Phim “Hai phía chân trời”:

Hé lộ những câu chuyện về người Việt tại nước ngoài

Thứ Sáu, 22/06/2012, 22:45

Được chuyển thể từ 3 truyện ngắn và vừa "Hai phía chân trời", "Máu của tuyết", "Nơi ấy có một loài hoa" của tác giả Trần Hoài Văn, phim truyền hình dài 33 tập "Hai phía chân trời" (Đạo diễn: Đỗ Thanh Hải, Quốc Trọng, Vũ Trường Khoa) được coi là dự án phim truyền hình đầu tiên có bối cảnh chính ở Đông Âu (CH Séc) tái hiện bức tranh thu nhỏ của cộng đồng người Việt ở nước ngoài.

Bộ phim nói về cuộc sống của cộng đồng người Việt Nam tại một số nước Đông Âu, với sự góp mặt của nhiều nhân vật có xuất xứ, thân phận khác nhau. Có doanh nhân, trí thức, người lao động, các hội đoàn đồng hương, các tổ chức từ thiện và cả các băng nhóm xã hội đen... Có người tốt, kẻ xấu, cái thiện, cái ác. Có nước mắt, nụ cười, nỗi đớn đau, niềm hạnh phúc… với tất cả những ái - ố - hỉ - nộ - tham - sân - si… mang đặc trưng của xã hội người Việt thu nhỏ ở các quốc gia cách xa quê hương tới nửa vòng trái đất.

Nơi mà họ phải gây dựng tất cả mọi thứ chỉ với hai bàn tay trắng trong những đất nước xa lạ không chỉ về ngôn ngữ, môi trường văn hóa, phong tục, tập quán… mà còn về cả màu da, vóc dáng hình hài… Khán giả truyền hình sẽ hiểu rõ hơn về cái giá phải trả của những đồng tiền mà người thân của họ kiếm được nơi đất khách quê người.

Mặc dù phải đối đầu với rất nhiều khó khăn, gian khổ xuất phát từ những bất cập bởi sự khác biệt trong tính cách, tư duy, văn hóa, ngôn ngữ… phải bươn chải, vật lộn, để xây dựng cuộc sống nơi xứ lạ, nhưng những người Việt ở Đông Âu luôn đau đáu hướng về Tổ quốc, nặng lòng với gia đình, quê hương xứ sở.

Cảnh trong phim “Hai phía chân trời”.

Nhà biên kịch Trần Hoài Văn: Một cuộc chiến đầy khốc liệt ở xứ người

- Thưa anh, được biết anh có thời gian 18 năm sống ở nước ngoài. Với vốn thực tế đó, anh đã khắc họa đời sống của cộng đồng người Việt ở nước ngoài bằng những nét đặc trưng nào để đưa vào kịch bản bộ phim này?

- Tôi đã ở nước ngoài 18 năm (5 năm đại học ở Liên Xô, 13 năm ở Ba Lan). Đây là điều may mắn đối với tôi khi bắt tay viết kịch bản phim "Hai phía chân trời". Bởi thế hệ lưu học sinh thời của chúng tôi (ra nước ngoài giữa những năm 80 của thế kỷ trước) đã chứng kiến rất nhiều biến động về chính trị, kinh tế của Liên Xô và các nước Đông Âu. Chính thế hệ chúng tôi cũng đã tham gia vào "công cuộc làm ăn" của người Việt Nam mình ở Đông Âu, đã biết thế nào là "cơn mưa vàng", cũng như nếm trải những khốc liệt, nguy hiểm từ sự bất ổn về mọi mặt của thời kỳ mới chuyển giao thời cuộc còn tranh tối tranh sáng đó.

Thế hệ chúng tôi đã có rất nhiều doanh nhân thành công, thành danh và đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế các nước sở tại cũng như cho quê hương Việt Nam. Vì phải làm nhiều nghề để kiếm sống, nên trong kịch bản phim của mình, tôi tự tin nói rằng, đã chuyển tải được tương đối trung thực nhịp sống, công cuộc làm ăn của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong giai đoạn từ đầu những năm 90 cho tới nay.

Người Việt mình, dù là ở đâu, cũng mang những nét đặc trưng của dân tộc. Đó là tính cần cù, chịu khó, vượt khổ, hay lam hay làm. Đó là tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, chia sẻ cùng nhau trong cơn hoạn nạn. Đó là sự nhanh trí, mưu mẹo, rất giỏi nắm bắt thời cơ trong kinh doanh…

Nhưng song song với những ưu điểm đó, cũng bộc lộ những bất cập của tư duy tiểu nông mang ảnh hưởng nặng nề của nền văn hóa lúa nước, buôn thúng bán mẹt. Trừ một số ít sinh viên, nghiên cứu sinh thông thạo ngôn ngữ, hiểu biết về pháp luật, văn hóa của các nước bản địa nên có đường hướng kinh doanh rất bài bản và rất thành công, thì đa phần còn lại, bà con mình làm ăn theo kiểu chụp giật, ăn xổi ở thì… nên hạn chế khá nhiều sự thành công trong cuộc sống, kinh doanh cũng như gây ra nhiều điều mất thiện cảm từ chính quyền và nhân dân các nước sở tại.

