Hai cha con nổi danh nhà họ Đỗ

Thứ Ba, 29/12/2015, 10:15
Ở Việt Nam có nhiều gia đình âm nhạc theo kiểu cha truyền con nối, nhưng, có lẽ sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến hai cha con nhạc sĩ Đỗ Nhuận và nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân.


Về nhạc sĩ Đỗ Nhuận, GS-NSND Trọng Bằng nhận định: "Có một người tù chính trị của những năm đầu thập kỉ 40 thế kỷ trước đã từng gọt gáo dừa để làm đàn nhị, tìm từng chiếc lá rừng để làm đàn môi… mà sau này trở thành một nhà soạn nhạc hàng đầu của nước ta tính từ Cách mạng Tháng Tám 1945 đến nay; tác giả của một khối lượng đồ sộ các giá trị âm nhạc bao gồm hàng trăm ca khúc, hợp xướng, ca cảnh cùng với các thể loại đa dạng âm nhạc thính phòng và giao hưởng… đến các vở Opera quy mô hành tráng mà cho đến nay chưa ai sánh kịp…”. Còn nói về người con của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, nhạc sĩ Đồ Hồng Quân, GS-NSND Trọng Bằng âm yếm gọi: “Đó là người kế tục hoàn hảo”.

Nhạc sĩ Đỗ Nhuận.

Phòng làm việc của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân trên căn gác tầng 3 của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Năm 1957, khi Hội Nhạc sĩ được thành lập, nhạc sĩ Đỗ Nhuận lúc này đã rất nổi tiếng với bộ ba Bài ca chiến thắng Điện Biên là Tổng thư ký đầu tiên của Hội cũng làm việc tại đây. Trải qua một chặng đường dài, qua nhiều biến động thăng trầm lịch sử, căn gác gỗ có từ cách đây hơn nửa thế kỷ ở 51 Trần Hưng Đạo lưu dấu ấn thời gian, nơi hai thế hệ, hai cha con họ Đỗ cùng làm việc. Cha - Tổng thư ký đầu tiên. Con - hiện tái đắc cử chức Chủ tịch Hội.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân bảo, cứ đến Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam 22-12 là anh lại náo nức trong lòng,  kỷ niệm về người cha kính yêu luôn ăm ắp đong đầy. Cha anh xuất thân là người lính, ông có mặt tại những nơi căn cứ lịch sử, điểm nóng của chiến tranh. Được hòa vào trong không khí sôi sục và đầy khí thế ấy, lại mang tố chất âm nhạc thôi thúc sáng tác nên cha anh đã có những bài ca đi cùng năm tháng và là một trong những người đặt nền móng cho âm nhạc cách mạng Việt Nam.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân kể: "Cha tôi sinh vào mùa hè năm 1922, tại tỉnh Hải Dương, vì nhà nghèo, ngôi nhà tranh vách đất bé xíu, cụ bà và cụ ông tôi kiêng cữ không cho con dâu sinh ở trong nhà, nên bà nội sinh bố tôi ở ngoài  vườn ổi trong một chiếc cót quây tròn trên ổ rơm, lót chiếu manh rách. Cha tôi được sinh ra vào buổi đêm, trời mưa to, sấm sét đùng đoàng, tới 3-4 giờ sáng thì trời tạnh, khi trời tạnh trên trời xuất hiện trăng và sao.  Cha tôi cũng có cái rất lạ, sinh ra đời đến một tháng sau mới chịu mở mắt. Bà nội sinh cha tôi vào đúng tháng 5 mùa hoa phượng nở đỏ rực, năm đó tháng 5 nhuận nên ông nội đặt tên bố tôi là Nhuận. Họ Đỗ tên Nhuận. Sau này sáng tác ca khúc bút danh Đỗ Nhuận ra đời như thế…

