Chuyện tình của Thu Bồn và Nguyễn Thị Hồng Ngát:

“Hay là không thể đợi nhau bờ này?”

Thứ Sáu, 23/06/2017, 13:10
Nà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát đã viết những câu thơ về nhà thơ Thu Bồn trong những ngày xa cách: "Anh thân yêu, em muốn gọi ngàn lần/ Gọi tên anh và tên Tổ quốc/ Em chẳng quên những ngày khó nhọc/ Thế nên bao giờ anh cũng ở bên em...".

Tháng 5 vừa qua, cố nhà thơ Thu Bồn được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh. Lên nhận giải thưởng cho ông là người con trai duy nhất của ông, anh Hà Băng Ngàn với người vợ đầu, bà Thanh Thúy. Nhà thơ Thu Bồn có 3 người vợ, trong đó, người vợ thứ hai, nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát là người được giới văn chương biết đến nhiều với một tình yêu đẹp giữa hai người. Cuộc hôn nhân tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại nhiều dấu ấn trong ký ức cuộc đời nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát.

Nhà thơ Thu Bồn và nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát thời còn sống chung.

Bà đã viết những câu thơ về ông trong những ngày xa cách: "Anh thân yêu, em muốn gọi ngàn lần/ Gọi tên anh và tên Tổ quốc/ Em chẳng quên những ngày khó nhọc/ Thế nên bao giờ anh cũng ở bên em...".

Nhà thơ Thu Bồn tên thật là Hà Đức Trọng, quê ở Quảng Nam. 12 tuổi ông là học sinh thiếu sinh quân, làm liên lạc cho bộ đội và trực tiếp chiến đấu ở đơn vị biệt động. Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, ông liên tục có mặt ở chiến trường gian khổ và ác liệt như chiến trường Tây Nguyên, biên giới Tây Nam.

Lúc là phóng viên mặt trận, lúc thì làm lính xung kích pháo binh, làm biên tập viên cho tạp chí Văn nghệ quân đội giải phóng Trung Trung Bộ, rồi trở về Hà Nội làm biên tập viên và cán bộ sáng tác tạp chí Văn nghệ quân đội. Ông từng là Ủy viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam, khóa 4. Ông cũng tham dự nhiều Hội nghị quốc tế Văn học Á Phi, Liên Xô (cũ) vì hòa bình Việt Nam và thế giới.

Nhà thơ Thu Bồn từng tâm sự: "Tình yêu của một nhà văn là phải can đảm ca ngợi và can đảm chỉ trích. Nói cho cùng là phải yêu đến tận cùng gan ruột. Tổ quốc lâm nguy, nhà văn phải đem hết tim gan mình phơi lên chiến địa và có lúc hy sinh như người lính...".

Có lẽ bởi ông quan niệm thế, nên để chuẩn bị cho đứa con tinh thần ra đời, trong cuốn sổ tay của mình, nhà thơ Thu Bồn bao giờ cũng ghi chép chi chít những hàng chữ, những con số, tư liệu và rải rác những bài thơ, đoạn thơ còn viết dở. Ông lúc nào cũng thế, luôn sống hết mình với bè bạn và văn chương.

Dữ dội với văn chương, nên với tình yêu, nhà thơ Thu Bồn cũng là người yêu mê đắm. Ông gặp nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát khi chị đã lỡ dở chuyến đò hôn nhân với người chồng đầu tiên, có ba người con thơ dại. Ông cũng đã có vợ, hai con và trải qua vài cuộc tình.

Nhà thơ Thu Bồn.

Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát tâm sự: "Hồi đó, tôi mới ở tuổi 28. Nó như là duyên phận, là số trời định vậy. Chính xác hơn cuộc hôn nhân này nó như từ "trên trời rơi xuống". Khi ấy tôi cảm thấy mình còn trẻ mà gian truân chả kém Thúy Kiều, nhưng tôi khác cô Kiều ở chỗ nách đã có ba đứa con lít nhít và nhà thơ Thu Bồn chả khác gì Từ Hải. Anh yêu và thương tôi từ khi nào và bao giờ tôi không thể biết.

