nhanh mà đằng nào cũng mất ngần ấy tiền vé… Nói chung là đủ loại viện dẫn được Dũng đưa ra để chứng minh rằng dịch vụ trông giữ xe vỉa hè của gã là… rất hợp lý, rất có ích cho xã hội. Và cái gì hợp lý thì tồn tại. Quan điểm của triết gia đôi khi được chứng minh bằng những sự lăn lộn rất… vỉa hè như vậy.

Điểm trông giữ xe này còn chưa có cả số giấy phép cũng như thời hạn sử dụng ghi công khai.

Ai thu, ai hưởng?

Dũng bảo, trả lời câu hỏi này thực ra khó thì rất khó, mà muốn hiểu đơn giản thì cũng rất dễ. Nói là dễ bởi chỉ cần trực giác cũng thấy người có nhu cầu gửi xe trả tiền cho người trông giữ bãi xe. Người trông giữ bãi xe phải nộp cho cơ quan quản lý nhà nước được giao quản lý địa bàn. Sau đó đơn vị quản lý lại phải nộp về thành phố theo quy định. Nhưng nói khó là ở bởi muốn hỏi ra nó là bao nhiêu, thì chẳng có chỗ nào giống chỗ nào cả.

Theo trước đây, mức thu phí sử dụng lòng đường, vỉa hè của UBND thành phố đối với công ty khai thác điểm đỗ xe được tính bằng 2% trên doanh thu hàng năm. Các đơn vị còn lại nộp từ 10 nghìn đồng/m2/tháng đến 45 nghìn đồng/m2/tháng tùy theo tuyến phố. Tại kỳ họp cuối năm 2012 của HĐND thành phố, mức phí được đề nghị xem xét lại là trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, các tuyến phố trung tâm như Nguyễn Xí, Đinh Lễ, Lý Thái Tổ, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, hè đường các tuyến phố như Hai Bà Trưng, Hàng Đường, Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Giấy, Phủ Doãn, Quán Sứ mức thu tăng gấp đôi, lên 80 nghìn đồng/m2/tháng.

Các tuyến phố còn lại của quận Hoàn Kiếm trừ các tuyến khu vực ngoài đê sông Hồng, mức thu cũ 25 nghìn đồng/m2/tháng thì đề xuất tăng lên 60 nghìn đồng/m2/tháng. Đối với các tuyến phố trên đường vành đai 1 và phía trong đường vành đai 1 (trừ quận Hoàn Kiếm) đi qua địa bàn các quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, mức thu cũ là 25 - 45 nghìn đồng/m2/tháng thì mức đề xuất mới là 60 nghìn đồng/m2/tháng.

Các tuyến phố, đường trên đường vành đai 2 đến vành đai 1 (bên hữu sông Hồng) đi qua địa bàn các quận: Hai Bà Trưng; Đống Đa; Ba Đình; Tây Hồ, Cầu Giấy: mức thu cũ 25 - 40 nghìn đồng/m2/tháng; mức mới đề xuất 45 nghìn đồng/m2/tháng. Các tuyến phố còn lại của huyện Từ Liêm và các quận: mức thu cũ 20 - 25 nghìn đồng/m2/tháng; mức mới đề xuất 30 nghìn đồng/m2/tháng. Riêng các huyện ngoại thành và thị xã Sơn Tây không điều chỉnh tăng.

Với barem như thế, cũng không quá khó để tính số tiền thành phố thu về từ những điểm trông giữ xe được cấp phép. Nhưng Dũng bảo, trong trường hợp ví như thành phố là bên A có đất, chủ đầu tư, gọi công ty khai thác điểm đỗ và các quận là nhà thầu, là bên B thì những thành phần trực tiếp đứng đường chăng dây như Dũng được gọi là B "phẩy", hoặc thậm chí là B "nhiều phẩy". Điều đầu tiên, một cách hiển nhiên, ai cũng hiểu bên B không thể "từ trên trời rơi xuống" được! Và rồi chính phần trao đổi giữa B với các B "phẩy" mới thực sự là một ẩn số, gần như không chỗ nào giống chỗ nào.

Cò Dũng phân tích rằng nếu gọi phần trao đổi ấy là X, thì X phụ thuộc vào các yếu tố như mức độ thân thiết (tạo công ăn việc làm cho người trong nhà chẳng hạn), độ rộng hay vị trí của bãi trông giữ xe (gần bệnh viện, khu vui chơi giải trí đông người…). Về cơ bản, X được điều chỉnh khá linh hoạt dựa trên thỏa thuận cụ thể giữa B và B "phẩy", nhưng bao giờ cũng lớn hơn mức barem ở trên.

