Hai mặt trong cuộc đời nữ tỷ phú giàu nhất Australia
- Đằng sau thành công của nữ tỷ phú trẻ nhất thế giới không tốt nghiệp đại học
- Tranh chấp tài sản thừa kế của nữ tỷ phú Nina Wang
Nhưng người đàn bà quyền lực của ngành khai khoáng này lại thất bại trong chuyện hôn nhân và gia đình.
Một ngày kiếm được 52 triệu USD
Gina Rinehart sinh năm 1954 trong một gia đình giàu có tại thành phố Perth, một thành phố lớn nhất phía tây Australia và là con gái độc nhất của ông trùm khoáng sản Lang Hancock, chủ Tập đoàn khai thác quặng Hancock Prospecting thống lĩnh các bang miền Tây Australia nên được nhiều người biết đến như một ông trùm giàu có và quyền lực trong ngành khoáng sản Australia lúc bấy giờ.
Gina Rinehart. |
So với những người bạn đồng trang lứa, Rinehart có phần may mắn hơn, được chiều chuộng hết mực ngay từ lúc lọt lòng. Sau một năm học kinh tế ở Đại học Sydney, bà nghỉ học và về làm việc cho cha mình. Rinehart đặc biệt không thích bị gọi là người thừa kế bởi từ khi còn học trung học, bà đã muốn làm một doanh nhân độc lập phát triển doanh nghiệp của mình.
Năm 1992, ở tuổi 38, bà thừa kế công ty của cha nhưng ít ai biết rằng, đó lại là một đế chế đang trên bờ vực phá sản với núi nợ khổng lồ.
Bằng tài kinh doanh bẩm sinh và nỗ lực không ngừng, Rinehart đã vực dậy tập đoàn này, mở rộng hoạt động khai khoáng tại các mỏ vàng, chì, kim cương... nên từ đó, giới khai khoáng gọi bà là “người đàn bà sắt”. Ở cương vị Giám đốc điều hành, bà được thừa hưởng toàn bộ cổ phần tại Tập đoàn khai khoáng Hancock Mining do cha mình để lại.
Theo ước tính, trung bình bà Gina kiếm được 598 USD trong 1 phút, hơn 1 triệu USD trong 1 giờ 30 phút và 52 triệu USD/ ngày. Trung bình mỗi năm, Hancock sản xuất được khoảng 30 triệu tấn quặng sắt và 500 triệu tấn mangan chứa sắt. Rinehart bắt đầu bước chân vào “Câu lạc bộ tỷ phú Australia” và là nữ tỷ phú duy nhất của nước này vào năm 2006. 5 năm sau đó, bà trở thành người giàu nhất châu Đại Dương và giữ vị trí này từ đó đến nay.
Tài sản của Gina Rinehart phần lớn đến từ việc khai thác hai mỏ quặng sắt khổng lồ Hope Downs và Roy Hill ở phía tây Australia. Một trong những nguyên nhân chính giúp bà Rinehart nhét tiền cho hầu bao thêm căng trong năm qua là giá quặng sắt phục hồi mạnh từ 42 USD/tấn lên 62 USD/tấn. “20 USD tăng lên là sự khác biệt lớn với một người bán gần 80 triệu tấn quặng sắt mỗi năm với các mỏ khổng lồ tại vùng phía tây Australia” - tạp chí Forbes bình luận.
Bên cạnh đó, sự thịnh vượng của các tỷ phú Australia được sự trợ giúp rất lớn nhờ sự bùng nổ của bất động sản châu Á và đồng đôla Australia đã tăng 13,2% so với đồng USD kể từ tháng 1-2016. “Người đàn bà sắt của Australia” còn tham vọng vươn tay sang lĩnh vực truyền thông.
Năm 2010 bà đã đầu tư 285 triệu USD để sở hữu 18,6% cổ phần của tập đoàn truyền thông Fairfax Media, một trong những tập đoàn hàng đầu của Australia. Tập đoàn này hiện đang xuất bản tờ Sydney Morning Herald, The Age và The Financial Review Australia.