Cha tôi sinh trong gia đình nghèo ở Hải Dương, đến năm 3 tuổi thì được bà nội bồng ra Hải Phòng ở với ông nội.  Ông nội tôi cũng là một người am hiểu về âm nhạc, ông chính là người đã dẫn dắt cha tôi từ những ngày chập chững đầu tiên. Trong gia đình ở Hải Phòng chỉ có 4 người, ông bà nội của tôi, bố tôi và chị gái của bố tôi. Cả nhà rất yêu thương cha tôi nên cả ba người, ông tôi, bà tôi, chị gái của bố tôi đi làm dành dụm lương để nuôi cha tôi ăn học.  Năm 6 tuổi, cha tôi đã tham gia phường trống, và cha rất  say mê âm nhạc. Sau này một lần cha đã kể cho tôi nghe câu chuyện ngày bé của cha. 

Hai cha con nhạc sĩ Đỗ Nhuận và Đỗ Hồng Quân.

Năm 8 tuổi, cha được ông chú ruột đưa đi xem các trò ảo thuật. Cha tôi nghe thấy giữa tiếng ồn ào tấp nập của phố phường nhộn nhịp tiếng sáo vút lên rồi lại tắt. Tắt rồi lại vút lên. Cha tò mò tới gần thấy một ông già mù bán lạc rang, ông thổi sáo để người ta nghe mà mua hàng. Cha tôi  lại gần hỏi ông già mù cách thổi sáo. Ông già mù nói phải trả cho ông một hào ông sẽ dạy cho một bài. Sẵn có tiền từ người chú ruột cho mấy đồng hào lẻ để ăn quà, cha tôi lúc đấy đưa hết cho ông già mù để nhờ ông chỉ dạy cách thổi sáo. Ông già mù dùng một phần số tiền đấy của cha tôi bảo cha tôi đưa ông đến cửa hàng mua một cây sáo trúc.  Sau đó ông dặn dò kỹ lưỡng cậu học trò nhỏ cách thổi đúng cho tiếng sáo thật kêu. Có cây sáo trúc cha tôi quý lắm, luôn coi là vật báu nhất ở trên đời, đi đâu làm gì cũng kè kè mang theo bên mình.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đang chỉ huy dàn nhạc bài “Chiến thắng Điện Biên”.

Đến với âm nhạc từ thuở thơ bé,  hình ảnh trong ông là âm điệu, là lời ca, nên ông cũng muốn con trai của mình sau này sẽ có điềm đam mê âm nhạc giống mình.

Năm tôi mới là cậu bé thò lò mũi xanh, lên bốn, lên năm, cha tôi đã cầm bàn tay của tôi ngắm nghía rồi ông dạy tôi những nốt nhạc đầu tiên đàn piano. Ông dạy cho tôi một cách ân cần, nhẹ nhàng, kiên trì. Bài đầu tiên là "Đồ rê mi con chim ri…" . Tôi còn nhớ mãi lần đầu tiên ấy tôi được cha cho biểu diễn ở Nhà hát Lớn là bài “Inh lả ơi” lúc đấy tôi còn bé lắm, nên cha tôi phải kê thêm hai cái ghế  con cho vừa, lúc đánh đàn xong tôi luống cuống nhảy xuống suýt ngã. Nhìn hình ảnh đấy chắc ngộ nghĩnh lắm, tôi nghe thấy những tiếng cười vui trong rạp. Tôi ngẩng lên thì thấy cha đang âu yếm nhìn tôi. 

Ngay khi mẹ tôi vừa mới sinh ra tôi thì cha đã mong muốn sau này tôi sẽ thành nhạc sĩ. Ý nghĩ đó lúc nào cũng ấp ủ trong ông. Năm 1967-1968, khi tôi 8 tuổi, bố tôi vẫn thường chọn những bài thiếu nhi hoặc do ông tự nghĩ ra bắt tôi phổ nhạc. Nhà thơ Trần Đăng Khoa lúc đó đã nổi tiếng là thần đồng thơ, bố tôi chọn bài “Cây tre” của Trần Đăng Khoa, tôi viết nhịp 3/8. Bác Nguyễn Xuân Khoát lúc đó là Chủ tịch Hội Nhạc sĩ cùng cơ quan với bố tôi tới chơi, bố tôi bảo: "Con đánh cho bác và bố nghe …". Sau khi tôi đánh xong, bác bảo với tôi: "Để bác sửa cho cháu cho nhịp nhàng hơn". Bác sửa cho tôi thành nhịp 3/4.

