“Hai lúa” lo hậu sự cho người nghèo

Chủ Nhật, 29/03/2009, 07:35
Chỉ là “Hai lúa” nơi miệt vườn sông Hậu, nhưng ông Nguyễn Văn Ngôi (ở ấp Mỹ Hòa, xã Nhơn Mỹ, huyện Chợ Mới, An Giang) cùng đội cất nhà do ông khởi xướng đã xây hàng ngàn ngôi nhà cho bà con nghèo. Ông cũng đã “cắt” 3.600m2 đất riêng của gia đình xây nghĩa trang lo hậu sự cho dân nghèo.

Xây nghĩa trang cho người nghèo

Nghĩa địa từ thiện của ông Hai Ngôi nằm tuốt trong miệt Cù lao Ông Chưởng. Đưa chúng tôi vào thăm nghĩa địa từ thiện, sau những ngoắt ngoéo của con đường, ông Lê Thanh Bằng, Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Nhơn Mỹ phân trần: "Đường vào đây tuy khó nhưng bà con nghèo được miếng đất mà nằm xuống đây là mừng rồi".

Nghe cái tiếng nghĩa địa ông Hai, hẳn nhiều người vẫn nghĩ "ông Hai phải giàu khẳm chỉ đây". Nhưng, bỏ tiền mua 3.600m2 đất làm công quả này lại là một lão nông tri điền chỉ có vẻn vẹn 10 công đất trong tay.

"Ở đất này, cho nhau miếng đất để mần nhà thì được, mà hổng ai dám cho đất để táng người đâu. Mảnh đất mà có ngôi mộ thì hổng ai hỏi mua, có mua giá cũng rẻ rề", ông Sáu Rõ, hàng xóm của ông Hai thẳng thắn. Ai nằm xuống, tới ới ông Hai một tiếng là có ngay mảnh đất để lo hậu sự. Ông Hai vẫn nhớ như in năm 1989, tình cờ gặp tang của một cô gái. Hỏi người nhà mới biết, cô chết vì nhiễm lị. Cô chết đã mấy hôm mà chưa mang đi táng. Ông Hai hỏi thì người nhà buồn rầu: "Đất đâu mà chôn".

"Mèn ơi, khi đó tui thấy xót quá, người chết rồi mà hổng được yên. Tôi muốn cho chôn, nhưng ngặt đất nhà tôi là ruộng, đầy nước, chôn sao đặng", ông Hai nhớ lại. Cô gái rồi cũng được chôn cất, nhưng nhìn ngôi mộ nằm nem nép bên gò mả lớn giữa cánh đồng nước mà ông Hai không khỏi chạnh lòng.

Sau đó, tình cờ biết được có mảnh đất mã tộc - đất khô, không cấy lúa được, ông Hai đánh tiếng  hỏi mua. Thế đất không lấy gì làm đẹp bởi tứ bề toàn nước mà xung quanh không có con lộ nào.

Sau hồi chèo qua, chèo lại, người chủ cũ cũng bán miếng đất đó với giá là 4 giạ lúa (mỗi giạ 20 kg). Tính ra thì chưa đầy tấn lúa nhưng ai biết bồ lúa nhà ông đã gần cạn, trong khi còn 6 tháng nữa mới tới vụ thu hoạch mới thấy ông... gan cùng mình.

Năm 2000, còm cõi làm lúa, trả xong nợ  mua đất là ông nghĩ đến việc đắp đất cho cái nghĩa địa ra hồn. Chạy khắp làng trên, ấp dưới vay được 7 chỉ vàng, ông Hai  quyết đắp đất lên cho cao ráo. "Tui mần nhanh vì bà con nghe tiếng tui  mần nghĩa địa nên ai cũng xúm vô một tay. Ông Sáu Rõ, ông Sáu Gáo, ông Tư... đều giúp "mạnh tay". Thậm chí, mấy chủ nợ của tui còn không lấy lại số vàng vay đó nữa. Bà Tám Giam cho tôi đứt 1 chỉ, nhà Bảy So cho đứt 2 chỉ... Tui làm nghĩa địa dễ ợt à", ông Hai ha hả cười.

Năm 2005, khi nhà đã hết nợ, ông bắt đầu tính kế khoanh vùng cái nghĩa trang này lại. Bần thần, vắt tay lên trán mà không nghĩ được làm cách nào có tiền. "Khi đó, ông ấy lo lắm, mất ăn mất ngủ nhưng tui nói ông cứ tính chi li từng món ra, có gì chúng tôi phụ vô", ông Tư - bạn thân ông Hai nói.

Lúc xây nghĩa trang là ngày ấp Nhơn Mỹ này vui nhất. 17 chiếc xe cải tiến rầm rập kéo gạch từ con rạch vô, mấy chục thợ hồ làm trèo trẹo mà không lấy một đồng công cán là điều làm ông vui nhất.

