Hậu Brexit, Anh loay hoay giữ chân doanh nghiệp

Thứ Năm, 12/07/2018, 14:34
Trước cuộc trưng cầu dân ý năm 2016, những người ủng hộ Brexit mường tượng viễn cảnh một nước Anh hùng mạnh cả ở vị thế chính trị lẫn sức mạnh về kinh tế cũng như độc lập hơn với EU trong tương lai. Tuy nhiên, thực tế không như nhiều người vẫn nghĩ. Nước Anh hiện đối mặt với muôn vàn khó khăn, nỗ lực tìm kiếm các giải pháp để giữ chân các nhà đầu tư.

Sau thời gian dài đàm phán bế tắc với những khác biệt gữa Anh và EU, tiến trình đàm phán Brexit cuối cùng cũng đạt được tiến triển trong những tháng đầu năm 2018 khi lãnh đạo các nước EU và Anh đạt được đồng thuận về đường hướng đàm phán. Theo đó, hai bên kết thúc giai đoạn 1 đàm phán Brexit, chính thức bước vào giai đoạn 2 đàm phán về mối quan hệ tương lai giữa Anh và EU. Đồng thời, hai bên cũng nhất trí phương hướng về giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 21 tháng sau khi Anh rời EU vào tháng 3-2019.

Những tưởng kết quả mà hai bên đã đạt được sẽ là nền tảng, làm tiền đề cho quá trình đàm phán Brexit tiếp theo diễn ra thuận lợi hơn với kỳ vọng Anh và EU có thể kết thúc đàm phán Brexit theo đúng lịch trình. Tuy nhiên, đến nay tiến trình đàm phán hầu như vẫn “giậm chân tại chỗ”, chưa có những tín hiệu cho thấy London và Brussels sẽ sớm kết thúc một trong những câu chuyện “chia tay” vốn tốn rất nhiều giấy mực của báo giới này. Cả Anh và EU vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong nhiều vấn đề, trong đó có việc xây dựng khuôn khổ mối quan hệ giữa hai bên trong tương lai.

Đến giờ, nước Anh dường như cũng đã thấm thía những ảnh hưởng tiêu cực của Brexit, rõ rệt nhất là trên lĩnh vực kinh tế. Theo Văn phòng Thống kê quốc gia Anh, tốc độ tăng trưởng GDP của nước này ở mức yếu 0,1% trong quý I vừa qua và đây là kết quả của một tiến trình chuyển giao Brexit “thiếu trật tự”. Trong khi đó, kinh tế Anh tăng trưởng yếu ớt với 1,5%, trong năm 2017 và theo dự báo của Văn phòng Ngân sách Anh kinh tế nước này sẽ không tăng trưởng quá ngưỡng 1,5% trong năm 2018.

Nhiều doanh nghiệp đang tính chuyển hướng đầu tư ra khỏi Anh.

Đáng lo ngại hơn, các doanh nghiệp lớn tại Anh đang tính phương án rời nước này nếu như Anh không đạt được thỏa thuận về Brexit. Theo kết quả một cuộc khảo sát do công ty tư vấn kiểm toán KPMG - có trụ sở chính đặt tại Amstelveen, Hà Lan, thực hiện với sự tham gia của 100 lãnh đạo doanh nghiệp Anh, cho thấy có tới 76% số lãnh đạo doanh nghiệp được hỏi ý kiến cho biết đang tính chuyện rời khỏi Anh, bao gồm chuyển trụ sở hoặc chuyển sản xuất.

Trong số các doanh nghiệp sẵn sàng rời Anh có hãng hàng không nổi tiếng Airbus, Giám đốc Điều hành hãng hàng không này ông Tom Williams cho biết, việc Anh rời khỏi EU mà không đạt được một thỏa thuận nào sẽ dẫn tới tình trạng trì trệ và gián đoạn nghiêm trọng trong lĩnh vực sản xuất của Airbus ở Anh và có thể khiến hãng này thiệt hại lên tới 1 tỷ EUR (1,2 tỷ USD).

