Hạn chế bệnh nhân tâm thần phạm tội tại cộng đồng

Thứ Sáu, 11/11/2011, 15:55
Ngày 21/9/2011, Nguyễn Văn Mạnh giết vợ và hai con trai ở xã Hoa Sơn, huyện Ứng Hòa, Hà Nội lại làm nóng lên chuyện bệnh nhân tâm thần giết người. Thực chất thì bệnh nhân tâm thần gây án, trong đó nhiều nhất là những vụ giết người vẫn tiềm ẩn. Ở bài viết này, chúng tôi muốn đề cập tới việc quản lý và chăm sóc người bệnh tại cộng đồng như thế nào?

>>Bài học đau xót trong việc quản lý người tâm thần

Vụ việc đau lòng ở Hoa Sơn

Xin nhắc lại đôi dòng về vụ việc đau lòng tại xã Hoa Sơn, Ứng Hòa, Hà Nội). Giải quyết vụ việc này, tất nhiên còn phải chờ phán quyết của Tòa án sau khi có kết luận giám định pháp y tâm thần thì Nguyễn Văn Mạnh mới được coi là phạm tội trong khi đang bị rối loạn tâm thần nặng và được pháp luật thừa nhận là không năng lực trách nhiệm, không năng lực hành vi nghĩa là được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự...

Nguyễn Văn Mạnh sinh năm 1977, quê thôn Miêng Hạ, xã Hoa Sơn. Năm 2001, Mạnh đi xuất khẩu lao động ở Malaysia và có biểu hiện bệnh tâm thần nên đã được đưa vào bệnh viện, còn việc chữa trị thế nào thì không rõ, rồi năm sau thì về nước. Gia đình thấy Mạnh có biểu hiện "thần kinh" nên đã đưa đến khám ở Bệnh viện (BV) 103 Quân đội, được cấp sổ điều trị ngoại trú với chẩn đoán bệnh là Tâm thần phân liệt (TTPL). Năm 2006, Mạnh lấy vợ là chị Ngát ở thôn Nhân Trạch, xã Phú Lương, quận Hà Đông, Hà Nội. Họ có với nhau 2 con trai.

Khoảng 12h ngày 20/9, hai vợ chồng xin phép đằng ngoại đưa hai cháu về Miêng Hạ thăm ông bà nội đang ốm. Buổi chiều cả nhà ăn uống bình thường… Tối đến, ông Kim, bà Truy (bố mẹ Mạnh) ngủ ở gian ngoài, còn vợ chồng Mạnh và các con ngủ trong buồng.

Khoảng nửa đêm nghe chó nhà sủa bất thường, cả nhà thức giấc, bật điện ngoài hiên thì thấy một con rắn ở dưới sân. Mạnh đánh chết con rắn và vứt xuống ao sen đình làng sát nhà mình, rồi mọi người lại đi ngủ…

Từ lúc ấy, bà Truy thấy Mạnh cứ đi đi lại lại trong nhà, nên quát Mạnh đi ngủ. Lúc sau ông Kim thấy tiếng động trong buồng, vào thì thấy cả 4 người vẫn ngủ, nhưng phát hiện 2 con dao và 2 đoạn dây điện ở trên nóc tủ nên ông đã đem ra buồng ngoài cất đi…

Gần sáng, bà Truy thấy Mạnh đi ra cổng liền gọi lại nhưng không được. Bà chạy ra thì thấy Mạnh đã trèo cổng ra đường. Bà chạy vào buồng để gọi con dâu nhưng không thấy thưa. Ba mẹ con chị Ngát vẫn nằm ngay ngắn trên gường nhưng sờ đến mới biết là đã chết.

Chăm sóc bệnh nhân tâm thần tại TT điều dưỡng Ba Vì (HN) - ảnh: dân trí.

