Nhà văn trẻ khuyết tật Trần Thị Ngọc Lan:

Hai mét vuông cô đơn và giấc mơ “tiểu thuyết gia”

Thứ Năm, 08/10/2015, 20:10
Phải thân thiết lắm, Ngọc Lan mới mời vào chỗ ở của chị. Căn phòng được cho là “nhà” chỉ rộng 2m2 ở phố Phạm Hồng Thái. Nó là một cái hốc cầu thang cũ quen thuộc của những ngôi nhà trong phố cổ.

Căn phòng chỉ đủ kê một cái giường đơn, trên chiếc giường là máy tính, chăn gối, còn tất cả đồ đạc chị cho hết vào gầm giường hoặc treo trên tường. Chật chội, thiếu không khí, bất tiện đủ thứ, nhưng đối với Lan, đó là cả một thiên đường của ước mơ, hạnh phúc, của những sáng tạo văn chương đã cứu rỗi cả một chặng đường đầy gian khổ đã qua của chị.

Tuổi thơ nghèo khó, nhọc nhằn

Trần Thị Ngọc Lan sinh ra tại miền quê nghèo Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Gia đình đã nghèo, Lan lại bị liệt nửa người do căn bệnh sốt bại liệt khi lên 5 tuổi, tay phải hoàn toàn bất động, chân phải thập thững những bước nặng trĩu vào đời.

Thật không may cho gia đình chị, cả người chị và người anh ruột, cũng không lành lặn. Cha mất sớm, người chị cả khỏe mạnh là chỗ dựa cho cả gia đình mới đây đã mất vì bị bệnh não, người anh thứ hai thì bị bệnh động kinh nặng, hoàn toàn không thể tự lo cho mình, tất cả dựa vào sức lực của người mẹ già làm nông nghiệp, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời.

Ngay từ thơ bé, như mối duyên, Ngọc Lan đã có năng khiếu viết văn đó là nghị lực nuôi dưỡng ước mơ của mình, cao hơn nữa là trở thành một con người có ích cho xã hội, tự đi vững trên đôi chân tật nguyền của mình. Cho đến giờ, đôi khi ngoảnh nhìn lại quãng thời gian qua, Lan vẫn khẳng định đó là một điều kỳ diệu mà phải được trời thương, chị mới có thể vượt qua được.

Năm 15 tuổi, Ngọc Lan cho ra tiểu thuyết đầu tay "Ánh sao rơi", một cuốn tiểu thuyết kể về thân phận của mình như một nhu cầu tự thân, bằng tất cả sự dồn nén, nhưng đó là một sự khởi đầu đầy may mắn để chị bước chân vào con đường văn chương.

Lan kể lại rằng, ngày ấy, không có tiền mua mực để viết, Lan đã dùng trái mồng tơi chín, dầm lấy nước để nguệch ngoạc trên những trang giấy úa vàng, lại viết bằng tay trái, nên theo Lan đó có lẽ là những trang bản thảo "khủng khiếp nhất thế giới". Vậy mà chính tác phẩm ấy, sau này lại là hành trang đưa Lan đến với một miền đất hứa để nuôi dưỡng những ước mơ của đời mình.

Ngọc Lan chỉ làm việc bằng tay trái.

Dù thực sự phải vất vả, nỗ lực, cuối cùng Lan cũng tốt nghiệp cấp III. Những tưởng được thỏa ước nguyện thi vào đại học để tiếp tục theo đuổi sự nghiệp viết văn thì chị lại nghe tin như "sét đánh" ngang tai: không đủ tiêu chuẩn dự thi đại học.

Bằng tất cả niềm đam mê học tập, sự can đảm và nỗi lòng yêu văn chương, Ngọc Lan đã mạnh dạn viết thư gửi đến Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo lúc bấy giờ là ông Nguyễn Minh Hiển, với mong muốn được thi đại học vì đam mê văn chương, có tác phẩm và mong được học tập, nâng cao kiến thức để đi xa hơn trên con đường văn chương của mình. Thư của Ngọc Lan được chấp nhận và được đặc cách vào học tại Trường viết văn Nguyễn Du nơi mà chị hằng mong ước.

