Hàn Quốc chặn “bão” lạm dụng tình dục

Thứ Năm, 15/03/2018, 16:21
Chưa bao giờ hậu quả của các vụ bê bối tình dục tại Hàn Quốc lại lan rộng đến như vậy. Không chỉ trong giới giải trí, “cơn bão” lợi dụng tình dục chạm tới cả những nơi tưởng như không thể.


"Cơn bão" lạm dụng tình dục trong ngành giải trí

Ngày 9-3 vừa qua, nam diễn viên, giáo sư Jo Min Ki được phát hiện đã qua đời tại một phòng trữ đồ bên cạnh garage tại nhà riêng. Trang tin Soompi đưa tin, thời gian gần đây, Jo Min Ki rơi vào những ngày đen tối nhất trong sự nghiệp. Anh bị cấm xuất cảnh khỏi Hàn Quốc do đối mặt cáo buộc quấy rối tình dục hơn 20 người.

Jo Jae Hyun, Jo Min Ki và Oh Dal Soo (từ trái sang) - những sao gạo cội bị hủy hoại danh tiếng vì các cáo buộc xâm hại tình dục. Ảnh: HQ.

Lời tố cáo đầu tiên xuất hiện vào ngày 20-2, từ một sinh viên chuyên ngành diễn xuất. Jo Min Ki bị cáo buộc quấy rối tình dục sinh viên nữ tại Đại học Cheongju, khi từng gọi sinh viên này đến nhà riêng, ép sinh viên uống đồ có cồn và động chạm vào chỗ nhạy cảm trên cơ thể họ.

Cái chết của tài tử Jo Min Ki khiến truyền thông xứ Hàn không khỏi chấn động. Theo Sports Seoul, chiều 9-3, trước khi nam diễn viên Jo Min Ki tự sát, một người bạn thân tiết lộ, trước khi chết, ông gọi cho tất cả những người thân thiết để xin lỗi. “Jo Min Ki gọi cho người thân và nói rằng: Xin lỗi vì đã khiến mọi người thất vọng. Tôi nghĩ anh ấy muốn gột rửa lương tâm trước khi chết”.

Jo Min Ki sinh năm 1965, là diễn viên gạo cội của màn ảnh nhỏ Hàn Quốc. Ông được biết đến qua nhiều tác phẩm như “Phía đông vườn địa đàng”, “Nữ hoàng Seon Deok”, “Ngọn lửa tham vọng”, “Người tình ánh trăng”... Sau vụ bê bối, Jo Min Ki hứng chịu làn sóng tẩy chay mạnh mẽ từ cộng đồng mạng xứ Hàn. Ông bị cách chức giáo sư tại Đại học Cheongju, mất vai trong phim truyền hình “Children of a Lesser God” và bị công ty quản lý chấm dứt hợp đồng.

Trong một diễn biến khác, hàng loạt sao nữ Hàn Quốc cũng tố cáo vị giám đốc U70 Lee Yoon Taek xâm hại tình dục. Ông này chức danh giám đốc nhà hát kịch đã xâm hại tình dục, cưỡng hiếp nhiều nghệ sĩ dưới quyền. JBTC cho biết giám đốc nhà hát Yoenhee bị nhiều nghệ sĩ lên tiếng tố cáo họ là nạn nhân bị xâm hại dưới tay Lee Yoon Taek trong nhiều năm. Nữ diễn viên Hong Seon Joo, nghệ sĩ công tác tại nhà hát trong 11 năm, là người đầu tiên dám lên tiếng về vụ việc này.

Cô cho biết đã bị xâm hại từ năm 2004 đến năm 2005. Theo lời cô, vị giám đốc gần 70 tuổi là người hãm hại nhiều nghệ sĩ trẻ. Bên cạnh đó là sự tiếp tay của bà Kim Soo Hee, trưởng đoàn nhà hát. Bà Kim luôn đe dọa, ép các nghệ sĩ trẻ phải phục vụ ông Lee Yoon Taek nếu không muốn bị sa thải.

