Mark Wahlberg: Gặp rắc rối vì thói du đãng và miệt thị sắc tộc

Thứ Sáu, 13/02/2015, 14:15
Một bài bình luận trên Tờ Boston Global đặt câu hỏi: "Nếu những nạn nhân nói trên không phải là người Mỹ gốc Việt hay gốc Phi mà là người Mỹ chính hiệu thì liệu bản án dành cho Mark Wahlberg có phải chỉ là 2 năm thôi hay không?"

Con cưng của Hollywood

Mới đây, nhiều tờ báo ở Mỹ - trong đó có cả tờ New York Times đã đăng tin diễn viên điện ảnh Mark Wahlberg chính thức xin tiểu bang Massachusetts xóa tội cho anh, cùng những ý kiến trái ngược nhau xung quanh vấn đề này.

Mark Wahlberg được xem là đứa con cưng của Hollywood vì hiện nay, bất cứ phim nào có mặt Mark đều mang lại doanh thu rất cao - dù đó là phim hài hay phim hành động.

Nổi tiếng vào năm 1991 với vai trò thủ lĩnh của ban nhạc Marky Mark và Funky Bunch, năm 1997 Mark Wahlberg bước chân vào lĩnh vực điện ảnh và lập tức gặt hái thành công với phim “Boogie Night”.

Năm 2000, Mark Wahlberg nhận vai chính trong bộ phim châm biếm chiến tranh “Three Kings”.

Cũng trong năm này, bộ phim nói về thảm họa thiên nhiên “The Storm Pefect” - mà khi trình chiếu ở Việt Nam, nó được dịch là "Cơn bão hoàn hảo" do Mark Wahlberg thủ vai viên thuyền trưởng đã khiến tên tuổi anh ta trở nên lẫy lừng.

Năm 2001, Mark Wahlberg tiếp tục xuất hiện trong phim “Planet of the Apes”. Tiếp theo, vở nhạc kịch hài hước “Rock Star” với sự có mặt của Mark Wahlberg đã nhận được nhiều ý kiến khen ngợi của giới phê bình ở Hollywood.

Nhưng chỉ đến khi bộ phim hành động “The Italian Job” - (tạm dịch là "Công việc kiểu Ý") và phim hình sự tội phạm “The Departed” - trong đó Mark Wahlberg  được đề cử giải Oscar cho Nam diễn viên xuất sắc nhất thì cái tên Mark Wahlberg mới thực sự "hot".

Năm 2010, Mark Wahlberg đóng vai chính trong bộ phim hài hành động “The Other Guys” và bộ phim thể thao “The Fighter”. Năm 2012 là bộ phim hài Ted, năm 2013 anh tham gia phim “Lone Survivor” (Chiến binh đơn độc). Năm 2014, Mark Wahlberg gây sốt với loạt phim hành động “Transformer”.  

Mark Wahlberg.

Ở lĩnh vực phim truyền hình, Mark Wahlberg là giám đốc sản xuất của ba seri phim chiếu trên Kênh HBO: “Entourage”, “Boardwalk Empire” (Đế chế đường lót ván) và "Làm thế nào để cho nó ở lại Mỹ".

Tay du đãng có hạng căm ghét người gốc Việt, gốc Phi

Sinh ra ở Dorchester, thành phố Boston, bang Massachusetts, Mark là con út trong số 9 chín người con của ông Donald Edward Wahlberg và bà Alma Elaine. Năm 1982, cha mẹ Mark ly dị nên có lẽ vì thế, Mark mới sớm làm quen với thế giới bụi đời và trở thành một tay du đãng có số má!

Một trong những vụ việc mà Mark Wahlberg gây ra vào năm 1988, anh ta đã tấn công một người gốc Việt là ông Lâm Thanh ở thành phố Dorchester khi ông đang chất bia từ xe xuống để cướp hai thùng bia.

Theo ông Thanh thì: "Anh ta bất ngờ xông đến, tay cầm một cây gậy, quật liên tục vào đầu, vào lưng tôi". Trúng đòn nặng, ông Lâm Thanh ngất xỉu.

Một người hàng xóm của ông Thanh chứng kiến cảnh này nên đã điện thoại gọi 911 - là số báo nguy khẩn cấp.

Lúc nghe tiếng còi hú của xe cảnh sát, Mark Wahlberg bỏ chạy sang nhà một người dân gần đó - và cũng là một người Việt tên Trịnh Hòa để nhờ ông Hòa che giấu.

Khi xe cảnh sát đưa ông Lâm Thanh vào bệnh viện, nghi ngờ ông Hòa có ý muốn chỉ cho cảnh sát bắt mình bởi thay vì đưa Mark Wahlberg vào nhà, ông Hòa lại dẫn anh ta vào gara, Mark Wahlberg đấm vào mặt, vào mắt ông Hòa, vừa đánh vừa chửi rủa thô tục rằng "Việt Nam chúng mày là đồ chết tiệt".

Những cú đánh thô bạo ấy đã khiến ông Hòa bị mù hẳn một bên mắt.

Theo tài liệu của tòa án về những tội ác ấy, lúc bị bắt ngay sau đêm gây ra hai vụ hành hung, Mark Wahlberg vẫn sừng sộ với cảnh sát: "Các ông không cần phải đưa nó ra (ý nói ông Lâm Thanh và Trịnh Hòa) để nhận diện tôi. Tôi sẽ cho các ông biết con mẹ của nó đã ngu si như thế nào khi đưa nó đến nước Mỹ".