 Sau này tôi có hỏi thì anh đáp: "Bọn anh đàn ông luôn có con mắt tinh ranh của mình làm sao bọn em biết được!". Anh đã đến đặt vấn đề kết hôn với tôi và tự nguyện cùng tôi xây dựng cuộc sống mới. Tôi nhớ, khi quyết định lấy anh mới bắt đầu "đọc" văn của anh. Thấy tôi đọc oải ra mãi không xong 2 tập tiểu thuyết dày cộp "Dưới đám mây màu cánh vạc" của anh, anh cười bảo: "Em đọc còn mệt thế huống hồ người viết còn mệt đến đâu!" Ngày tôi về ở với anh, con gái út với người chồng đầu của tôi còn nhỏ dại, nên tôi mang con về ở cùng.

Đêm đêm thương con tôi nằm ngủ cùng con, để anh một mình chăn đơn gối chiếc, anh buồn rầu bảo: "Em thương con thế này nhẽ ra không nên lấy anh!". Hồi ấy tôi còn trẻ người non dạ nên cũng chẳng biết cư xử thế nào cho phải đạo. Chỉ biết cười trừ. Nói là nói vậy, chứ lần nào đi công tác về anh cũng mua quần áo cho bọn trẻ. Con của tôi và hai đứa con của anh. Hai đứa con trai nhỏ của anh thì Chủ nhật nào chúng cũng đèo nhau lên nhà chúng tôi chơi ăn cơm, dù anh có đi công tác hay ở nhà. Hai cháu rất ngoan và tôi quý mến hai cháu mà không hề có chút khái niệm "con anh, con tôi" gì".

Trước khi trở thành một nhà thơ, một nhà viết kịch bản, Nguyễn Thị Hồng Ngát vốn là một diễn viên chèo. Chị từng là người được cụ "trùm chèo" Trần Bảng chỉ bảo, dạy dỗ. Chính ông cũng là người đã khuyên chị nên đi theo con đường thi ca khi đọc được một số bài thơ của chị. Như là định mệnh, chị đến với văn chương, gặp những con người trong thế giới ấy và mê đắm văn chương, mê đắm những văn nhân.

Duyên nợ của chị với nhà thơ Thu Bồn cũng như là một câu chuyện sắp đặt trước của số phận. Trong lúc chị đang vô cùng đau khổ tuyệt vọng về cuộc sống, thì nhà thơ Thu Bồn xuất hiện và hỏi cưới chị làm vợ, chở che và yêu thương chị. Nhưng, chị cho rằng, cũng là số phận đã thử thách chị với tình yêu ấy, và rồi chị đã là người thua cuộc.

Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát.

Chị chia sẻ: "Tôi là người luôn mang trong mình sự buồn rầu, dù bên ngoài bình thường nhìn thì vui tươi, nhí nhảnh. Giá tôi là người biết an phận với cuộc sống đời thường như bao người phụ nữ khác thì cũng không đến nỗi. Nhưng tôi luôn khát khao một cái gì đó hơn thế. Khát một cuộc sống gia đình hạnh phúc, đương nhiên rồi, nhưng cạnh đấy còn khát học, khát làm việc, khát được cống hiến.

Tôi 28 mà, trong tay đã có gì đâu ngoài ba đứa con, vài bài thơ được giải nhì nhằng, vài vở diễn ngắn trên sân khấu thời ấy? Trong khi thơ của anh Thu Bồn khi ấy đã rất lẫy lừng, được Giải thưởng Quốc tế văn học Á Phi đầu tiên. Tôi tự hào về anh nhiều bao nhiêu thì trong tâm thế của một người sáng tác, tôi có chút tủi hờn vì sự non nớt của mình. Ngày ấy thơ tôi được in báo, có người còn nghĩ do anh làm hộ! Họ không biết rằng tạng thơ của hai người rất khác nhau. Thơ anh hào sảng còn tôi thì buồn và cô đơn.