Nghi ngờ Mạnh là thủ phạm giết chết vợ con nên Mạnh bị triệu tập đến Cơ quan CSĐT Công an huyện Ứng Hòa để đấu tranh. Mạnh đã "khai" ra động cơ giết vợ con rất "đơn giản": Đó là hai "tên bạn" của Mạnh hồi đi Malaysia là Hòa và Sơn liên tục nhiều ngày nay "đe dọa" sẽ hiếp vợ Mạnh, sau đó sẽ giết cả ba mẹ con chị Ngát (?!), vì thế Mạnh quyết định phải giết vợ con trước khi "kẻ thù" hành sự. Mạnh đã lấy giấy ăn bịt mũi miệng chị Ngát trước, sau đó đến 2 con trai. Mạnh lấy dây điện buộc lên xà nhà để treo cổ hai lần nhưng không thành, sau đó trèo cổng ra ngoài...

Tiếng là về quê thăm ông bà nội ốm nhưng thực ra Mạnh được vợ đưa về quê để chữa bệnh tâm thần, nên trước khi đi ngủ chị Ngát có cho chồng uống thuốc. Xem sổ điều trị ngoại trú bệnh tâm thần của Quân y viện 103 cấp cho Nguyễn Văn Mạnh thấy ghi chẩn đoán là bệnh TTPL và các thuốc uống là Olanzapin và Haloperidol.

Các bác sĩ chuyên khoa tâm thần cho biết đây là những loại thuốc thuộc nhóm an thần kinh có tác dụng làm mất hoang tưởng, ảo giác, là triệu chứng của các bệnh tâm thần nặng, trong đó có bệnh TTPL.

Tuy nhiên những loại thuốc này phải được đưa vào cơ thể bệnh nhân đủ liều hàng ngày và uống liên tục nhiều năm, thậm chí suốt đời vì hiện nay y học chưa biết căn nguyên của đa số các bệnh tâm thần nội phát, trong đó có bệnh TTPL. Những loại thuốc an thần kinh này chỉ có tác dụng làm mất các triệu chứng loạn thần nặng như hoang tưởng, ảo giác, rối loạn hành vi tác phong... mà không chữa triệt để được bệnh (vì chưa biết nguyên nhân gây bệnh).

Quản lý, chăm sóc bệnh nhân tâm thần như thế nào?

Bệnh TTPL là một trong những bệnh loạn thần nặng có rất nhiều loại hoang tưởng, ảo giác khác nhau nhưng nguy hiểm nhất là các loại hoang tưởng tự buộc tội; hoang tưởng ghen tuông; hoang tưởng bị hại, bị chi phối hay những ảo thanh ra lệnh... vì thường đưa bệnh nhân đến hành vi giết người, tự sát hay giết người thân rồi tự sát.

Khi có cơn bệnh cấp tính với nhiều hoang tưởng, ảo giác, rối loạn hành vi tác phong bệnh nhân phải được điều trị nội trú dài ngày trong BV chuyên khoa tâm thần, với thuốc an thần kinh thích hợp và tăng liều rất nhanh đến mức cao nhất, rồi giảm liều rất chậm đến mức thấp nhất gọi là liều duy trì.

Sau khi ra viện, bệnh nhân phải uống đều đặn hàng ngày liều duy trì để không tái lại những cơn bệnh cấp tính. Nếu càng tái cơn thì khoảng thời gian giữa các cơn bệnh càng ngắn và bệnh nhân càng nhanh chóng đi đến giai đoạn cuối cùng của bệnh TTPL là mất trí mà những người bệnh đi lang thang ngoài đường, nhặt được gì ăn nấy rồi chết vì suy kiệt và nhiễm trùng là hình ảnh điển hình.

Trở lại vụ việc Nguyễn Văn Mạnh sát hại vợ con. Cũng theo các bác sĩ chuyên khoa thì chắc chắn là Mạnh đã không uống thuốc an thần kinh một thời gian khá dài (mấy viên thuốc chị Ngát cho chồng uống lúc tối chưa bõ bèn gì), vì thế triệu chứng hoang tưởng bị hại ở anh ta rất rõ nét. Anh ta còn khai với Cơ quan điều tra rằng nhìn thấy quỷ và rất nhiều rắn, rết.

