Hậu Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội 2018: Trông người lại nghĩ đến ta

Thứ Ba, 06/11/2018, 16:27
Chỉ trong 5 ngày diễn ra Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội (Haniff) năm 2018 đã thu hút hàng chục nghìn khán giả, người trong nghề tham gia các hoạt động văn hóa, giải trí cũng như nhiều hoạt động mang tính chuyên môn…

147 bộ phim của 45 quốc gia, trong đó có 100 tác phẩm điện ảnh nước ngoài, các tác phẩm đại diện cho dòng phim kinh điển đến các phim mới sản xuất đã được giới thiệu đến công chúng. 201 buổi chiếu phim tại rạp đã được thực hiện… Đó là những kết quả “đo đếm” được do ban tổ chức thống kê, công bố sau một mùa liên hoan phim tất bật và rộn rã. Nhưng, có lẽ, đây mới chỉ là những kết quả dành cho công tác quản lý.

Hội nhập là hội nhập nào?

Được tổ chức lần thứ 5 và vẫn trung thành với mục tiêu “Điện ảnh – Hội nhập và bền vững”, Haniff 2018 được/bị đặt khá nhiều kỳ vọng. Đó không chỉ là xây dựng một thương hiệu Liên hoan phim (LHP) uy tín và khẳng định vị trí vững chắc của mình thông qua việc vinh danh các tác phẩm điện ảnh xuất sắc, có giá trị nghệ thuật cao, giàu tính nhân văn, sáng tác, khuyến khích, tạo cơ hội để phát hiện, bồi dưỡng tài năng mới của điện ảnh, vinh danh các nghệ sĩ tài năng của điện ảnh trong nước và quốc tế. Nó còn được kỳ vọng là dịp để giới thiệu, quảng bá, tôn vinh hình ảnh đất nước, văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Liên Hoan Phim quốc tế Hà Nội 2018 khép lại với hình ảnh khá rực rỡ tại Cung văn hóa Hữu nghị Việt Xô đêm 31-10.

Nhưng, mục tiêu to lớn ấy là của ban tổ chức. Điều công chúng và cả những người hoạt động điện ảnh Việt kỳ vọng, mong chờ, đón đợi từ LHP có lẽ vẫn là những tác phẩm hay, những sáng tạo mới của điện ảnh trong nước và quốc tế, sự vinh danh đúng người, đúng tác phẩm… Chẳng thế mà từ 2 tháng trước đó, người yêu mến điện ảnh trong nước đã không thể không vui mừng khi ban tổ chức lần đầu thông tin, Haniff 2018 đã có đến 500 tác phẩm của 50 quốc gia đăng ký tham dự.

Cận ngày chính thức diễn ra, thông tin 147 phim được trình chiếu trong các hạng mục của liên hoan – con số kỷ lục của Haniff từ trước đến nay, trong đó có hàng loạt thông tin về sự hiện diện của các tác phẩm đậm chất nghệ thuật điện ảnh, từng được vinh danh tại những giải thưởng điện ảnh danh giá nhất trên thế giới khiến những mối quan tâm dành cho LHP lâu nay như ngôi sao nào sẽ hiện diện, quảng bá rầm rộ hay thu hút sự quan tâm của du khách đến mức nào… trở thành thứ yếu. Thay vào đó là những cuộc bàn tán, trao đổi nên đi xem phim nào.

Khác với các kỳ tổ chức thường thấy lâu nay, LHP chỉ rộn ràng thời điểm khai mạc hay bế mạc, tại Haniff 2018, hoạt động của 2 buổi lễ thậm chí còn ít hẳn những ồn ào náo nhiệt khi thiếu sự hiện diện của rất nhiều những gương mặt đình đám của showbiz. Ngược lại, buổi chiếu phim khai mạc “Shoplifters – Kẻ trộm siêu thị”, tác phẩm đạt giải Oscar 2018 đến từ xứ sở Hoa anh đào ken đặc khán giả. Một sự đông đúc dễ bị hiểu là do những nỗ lực của ngày đầu LHP. 

