Hậu trường chứng khoán: Lên sàn không chỉ để kiếm tiền

Thứ Hai, 28/01/2008, 15:30
Chứng khoán Việt Nam thời gian qua như cục nam châm hút mãnh liệt sự quan tâm của công chúng lẫn nhà đầu tư, song cũng sản sinh ra 1.001 chuyện ly kỳ xung quanh "từ trường" của nó. Từ chuyện chồng nước ngoài vợ Việt Nam, chuyện lên sàn để vợ giám sát chồng, chuyện ăn mặc và cả chuyện trộm cắp trên sàn chứng khoán...

Từ chuyện chồng ngoại vợ nội...

Chưa có cuộc thống kê chính thức nào về những cặp uyên ương nên duyên nhờ cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, có không ít trái tim "lẻ bóng" đã tìm được một nửa của mình trên con đường đi chinh phục lợi nhuận của “ngôi chợ điện tử”.

Chuyện bên lề xin đề cập đầu tiên là mối tình xuyên biên giới giữa một cô gái Việt Nam với một nhà đầu tư tới từ Hồng Công (Trung Quốc). Nhà đầu tư này năm nay ngoài 50, còn cô gái người Việt Nam 25 tuổi. Họ thường xuyên có mặt tại Công ty Chứng khoán Agriseco.

Theo ghi nhận thì cô gái khá thông thạo tiếng Trung. Đầu năm 2006, cô chuẩn bị sang Đài Loan để lao động xuất khẩu. Trong thời gian học tiếng, cô ở trọ gần ngôi nhà của nhà đầu tư ngoài ngũ tuần nhưng vẫn phong độ trên.

Vốn cần tiếng Trung để phục vụ cho công việc sau này, cô đã không ngần ngại làm quen với nhà đầu tư trên. Sau một thời gian tiếp xúc, cả hai đồng cảm nhờ cảm thấy "khai thác" được lợi ích từ nhau khá nhiều. Chàng cần học tiếng Việt để kinh doanh, nàng cần học tiếng Trung để đi lao động xuất khẩu.

"Ông mất chân giò, bà thò chai rượu" - Sự bù đắp về quyền lợi sau một thời gian đã tiến tới cả chuyện bù đắp về tình cảm.

Cũng phải thôi, chàng sống cách xa gia đình hàng ngàn kilômét, tối về còm cõi ở một căn phòng thì dù có sắt đá và tham công tiếc việc đến mấy đôi khi cũng cảm thấy đơn côi, trong khi nàng - trái tim lẻ bóng, một mình một phòng nên nhiều khi cũng cảm thấy khát khao được giao cảm, nhất là trước một người đàn ông dù đã nhiều tuổi nhưng có tiền bạc và kinh nghiệm sống.

Giờ đây, chuyện tình cảm của hai người được công khai. Họ đã ăn ở với nhau trong tình trạng "già nhân ngãi, non vợ chồng" đã được một năm nay dù lúc đầu có một vài lời dị nghị từ những người xung quanh lẫn nhiều nhà đầu tư trên Công ty Chứng khoán Agriseco do nhiều người lầm tưởng, bồ của chàng là con.

Cô gái cũng từ bỏ chuyện đi lao động xuất khẩu và hàng ngày theo chàng đi lên các công ty chứng khoán cùng tâm sự chuyện đời, chuyện người.

Trong số hàng ngàn nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay, theo ghi nhận có nhiều cuộc tình "vượt biên giới".

Sàn đông, các nhà đầu tư thường tìm cho mình một vài người hợp ý để tâm sự (ảnh chỉ có tính minh họa).

...Tới chuyện lên sàn để tìm kiếm... bạn tình!

Tại các công ty chứng khoán, nhà đầu tư nữ dường như nhiều hơn nam. Trong số này, có nhiều người thành đạt, nhưng không phải ai cũng có cuộc sống hạnh phúc, gia đình suôn sẻ.

Chính vì thế mà sàn chứng khoán cũng là nơi để nhiều người ngoài chuyện kiếm tiền thì còn để "tiếp thị" tình cảm cho mình, thậm chí dù nhiều người đã có gia đình. Phần nhiều trong số này là những nhà đầu tư nữ, tuổi ngoài 40, cái tuổi mà nhiều người cho rằng, sức xuân là mạnh nhất trong đời.

Gặp Trần Anh Tuấn, vừa tốt nghiệp ĐH Thương mại, nhà đầu tư tại một công ty chứng khoán trên đường Giải Phóng nay chuyển sang công ty chứng khoán khác trên đường Quang Trung. Tuấn cao to và vạm vỡ như một vận động viên, ăn nói lại có duyên, kiến thức về kinh tế có thừa nên rất được nhiều người khác giới "gây chuyện".

Tuấn kể, dạo mới lên sàn, một số nhà đầu tư nữ thường xuyên hỏi han nhờ anh tư vấn. Thấy vậy, anh cũng không ngần ngại kể các chuyện trên trời dưới bể về chứng khoán cho các cô nàng nghe. Sau một thời gian được các cô mời đi ăn, đi uống, mời làm thầy giáo dạy nhảy vào buổi tối...

Tuấn mới té ngửa ra rằng, các cô mơn mởn chăm sóc anh không phải vì vài mớ kiến thức Tuấn học được trong trường ĐH mà họ cần thứ khác của anh, đó là... tình cảm.

Sau một thời gian bị một "người tình" gần đáng tuổi mẹ chăm sóc quá kỹ lưỡng: từ chuyện ăn, mặc cho tới chuyện chơi bời cuối tuần, Tuấn phát ngán và ngấm ngầm chuyển tài khoản sang công ty khác để tránh sự bám sát của người tình già.