Nhọc nhằn lập nghiệp chốn Hà Thành

Ra trường Trần Thị Ngọc Lan được nhận vào làm biên tập viên Nhà xuất bản Văn học. Thời buổi mọi thứ đều không dễ dàng, các biên tập viên phải tự đi tìm nguồn bản thảo để đủ định mức, Lan chật vật với công việc của mình bởi chị không có khả năng đi lại hay sự năng động của một người bắt kịp thời cuộc. Lan sống nhờ lương cơ bản hơn 2 triệu đồng, một phần tiền lương tháng ấy gửi về quê cho mẹ già nuôi người anh bệnh tật, ốm đau. Gánh nặng dường như đầy lên cả đôi vai Lan.

Thế mà rồi bằng mọi sự xoay xở, Lan cũng kiếm được cho mình một chỗ ở, gần cơ quan để tiện đi lại. Lan đã 2 lần chuyển chỗ ở, nhưng chỗ nào cũng chật, chật vì Lan không đủ tiền để thuê nhà. Bây giờ, chỗ ở của Lan chỉ rộng hơn 2m2. Đó là cái hốc cầu thang cũ của một gia đình, chủ nhà chỉ lấy một tháng 2-3 trăm ngàn, nhưng cái chỗ ở cùng cực ấy, tôi bỗng lặng người khi ghé thăm. Nếu không được chứng kiến, bạn sẽ không tưởng tượng nổi Lan giỏi như thế nào khi phải xoay xở cuộc sống hàng ngày với đủ thứ vật dụng, máy tính, cơm nước, đồ đạc, sách vở trong 2m2.

Hỏi Lan, chị cười bảo: “Nó chật chội, thiếu không khí và bất tiện thật, nhưng tôi chấp nhận và khắc phục, muốn ở gần cơ quan vì tôi đi lại rất khó khăn. Tuy nhiên tôi vẫn có đủ không gian để ngủ nghỉ, giải trí và làm việc. Phòng của tôi gọn, đẹp, ngăn nắp và tôi không thấy khó chịu mấy. Người như tôi thì dễ thích nghi với hoàn cảnh sống, dù khó khăn đến mấy.

Điều tôi kiếm tìm trong đời sống là các giá trị tinh thần, phi vật thể và tôi đã tìm được những hành trang cho hành trình gian khổ. Biết đâu hoàn cảnh sống này cũng là một cách giúp tôi trải nghiệm cho trang viết của mình. Bởi vì, theo tôi thì trải nghiệm có thể bằng nhiều cách: quan sát, suy nghĩ, đi thực tế cọ xát với đời sống hoặc thông qua sách vở. Tôi đi lại khó khăn, kinh tế yếu, đối với tuổi đời của một nhà văn, đó là sự thiệt thòi, mất mát lớn.

Nhưng điều phải khẳng định là, tôi đã trải nghiệm nhiều như bất cứ một nhà văn nào. Thế giới của tôi phong phú, đầy đủ, nhiều màu sắc, và tôi luôn muốn vươn đến những nhận thức mới. Tôi không bao giờ dừng lại, nhàm chán, bất lực với chính mình. Có lẽ trời cho tôi một đầu óc biết tìm tòi. Tôi hoàn toàn yên tâm với con đường sáng tạo của tôi, chứ không nao núng bởi điều kiện sống và sức khỏe. Lương công nhân viên chức không đủ để tìm một chỗ rộng rãi hơn.

Trong cuộc sống ai cũng có khó khăn, tôi vất vả hơn một chút cũng là phải lẽ. Chẳng biết bao giờ cuộc sống của tôi mới đổi thay, nhưng tôi luôn hy vọng vào ngày mai hạnh phúc”.