Nhưng, những buổi chiếu Shoplifter sau đó, người xem vẫn chen chật rạp, nhân viên phục vụ phải kê thêm ghế dọc lối đi hai bên. Một số nghệ sĩ, người lãnh đạo trong các đơn vị sản xuất phim Việt chưa kịp xem buổi chiếu khai mạc cũng cố sắp xếp công việc bận rộn ngày thường để tranh thủ đến để “xem thành tựu điện ảnh nước bạn thực chất thế nào”.

Thực tế, trừ những buổi chiếu vắng vẻ vì nằm trong trong các khung giờ hành chính và cả phim, đạo diễn, diễn viên còn rất xa lạ với khán giả trong nước thì nhiều buổi chiếu phim, nhân viên rạp chiếu phải kê thêm ghế dọc theo lối đi. Những buổi chiếu phim Việt thường khá đông khán giả. Nhưng, có một điều khá lạ là ở những buổi chiếu này, đội ngũ phục vụ và cả khán giả đi xem dường như đều có sự thể tất lẫn nhau. Một sự thể tất chân thành, hiếm thấy ở những buổi chiếu phim bán vé thu tiền.

Ngược lại, người xem phim cũng ít khi bị chi phối bởi những âm thanh trò chuyện, nhai kẹo tóp tép của người bên cạnh trong các buổi xem phim giải trí. Cũng tại LHP lần này, hai nền điện ảnh được chọn lựa làm tâm điểm giới thiệu cũng không phải là những nền điện ảnh nổi tiếng với các phim bom tấn với kỹ xảo hoành tráng và doanh thu phòng vé cao ngất ngưởng mà là Ba Lan và Iran – những nền điện ảnh ít quen thuộc với số đông nhưng được người yêu điện ảnh đích thực ngưỡng mộ.

 “Ếch ngồi đáy giếng”

Chẳng thế mà nói về LHP, đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh cứ tấm tắc khen, phải có dịp xem những tác phẩm như phim chiếu tại Haniff để những người làm điện ảnh như ông có dịp mở mang sự hiểu biết, để thấy người làm điện ảnh Việt lâu nay như “ếch ngồi đáy giếng”. Và rằng, phim phải chạm vào thân phận con người như thế mới là điện ảnh đích thực.

Thái độ và chia sẻ của NSND Đặng Nhật Minh không phải không có lý khi ngay tại LHP quốc tế Hà Nội 2018, nhà phê bình điện ảnh lâu năm của Iran và cũng là một trong những “bà đỡ” có nhiều đóng góp tích cực cho nền điện ảnh nổi tiếng thế giới này phát biểu rằng, thông qua điện ảnh Việt, nhiều quốc gia vẫn chỉ biết đến Việt Nam thời chiến tranh và hậu chiến. 

Trong khi đó, nói như cách thanh minh của đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp với đồng nghiệp nước bạn là ở Việt Nam, phim về đề tài chiến tranh, phim về hậu chiến đang ít dần. Phim Việt chạm đến đời sống nhiều hơn. Các nghệ sĩ trẻ, đạo diễn Việt Nam cũng đã làm phim theo góc nhìn riêng của họ về xã hội đương đại.

Giải nhất phim dài cho “Buồng tối” của Iran – nền điện ảnh được người làm phim Việt ngưỡng mộ.

Tuy nhiên, nữ đạo diễn cũng thừa nhận rằng, từ những ngày ngồi trên ghế nhà trường, chị đã luôn phải nghe những lời khuyên bảo như điện ảnh Việt Nam phải học hỏi điện ảnh Iran. Từ khi mới vào đại học, năm 2000, chị luôn được nghe thầy cô nói rằng khi làm phim hãy nhìn vào các nhà làm phim Iran. Bởi lẽ, họ làm phim với kinh phí vô cùng thấp, trong điều kiện ngặt nghèo, không cần những kỹ xảo đình đám theo phong cách của các cường quốc điện ảnh như Hollywood mà vẫn có được những phim rất riêng có của mình. 