Tuấn kể, bà ta gần 50 tuổi đang trong cảnh cô đơn vì chồng là giám đốc một công ty lớn, lại nằm trong Hội đồng quản trị nhiều công ty khác nên lúc nào cũng túi bụi công việc. Chồng tuổi đã lục tuần hơn vợ một giáp, nên chuyện tình cảm đôi lứa như đôi đũa lệch, cộng với năng lượng dành cho công việc nhiều hơn dành cho vợ đã khiến bà ta cảm thấy cô đơn.

Tuấn cũng bật mí, người tình còn tuyên bố rằng, sẵn sàng ly dị chồng để cưới Tuấn làm chồng và tất nhiên chuyện nhà cửa, tiền nong Tuấn sẽ không phải lo, vì số tài sản mà bà ta làm ăn trong nhiều năm có thể bao cho cậu một cuộc sống sung túc.

Nghĩ tới cảnh tình "già nhân ngãi, non vợ chồng" nó chẳng đi tới đâu, sợ gia đình biết chuyện, mọi người chê cười nên Tuấn quyết từ bỏ kiểu sống phiêu lưu trên.

Nơi để vợ giám sát chồng!

Trong gia đình, chuyện các bà vợ, ông chồng lập "quỹ đen” để phòng khi ly hôn xảy ra, để phòng khi làm ăn thất bát có nguồn tiền đề phòng... là chuyện không phải dự hiếm. "Quỹ đen" tới từ nhiều nguồn khác nhau, và nhiều người đã không ngần ngại mang số tiền này ra kinh doanh cổ phiếu.

Đang chăm chú bám sát những con số trên bảng điện tử, tôi giật mình vì có bàn tay người bám sau vai. Ngoảnh lại mới biết, một phụ nữ quê ở Thanh Trì (Hà Nội), ăn mặc mang đậm phong cách “miệt vườn”. Chị không ngại hỏi tôi thủ tục lập tài khoản và cho rằng chỉ cần thế là đủ.

Sau đó tôi mới khai thác được rằng, chị thi thoảng lên sàn chỉ nhằm mục đích để giám sát chồng. Vì từ ngày anh chồng đam mê cổ phiếu thì khó dứt ra được và ít "đóng thuế" cho vợ cả tiền bạc lẫn bằng tình cảm. Lại thấy anh thời gian gần đây ăn mặc chải chuốt và ăn nói bóng bẩy nên chị sinh nghi.

Đem chuyện kể với anh em họ hàng và bạn bè thân quen thì nhận được câu: "Chồng mày rủng rỉnh tiền trong túi lại tư tưởng làm sang thì cũng phải đề phòng". Như đổ thêm dầu, chị cảm thấy nóng ruột nên quyết lên sàn một phen chỉ để "lành làm gáo, vỡ làm muôi" nếu chồng chị “ăn ở hai lòng".

Và cả chuyện trộm vặt trên sàn!

Chị Trần Ánh Dương nhà đầu tư tại Công ty Chứng khoán quốc tế than thở, chiếc mũ bảo hiểm của chị để ngoài xe máy đã bị một ai đó “cầm nhầm”. Anh Nguyễn Văn H. tại Công ty Chứng khoán Agriseco cũng từng bị tương tự như trường hợp của chị Dương nên để cho chắc ăn, mỗi khi lên sàn giao dịch là anh lại mang mũ lên theo hoặc gửi ở bộ phận bán nước.

Chuyện trộm cắp vặt trên các sàn chứng khoán hiện nay không phải là hiếm. Anh Hạnh, một nhà đầu tư trên Công ty Chứng khoán Agriseco mới đây than thở, chiếc điện thoại O2 trị giá 8 triệu đồng của anh đã bị kẻ gian chộp mất khi anh đang mải giao dịch cổ phiếu.

Khi mất điện thoại, mọi liên lạc trong phiên giữa anh với người khác coi như bị dừng lại. Anh định báo cáo với đội an ninh của công ty nhưng nghĩ, cũng chẳng tìm lại được, vì xe máy còn có biển số, số khung để nhận biết, còn điện thoại chẳng có căn cứ gì để tìm lại.

Thông thường, trên sàn có nơi dành riêng để riêng quần áo, mũ của nhà đầu tư, trong lúc nườm nượp người ra vào là chúng lấy đi. Một số kẻ gian thì lên sàn theo dõi nhà đầu tư trong lúc kiểm tiền, sau đó gọi điện cho kẻ khác bên ngoài. Khi nhà đầu tư mang tiền ra ngoài, lợi dụng sự sơ hở là chúng giật túi xách...

Cũng theo nguồn thông tin từ Tổ An ninh của Công ty Chứng khoán Agriseco, chúng tôi được biết, kẻ gian đã lợi dụng lúc đông khách lẻn vào công ty vặt mất bóng điện, lấy trộm phin pha cà phê, nắp điều hòa nhiệt độ...

Thực trạng kẻ gian trộm vặt và móc túi trên các sàn chứng khoán không những diễn ra ở Công ty Chứng khoán Agriseco mà từng diễn ra ở nhiều sàn khác, vì số nhà đầu tư tới sàn quá đông nên các nhân viên an ninh của các sàn không thể kiểm soát nổi.

Vả lại, nhân viên an ninh của các công ty không thể ngày nào cũng yêu cầu nhà đầu tư giở thẻ giao dịch ra để xem đó có phải nhà đầu tư trên sàn của mình không. Việc làm này vừa bất tiện, vừa chạm tới lòng tự ái của khách hàng

Văn Nguyễn
.
.