Sau đó bố cho tôi học Nhạc viện Hà Nội. Sau ngày đất nước thống nhất, năm 1976 tôi sang học nhạc tại Nhạc viện Tchaikovsky, Mátxcơva và đến năm 1986 tôi về nước. Suốt thời gian tôi đi học, khi tôi còn nhỏ theo trường nhạc sơ tán khắp các nơi từ Bắc Giang, Hà Tây, Hà Bắc rồi 9 năm ra nước ngoài học âm nhạc, cha tôi vẫn theo sát việc học tập của tôi. Thế nhưng chưa một lần ông bắt tôi phải làm thế này, làm thế kia một cách cụ thể. Theo tôi hiểu, một phần cha tôi tôn trọng thầy cô giáo ở trường nhạc, một phần ông muốn tôi phải độc lập ngay từ bé và chịu trách nhiệm về công việc của chính mình. Điều này tôi càng thấu hiểu và nghĩ rằng cha tôi là một nhà sư phạm lớn, nhất là trong lĩnh vực đào tạo nhạc sĩ sáng tác và dạy nghề cho con.

 Những sáng tác của tôi ông đều biết và nghe, khi thì qua băng, xem tổng phổ, có lúc lại nghe tôi trực tiếp biểu diễn. Nhưng hình như ông chỉ nghe và ghi nhận thế thôi, chứ chưa một lần ông khen tôi hoặc tỏ ra thỏa mãn về kết quả công việc sáng tác của tôi. Có nhiều người cũng hay hỏi tôi: "Thế ở nhà hai bố con có hay trao đổi với nhau về chuyên môn không?". Thật ra, là không bao giờ. Bố tôi là người ít nói, ông không thích nói dài hoặc phân tích bằng lý lẽ. Nhưng tôi chắc rằng trong thâm tâm ông luôn nghĩ về tôi, hồi hộp về các hành vi đôi khi "liều lĩnh, phiêu lưu" của tôi như một nhạc sĩ trẻ.

Tôi nhớ có một đôi lần, ai đó khen với ông về tôi: "Cháu nó học giỏi, cháu nó khá lắm…".  Tôi thấy ông vui vui và nói ấp úng: "Con hơn cha là nhà có phúc". Nói xong ông cười, còn tôi hiểu điều đó như một ý nguyện, ý nguyện của lớp nhạc sĩ cha anh muốn gửi gắm, mong mỏi, hy vọng vào con cháu mình - lớp nhạc sĩ trẻ Việt Nam”.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân ngừng lời, bùi ngùi nhớ về những kỷ niệm của hai cha con anh. Anh có 9 năm học nhạc tại Nhạc viện Tchaikovsky, năm 1986 anh về nước và được ở bên cạnh cha những năm cuối đời.

Những năm THPT, chúng tôi được học bài hát "Hành quân xa" và "Chiến thắng Điện Biên" của nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Chúng tôi vẫn thường hát với nhau: “Hành quân xa dẫu có nhiều gian khổ, vai vác nặng ta đã đổ mồ hôi/ Mắt ta sáng chí căm thù  bảo vệ đồng quê ta tiến bước, đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi”.  Với bài  "Chiến  thắng  Điện  Biên": “Giải phóng Điện Biên bộ đội ta tiến quân trở về giữa mùa hoa nở miền Tây Bắc tưng bừng vui…” ngoài hát chúng tôi còn được cô giáo dạy cho múa. Những bài hát đã theo nhiều lớp học sinh của  những năm 80 thế kỷ trước và sau này, mỗi lần vô tình được nghe lại trên đài phát thanh hay truyền hình là tâm trạng lại chộn rộn lạ lùng. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân kể kỷ niệm của cha anh về bài hát  "Chiến thắng Điện Biên".