Có lẽ, với một quốc gia mà một năm sản xuất trên 150 phim và 90% trong số đó được chọn chiếu tại các LHP và nhiều LHP danh giá đã chọn chiếu phim Iran như một cách để khẳng định đẳng cấp của mình thì sự ngưỡng mộ dành cho nền điện ảnh này như Hoàng Điệp không phải là chuyện lạ. Nhưng, những chia sẻ của chị, của NSND Đặng Nhật Minh cũng không thể không khiến người quan tâm đến điện ảnh Việt trăn trở.

Cụ thể, phim Việt Nam hiện nay sản xuất ngày càng nhiều. Đã có thời điểm, Việt Nam có đến 60 phim sản xuất trong một năm. Nhưng trong số phim chiếu rạp thì chiếm 80% đến 90%  là phim thương mại. Câu hỏi quan trọng nhất của các nhà sản xuất phim Việt Nam là liệu phim này có thu hút số đông không, có ăn khách không, có doanh thu cao không? Việc làm phim cũng thường chỉ nhắm đến đối tượng khán giả trẻ và người ta nhìn việc sản xuất phim như là một dự án kinh doanh hơn là cho tác phẩm điện ảnh nghệ thuật.

Hơn ai hết, họ đều hiểu, nền điện ảnh phát triển thì việc thu hút khán giả, kéo được khán giả đến rạp rất quan trọng. Nhưng sau một thời gian, nhất là đến thời điểm mà trên 90% phim ra rạp là phim chiếu thương mại thì người làm phim suy nghĩ khác. 

Với bản thân Hoàng Điệp, ngay khi ngồi tham gia hội thảo về điện ảnh Iran tại Haniff 2018, chị vẫn đang viết 1 kịch bản phim. Nhiều người thân đã khuyên chị là nên để ý các yếu tố thu hút khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ. Vì vậy, sau một thời gian cân nhắc, chị đã quyết định đổi tên gọi phim bằng 1 tên khác là “Tuổi trẻ vĩnh cửu”. Nhưng có bạn hỏi Hoàng Điệp là đổi tên như thế thì có giúp chị hào hứng hơn không, phim có làm cho khán giả mua vé nhiều hơn không thì chị nói thật là mình không biết. Chị chỉ thấy tên phim như thế dễ gần hơn với mọi người…

Điều này là một ví dụ cho thấy, những người làm phim như Nguyễn Hoàng Điệp đã đặt việc thu hút khán giả làm vấn đề nghiêm túc để nghiên cứu. Tất cả luôn trăn trở, suy nghĩ phải làm thế nào để đưa phim của mình ra rạp đúng như mình muốn, nói được đúng điều mình nghĩ nhưng cũng phải làm sao để đưa nghệ thuật điện ảnh đến với những người yêu và cần nó, có cơ hội chạm vào nó. Phải làm thế nào để qua điện ảnh tác phẩm có thể chia sẻ được những suy nghĩ, trải nghiệm, để điện ảnh đến với cuộc sống, điện ảnh không lẻ loi mà sáng tạo hơn, giàu đẹp nhưng vẫn phải bán được nhiều vé hơn.

Trông người lại nghĩ đến ta

Giá trị của điều này đã được khẳng định từ những trải nghiệm quý giá của bản thân Hoàng Điệp. Đó là khi chị xây dựng phòng chiếu  nho nhỏ tại nhà để chiếu những bộ phim nghệ thuật -  những bộ phim không mấy khi được ra rạp và ít người biết đến. 

Chị đã định chỉ dành cho bạn bè và một số lượng công chúng rất ít ỏi, những người yêu mến điện ảnh thật sự. Hoạt động của phòng chiếu này là phi thương mại. Khán giả thường là những người già và trẻ nhỏ, học sinh, sinh viên. Họ là những người không tìm được vị trí của mình ở những rạp chiếu bóng công nghiệp vẫn dày đặc các bộ phim bom tấn. 