Ông Tom Williams cảnh báo, nếu kịch bản này diễn ra, Airbus phải cân nhắc lại hoạt động đầu tư và sự hiện diện lâu dài của hãng tại Anh. Điều này diễn ra sẽ làm suy yếu nghiêm trọng những nỗ lực của Anh nhằm duy trì một ngành công nghiệp hàng không vũ trụ cạnh tranh và đổi mới, phát triển những năng lực và công việc giá trị cao thời gian qua.

Trước những diễn biến của Brexit, theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức (DIHK) nhiều công ty nước này bắt đầu chuyển hướng đầu tư khỏi Anh do lo ngại tác động tiêu cực của Brexit. Cụ thể, Brexit sẽ khiến các thủ tục hành chính nhiều lên, tăng thời gian chờ đợi và các quy định kiểm soát ở biên giới, từ đó khiến chi phí của các công ty bị đội lên.

Giám đốc chi nhánh hãng xe ô tô BMW của Đức tại Anh Ian Robertson cho biết, các thỏa thuận cần phải được làm rõ vào cuối mùa hè này, nếu không BMW sẽ không loại trừ khả năng rút khỏi Anh.

Trong một động thái liên quan đến vấn đề Brexit, các công ty lớn hàng đầu của châu Âu cũng đưa ra cảnh báo nếu như tình trạng bất ổn Brexit vẫn tiếp diễn như hiện nay, họ sẽ không đầu tư vào Anh. Lời cảnh báo trên được lãnh đạo các tập đoàn lớn như BP, Vodafone, Nestlé và E.ON đưa ra trong cuộc gặp gỡ chung giữa những giám đốc điều hành của các hãng với Thủ tướng Anh Theresa May vào cuối tháng 5 vừa qua.

Tại cuộc gặp, các doanh nghiệp EU yêu cầu Chính phủ Anh cần giải thích rõ ràng Brexit sẽ có ảnh hưởng, thay đổi gì đối với các hoạt động của họ tại Anh. Theo lãnh đạo các doanh nghiệp, hiện nay sức hấp dẫn đầu tư vào Anh đối với họ là rất thấp.

Rõ ràng, những lời cảnh báo đến từ các doanh nghiệp đang đầu tư tại Anh cũng như các tập đoàn lớn của châu Âu đang dự định đầu tư vào Anh tạo sức ép rất lớn đối với Thủ tưởng Theresa May và chính phủ của bà. Một mặt, đây được xem là sức ép đối với bà Theresa May nhằm nỗ lực hơn nữa trong thời gian tới để đạt được một thỏa thuận Brexit tích cực đối với EU, nhất là việc đảm bảo quyền lợi cho các doanh nghiệp Anh và doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư tại Anh.

Mặt khác, cũng đòi hỏi Chính phủ Anh có những thay đổi trong chính sách thu hút đầu tư, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, tạo ra các điều kiện cho các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp bên ngoài đầu tư vào Anh, nơi vốn được xem là trung tâm tài chính của cả châu Âu.

Trước những cảnh báo đến từ giới doanh nghiệp, mới đây Thủ tướng Anh cho biết bà hoàn toàn nhận thức rõ sự cần thiết đảm bảo sự ổn định cho các doanh nghiệp, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đạt được các thỏa thuận thương mại trong tương lai với EU, bao gồm để vấn đề hải quan đường biên được thuận lợi, thông thoáng. Trước đó, bà Theresa May cũng đã nhiều lần trấn an các nhà đầu tư.

Tại hội nghị thường niên Liên đoàn Công nghiệp Anh diễn ra vào cuối năm 2017, Thủ tướng Theresa May cho biết chính phủ đang nỗ lực đàm phán với EU để làm rõ quan hệ song phương hậu Brexit, kêu gọi giới doanh nghiệp nhìn về tương lai một cách lạc quan

 Theo các phân tích, để giữ chân các doanh nghiệp và duy trì việc làm cho người dân trong quá trình tìm kiếm một thỏa thuận với EU không phải là điều dễ dàng, đòi hỏi Thủ tướng Theresa May phải nỗ lực nhiều hơn trong thời gian tới. Trong đó vừa chú trọng ưu tiên đàm phán Brexit để có một thỏa thuận làm hài lòng giới doanh nghiệp, đồng thời chuẩn bị xây dựng các chính sách thu hút đầu tư mới để giữ các doanh nghiệp này ở lại Anh thời hậu Brexit.

K.Anh
.
.