"Nghĩa địa từ thiện xã Nhơn Mỹ. Tôi đồng ý hiến cho nhà nghèo không đất chôn người thân. Đến địa điểm này tôi sẵn lòng cho, chúng tôi còn khỏe mạnh cống hiến cho đời vĩnh viễn. Sau này con trai, cháu tôi không có quyền xâm phạm vô phạm vi 3.600m2 này. Vợ chồng tôi đồng ý ký tên". 

Những dòng chữ mộc mạc của lão nông Hai Ngôi được khắc lên tấm bia khi hoàn thành nghĩa trang như một cam kết khiến  người nghèo quanh miệt cù lao này thấy ấm lòng. Gặp ông vào ngày đầu xuân và tôi đã nghe ông hồ hởi khoe: "Tui làm giấy hiến luôn cái nghĩa địa đó cho xã rồi".

Kể từ khi người thanh niên  xấu số chết cháy trong một đám hát được ông Hai "rước" về, đã có tới gần 70 người quá cố được nương náu tại phần đất này. Nghĩa địa không "đánh" phí một ai. Hễ nghèo, tìm tới ông Hai ới một tiếng là có miếng đất hậu sự. "Tui chỉ xin mọi người xây nhỏ, thẳng hàng thẳng lối để bà con nào "tới sau" còn có đất mà nằm thôi", ông Hai phân trần.

Chị Năm Hạnh, xã Long Điền A nhớ như in ngày mẹ chị nằm xuống: "Bà già tui nằm xuống bất ngờ, tui chạy vạy mới được 1 triệu bạc mua hòm. Nhớ tới người chết phải có đất chôn, nhưng miếng đất giá vài trăm ngàn thì sao tôi có. Ngặt nỗi, có tiền muốn mua mà hổng ai bán vì người ta cho là chôn gần nhà  người ta thì xui xẻo. Có người mách nước tôi lên chú Hai mà xin đất. Nhà tui cách nhà chú Hai gần chục cây số, hổng phải đồng ấp mà chú vẫn cho mẹ tui được táng ở ngoải".

"Con trai tui bị tai nạn chết. Thằng bé "chết độc" nên không ai chịu bán đất để chôn. Để trong nhà 3 hôm chưa biết tính sao thì người họ hàng đến xin anh Hai Ngôi đất để cất mả.

Năm trước, nhà tui đã xây kiên cố ngôi mộ cũng ở nghĩa địa cũ. Ở đất này, ruộng tuy lắm nhưng nhiều nước nên không táng được. Đất vườn thì có phải ai cũng có đâu, chỉ có những người già chết "sạch sẽ" mới táng trong vườn nhà thôi". Bà Ba Thuận, ấp Mỹ An cảm động nói.--PageBreak--

Chân dung “Mạnh thường quân” nghèo

Ông Nguyễn Văn Ngôi là nông dân "gốc", năm nay 60 tuổi. Sinh ra ở nông thôn, lấy vợ nông dân, anh nông dân Hai Ngôi tay trắng ra ở riêng. Hai vợ chồng ra sông Hậu làm thuê. Năm 1978, cái quãng sông ấy từng chứng kiến hai vợ chồng trẻ còm cọm thuê 6 công đất trồng thuốc lá, rồi trồng đậu que, hành tây.

Vợ bệnh nên ông Hai phải cáng đáng toàn bộ việc vườn. Ở xứ sông nước này, không có ghe thật khổ, và anh nông dân Hai Ngôi phải gồng gánh những thứ vườn trồng được mang lên chợ Long Xuyên cách nhà hàng chục cây số để bán.

Hết buổi chợ, ông lại đi giăng câu, thả lưới, và dòng sông Hậu hào phóng chưa từ chối cá, tôm với họ bao giờ. Những ngày cơ cực dần qua khi hai vợ chồng lần lần mua được 1 công, rồi  2 công và rồi là căn nhà gỗ như ngày nay.

Lo cất nhà cho người sống!

Hàng chục năm nay, căn nhà ông Hai được cơi nới thêm để làm trại mộc cất nhà. Sáng sớm, khi chúng tôi đến ấp Mỹ Hòa thăm trại mộc đã thấy những người hàng xóm xung quanh đến làm việc.

Tiếng cưa máy, phay, bào gỗ xoèn xoẹt vang động ấp nhỏ. "Tui làm thợ mộc, công một ngày cũng được 100 ngàn nhưng khi nào rảnh thì đến đây làm. Gần 40 anh em trong đội cất nhà chúng tôi lấy đây làm trụ sở. Ai rảnh thì đến giúp", vừa bào gỗ, anh Ba Thành, vừa nói.

