Hành vi mua bán thận sẽ bị xử lý như thế nào?

Chủ Nhật, 08/03/2009, 21:50
Sau khi bài viết “Có một "chợ thận" tại việt Nam?” được đăng, chúng tôi đã nhận được nhiều phản hồi về việc mua bán thận một cách công khai tại Việt Nam hiện nay. Chúng tôi xin mở rộng đề tài để bạn đọc có cái nhìn rộng hơn về vấn đề đáng báo động này...

“Bất ngờ và đáng báo động”: Đây là câu nói của Phó giáo sư - Tiến sĩ (PGS-TS) Phạm Văn Bùi, người hiện đang giữ chức vụ Tổng thư ký Hội Thận - Niệu học TP HCM khi ông được PV Chuyên đề ANTG cho biết về sự xuất hiện công khai một thị trường mua bán thận trên mạng.

PGS Phạm Văn Bùi hiện đang công tác tại Bệnh viện (BV) Nguyễn Tri Phương (quận 5, TP HCM) kể rằng, khi ông còn công tác tại BV 115, một trong những BV có khoa thận niệu, ông thường xuyên nhận được những lời đề nghị liên quan đến bán thận, không ít người đến gõ cửa phòng ông chỉ để nói về chuyện bán thận. Chuyện mua bán thận ông đã nghe từ lâu, nhưng lâu nay người bán và người mua vẫn lén lút, khi hay tin từ Chuyên đề ANTG, ông rất bất ngờ về việc mua và bán thận được rao bán công khai như vậy. PGS-TS Bùi nhận định đây là một hiện tượng không lành mạnh và nguy hiểm, xét về khía cạnh đạo đức là không thể chấp nhận.

PGS-TS Bùi cho biết thêm những hậu quả liên quan đến hoạt động ghép tạng không phải là nhỏ. Một nghiên cứu đa trung tâm cho thấy, đối với người bán thận, tỉ lệ tử vong sau phẫu thuật dù thấp nhưng không phải không có (khoảng 0,03%-0,06%). Một số người cho thận có nguy cơ mắc các bệnh như cao huyết áp, tiểu đạm niệu, suy giảm chức năng thận, độ thanh thải giảm, đó là chưa kể đến khả năng những bệnh mà người bán tạng đã bị mắc trước ca phẫu thuật có thể trở nên trầm trọng hơn.

Song có lẽ vấn đề lớn hơn cả là khía cạnh đạo đức của các vụ mua bán tạng: chỉ vì tiền bạc để giải quyết vấn đề của bản thân và gia đình trong lúc nguy khốn mà những người nghèo khó sẵn sàng bán đi một phần cơ thể của mình bất chấp những hậu quả có thể xảy đến sau đó. Một nghiên cứu tại một bệnh viện (Mỹ) cho thấy, trong 100 trường hợp suy thận, có đến hơn 50 người trước đây đã từng cho thận.

Theo chúng tôi được biết, không riêng gì Việt Nam, trên thế giới cũng đang rất “nóng” và đã báo động về vấn đề mua bán nội tạng, trong đó mua bán thận diễn ra phổ biến hơn cả. Do nguồn cầu cao và lợi nhuận quá lớn của ngành “du lịch ghép tạng”, không ít mạng lưới mafia chuyên buôn bán nội tạng đã ra đời, gây bất ổn cho xã hội.

Vào tháng 8/2008, TS-BS Trần Ngọc Sinh là một trong những BS Việt Nam tham gia hội thảo về buôn bán nội tạng và ghép tạng tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Ông Trần Ngọc Sinh cho biết: “Tuyên bố Istanbul về buôn bán nội tạng và ghép tạng” do 150 quan chức chính phủ và các nhà khoa học đến từ 78 quốc gia soạn thảo vào tháng 5/2008. Đây được coi là một cú “hích” mới, thúc đẩy cuộc chiến chống nạn “du lịch ghép tạng” đang không ngừng phát triển trên thế giới.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 10% các ca ghép nội tạng trên thế giới bắt nguồn từ các hoạt động thương mại hóa hoặc phi đạo đức. Nạn nhân của nạn buôn bán nội tạng thường là những người dân nghèo tại một số quốc gia. Như tại Pakistan, 2/3 trong tổng số 2.000 quả thận được ghép năm 2006 đều có khách hàng đón nhận là người nước ngoài. Ở một số quốc gia khác nạn buôn bán nội tạng vẫn tiếp tục diễn ra. Tuyên bố Istanbul nhấn mạnh việc buôn bán nội tạng và du lịch ghép tạng xâm phạm các nguyên tắc bình đẳng, công bằng và tôn trọng nhân phẩm con người, hoạt động này phải bị nghiêm cấm.