“Khi ông ta tấn công các cô gái, bà ta luôn nói với chúng tôi rằng đó là cách đơn giản để duy trì công việc này”, Hong Seon Joo tức giận. Đối với Hong, những năm làm việc tại nhà hát mang theo cả nước mắt và sự tủi nhục. Theo Dispatch, ngay sau chia sẻ của Hong, nhiều nghệ sĩ khác cũng đã lên tiếng. Nghệ sĩ Ji Hyun cho biết từng phải phá thai vì bị Lee Yoon Taek cưỡng dâm. Ông ta xin lỗi, đưa cho tôi 2.000 USD và nói tôi hãy quên mọi chuyện đi. Nhưng sau đó, những tội ác đó lại lặp lại. Tôi phải xin nghỉ việc”, Kim Ji Hyun chia sẻ trên trang cá nhân.

Diễn viên kịch Lee Seung Bi kể Lee Yoon Taek luôn lợi dụng việc tập kịch để tấn công cô bằng mọi cách. “Trong 20 năm ông ta nắm quyền, ông ta đã hại đời nhiều cô gái”, Lee Seung Bi mệt mỏi nói. Trước những lời tố cáo, ông Lee Yoon Taek đã tổ chức họp báo, cúi đầu xin lỗi và tuyên bố nhận mọi trách nhiệm cùng hình phạt theo quy định.

Mặt trái của hào quang và cuộc chiến với cái ác

Hậu tự sát, Jo Min Ki vẫn bị lên án vì trốn tránh trách nhiệm. Thông tin Jo Min Ki tự sát đang gây chấn động và tạo ra nhiều luồng ý kiến trái chiều trong cộng đồng mạng. Ngay sau khi đăng tải, tin tức khiến cộng đồng mạng Hàn Quốc không khỏi xôn xao.

Diễn viên Choi Yul và Song Ha Neul tố cáo hành vi quấy rối tình dục của các sao gạo cội Hàn Quốc. Ảnh: HQ.

Đặc biệt, dù đã chọn cái chết để “đền tội”, Jo Min Ki vẫn khiến cư dân mạng tại Hàn Quốc tức giận. Trên các diễn đàn lớn như Naver, Nate, đa số ý kiến đều lên án hành động tự sát của nam diễn viên và cho rằng ông đã hành xử quá vô trách nhiệm với gia đình cũng như những nạn nhân trong bê bối quấy rối tình dục.

Lạm dụng tình dục đang cho thấy rõ hơn mặt trái của sự phát triển. Có lẽ chưa bao giờ vấn nạn lạm dụng tình dục tại công sở lại trở thành điểm nóng trên tất cả các mặt báo, trên mọi diễn đàn đến như vậy kể từ trước khi các vụ lùm xùm của ông trùm ngành điện ảnh Hollywood Harvey Weinstein hay các diễn viên nổi tiếng hoặc các chính trị gia ở khắp nơi trên thế giới bị phanh phui. Và chính bê bối này cũng một lần nữa khiến từng ngõ ngách trong cuộc sống của nền công nghiệp hàng đầu thế giới như Mỹ hay ở cấp châu lục như Hàn Quốc được chú ý, khai thác và phân tích.

Được ví như một vấn đề toàn cầu, nỗi ám ảnh mang tên quấy rối đã đeo bám nhiều nhân viên ở mọi ngành nghề trong xã hội Hàn Quốc, Mỹ... từ thời trang đến tài chính, từ thể thao đến ẩm thực..., vấn nạn này len lỏi đến từng tế bào nhỏ trong xã hội. Cái xấu được mạo danh bởi danh vọng, quyền lực, bởi những hứa hẹn, cái xấu được che giấu bao năm bởi quyền lực cuối cùng cũng bị đưa ra ánh sáng, gây ra một cú sốc, vén một bức màn nghiệt ngã cho thấy cái giá quá đắt của những nghệ sĩ trong thời buổi bon chen từng khuôn hình, cái xấu bị vạch trần để thức tỉnh những thế hệ sau.

