Hàn Quốc: Mỗi ngày có 40 người tự sát

Thứ Ba, 06/12/2011, 11:28
Theo số liệu năm 2009 của chính quyền Hàn Quốc, mỗi ngày có hơn 40 người tự kết liễu đời mình - tức hơn gấp đôi số vụ tự sát vào một thập niên trước đó và tăng gấp 5 lần kể từ năm 1989.

Theo số liệu điều tra xã hội năm 2010 của Cơ quan Thống kế quốc gia Hàn Quốc (NSO), 44,9% nam giới tự sát do túng quẫn tài chính, sau đó đến bệnh tật (11,3%) và tình cảnh cô đơn (11,0%). Khi không còn khả năng hoàn thành vai trò lao động chính trong gia đình để nuôi vợ con, đàn ông thường chọn cách tự sát để giữ thể diện.

Tổng đài điện thoại phục vụ dịch vụ khẩn cấp ở Seoul là một bunker không có cửa sổ, giấu mình bên sườn đồi dốc Namsan, nơi từng là trụ sở của Cơ quan tình báo Hàn Quốc. Hiện nay đây là nơi tiếp nhận những cuộc gọi khẩn cấp của thành phố Seoul - những thông báo về tai nạn giao thông, tội phạm và những vụ tự sát đang gia tăng. Ki-jong Gwan trong đội trực tổng đài điện thoại cho biết, họ không được huấn luyện chính thức để giải quyết những cuộc gọi báo tin tự sát mà chỉ biết chia sẻ kinh nghiệm xử lý với nhau. Theo Ki-jong Gwan, họ thường nhận được các cuộc gọi từ người tự sát bày tỏ mong muốn thi thể mình được chăm sóc cẩn thận, hay cuộc gọi  xin tư vấn cách... tự sát hiệu quả nhất.

Jong-sun Woo, 21 tuổi, được điều trị trong một bệnh viện của thành phố Seoul sau nhiều lần tự sát bất thành. Trong hơn 10 năm qua, Jong-sun đã hơn 20 lần cố kết liễu đời mình. Jong-sun bị trầm uất trong cuộc sống và cô tin ở Hàn Quốc ít ai hiểu biết đúng đắn về bệnh tâm thần. Bây giờ khi được tư vấn theo yêu cầu, Jong-sun cảm thấy khá hơn nhiều. Nhưng vấn đề thật sự là tại sao điều này lại xảy ra tại một quốc gia giàu có hơn, ổn định hơn và mạnh hơn bất cứ thời điểm nào trong lịch sử của nó?

Hàn Quốc là nước có nền kinh tế lớn thứ 12 trên thế giới hiện nay. Một nơi mà người ta có thể lướt web ngay trong đường hầm, và hưởng thụ bất cứ tiện nghi nào của thế giới. Nhưng có vẻ như người dân Hàn Quốc ít hạnh phúc hơn so với những năm tháng khốn khó sau cuộc chiến tranh Triều Tiên khốc liệt.

Sinh viên Khoa học Công nghệ Hàn Quốc thắp nến tưởng niệm một người bạn tự sát ngày 10/4/2011.

Kang-ee Hong, chuyên gia tâm lý trẻ em, cho biết hơn 40 năm qua, nhiều bậc cha mẹ Hàn Quốc đã từ bỏ những giá trị truyền thống của đất nước chỉ vì quan tâm đến một mục tiêu duy nhất - đó là sự thăng tiến trong xã hội. Theo nhận định của Kang-ee Hong, đứa trẻ ngay từ nhỏ đã được cha mẹ dạy dỗ về tầm quan trọng của đồng tiền và thành tích học tập. Học giỏi, vào học trường đại học danh giá và có công việc làm hái ra tiền là bằng chứng của sự thành công, nếu không cha mẹ sẽ không coi đứa trẻ là con của mình!

Sức ép lên giới trẻ ngày càng tăng  cũng là một trong những nguyên nhân gây trầm uất dễ dẫn đến những ý nghĩ tiêu cực. Ông Hong cho biết, các phụ huynh thường đưa con cái đến gặp ông để chữa chứng bệnh gọi là rối loạn hiếu động cao thiếu tập trung (ADHD), song họ đã sai lầm. Do đó, giới chuyên gia tâm lý Hàn Quốc cho rằng, người dân xứ sở Kim chi nên hiểu biết và có cái nhìn đúng đắn về chứng bệnh trầm cảm của giới trẻ để từ đó có phác đồ điều trị hiệu quả.

Tháng 9/2011, Viện nghiên cứu tư vấn thanh niên của Hàn Quốc công bố kết quả từ cuộc điều tra đáng quan tâm: 6/10 thanh thiếu niên cho biết họ có ít nhất một lần nghĩ đến chuyện tự sát. Và đối với 4.700 sinh viên học sinh được điều tra, 58,8%  tuyên bố đã từng nghĩ đến chuyện tự tử và 11,1% trong số đó từng trải nghiệm quá trình tìm đến cái chết. Áp lực học hành quá cao khiến cho giới trẻ thường muốn tìm đến cái chết để giải thoát bản thân khỏi dư luận trong bối cảnh xã hội Hàn Quốc phát triển quá nhanh trong khi nền văn hóa không thích ứng kịp, dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt. Lee Min-soo, Giáo sư khoa Tâm thần học Đại học Y Hàn Quốc cũng tán đồng quan điểm này. Giới chuyên gia tâm lý xã hội học Hàn Quốc cũng đã tổ chức nhiều hội nghị bàn luận về vấn đề song có lẽ vẫn chưa có giải pháp nào nhằm ngăn chặn hiệu quả làn sóng tự sát bao phủ khắp đất nước này. 

Trong thập niên 60, xã hội Hàn Quốc còn nặng về những truyền thống nông thôn và các giá trị gia đình theo kiểu Khổng Tử, với 3 thế hệ cùng sống chung dưới một mái nhà. Nhưng những thập niên sau đó, Hàn Quốc dần phát triển như vũ bão để trở thành một trong những quốc gia thịnh vượng nhất thế giới. Nhưng "sự kỳ diệu kinh tế" tạo ra thế hệ giàu có hơn đồng thời phá vỡ những cơ cấu xã hội truyền thống. Kết quả là gia đình bị phân tán nhỏ hơn, giá nhà cửa tăng vọt, cạnh tranh tìm việc làm lương cao và nạn rượu chè cũng tăng theo. Giáo sư Lee nhận định đó chính là "cái giá phải trả cho sự phát triển kinh tế nhanh mà không bền vững" của Hàn Quốc.

Tự sát ở Hàn Quốc trở thành vấn nạn của quốc gia sau hàng loạt vụ tự sát của một số nhân vật nổi tiếng, bao gồm cựu Tổng thống Roh Moo-hyun, nữ thừa kế Lee Yoon-hyung của Tập đoàn điện tử Samsung, các ca sĩ nhạc pop như Chae Dong Ha, siêu mẫu Daul Kim và các diễn viên điện ảnh nổi tiếng như Choi Jin-shil, Kim Ji-hoo v.v… Hiệp hội ngăn ngừa tự sát Hàn Quốc đã cùng làm việc với Bộ Y tế nước này để tổ chức những chiến dịch cảnh báo cùng với nhiều nỗ lực khác nhằm giải quyết vấn đề. Song, Giám đốc Hiệp hội Yoon Dae-hyun nhận định vấn đề tự sát ở Hàn Quốc không thể giải quyết một cách dễ dàng

An An (tổng hợp)
.
.