TS-BS Trần Ngọc Sinh kể rằng, trong khi tham dự tại một hội thảo được tổ chức tại nước ngoài, ông đã chứng kiến những cuộc biểu tình chống lại việc mua bán tạng người.

Ở các nước phương Tây, việc lấy tạng từ những người cho tạng đã chết hoặc còn sống rất hạn chế và được quy định rất nghiêm ngặt. Chính vì thế, ngày càng có nhiều bệnh nhân tìm kiếm các bộ phận cơ thể từ những người cho tạng còn sống ở các nước có thu nhập thấp. Những người này sẵn sàng bán một bộ phận cơ thể để đổi lấy một khoản tiền phục vụ cho cuộc sống của gia đình họ. Hoạt động này thường là phi pháp.

Hiện nay, một số nước châu Á như Trung Quốc, Singapore, Ấn Độ đã thắt chặt và tổ chức kiểm soát việc mua bán nội tạng rất gắt gao... Còn tại Việt Nam, nhận thấy vấn đề mua bán nội tạng con người là vô cùng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe con người và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đạo đức xã hội, Quốc hội nước ta đã thông qua Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác vào ngày 29/11/2006 (có hiệu lực từ 1/7/2007 - NXB Lao Động in năm 2009); Nhằm tạo hành lang pháp lý để các cơ sở y tế trong cả nước có điều kiện phục vụ tốt hơn cho bệnh nhân. Điều 11 (Chương I): quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm, gồm: Mua, bán mô, bộ phận cơ thể người; mua, bán xác. Lấy, ghép, sử dụng, lưu giữ mô, bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại. Quảng cáo, môi giới việc hiến, nhận bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại.

Điều 34 của Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác cũng đã quy định rất rõ về việc ghép bộ phận cơ thể người có liên quan đến người nước ngoài: 1/ Người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được ghép bộ phận cơ thể của người Việt Nam tại Việt Nam trong trường hợp có cùng dòng máu về trực hệ hoặc có họ trong phạm vi ba đời với người hiến hoặc trong trường hợp người hiến đã có đơn tự nguyện hiến mà không nêu đích danh người được ghép. 2/ Người Việt Nam chỉ được ra nước ngoài để hiến bộ phận cơ thể người trong trường hợp có cùng dòng máu về trực hệ hoặc có họ trong phạm vi ba đời với người được ghép.

Có thể khẳng định, Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác được ban hành sẽ mở ra cho ngành y tế nói chung và ngành phẫu thuật ghép tạng của nước nhà nói riêng một cơ hội, vận hội hết sức to lớn, tạo hành lang pháp luật đồng bộ, không những thúc đẩy và phát triển hoạt động cấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người mà còn tạo cơ hội lớn để cứu sống những người đang mắc bệnh hiểm nghèo mà không phải ra nước ngoài điều trị, đây cũng chính là mục tiêu lớn nhất mà Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác đặt ra.

Luật cấm việc sử dụng bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại, trong đó có việc mua bán thận, là hợp lý. Tuy nhiên, nếu trên thực tế người bán và người mua ngầm thỏa  thuận là bán cho nhau bộ phận cơ thể, nhưng lại biểu hiện là tự nguyện hiến thì kiểm soát như thế nào? Có một điều chắc chắn rằng, rất ít khi người mua, bán thận có hợp đồng mua bán với nhau. Điều 11 của Luật đề cập đến các hành vi bị pháp luật cấm trong lĩnh vực này như: cấm mua, bán, lấy trộm mô, tạng; cấm sử dụng mô, tạng vì mục đích thương mại... Tuy nhiên, Luật lại chưa đưa ra chế tài áp dụng khi vi phạm một trong những hành vi trên. Đây là một khó khăn cho quá trình áp dụng và ngăn chặn những loại tội phạm đó trên thực tế.

Trong quá trình lấy tư liệu thực hiện bài biết này, chúng tôi biết được rằng, hầu hết những người rao bán thận đều không biết mình đang thực hiện một hành vi mà pháp luật không cho phép.

Không ai có thể phủ nhận, ghép tạng để chữa bệnh ở người là một trong những thành tựu y học vĩ đại của thế kỷ XX và đã cứu sống rất nhiều người bệnh. Nhưng mặt trái của ghép tạng - mua bán tạng người - đã trở thành một vấn đề đáng báo động đối với nhiều quốc gia trên thế giới, không riêng gì Việt Nam. Chúng ta có xóa bỏ được một thị trường mua bán thận người công khai hay không, rất cần sự quan tâm, chung tay của nhiều ngành chức năng

Thuận Nguyên
.
.