Về cuốn tự truyện của "Người Mỹ đầu tiên":

Hành trình từ chàng trai nghèo tới vĩ nhân nước Mỹ

Thứ Ba, 18/07/2017, 20:05
Là một trong 10 cuốn tự truyện được đánh giá là đáng đọc nhất trong mọi thời đại, cuốn "Tự truyện của Benjamin Franklin" (The Autobiography of Benjamin Franklin) đã được viết trong gần 20 năm, kể về cuộc đời của một trong "những người cha" của nước Mỹ.

Cuốn sách kể về cuộc hành trình từ khi Benjamin Franklin còn là một chàng trai nghèo, vật lộn với những sóng gió của cuộc sống, để "leo" tới vị trí cao nhất đất nước và những đóng góp của ông đối với Xứ cờ hoa. Ông là người duy nhất ký tên vào tất cả 4 tài liệu chính về việc thành lập Hợp chúng quốc Hoa Kỳ: Tuyên ngôn Độc lập, Hiệp ước Paris, Hiệp ước Liên minh với Pháp, và Hiến pháp Mỹ.

Quyển sách đại cương của người Mỹ

Trên tiền giấy, tem thư và các tài liệu dân sự, khuôn mặt của Benjamin Franklin là hình tượng bất tử của cách mạng Mỹ. Là một trong những người thành lập đất nước nổi tiếng nhất của Mỹ, Benjamin Franklin được người đời dành cho những danh xưng cao quý như "cha đẻ của nước Mỹ", "Người Mỹ đầu tiên"... Ông là chính trị gia, nhà khoa học, tác giả, thợ in, triết gia, nhà phát minh, nhà hoạt động xã hội, nhà ngoại giao hàng đầu.

Trong lĩnh vực khoa học, ông là một nhà phát minh, là một gương mặt điển hình của lịch sử vật lý vì những khám phát và lý thuyết về điện. Trong số những phát minh của ông có cột thu lôi, đàn armonica, bếp lò Franklin, kính hai tròng, và ống thông tiểu mềm.

Franklin không bao giờ xin bản quyền cho phát minh của mình; trong tự truyện ông đã viết: "Vì chúng ta đang hưởng thụ nhiều sự tân tiến có được từ phát minh của những người khác, chúng ta cần phải sung sướng khi có cơ hội phục vụ những người khác bằng những phát minh của mình; và chúng ta phải làm điều đó một cách thoải mái và hào phóng".

Chân dung Benjamin Franklin do họa sĩ Mason Chamberlin vẽ năm 1762.

Trong vai trò một chính trị gia và một nhà hoạt động xã hội, ông đã đưa ra ý tưởng về một nước Mỹ và với vai trò một nhà ngoại giao trong thời kỳ Cách mạng Mỹ, ông đã làm cho liên minh là Pháp giúp đỡ để có thể giành độc lập. Tự truyện của ông theo nhà phê bình Jay Parini là "quyển sách đại cương của người Mỹ" để đưa ra "hình mẫu của tự sáng tạo".

Quyển sách không quá dài, được xuất bản sau khi ông mất, như một câu chuyện kể - một cậu bé làm nên con đường của mình trên thế giới mà không có quan hệ, giàu có, không được đào tạo, cơ bản đều nhờ vào trí thông minh của mình.

Benjamin là người đàn ông luôn sôi sục với những ý tưởng và nhận định, người đàn ông của giấy và bút. Rất lâu trước khi tự truyện của mình trở nên nổi tiếng "Almanack" (xuất bản với bút danh "Poor Richard" - "Richard khốn khổ") ở đó có các câu danh ngôn "Để  quá lâu thì cá và người viếng thăm sẽ bốc mùi - tương đương câu "Để lâu cứt trâu hóa bùn"; "Không đau đớn thì không thắng lợi", "Nhanh hơn với ít thời gian hơn" tương đương câu "Hãy làm hiệu quả hơn", và điển hình nhất của người Mỹ "Chúa giúp những người tự lực".

Tự truyện của ông là kết quả của cuộc sống dành trọn cho đất nước của mình. Trong việc thành lập đất nước Mỹ, Benjamin có trong tay 3 tài liệu tối quan trọng nhất: Bản tuyên ngôn độc lập, liên minh với liên minh thời chiến với Pháp; và hiệp ước hòa bình với Anh của vua George III. Bỏ qua các quy chuẩn và nghi thức, tự truyện của ông trở nên gần gũi của người đồng chí, người yêu nước đã từ rất lâu gắn bó cuộc đời của mình cho chính trị và độc lập của quốc gia.

Như là một nhà xuất bản chuyên nghiệp, Franklin cũng là chủ sở hữu một tờ báo và một nhà xuất bản. Ông có "mực" trong máu của mình. Cuốn tự truyện, chưa kịp kết thúc lúc ông qua đời năm 1793, đã được biên soạn từ 4 bản thảo riêng biệt. Thứ nhất, phần mở đầu đáng nhớ,  bức thư của Franklin cho con trai ông để thiết lập một kế hoạch chi tiết cho giấc mơ Mỹ.