Tổng cộng, Sở Cảnh sát Boston đã 25 lần bắt tạm giam Mark Wahlberg vì những hành vi bạo lực cùng với việc nghiện hêrôin lúc mới 13 tuổi.

Năm 15 tuổi, Mark Wahlberg bị đề nghị truy tố vì quấy rối, phân biệt chủng tộc với hai anh em người Mỹ gốc Phi và một nhóm học sinh da đen bằng cách ném đá, la hét những câu mang tính miệt thị chủng tộc.

Vụ việc xảy ra vào năm 1986, khi đó Kristine Atwood mới chỉ là một học sinh lớp 4. Cùng với bạn bè trong lớp, cô bé được giáo viên đưa đi du khảo tại một bãi biển gần thành phố Boston thì Mark Wahlberg cùng 2 thiếu niên da trắng khác xuất hiện.

Cả ba đồng loạt ném đá xối xả vào nhóm học sinh này. Một viên đá trúng đầu Krystin Atwood, máu chảy xối xả. Cô nói: "Lúc ấy tôi rất sợ hãi. Dù chúng tôi đã cố gắng ôm lấy nhau, không ai dám phản ứng nhưng 3 đứa trẻ da trắng vẫn cứ đuổi theo, vừa chửi vừa ném đá".

Cô giáo Mary Belmonte vẫn còn giữ những bài báo viết về vụ tấn công của Mark Wahlberg.

Cô Mary Belmonte, là giáo viên da trắng - người đã đưa học sinh đến bãi biển ngày hôm đó nói: "Chúng chỉ là những đứa trẻ, nhưng là những đứa trẻ xấu. Chúng hành động theo những gì mà những đứa trẻ đường phố ở Boston vẫn làm".

Bị buộc tội cố ý hành hung và âm mưu giết người, Mark Wahlberg bị kết án 2 năm tù tại nhà tù Suffolk trên đảo House of Correction nhưng anh ta chỉ “bóc lịch” có… 45 ngày!

Một bài bình luận trên Tờ Boston Global đặt câu hỏi: "Nếu những nạn nhân nói trên không phải là người Mỹ gốc Việt hay gốc Phi mà là người Mỹ chính hiệu thì liệu bản án dành cho Mark Wahlberg có phải chỉ là 2 năm thôi hay không?".

Một trường hợp khác, năm 21 tuổi, Mark Wahlberg đánh vỡ xương hàm của người hàng xóm trong một cuộc tấn công vô cớ. Tuy nhiên, khi bắt đầu bước chân vào lĩnh vực âm nhạc, Mark Wahlberg quyết định thay đổi cuộc sống của mình.

Theo anh ta thì: "Ngay lúc sa vào thế giới tội phạm, luôn luôn có một giọng nói vang lên trong đầu tôi, rằng cuộc sống của tôi sẽ kết thúc trong tù. Ba anh em tôi đã từng ở  tù, trong đó em gái tôi đã đi tù nhiều lần. Bây giờ, khi đã kết thúc những chuỗi ngày tồi tệ nhất mà tôi đã sống, tôi không bao giờ muốn quay trở lại nữa".

Mãi đến năm 2006, khi đã nổi tiếng trong lĩnh vực điện ảnh, Mark Wahlberg mới thú nhận: "Tôi đã làm rất nhiều điều mà tôi hối tiếc và tôi đã phải trả giá cho những sai lầm của tôi".

Theo Mark Wahlberg, mong muốn của anh ta là tìm lại ông Trịnh Hòa và ông Lâm Thanh - người đã bị anh ta đánh để xin lỗi và đền bù: "Tôi nghĩ rằng mình phải gặp các ông ấy để xin được tha thứ đồng thời thừa nhận rằng lẽ ra tôi không nên làm như vậy". 

Ngày 26/11/2014, Mark Wahlberg nộp đơn lên Tòa án bang Massachusetts, xin ân xá vô điều kiện về những hành vi của mình trong quá khứ.

Bên cạnh đó, ông Trịnh Hòa cũng có một bản thỉnh nguyện thư, gửi Thống đốc bang Massachusetts là ông Deval Patrick, xác nhận rằng mình đã tha thứ cho Mark Wahlberg.

Tuy ông Trịnh Hòa đã "bỏ qua" cho Mark Wahlberg, nhưng với Krystine Atwood thì không. Cô nói: "Tôi nghĩ không nên xá tội cho Wahlberg, tôi không cần biết anh ta là ai. Cho dù anh ta có nổi tiếng đến thế nào chăng nữa nhưng anh ta đâu có quyền được hơn người khác, muốn xóa bỏ tội phân biệt chủng tộc đâu phải dễ như thế".

Còn cô giáo Mary Belmonte cho biết, bà tin vào sự tha thứ mặc dù cộng đồng người Mỹ gốc Phi ở Boston đa số đồng ý với quan điểm của Krystine Mark Atwood.

Báo New York Times có bài khuyên Wahlberg "nên xin lỗi các nạn nhân của mình như hai người Việt trước rồi hãy nghĩ đến chuyện làm đơn xin xóa tội”.

Quyên Cali (theo New York Times)
.
.