Cha tôi là một một chiến sĩ Điện Biên, ở trận địa Him Lam, cha tôi vừa ở Đội văn công lại vừa có nhiệm vụ sửa đường để bảo đảm cho pháo lớn của ta tiến vào trận địa trước mùa mưa. Ngày nào cha tôi và những người lính đều dậy từ rất sớm ra làm đường, nhưng trong đầu cha tôi luôn nung nấu về bài ca chiến thắng. Sau bài “Hành quân xa” và bài “Trên đồi Him Lam” nhiều chiến sĩ giục cha tôi sáng tác bài “Chiến thắng Điện Biên”. Cha tôi đã nghĩ, bài “Chiến thắng Điện Biên” viết nhạc phải có chất liệu Tây Bắc, vì bối cảnh trận chiến này trên đất Tây Bắc.

Ban ngày làm đường, ban đêm vào bản nghỉ trong lòng cha tôi lúc nào cũng nung nấu về bài hát chiến thắng này. Và ngày mong đợi cũng đã đến. Ngày 7-5-1954, cha tôi đang cuốc, rải đá làm đường, vào buổi chiều, một chiến sĩ liên lạc từ mặt trận đạp xe qua, reo to: "Mường Thanh địch hàng rồi! Giải phóng Điện Biên rồi!". Tất cả Đoàn văn công ngừng tay cuốc, ôm nhau nhảy, không cần nhạc đệm. Cha tôi xúc động mạnh. Bác Lương Ngọc Trác lúc đó là cán bộ lãnh đạo tốp văn công nhớ lại: Lúc đó cha tôi không ôm ai cả, mà cứ nhảy một mình, trong đầu cha tôi chỉ có câu: "Giải phóng Điện Biên".

Đêm hôm đó, cha tôi ngồi bên bếp lửa nhà sàn. Tay cha tôi búng chiếc violon, miệng hát nho nhỏ, sợ làm ảnh hưởng đến giấc ngủ đồng đội. Bên cạnh bếp than còn có vài củ sắn lùi, cha tôi vừa bóc sắn ăn vừa viết, và mạch cảm xúc cứ tuôn trào: “Giải phóng Điện Biên, Bộ đội ta tiến quân trở về, giữa mùa hoa nở, miền Tây Bắc tưng bừng vui…”.

Cũng trong đêm ấy, máy bay địch trút bom, phá đường. Sáng hôm sau cha tôi hoàn thành hai đoạn lời cha tôi chép tay. Cha tôi đưa bản đầu tiên cho đoàn văn công và tự hát cho các chiến sĩ nghe. Bài hát “Chiến thắng Điện Biên” được mọi người hưởng ứng, rất đông người hát. Lễ chiến thắng được tổ chức ở bãi đất rộng giữa cánh rừng. Bài hát được mọi người truyền nhau hát. Khi cha tôi đi chiến dịch thì đi bộ, ngày chiến thắng trở về, cha tôi được ngồi trên xe pháo binh cùng anh em hát vang bài “Chiến thắng Điện Biên”. Sau này về Thủ đô, với bài hát này, cha tôi được tặng thưởng Huân chương Chiến công. 

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân ngừng lời, còn với tôi những bài hát của nhạc sĩ Đỗ Nhuận cha anh đã quá quen thuộc với thế hệ chúng tôi. Những ca khúc đó đã sống cùng chúng tôi cả quãng đời tuổi trẻ, được học ở trường phổ thông, sau này mỗi lần được nghe ở trên đài phát thanh, đài truyền hình và sân khấu biểu diễn lại thấy lòng, náo nức. Trên sân khấu ca nhạc của Nhà hát Lớn thành phố và nhiều chương trình ca nhạc khác tôi đã thấy nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân hân hoan phối khí thành công nhiều bài hát của cha mình - nhạc sĩ Đỗ Nhuận.

Trần Mỹ Hiền
.
.