Mong muốn trở thành một tiểu thuyết gia

Trước khi viết truyện ngắn, tiểu thuyết, Lan đã xuất bản mấy tập thơ. Thơ của Lan là những trang viết buồn và đầy khát khao trước thực tế cuộc đời và sự thiệt thòi, mất mát của chính mình: “Gặp lại anh con đường năm tháng cũ/ Chiếc áo này bạc sắc mấy mươi năm/ Em tuổi trẻ một mình trên phố vắng/ Duyên gì đây thốt gọi mãi tên người/ Chàng trai ấy không thể nào phụ bạc/ Thấm thía đời cay cực chỉ em thôi/ Đường trăm nẻo đôi chân hằng lặng lẽ/ Thấy vầng trăng mọc nửa ngấn bên trời/ Về nẻo phố chen chân mồ hôi lấm/ Có tình yêu chưa kịp biết trên đời/ Hoa dại nở rồi rụng về đất bãi/ Một dòng sông rộng lớn lững lờ trôi/ Anh ánh mắt nụ cười con tim ấy/ Em tin yêu hy vọng chứa chan rồi/ Chỉ mong ước ở ngôi nhà đâu đó/ Có người đàn bà không cực khổ thôi...” (Gửi theo chiếc áo).

Hay những khát khao bỏng cháy về một tình yêu đích thực: "Giờ đây lối xưa cỏ mọc/ Bài thơ người cũng quên rồi/ Cháy đỏ cõi lòng cô độc/ Thương mình đánh mất ta thôi/ Có một chân trời trước mặt/ Nếu như người muốn đi tìm/ Tháng năm cồn cào lột vỏ/ Đợi người muôn kiếp lặng im... (Hoài niệm cho tình đầu).

Nói về câu chuyện của đời mình, Lan bảo rằng, những nhà văn có một cuộc đời không thuận lợi như chị là một sự thử thách lớn, nhưng chị luôn vun đắp và khao khát. Phải nói là hạnh phúc tột cùng và gian khổ tột cùng. Như một lẽ tất yếu, văn thơ của Lan đều mang một nỗi buồn sâu thẳm. Trong thơ và văn của chị không có sự nhộn nhịp của đời sống, không có những tiếng cười vui tươi.

Ngọc Lan từng chia sẻ: "Tôi yêu văn chương từ nhỏ, coi văn chương là lẽ sống. Tôi cảm nhận được sự chi phối, bổ sung qua lại giữa con người tôi với văn chương, hai thứ đó có sự giao thoa cộng hưởng trong tâm hồn. Khi mình mới bước vào con đường văn chương hay đang đi trên đó mà mình không rõ lối đi thì mình thấy văn chương là nguồn cảm hứng cho tâm hồn qua mỗi sáng tác. Đến khi tâm hồn mạnh mẽ lên mình phải đứng ở vị trí là người sáng tạo để hiểu rõ giá trị của văn hóa, mục đích ý nghĩa sống của mỗi con người. Từ những hiểu biết tìm tòi quan sát đó đem nó soi vào văn chương, làm chủ văn chương".

Căn phòng 2m2 của Ngọc Lan.

Ở tuổi 16 Lan cần phải chọn một nghề nghiệp mình yêu thích, phù hợp với bản thân và giúp ích cho đời, viết văn là nghề duy nhất Lan có thể lựa chọn. Có lẽ, như người ta thường nói, ông trời không lấy đi của ai tất cả. Ông trời bắt chị phải chịu đựng một chút khiếm khuyết về cơ thể nhưng lại cho chị một sự mạnh mẽ, đầy nghị lực của một tâm hồn đẹp, nhạy cảm.

Mặc dù, sống nơi mảnh đất phồn hoa đô hội, mặc cảm là điều có thật, nhưng khi mình chưa hiểu cuộc sống thôi. Càng đồng hành cùng cuộc sống, cùng văn chương, biết vượt qua những hoàn cảnh ngặt nghèo, nguy hiểm, thì người ta không còn chút mặc cảm nào nữa. Người ta sẽ sống hoàn toàn bình thường, thậm chí còn mạnh mẽ hơn nhiều người khác không gặp hoàn cảnh ấy. Riêng trong văn chương,

Lan bảo rằng, ngay từ phút đầu tiên và mãi mãi, văn chương đối với Lan cao hơn cả đó là nơi để trú ngụ, nương náu. Lan có chí hướng, quý trọng, với Lan, văn chương là những gì cao quý nhất, vượt trội nhất, xứng đáng nhất, chị mong muốn trả cho nó những gì dồi dào mà chị đã có nó để tồn tại và sống trong đời sống này.