Có thể họ cũng rất thích đi xem nhưng vé đắt, họ không có tiền để mua vé đi xem. Chị gọi phòng chiếu phim của mình là phòng chiếu bóng nhỏ nhất thế gian vì chỉ chứa tối đa khoảng 20 người. Đổi lại, những trải nghiệm của điện ảnh, những buổi chiếu phim của những người bạn thân thiết, những sự kiện chiếu, giới thiệu phim theo phong cách tác giả, những bộ phim tiêu biểu của nhiều nền điện ảnh đã khiến tất cả rất xúc động.

Có sự kiện, chị dự định chỉ dành cho một nhóm nhỏ và từng nghĩ sẽ có rất ít người xem nhưng cuối cùng lại thu hút rất đông. Có nhiều khán giả là người già, trẻ con không biết tiếng nước ngoài nhưng vẫn xem được vì rằng tổ chức vội, ê kíp đã không kịp chuyển ngữ. Chính những sự kiện như thế đã kích hoạt chị lật lại những đòi hỏi, câu hỏi thời đi học về chuyện người làm điện ảnh Việt cần học tập nền điện ảnh Iran, cách kể một câu chuyện nhỏ, gần gũi với đời sống con người mà không cần phải quá để tâm và yếu tố kỹ thuật, sự cầu kỳ kỹ xảo.

Với Haniff 2018, việc học hỏi và áp dụng các mô hình thành công của điện ảnh thế giới nên dành cho các nhà quản lý. Đối với  nhà làm phim Việt Nam, như NSND Đặng Nhật Minh từng nói khi xem phim Iran là xem để  thấy con đường của điện ảnh họ tử tế, nhân văn và nhìn vào phim thì biết được khuôn mặt của họ, của nhà làm phim như thế nào. Chúng ta cần nhìn vào các nền điện ảnh này để định vị lại mình. Nếu không, khi đã rất mệt mỏi bởi xung quanh mình có quá nhiều câu hỏi về chuyện phải làm phim ăn khách, không người làm phim nào chắc chắn rằng, đến một lúc nào đấy, mình sẽ bị ngạt thở bởi chúng.

Về vấn đề này, Đại tá, NSƯT Phạm Tiến Cường, Giám đốc Điện ảnh Quân đội nhân dân thì chia sẻ rằng, càng xem phim chiếu tại Haniff 2018 lại càng thấy nền điện ảnh nước mình thiếu bản lĩnh. Điện ảnh Việt Nam phát triển sau nhưng cái gì cũng muốn làm, cái gì cũng muốn học, cái gì cũng chạm vào nhưng không đi đến tận cùng. Đã đến lúc, người làm điện ảnh Việt nên xem xét lại để tìm ra con đường đi riêng mình. Nhưng, chắc chắn, con đường này sẽ không dễ dàng, nhất là khi những bộ phim nghệ thuật vẫn đối diện với nỗi lo kén khán giả và khán giả của những tác phẩm như thế này thường ít có điều kiện bỏ tiền mua vé xem phim.

Riêng nhà sản xuất Phước Sang thì chia sẻ thẳng thắn, ở vị trí nhà sản xuất, anh không dám mạo hiểm tập trung đầu tư cho nhiều tác phẩm như thế. Nếu có thì cũng chỉ dám thi thoảng đầu tư làm. Nếu chỉ chạy theo các dự án như thế, Hội đồng quản trị cũng không để cho giám đốc sản xuất yên ổn mà cũng không nhà đầu tư nào cứ dám mạo hiểm rót vốn cho người làm phim Việt hiện nay như thế. Những thành tựu của các nền điện ảnh giới thiệu tại LHP củng cố niềm tin cho người làm nghề nhưng có lẽ, hiện tại, phần nhiều vẫn chỉ là để ngưỡng vọng thôi.

Minh Hà
.
.