Gia đình xáo trộn vì tiền
Tuy là người phụ nữ quyền lực, nhưng nữ tỷ phú này có đời sống cá nhân khá phức tạp. Đầu tiên phải kể đến sự mâu thuẫn với gia đình. Sau khi mẹ bà qua đời vào năm 1983, để có người chăm sóc cho gia đình, Rinehart đã thuê bà Rose Lacson, một người Philippines về giúp việc. Chẳng bao lâu, Rose chiếm được cảm tình của ông Hancock, kết quả là năm 1985, họ tổ chức hôn lễ bất chấp sự phản đối của cô con gái rượu Rinehart.
Khi cha bà qua đời vào năm 1992, Rinehart bị kéo vào vụ kiện căng thẳng kéo dài 12 năm với bà mẹ kế về vấn đề tài sản mà cha mình để lại. Rinehart đã cáo buộc người mẹ kế âm mưu sát hại và ép buộc ông Lang Hancock viết di chúc để thừa kế một phần tài sản của gia đình. Bà còn cho bảo quản một phần nội tạng của ông Hancock để làm bằng chứng sau này.
3 tháng sau cái chết của ông Hancock, bà Rose lại lên xe hoa với chính một người bạn thân của chồng. Điều này khiến Rinehart càng thêm sôi máu, quyết đẩy nhanh tiến trình vụ kiện. Tuy nhiên, năm 2003, 2 năm sau khi cơ quan điều tra vào cuộc đã đưa ra kết luận cuối cùng về nguyên nhân cái chết của ông Hancock là hoàn toàn tự nhiên, bà Rose được minh oan.
Người đàn bà “ngồi trên núi tiền” này đồng thời thất bại trong chuyện hôn nhân và gia đình. Cả hai người đàn ông đến với bà đã không còn và mối quan hệ gia đình riêng cũng căng thẳng với 3 người con trai ruột, kết quả của hai cuộc hôn nhân. Năm 2010, Hope Rinehart Walker, Bianca Rinehart và John Hancock đệ đơn khiếu kiện đối với bà Rinehart, yêu cầu tước quyền là người ủy thác trông nom tài sản gia đình trị giá hàng tỷ đôla từ bà. Đây cũng được xem là vụ scandal đáng chú ý nhất trong giới tỷ phủ lúc bấy giờ.
Nữ tỷ phú Rinehart và vợ chồng cô con gái út - những người trong gia đình đang cùng “chiến tuyến” với bà . |
Năm 2011, khi cô con gái út Ginia Rinehart vừa tròn 25 tuổi, 3 người con lớn yêu cầu tòa án bác bỏ quyền điều hành quỹ đầu tư của gia đình đối với người mẹ đẻ của mình bởi họ đã khôn lớn và có quyền được thừa hưởng tài sản mà ông ngoại để lại. Ý nguyện tốt đẹp mà ông chủ Tập đoàn Hancock mong muốn dành cho các cháu đã không thành. Vô tình điều này còn nảy sinh một vụ kiện tụng tai tiếng giữa con gái Rinehart và các cháu.
Cho đến nay, vụ kiện tụng rùm beng này vẫn rơi vào bế tắc, bà Rinehart nhất quyết không nhượng bộ các con lớn và đơn kiện tiếp tục được gửi lên Tòa án Tối cao bang New South Wales. Tuy vậy, bà vẫn còn người con gái út đứng về phía mẹ.
“Vạ miệng” có chủ ý?
Sau những ngày tháng kiện tụng ầm ĩ, cùng với những phát ngôn gây sốc, hình ảnh của một nữ doanh nhân giàu có bậc nhất Australia và tầm thế giới cũng dần “méo mó” trong mắt công chúng Australia. Không dừng lại trong việc chỉ trích công nhân nước mình lười biếng và rượu chè, “Người đàn bà sắt” còn không ngừng ca thán và so sánh giá nhân công Australia với nhân công châu Phi.