Trong hầu hết các sự vụ, thủ phạm đều là những người có quyền hoặc có ảnh hưởng nhất định tới sự nghiệp của nạn nhân. Chính điều này đã khiến cho hành vi phạm tội không bị phát giác và kéo dài cho đến khi hậu quả là quá nghiêm trọng. Điều này một lần nữa là hồi chuông cảnh tỉnh cho giới quản lý và cả những người có thể là nạn nhân rằng nguy cơ bị lạm dụng là hiện hữu, cần có những biện pháp ngăn chặn cụ thể, khuyến khích nạn nhân lên tiếng để môi trường làm việc trong sạch hơn và những kẻ phạm tội bị trừng trị thích đáng.

Và đây cũng là điều mà thế hệ trẻ cần cảnh giác, cẩn trọng trong những bước đầu xây dựng sự nghiệp, tránh cái giá phải trả quá cao và những hậu quả tinh thần đáng tiếc. Nhưng không chỉ ở làng giải trí, ở cả những nơi như quân đội, “cơn bão” tình dục cũng đã chạm tới. Ngày 12/3, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thông báo thành lập một cơ quan hoạt động độc lập nhằm xử lý các vụ lạm dụng tình dục trong quân đội, trong bối cảnh phong trào kêu gọi ngăn chặn nạn lạm dụng tình dục đang lan rộng tại nước này.

Quyết định được đưa ra theo đề xuất của một ủy ban chính phủ nhằm xóa bỏ vấn nạn lạm dụng tình dục trong các lực lượng vũ trang Hàn Quốc. Theo bộ trên, nhiệm vụ chính của cơ quan độc lập trên là giám sát việc tuân thủ các quy định và chính sách về phòng chống nạn lạm dụng tình dục trong quân đội gồm 650.000 quân của Hàn Quốc. Bộ trên cũng sẽ cân nhắc và tìm ra các biện pháp nhằm tăng tính chuyên nghiệp và độc lập trong việc xử lý các vụ việc liên quan tới xâm hại tình dục. Bộ Quốc phòng sẽ đánh giá lại các vụ xét xử lạm dụng tình dục trong quân ngũ 10 năm trở lại đây.

Cũng trong ngày 12/3, một nghị sĩ thuộc Quốc hội Hàn Quốc đã thông báo từ chức sau khi bị cáo buộc liên quan đến hành vi quấy rối tình dục. Đây là đối tượng mới nhất của chiến dịch #MeToo đang lan rộng ở quốc gia này.

Nghị sĩ Min Byung-doo thuộc đảng Dân chủ cầm quyền, xác nhận từ chức mặc dù các thành viên khác của đảng này đã đề nghị ông xem xét lại quyết định bởi nếu ông Min từ chức sẽ khiến đảng này có nguy cơ không còn là đảng lớn nhất của cơ quan lập pháp Hàn Quốc. Ông Min là nghị sĩ đầu tiên từ chức liên quan đến các cáo buộc lạm dụng tình dục đang ảnh hưởng mạnh mẽ trong đời sống chính trị và văn hóa của quốc gia Đông Á này.

Một phụ nữ giấu tên trong một cuộc phỏng vấn với trang tin tức trực tuyến Newstapa cho biết ông Min đã cưỡng hôn và có ý định xâm hại cô tại một quán karaoke vào năm 2008. Ông Min đã phủ nhận cáo buộc này nhưng cho biết sẵn sàng từ chức nếu mắc phải lỗi lầm nào đó mà ông không nhận ra. 

Việc từ chức của ông Min, người đã giữ chức nghị sĩ 3 nhiệm kỳ, cần phải được Quốc hội Hàn Quốc phê chuẩn và việc này sẽ làm giảm số nghị sĩ của đảng Dân chủ xuống còn 120 ghế, và đảng này sẽ chỉ còn hơn đảng Hàn Quốc Tự do đối lập 4 ghế, trong khi vào tháng 6 tới có ít nhất 7 vị trí sẽ được thay mới.