Bức tượng bằng đá mable cao 6m tại Viện Franklin ở Philadelphia làm Đài tưởng niệm Quốc gia Benjamin Franklin.

"Trước khi bố xuất hiện trước công chúng của mình, có lẽ bố muốn con biết rằng, trong tâm trí của bố luôn gắn bó với nguyên tắc và đạo đức của mình, con sẽ thấy điều đó sẽ ảnh hưởng tới các yếu tố sau này. Bố mẹ của bố đã cho bố những ấn tượng về tôn giáo mà qua đó bô có những căn bản trước những bất đồng chính kiến. Benjamin chưa bao giờ thất bại trong việc truyền bá hình ảnh cá nhân là một người  gần gũi với công chúng: "Tôi bắt đầu làm quen với một số bạn trẻ ở khu phố mà rất yêu đọc sách, tôi đã trải qua một buổi tối hết sức dễ chịu; và thêm nữa là sự chiến thắng về kinh tế bởi nền công nghiệp và lương thực của chúng ta, tôi đã sống rất hài lòng...".

Phần 2 của tự truyện là về 13 năm tự tả. Trong phần này, tác giả miêu tả tuổi trẻ của mình như một "sinh vật" của các "giải pháp", "sự chân thành", "quan sát", "theo đuổi", "nhân văn". Mối quan tâm chính của ông là sự liên kết đến truyền thống của người Mỹ: "Tự vượt qua chính mình". Phần 3 nói về sự cống hiến của ông cho cuộc sống của đất nước Mỹ, đáng chú ý là nguyên mẫu của bộ phận cảnh sát và chữa cháy, nó gắn liền với cuộc sống trước đây của ông thời kỳ đế quốc Anh. Theo đó ông miêu tả sự đam mê của mình với "kỷ nguyên của những thí nghiệm" (Franlin nổi tiếng với việc tự chấp nhận những rủi ro để tìm hiểu về nguồn gốc của sấm sét).

Trong những trang xuất bản của mình, không có những chứng kiến ly kỳ về cuộc chiến giành độc lập của nước Mỹ, không có cái nhìn sâu sắc vào nhân vật như Washington hay Jeffeson, những trang sách hướng thẳng tới những kết quả mà ông đã chiến đấu và đạt được.

Hành trình gian nan

Sinh ngày 17-1-1706 tại Milk Street ở Boston, Benjamin Franklin là con thứ 15 và là con trai thứ 15 trong gia đình 17 anh chị em. Năm 10 tuổi, cậu bé Benjamin chấm dứt con đường học hành của mình, bắt đầu làm việc cho cha cậu và sau đó là thợ học việc cho anh trai James, một người làm nghề in, khi 12 tuổi.

3 năm sau, James thành lập tờ New England Courant, tờ báo độc lập thật sự đầu tiên tại các thuộc địa. Khi bị từ chối ý muốn tham gia viết bài cho tờ báo này, Benjamin đã gửi bài dưới bút danh "Mrs. Silence Dogood" và những bài viết của ông được đăng trên báo đã bất ngờ trở thành chủ đề của một cuộc tranh luận trong thị trấn. James đã nổi trận lôi đình khi phát hiện ra tác giả những bài báo đó chính là em trai mình.

Đây cũng là lý do khiến Benjamin từ bỏ chân học việc, một mình tới Philadelphia (Pennsylvania), nơi được mệnh danh là khởi nguồn của nền dân chủ Mỹ hiện đại, tìm kiếm một khởi đầu mới. 4 năm sau, năm 1727, Benjamin thành lập Junto - một nhóm "những thợ thủ công và nhà buôn tự nguyện và khao khát hy vọng tự cải thiện mình bằng cách cải thiện cộng đồng". Rồi cùng với Junto, Benjamin cho ra đời Công ty Thư viện (Library Company) và soạn thảo Hiến chương của Công ty Franklin Thư viện Philadelphia (Library Company of Philadelphia) năm 1931.

Năm 1730, ở tuổi 24, Benjamin đã thành lập một nhà in của riêng mình và đã trở thành chủ của tờ báo "The Pennsylvania Gazette". Năm 1733, Benjamin cho xuất bản cuốn sách nổi tiếng “Poor Richard's Almanac” (Almanac tội nghiệp của Richard), vốn đã mang lại nhiều danh tiếng cho ông.

Bìa trước cuốn Tự truyện của Benjamin Franklin.

Năm 1758, ông ngừng viết cho cuốn “Almanac”, ông xuất bản cuốn “Father Abraham's Sermon”. Cuốn tự truyện của Benjamin Franklin, được xuất bản sau khi ông qua đời, đã trở thành một cuốn sách kinh điển của thể loại này.