Bệnh nhân tâm thần nặng giết người, tự sát, đốt nhà... là do hoang tưởng hay ảo giác sai khiến, ra lệnh bởi họ tin tưởng tuyệt đối vào những điều đó như tin tưởng vào sự tồn tại của họ trên cõi đời này, như cơm ăn, nước uống, quần áo mặc hàng ngày. Nếu anh giải thích rằng những điều họ nói ra là không có, là vô lý thì họ bảo anh bị "thần kinh"… Những hoang tưởng, ảo giác này chỉ mất đi nếu dùng thuốc an thần kinh đủ liều/ngày và thời gian đủ dài.

Với loại hoang tưởng tự buộc tội dẫn đến ý tưởng và hành vi tự sát phải dùng đến sốc điện để nhanh chóng làm tiêu tan hoang tưởng trong vài ngày, vì bệnh nhân cho rằng họ phạm phải những tội tày trời nên chỉ có cái chết mới gột rửa được tội lỗi. Nếu dùng thuốc, các hoang tưởng nguy hiểm này tan biến chậm nên nguy cơ tự sát ở những bệnh nhân này rất cao.

Chả thế mà một bệnh viện đa khoa ở Hà Nội do không có buồng riêng để "cố định" bệnh nhân dạng này nên có một năm có đến 3 bệnh nhân treo cổ. Mới đây, một bệnh nhân dạng này lấy trộm được con dao nhọn vót nan tre cực sắc đứng giữa quốc lộ 21B, địa phận thôn Ngọc Đình, xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai, Hà Nội đâm 3 nhát vào bụng mình, chết tại chỗ...

Hiện nay các BV chuyên khoa tâm thần trung ương và địa phương không thể thu nhận hết để điều trị nội trú các bệnh nhân tâm thần, đặc biệt là bệnh TTPL. Vì thế có một lượng rất lớn bệnh nhân TTPL ngay từ khi được chẩn đoán xác định bệnh đã phải điều trị ngoại trú, tức là cấp sổ để lĩnh thuốc từng đợt về uống tại nhà. Mặt khác những bệnh nhân được điều trị nội trú khi bệnh tình ổn định cũng được cấp sổ điều trị ngoại trú.

Vấn đề ở chỗ số lượng bệnh nhân điều trị ngoại trú rất lớn trong cả nước. Nhưng phương thức này lại có nhược điểm lớn là vì nhiều lý do khác thuốc an thần kinh không vào được cơ thể người bệnh, hoặc không vào đủ. Thứ nhất, bệnh nhân TTPL thường có triệu chứng phủ định bệnh, tức là họ khẳng định mình không bị bệnh tâm thần nên không chịu uống thuốc.

Rất nhiều bệnh nhân có hoang tưởng bị đầu độc, nên kiên quyết không uống thuốc, hoặc nghĩ ra nhiều mưu mô để thuốc không vào cơ thể mình như giấu thuốc, vứt thuốc, bớt thuốc... Vì thế ở trong BV, y tá phải bắt họ uống trước mặt, thế nhưng lãng đi không kiểm tra là họ ngậm trong miệng hay giấu dưới lưỡi và mắt trước mắt sau đi vào nhà vệ sinh để nhổ. Ở tại nhà thì có hàng trăm lý do để người nhà quên không cho bệnh nhân uống thuốc đều đặn hàng ngày. Rồi bận làm bận ăn nên có hàng tá lý do để không đưa bệnh nhân đi khám định kỳ, lĩnh thuốc. Tất cả đều xuất phát từ nguyên nhân không hiểu biết về bệnh TTPL của người nhà bệnh nhân.

Các bác sĩ chuyên khoa khẳng định: Nếu không điều trị đủ liều lượng thuốc, đủ thời gian và uống liều dự phòng đều đặn, kéo dài thì tái cơn cấp là chắc chắn xảy ra. Chỉ đến khi bệnh nhân giết người thì mới tá hỏa, bàng hoàng, đau xót nhưng đã muộn.

Hiện nay ngoài các bệnh viện chuyên khoa tâm thần trực thuộc Bộ Y tế ở Thường Tín, Hà Nội; Gia Lộc, Hải Dương; Biên Hòa, Đồng Nai thì mới có 36/63 tỉnh, TP trực thuộc trung ương có bệnh viện tâm thần, các tỉnh còn lại chỉ có Khoa Tâm thần trong BV đa khoa hay cơ sở khám chữa bệnh tâm thần lồng ghép với các trạm điều trị ngoại trú bệnh tâm thần, trong khi mô hình ngành Y tế đưa ra từ thế kỷ trước thì mỗi tỉnh phải có một BV chuyên khoa và các trạm điều trị ngoại trú tâm thần.