Trong buổi nói chuyện tại câu lạc bộ khai khoáng Sydney, người đứng đầu Tập đoàn Hancock cho rằng: “Chi phí cho nhân công Australia quá đắt đỏ, dẫn đến chi phí sản xuất tăng. Trong khi đó người châu Phi muốn làm việc, họ sẵn sàng làm việc với ngày công chưa đến 2 USD. Bởi vậy, người lao động Australia nên cắt giảm xuống còn 2 USD/ngày để có thể cạnh tranh với lao động châu Phi”.
Tuy nhiên, theo thống kê, cứ mỗi giờ, những công nhân này mang lại cho Rinehart gần 2 triệu USD. Nữ tỷ phú cũng gợi ý rằng, chính phủ không nên áp dụng loại thuế mới đối với những công nhân mỏ, cùng với đó là việc cắt giảm tiền nhân công.
Sự so sánh giữa công nhân bản địa và công nhân đến từ Lục địa đen lập tức bị công luận “ném đá” vì suy cho cùng, với Rinehart, công nhân màu da nào cũng sẽ giúp bà khuếch trương khối tài sản riêng. Người ta cho rằng, bà chẳng có gì gọi là “nhân văn” và phát biểu của bà thật đáng mỉa mai bởi người cha của bà, ông Lang Hancock, vốn là người rất phân biệt chủng tộc.
Trong một cuộc phỏng vấn năm 1984, ông Lang Hancock bày tỏ quan điểm rằng: những thổ dân và những người nhập cư da màu “có nguồn gốc thấp kém” và rằng, “họ cần phải được tẩy rửa vô trùng khỏi nguồn ngốc thấp kém của mình nếu muốn hòa nhập với chúng ta trong tương lai”(!).
Ông Lang Hancock lúc sinh thời bên cạnh người hầu gái mà sau này trở thành mẹ kế của nữ tỷ phú. |
Thời gian gần đây, bà Rinehart thường xuyên xuất hiện trước công chúng và trở thành nhân vật phản đối quyết liệt chính sách thuế mới của Chính phủ Australia dù trước đó bà rất kín tiếng. Trong một lần phát biểu, bà Rinehart đã đứng trên một chiếc xe tải, trên tay cầm loa phóng thanh và kêu gọi mọi người cùng phản đối loại thuế tài nguyên khoáng sản mới sẽ áp dụng đối với ngành khai khoáng.
Loại thuế này được áp dụng bắt đầu từ tháng 7 và sẽ lấy đi 30% lợi nhuận đối với các ngành khai thác than, quặng sắt của các công ty khai khoáng. Loại thuế này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các công ty khai khoáng có lợi nhuận hằng năm đạt khoảng 75 triệu USD. Bà Rinehart tin rằng, loại thuế mới này sẽ ảnh hưởng đến các khoản đầu tư trị giá hàng triệu USD của các nhà khai khoáng.
Một trong những lý do cũng khiến bà Rinehart bị nhiều người ghét bởi bà có quan điểm chính trị “chủ nghĩa ly khai” giống với người cha quá cố, ông Lang Hancock. Bà bày tỏ quan điểm nên chia Australia thành hai nửa. Nửa bên phải sẽ là trung tâm phát triển kinh tế, với ý tưởng này bà tin rằng sẽ giúp Australia thoát khỏi suy thoái kinh tế ở châu Âu và Mỹ.
Quan điểm của bà được thể hiện trong bài thơ do bà sáng tác mang tựa đề “Tương lai của chúng ta”. Nội dung bài thơ nói rằng, thế giới đang chìm ngập trong đói nghèo, nợ nần và xung đột, hàng tỷ người đang mong đợi một cuộc sống tốt đẹp hơn. Bà kêu gọi chính phủ cần có chính sách ưu tiên phát triển miền Bắc Australia đa văn hóa và chào đón những người lao động nước ngoài đến đất nước Australia.
Bà cũng đề nghị chính phủ giảm thuế cho miền Bắc Australia, đồng thời cho phép những công ty như của bà phát triển không hạn chế và cho phép tuyển dụng nguồn lao động giá rẻ từ nước ngoài vào.