Năm 1763, ngay sau khi Benjamin quay trở về Pennsylvania từ London, biên giới phía Tây của tiểu bang xảy ra cuộc nổi loạn Pontiac do một nhóm những người định cư lấy tên là Paxton Boys gây ra. Nhóm người này đã giết hại một nhóm người da đỏ hòa bình và sau đó tiến vào Philadephia, sau khi cho rằng chính quyền địa phương không làm gì để bảo vệ họ khỏi những cuộc cướp bóc của người da đỏ, Franklin đã giúp tổ chức một lực lượng du kích địa phương nhằm bảo vệ thủ phủ thành phố và đích thân tới thuyết phục lãnh đạo Paxton Boys giải tán.

Ông nghiêm khắc lên án thành kiến chủng tộc của nhóm người này. Phe ủng hộ Paxton Boys đã cáo buộc Benjamin muốn tạo ảnh hưởng có lợi cho giới thượng lưu đô thị Quaker phía Đông và thực hiện nhiều cuộc tấn công khác vào nhân cách của ông. Việc này đã khiến ông mất ghế trong Quốc hội trong cuộc bầu cử năm 1764 nhưng lại trao cho ông cơ hội quay trở lại London, nơi ông lấy lại danh tiếng là một người ủng hộ triệt để nước Mỹ.

Benjamin được phái tới Anh với tư cách phái viên thuộc địa theo kiến nghị của Vua George III nhằm thành lập ủy ban kiểm soát trung ương Anh tại Pennsylvania, riêng biệt với "những người ưu tiên" thừa kế. Cùng lúc, ông mang trọng trách là phái viên thuộc địa cho Georgia, New Jersey và Massachusetts. Tại London, ông kịch liệt phản đối Luật Tem, dù những lời cáo buộc từ nhiều phái tại Mỹ cho rằng, ông đã tham gia vào việc đưa ra đạo luật đó.

Tới tháng 12-1776, Benjamin được cử tới làm việc tại Đại sứ quán Mỹ Pháp dưới cương vị Công sứ Mỹ cho tới năm 1785. Trong khoảng thời gian này, ông đã gặt hái nhiều thành công trong việc điều hành công việc của đất nước mình với nhà nước Pháp, trong đó phải kể đến việc thiết lập liên minh quân sự tối quan trọng Pháp và đàm phán thành công Hiệp ước Paris năm 1783.

Năm 1785, kết thúc nhiệm kỳ công tác, ông trở về nước và trở thành người có ảnh hưởng thứ hai, chỉ sau George Washington. Trong một cuộc bỏ phiếu đặc biệt được tổ chức ngày 18-11-1785 Franklin được nhất trí bầu làm Chủ tịch thứ sáu của Hội đồng Hành pháp Tối cao Pennsylvania, thay người tiền nhiệm John Dickinson. Chức vụ này tương đương với chức thống đốc ngày nay.

Benjamin đã đảm nhiệm chức vụ này trong 3 nhiệm kỳ. Năm 1787, một nhóm các vị bộ trưởng có ảnh hưởng tại Lancaster, Pennsylvania, đề xuất thành lập một trưởng cao đẳng mới mang tên Franklin để vinh danh ông. Hiện trường có tên là Cao đẳng Franklin và Marshall College.

Ngày 17-4-1790, Benjamin qua đời ở tuổi 84. Khoảng 20.000 người đã tham dự lễ tang ông. Ông được chôn cất tại nghĩa trang nhà thờ Chúa cứu thế tại Philadelphia. Dù đã ra đi về phía bên kia thế giới nhưng ông lại "trở lại trần gian" theo một cách khác. Chân dung Benjamin xuất hiện trên đồng 100 USD vì thế, đồng tiền này thỉnh thoảng được gọi theo tên lóng là "Benjamins" hay "Franklins".

Từ năm 1948-1964, chân chung Franklin cũng được in trên đồng 50 cent. Trong quá khứ, ông cũng từng xuất hiện trên tờ 50 USD, cũng như nhiều phiên bản tờ 100 USD giai đoạn 1914-1918, và nhiều tờ 100 USD từ năm 1928 tới nay. Franklin cũng xuất hiện trên trái phiếu tiết kiệm (Savings bonds) 1.000 USD Series EE.

Và, như một hành động để tỏ lòng tôn kính Franklin, thành phố Philadelphia có khoảng 5.000 bức chân dung ông, một nửa trong số chúng được đặt trong trường Đại học Pennsylvania. Ngoài ra, Đại lộ Ben Franklin tại Philadelphia (một đường phố chính) và Cầu Ben Franklin (cầu lớn đầu tiên nối Philadelphia với New Jersey) cũng được đặt theo tên ông.

Năm 1976, như một phần trong chiến dịch kỷ niệm 200 năm thành lập, Nghị viện Mỹ đã quyết định dựng một bức tượng bằng đá mable cao 6m tại Viện Franklin ở Philadelphia làm Đài tưởng niệm Quốc gia Benjamin Franklin. Nhiều đồ vật cá nhân của ông cũng được trưng bày tại đây. Đây là một trong số ít những khu tưởng niệm quốc gia đặt trong một khu đất thuộc sở hữu cá nhân.

Linh Trần (tổng hợp)
.
.