Dĩ nhiên, ở tuổi của anh Thu Bồn, anh hoàn toàn muốn ổn định gia đình, có vợ con bên cạnh, cơm nước, đợi chờ anh về nhà (dù hồi đó anh cũng nhiều bạn bè văn chương thơ phú và vui bạn là cũng quên trời đất). Nhưng tôi thì lại còn muốn phấn đấu. Hồi đó tôi được Bộ Văn hóa cử đi học ở Liên Xô (cũ), Bộ đến hỏi xin ý kiến anh đã gật đầu đồng ý cho tôi đi du học, vì thương và cũng chiều tôi.

Do xa nhau lâu quá, tận 6 năm, mà hồi ấy làm gì có sự liên lạc thuận tiện như bây giờ, chỉ liên lạc bằng thư từ qua lại hằng tháng. Trong khi đó, chúng tôi vừa về sống chung, chưa hiểu hết nhau, lại có những mối ràng buộc riêng, rồi tình cảm cũng nhạt phai dần. Anh ở nhà, cũng có nhiều niềm vui khác kéo anh đi.

Bản thân anh sống với bạn bè rất ga lăng, cộng thêm có tài năng, danh tiếng nữa nên rất nhiều phụ nữ thích và mê anh... Những niềm vui ấy khiến anh dần dần quên đi rằng, mình vẫn còn một sợi dây ràng buộc là tôi đang ở rất xa và đang cố vật lộn với cuộc sống hoàn toàn mới, hoàn toàn khác với ở nhà mà không hề còn hậu phương để nương tựa, để động viên hoặc an ủi...

Ngày đầu bước chân sang Moscow là 18-8-1981, tôi đã viết hết nỗi niềm của mình trong bài thơ "Anh ở bên em" gửi về nhưng tôi biết là sau khi tôi đi anh cũng chẳng thiết đọc những gì tôi viết nữa. Anh bỏ vào Sài Gòn sống và tôi đã có linh cảm rằng gia đình bé nhỏ của chúng tôi chắc sẽ tan vỡ. Rất khó gìn giữ được trong bối cảnh mỗi người ở một nơi xa như thế này.

Bài thơ của tôi cũng chỉ để tôi ngấm mà thôi: "Em chẳng nghĩ rằng em đã xa/ Anh thân yêu đừng bao giờ nghĩ thế/ Tổ quốc ở bên em từng lá cây, ngọn cỏ/ Và anh yêu là ngọn gió sớm chiều/  Nỗi nhớ về đất nước xa xôi/ Nhớ về anh chẳng thể nào nguôi được/ Trong miếng cơm ăn trong từng hớp nước/ Như có anh ngồi đó, ăn cùng...".

Thư tôi viết về rất nhiều nhưng anh không gửi thư trả lời, rồi tình cảm cũng nhạt nhòa dần theo 6 năm trời đằng đẵng. Điều này làm tôi thất vọng, đau đớn và giận hờn ghê gớm. Năm 1987, tôi về nước, anh trở lại Hà Nội ngỏ ý đón tôi vào Sài Gòn sống cùng anh nhưng chao ôi, làm sao có thể quay về cùng nhau được? Làm sao có lại được tình cảm nữa khi mà ngần ấy năm không cùng nhau vun xới? Âu cũng là cái số trời đã định như vậy rồi. Rằng, cái duyên nó chỉ được có như thế thôi.

Có điều tôi vô cùng áy náy, là khi tôi đang ở Liên Xô thì nghe tin cháu lớn của anh bị ung thư đã mất. Khi cháu nằm viện có viết thư cho tôi xin cô gửi cho cháu một cái áo bay để mặc. Do anh Thu Bồn không gửi lá thư này của cháu sang cho tôi, nên tôi không biết. Mãi sau này khi về nước tôi mới được đọc thì cháu đã qua đời vì bạo bệnh được mấy năm rồi".