Cuối cùng, các B "phẩy" trực tiếp thu tiền của khách gửi xe. Theo giải thích của Dũng, bởi cả B và B "phẩy" chỉ quan tâm tới X, nên gần như mức tiền ghi trên vé xe chỉ mang tính… tượng trưng cho hợp lệ. Vì thế, câu chuyện phải trả 5.000 đồng cho một lượt gửi xe thay cho mức in trên vé là 2.000 đồng của tôi ở trên là chuyện "hết sức dễ hiểu". Có thể là 3, có thể là 4 hoặc 5 là tùy ở B "phẩy". Nếu có thanh kiểm tra, thì lại… tính tiếp!

Qua câu chuyện của cò Dũng đến đây có thể thấy, thất thoát chính nằm ở khâu nào. Theo cách lý luận của Dũng thì cũng đều có lợi cả. Cấp thành phố thì thu được tiền theo đúng mức yêu cầu đưa ra. Những người trông giữ xe thì có công ăn việc làm, vừa có thu nhập kha khá. Và kể cả người có nhu cầu gửi xe cũng được gửi xe. Ngoài ra cũng có một vài thất thoát mang tính thời vụ chẳng hạn như ngày xung quanh các khu vực bắn pháo hoa hoặc như trước đây có trận đấu bóng hay ở sân Hàng Đẫy chẳng hạn…

Theo "kinh nghiệm" của cò Dũng, những cuộc thời vụ thế này, tuy chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, một buổi chiều hoặc buổi tối, nhưng tiền thu về cũng không ít bởi giá trông xe thường được đẩy lên tùy hứng, không biết bao nhiêu mà lần. Tuy nhiên, ngoài những trường hợp gia đình tự phát, đưa xe nhận trông giữ vào trong sân, trước vỉa hè nhà mình theo kiểu kiếm thêm thì nếu muốn chăng dây, sử dụng vỉa hè tổ chức trông xe phát vé là đều phải có "đóng góp" cho địa phương. Nếu không là bị dẹp ngay.

Còn như những loại trông xe "dù", thấy khách có nhu cầu thì nhảy ra thu tiền, đến lúc khách ra lấy xe đố tìm được bóng dáng người trông xe đâu thì Dũng bảo… không thèm chấp! Xe không mất gì là may. Còn chẳng may gặp phải khách gửi xe có máu mặt, kiếm được vài chục nghìn không chừng ăn đòn đủ.

Điểm trông giữ xe trên đường Hai Bà Trưng thu tiền gửi quá quy định.

Mục đích?

Suy cho cùng, nếu tạm loại ra một bên những trường hợp trông xe dù hay những điểm trông giữ sai quy định, bắt chẹt, gây bức xúc cho người dân cần phải bị xử lý nghiêm thì cái lý của cò Dũng không phải là không đáng để nghĩ. Quả thực nếu chỉ nhìn vào số tiền mà các điểm trông giữ xe đang ngày đêm thu về để tính sự thất thu, rằng cần phải có biện pháp ngay lập tức thì e rằng sẽ có chút phiến diện.

Qua câu chuyện ở trên có thể thấy, mối quan hệ giữa các bên được dựa trên cơ sở nguồn thu và chênh lệch. Nếu tăng phần thu thì nguồn chênh lệch cũng sẽ tăng theo, và nếu quản lý nhà nước chỉ chăm chăm tính đến việc tăng thu mà không có biện pháp quản lý hữu hiệu thì rốt cuộc kết quả cuối cùng gánh chịu hậu quả là người có nhu cầu gửi xe.

Nói như Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, thì phạt cho tồn tại là một biểu hiện của sự bất lực trước hoàn cảnh. Là bởi như đã nói ở trên, với hiện trạng sử dụng phương tiện cá nhân như hiện nay, nhu cầu gửi, đỗ xe của người dân là có thật. Trong khi đó, ở mức độ phát triển đô thị chóng mặt và lộn xộn như hiện nay thì không gian sống cho người còn bị tối thiểu hóa nữa là còn bàn gì đến chuyện quy hoạch bài bản chỗ đỗ, đậu, gửi xe, phương tiện cá nhân?

Tất nhiên nói như thế không phải là chấp nhận mọi sự lộn xộn. Nhưng rõ ràng việc nhìn rõ thực tế để đưa ra giải pháp cụ thể, bắt kịp cuộc sống là cần thiết. Câu hỏi rằng mục đích đặt ra ở đây là phạt tăng nguồn thu hay là để đưa hoạt động khai thác điểm trông giữ xe vào quy củ, tạo sự yên tâm cho người có nhu cầu gửi phương tiện?

Có lẽ chỉ khi nào có một hệ thống giao thông công cộng đủ mạnh, đủ sức đáp ứng phần lớn nhu cầu di chuyển của người dân, đáp ứng được mục tiêu giảm thiểu phương tiện cá nhân lưu thông thì lúc ấy, vấn đề quản lý điểm đỗ, gửi xe mới có điều kiện để đi vào nề nếp

Mai Khuê
.
.