Hơn 1.000 căn nhà mà ông và tổ cất nhà do ông và những người thiện nguyện đã dành cất cho những người nghèo. "Nhà tui có ba người, con tui đã có lương nhà nước nên còn khỏe. Cách nay ba năm tui mới trả hết nợ nuôi con học đại học nhưng tui còn khỏe thì còn mần nhà cho bà con", ông Hai Ngôi nói.

Những láng giềng của ông Hai Ngôi cho hay: “Năm 1999 tại ấp Mỹ Thạnh (xã Nhơn Mỹ) xảy ra vụ cháy lớn. 11 gia đình bỗng chốc trở nên vô gia cư, lúc đó sẵn nghề mộc trong tay, ông và mấy người bạn góp ít tiền, ít công đẽo đục để tặng cho những người này".

Sau đó, những người khác từ xã Mỹ Hòa Đông bên cạnh cũng tới tham gia cất nhà từ thiện cùng ông. Hội cất nhà giờ đã là 40 thành viên, mỗi người tự nguyện đóng góp 500 nghìn đồng/năm.

Chỉ xuống đống cột gỗ, cây nào cây nấy được đánh số, xếp gọn tăm tắp, ông Hai nói: "Chú thấy vậy chớ tui mần từ thiện dễ ợt à. Bạch đàn và cây được nhà hảo tâm và nhóm đóng góp. Người ta cất nhà để bán cỡ 5 triệu, cũng gỗ đó, cây đó cho chúng tui làm chỉ mất 500 ngàn vì hổng ai lấy công. Cả anh em đều ăn chay mà".

"Để mua được cây giá rẻ, chúng tôi phải đi vào vùng sâu, vùng xa của Kiên Giang mua, đốn và dùng ghe chở về. Có lần đi mua cây ở Sơn Kiên (Hòn Đất, Kiên Giang), chúng tôi mang theo 8 giạ gạo, ăn ở trong rừng 6 ngày trời. Mình chịu cực một chút nhưng giá rẻ, cây chất lượng tốt, cất nhà bà con ở được lâu hơn" - ông Hai Ngôi phân trần.

Chuyện ông Hai làm nhà lan ra khắp xứ, có lúc bà con xúm vô chở giùm cái thuyền. Thậm chí, nhiều người cho không luôn cả công chở. Ông Hai nhớ những lần mua tôn, gỗ, không ai lấy tiền.

Sau khi đưa về trại, cây nào còn ướt sẽ được phơi khô. Sau đó mỗi người một công đoạn bào, đục, cưa, quét dầu chống mối mọt trước khi đóng làm kèo, cột. Số rui, mè, cột được đánh số cụ thể để ai cần là có thể lựa ngay mà ghép lại.

Chị Năm Xuân, khu Phà Thuận Giang, Chợ Mới bùi ngùi nhớ lại: "Tía tui hơn 70 tuổi mà chưa được ở trong ngôi nhà cây lợp tôn như vầy. Ngày trước, thấy nói có người cất nhà cho người nghèo nhưng chúng tui hổng dám mơ. Sau có người xin với đội cất  nhà, bác Hai có qua xác minh rồi tới tuần sau thấy bác Hai cho chở nguyên bộ khung nhà tới dựng".

Ông Lê Thanh Bằng, Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Nhơn Mỹ, nói: "Nhiều năm trước, xã cũng có nghĩa trang nhưng lâu ngày hư  hại, không sử dụng được nên nghĩa địa từ thiện mà ông Hai Ngôi hiến cho xã chính là nghĩa trang đầu tiên của xã.

Tấm lòng của ông Hai Ngôi thì dân xã này phải công nhận. Ngoài ra, tổ cất nhà do ông Hai Ngôi khởi xướng đã hiến hàng ngàn ngôi nhà cho bà con nghèo. Kể từ khi ông Hai Ngôi cùng những người hảo tâm cất nhà, căn bản xã này đã xóa hết nhà tranh, tre lá".

Ông Nguyễn Văn Độ, Phó chủ tịch xã Nhơn Mỹ, huyện Chợ Mới, An Giang cũng cho biết: "Sau khi hoàn thành nghĩa trang, ông Hai Ngôi có lên trình bày hiến cái nghĩa trang đó cho xã. Ông nói làm giấy tay để sau này con cháu không "làm khó" cho chính quyền địa phương.

Ông Hai Ngôi đã được UBND tỉnh An Giang, huyện Chợ Mới tặng bằng khen. Riêng với các hoạt động xây nhà, đầu năm, cuối năm ông đều có công khai những khoản đóng góp đàng hoàng. Các anh trong UBND xã, Mặt trận Tổ quốc xã đều tới dự về việc công khai này"

Hạ Thanh
.
.