Ngọc Lan liên tục viết, và dường như chỉ có cách đó mới giúp chị chia sẻ và trang trải nỗi niềm tâm sự của mình trước đời sống, trước những biến cố, mất mát của gia đình, trước nỗi khổ đau không thể chia sẻ cùng ai. Chị đã có một "gia tài" tác phẩm khá dày dặn đã xuất bản gồm 8 tập sách trong đó có 4 tập tiểu thuyết "Ánh sao rơi" (1996), "Sao nỡ chia đôi" (1997), "Có vơi niềm đau" (2001), "Phu Bòn" (2003); 3 tập truyện ngắn: "Bến đợi" (2000), "Mẹ trần gian" (2008), "Gương mặt con người" (2010); và 4 tập thơ: "Trăng rằm" (1996), "Nỗi buồn cho em" (1999), "Mắt đá" (2001), "Liên quan gì đến tôi" (2005). Ngọc Lan cũng đã được một số giải thưởng văn học như: Hội Văn nghệ Thanh Hóa (2005), Báo Tuổi trẻ Sống đẹp (1998), Đài Tiếng nói Việt Nam (1998), Liên hiệp Các hội VHNT Việt Nam (1999, Nhà xuất bản Kim Đồng (2001)...

Ngọc Lan vẫn bảo: “Tôi sống vất vả, gian khổ hơn nhiều người, trong cuộc sống, làm việc và trong khi cầm bút, điều đó cũng là bình thường. Bây giờ những điều đó đối với tôi không quan trọng nữa. Mỗi con người một số phận, một cuộc sống, ai mà chẳng có khó khăn. Nhưng cái quý giá là họ biết vượt trên những điều kiện sống, để thực hiện được khát vọng, hoài bão, để nhận thức được giá trị và mục đích sống của mình.

Sau bao năm gian khổ, trả giá, với sự cổ vũ của mọi người, tôi đã có đủ hành trang để đi trên con đường dài vô tận. Tôi là người hạnh phúc và thành đạt với những gì lòng mình mong muốn. Bởi vì bên cạnh tôi, dù không còn một ai nữa, thì tôi vẫn có người bạn là văn chương, là tiếng nói tinh tế của tâm hồn, thông qua sự mặc khải của ngôn ngữ, để gìn giữ những giá trị thiêng liêng nhất cho con người: sự sống, văn hóa, tình yêu và lịch sử…

Ngọc Lan thử sức trong rất nhiều thể loại nhưng vẫn đang phấn đấu trở thành một tiểu thuyết gia, vì đó dẫu là thể loại khó khăn nhưng cũng đầy chiều sâu về con người, thể hiện được trí tuệ, tư tưởng để nâng cuộc đời con người lên. Cũng như chính Ngọc Lan đã được đọc, được học rất nhiều qua những trang sách của những người đi trước, của các tác giả đông tây, kim cổ.

Bởi vì có thực sự cô độc trong cuộc đời này, mới cảm thấy những trang văn thực sự là niềm tin cứu rỗi, cứu rỗi cuộc sống vốn thiếu thốn đủ bề, trước những khó khăn không gì gỡ nổi, của một con người không vẹn toàn về hình thể, nhưng lại có trái tim nóng hổi luôn yêu đời, yêu chính bản thân mình như Lan.

Để gặp ai đó, trong cái dáng đi tất tưởi, lật bật đầy khó khăn trong bộ quần áo không thể thời thượng, trong đôi dép tổ ong đã mòn lệch một bên, chị không muốn người ta nhìn mình bằng ánh mắt thương cảm vì mình là một người khuyết tật.

Trần Thị Ngọc Lan khẳng định: "Tôi chỉ muốn người ta luôn nhìn tôi với con mắt của con người đã tìm thấy cho mình một lẽ sống…".

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.