Theo thời gian, số lượng bệnh nhân tâm thần tăng lên nhanh chóng. Nếu như từ năm 2001 đến 2005 tại BV Tâm thần Chợ Quán, TP HCM số giường quy định của BV là 300 thì hiện nay thường xuyên có trên 400 bệnh nhân nằm viện. Trung tâm điều dưỡng người tâm thần ở quận Thủ Đức biên chế 1.000 giường thì hiện nay phải chứa 1.254 người, trong đó khoảng 70% là bệnh nhân  TTPL.

Theo con số của BV Tâm thần Hà Nội thì năm 2011 phấn đấu phát hiện và quản lý tại cộng đồng 80% các bệnh nhân TTPL, trầm cảm, động kinh, chậm phát triển tâm thần, loạn thần tuổi già của thành phố; chữa ổn định 85% bệnh nhân được phát hiện, giảm hành vi nguy hại và gây rối, giảm bệnh nhân mãn tính.

Cũng cần nói thêm Bệnh TTPL là một trong những bệnh xã hội nên được cấp thuốc không phải trả tiền. Nhưng theo BS Nguyễn Văn Hồi, phụ trách BV tâm thần ban ngày Mai Hương, Hà Nội thì hiện tại mỗi bệnh nhân của Hà Nội chỉ được cấp 1.500 đồng tiền thuốc/ngày.

Chương trình mục tiêu quốc gia về sức khỏe tâm thần cho biết đến hết năm 2011 sẽ quản lý bệnh nhân TTPL ở 79% số phường, xã toàn quốc… Những con số trên cho thấy ngay rằng chúng ta đã bỏ lọt số lớn bệnh nhân TTPL là bệnh trung tâm của Tâm thần học do chưa biết căn nguyên, thường phát ở lứa tuổi trẻ (18 - 30), tỉ lệ mắc bệnh cao (khoảng trên 1% dân số), tỉ lệ trở thành mãn tính cao và cao nhất về số người bệnh phạm tội trong các bệnh tâm thần nặng.

Công bằng mà nói phương thức điều trị ngoại trú còn có nhược điểm là do không quản lý, theo dõi người bệnh hàng ngày như ở BV nên các bác sĩ không được cho thuốc an thần kinh mạnh tay vì nếu xảy ra tai biến thuốc thì không kịp xử lý. Thực tế này cộng với tình trạng chăm sóc, quản lý kém của người nhà bệnh nhân thì chuyện tái cơn bệnh cấp và trở thành mãn tính ở bệnh TTPL là hiển nhiên, đã và đang diễn ra từ trước đến nay mà chưa có phương sách nào giải quyết được.

Một điều dễ nhận thấy là bệnh nhân tâm thần nặng giết người thân nhiều hơn là người ngoài. Khi bệnh nhân chung sống với cộng đồng, người thân và hàng xóm vẫn thấy người bệnh sinh hoạt bình thường, chỉ thỉnh thoảng nói một vài câu "điên". Còn hoang tưởng, ảo giác chính là thủ phạm "xui khiến" người bệnh giết người, đốt nhà... là mầm họa treo lơ lửng trên đầu thì họ không biết.

Quản lý và điều trị bệnh nhân tâm thần tại cộng đồng là một dự án, biện pháp có giá trị xã hội to lớn, nhưng hiện còn có những lỗ hổng cần được khắc phục từ cả hai phía. Người dân cần hiểu rằng, cuộc sống càng phát triển thì tỉ lệ người mắc bệnh tâm thần càng cao và nếu nghi ngờ thân nhân có biểu hiện bệnh tâm thần thì phải đưa họ đi khám chuyên khoa ngay. Khi đã được chẩn đoán là bệnh TTPL hay một số bệnh tâm thần nặng khác thì phải uống thuốc đều đặn và tuyệt đối không được bỏ thuốc nếu không có chỉ định của bác sĩ

Nguyễn Văn (Viện KHHS-BCA)
.
.