Nhà thơ Thu Bồn là người gắn bó và viết nhiều về mảnh đất Tây Nguyên. Tính cách của ông phóng khoáng và tự do như con người và đất trời của miền cao nguyên hoang dã. Ông cũng là người ham mê đi thực tế công tác đến nhiều miền đất của Tổ quốc, đặc biệt là trong thời kỳ ấy, ông lại còn là quân số của Tạp chí Văn nghệ quân đội.

Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát nhớ lại: "Hồi ở với nhau bọn tôi rất nghèo, bữa nào cũng chỉ rau dưa, thảng hoặc mới có tí thịt cá mà văn phòng của tạp chí Văn nghệ quân đội đi liên hệ ở đâu đó được. Tôi còn nhớ chị Định, cán bộ đời sống ngày ấy ngồi chia cho mỗi người được vài lạng. Phần của ai cũng có đủ tí nạc, tí mỡ, tí bụng, tí nách để khỏi tị nhau. Những lúc ấy, anh hồ hởi mang về khoe với tôi anh rất lấy làm sung sướng vì lao động viết cật lực hôm nay đã có tí tươi bồi dưỡng.

Nhà thơ Thu Bồn ham vui, ham đi, ham làm việc nhưng đồng thời cũng là người ham ăn ngon, ham chơi nữa. Anh có biệt tài vào bếp làm cơm nấu nướng rất nhanh. Tay dao tay thớt thành thạo và xây nhà dựng cửa cũng vậy. Ngoài lao động viết anh cũng rất thích lao động chân tay. Nhưng nói gì thì nói, những giờ phút bên gia đình như thế hiếm hoi lắm. Anh ấy đón tôi về nhà chỉ được ít ngày thì lại cùng các nhà văn quân đội đi Campuchia cả tháng. Sau đó về là lao vào viết, sáng nào cũng ngồi gõ máy chữ rào rào. Tôi nhớ đó là trường ca "Oran 76 ngọn".

Anh ấy bảo viết bản trường ca này dành tặng tôi với 4 câu đề từ thế này: "Ngọn rau muống nuôi xanh bao dòng chữ/ ngòi bút anh bỗng hóa chiếc lưỡi cày/ Dưới ngọn lửa mùa hè anh viết/ Bản trường ca này là để tặng em đây".

Có lần, anh đưa tôi bản thảo tập thơ "100 bài thơ tình" bảo "nhờ em đặt tên". Tôi đùa hỏi "Em có bài nào trong này không?". Anh đáp "Em không nhận ra thì thật kém!". Và tôi đã rất xúc động khi bắt gặp có bài anh viết tặng mình, đó là bài "Mong em về trước cơn mưa".

Một bài thơ thật sự buồn, nó như một dự cảm không lành về cuộc tình duyên của chúng tôi. Anh khiến tôi trân trọng anh. Dù bây giờ anh đã mất được gần 15 năm nhưng tôi luôn trân trọng những gì anh đã làm cho tôi trong hơn hai năm ngắn ngủi. Trân trọng sự quyết đoán đến liều lĩnh khi anh lặn lội đến tìm tôi và đặt thẳng vấn đề lấy tôi về làm vợ.

Những gì anh dành cho đủ để tôi biết ơn anh cho dù sau này mỗi người chúng tôi đều có cuộc sống riêng. Và mỗi khi nhớ về anh, tôi lại đọc bài thơ cũ: "Mong em về trước cơn mưa/ Mây giăng kín núi đò chưa cập cầu/ Thương em nhiều nỗi nông sâu/ Truân chuyên con nước biết đâu anh dò/ Ba mươi năm một chuyến đò/ Chưa xong chuyến lại thân cò sang sông/ Trăm năm một cõi bềnh bồng/ Chanh chua chát muối vẫn nồng trầu cau/ Em còn đợi chuyến đò sau/ Hay là không thể đợi nhau bờ này?...".

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.