Một người có vị trí cao cũng vướng vào những lùm xùm liên quan đến bê bối quấy rối tình dục tại Hàn Quốc thời gian qua là ông Ahn Hee-jung, 52 tuổi. Ngày 6/3, tỉnh trưởng Nam Chungcheong An Hee Jung, vốn được coi là ứng cử viên tổng thống đầy tiềm năng của Hàn Quốc, đã từ chức sau khi thư ký của ông này trong một chương trình trên truyền hình lên tiếng tố cáo từng bị ông xâm hại tình dục. Ông An Hee Jung đã trở thành nhân vật nổi tiếng nhất Hàn Quốc bị mất chức liên quan tới hành vi xâm phạm tình dục trong bối cảnh phong trào #Me Too chống lạm dụng tình dục đang phát triển rộng khắp tại quốc gia này.

Đưa đám “yêu râu xanh” ra khỏi xã hội

Làng giải trí Hàn Quốc vốn nổi tiếng khắc nghiệt và công chúng thường ít vị tha những người vi phạm pháp luật hoặc giá trị đạo đức. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in bày tỏ sự khâm phục các nạn nhân dám lên tiếng tiết lộ sự thật, đồng thời hối thúc nhà chức trách điều tra kỹ lưỡng các vụ xâm hại tình dục. Hàn Quốc đang xử lý nghiêm các hành vi xâm hại tình dục trong khu vực nhà nước và lĩnh vực giải trí.

Nhiều người ủng hộ phong trào #MeToo chống lạm dụng tình dục ở Hàn Quốc. Ảnh: Korea Joongang Daily.

Trước đó, hồi cuối tháng 2/2018, Chính phủ Hàn Quốc đã công bố một loạt biện pháp xử lý nghiêm đối với các hành vi xâm hại tình dục tại khu vực nhà nước trong bối cảnh phong trào #Me Too chống lạm dụng tình dục đang phát triển rộng khắp tại quốc gia này. 

Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc cho biết chính phủ nước này sẽ thúc đẩy việc sửa đổi luật dịch vụ công quốc gia, theo đó sa thải các công chức thuộc diện phải nộp phạt 3 triệu won (khoảng 2.800 USD) hoặc chịu hình phạt nặng hơn do các tội danh liên quan hành vi xâm hại tình dục. 

Các trường hợp này sẽ không có cơ hội kháng cáo lại quyết định buộc họ phải thôi việc. Việc sửa đổi luật trên cũng bao gồm quy định không bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo với những người từng có tiểu sử dính líu tới hành vi lạm dụng tình dục. Theo thông báo, Chính phủ Hàn Quốc cũng sẽ mở rộng các chương trình hỗ trợ pháp lý và chương trình điều trị tâm lý miễn phí cho các nạn nhân từng bị xâm hại tình dục.

Bộ trưởng Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc Chung Hyun-back nhấn mạnh cam kết của chính phủ nước này trong việc "bài trừ tận gốc" vấn nạn bạo lực tình dục, đồng thời đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ tốt hơn cho các nạn nhân. Bộ trưởng Chung cho rằng nhiệm vụ quan trọng là phải bảo vệ các nạn nhân phải chịu tổn thương lần thứ 2 sau khi họ công khai tiết lộ quá khứ đau lòng từng bị xâm hại. 

Kể từ sau lời tiết lộ của một nữ công tố viên hồi tháng trước về việc người này là bị một công tố viên cấp cao xâm hại cách đây một vài năm, phong trào #Me Too chống lạm dụng tình dục tại Hàn Quốc đã nhận được sự hưởng ứng rộng rãi của nhiều viên chức trong các ngành nghề khác nhau tại nước này.

Nguyễn Hòa
.
.