Tuy vậy, vượt lên trên tất cả, hình ảnh cộng đồng người Việt trong phim là những người tay trắng làm nên cơ đồ ở xứ người. Những gì mà cộng đồng người Việt ở các nước Đông Âu đã làm được, cái cách họ yêu, họ sống, họ dám quên mình vì người khác rất đáng để chúng ta phải suy ngẫm.

- Những người xa quê làm ăn ngoài việc mong muốn kiếm được tiền để lo cho cuộc sống của mình và người thân, nhưng họ cũng có những nỗi khổ riêng tại đất khách quê người mà không phải ai ở trong nước cũng hiểu được. Anh có thể chia sẻ cho độc giả biết sơ qua về nét trầm buồn đó thông qua những câu chuyện mà anh đã từng được chứng kiến?

- Cộng đồng người Việt ở Liên Xô và Đông Âu chủ yếu được hình thành từ lưu học sinh, nghiên cứu sinh, sau này là những người hợp tác lao động, thăm thân, du lịch… Đa phần họ sang bên đó với ước mơ kiếm tiền để đổi đời. Quả thật, cũng đã có một thời đồng tiền kiếm được không quá khó, chỉ một vài buổi chợ (đối với những người làm ăn vừa và nhỏ) cũng có thể bằng thu nhập cả năm ở quê nhà. Nhưng cái thời đó qua đi rất nhanh, vì số lượng người Việt Nam (và cả những sắc dân di cư khác) tăng lên rất nhanh. "Mật ít, ruồi nhiều", cộng thêm một số lý do khách quan khác từ chính sách kinh tế, chính trị và an ninh của các nước bản địa, tình hình làm ăn ngày càng khó khăn.

Như đã nói ở phần trên, để kiếm được đồng tiền gửi về cho gia đình, người Việt ở nước ngoài phải làm ăn rất vất vả. Dậy sớm, thức khuya, phơi mình trong nắng lửa mùa hạ, trong băng giá của mùa đông để nhặt nhạnh những đồng tiền còi. Không chỉ vất vả, mà còn đầy rẫy hiểm nguy rình rập từ những kẻ bất lương người bản xứ và ngay trong cộng đồng với nhau. Nhiều người đã phải trả giá bằng máu, mạng sống của mình ở nơi đất khách quê người. Tuy nhiên, vì thiếu thông tin, nên người Việt trong nước vẫn nghĩ ra nước ngoài kiếm tiền dễ dàng như nhặt lá rụng ngoài đường.

Rất nhiều người vẫn bán nhà bán cửa, vay nặng lãi để lấy tiền làm lộ phí ra đi. Rất tiếc, trong số họ, nhiều người phải ngậm đắng nuốt cay vỡ mộng với giấc mơ trên con đường đi tìm miền đất hứa. Bằng chứng là có không ít người phải làm thuê, làm mướn trong những xưởng may của người Việt hoặc người bản xứ với cường độ lao động như thời chiếm hữu nô lệ với đồng lương rẻ mạt, thậm chí còn bị quịt tiền công, bị đánh đập, hành hạ.... Một số khác không có cách sinh nhai, phải làm những việc phạm pháp để dính vào vòng lao lí…

Diễn viên Xuân Bắc: "Thẫm đẫm tình tương thân tương ái"

- Thưa nghệ sĩ Xuân Bắc, luật sư Minh là một vai diễn dài hơi trong bộ phim truyền hình dài tập "Hai phía chân trời" đánh dấu sự trở lại của Xuân Bắc sau rất nhiều năm anh xa rời màn ảnh nhỏ trong vai trò của một diễn viên chính kịch. Anh có gặp những thuận lợi và khó khăn gì khi hóa thân vào vai diễn này?

- Khi nhận lời đóng vai luật sư Minh trong phim "Hai phía chân trời", ban đầu tôi cũng hơi lo ngại khán giả sẽ không thoát khỏi được một hình ảnh của Xuân Bắc đã quen thuộc bấy lâu nay. Nhưng quả thật, khi đọc kịch bản phim "Hai phía chân trời" tôi đã hoàn toàn bị thuyết phục bởi câu chuyện bộ phim đề cập đến.

Thực ra, câu chuyện về cộng đồng người Việt ở nước ngoài đối với tôi không còn xa lạ vì tôi có người thân là Việt kiều, từng trải qua quãng đời cơ hàn, chật vật để kiếm sống. Chính vì thế, bản thân tôi chưa bao giờ mơ mộng về một đất hứa nào cả. Vì tôi luôn có ý nghĩ rằng, ở đâu thì con người cũng phải lao động để kiếm sống. Không ít người Việt Nam tưởng rằng, ra nước ngoài làm ăn rất dễ dàng nhưng không phải thế. Tiền không phải như tuyết ngoài đường cứ thế nhặt về nhà, cũng phải khó khăn, vật lộn, bon chen và có muôn vàn khó khăn, hiểm nguy rình rập… Ở Việt Nam, có những điều không cần học cũng biết luật, nhưng ở nước ngoài không phải thế, cái gì cũng phải liên quan đến luật và tài chính khiến đó là một rào cản mà nếu chúng ta không thích ứng thì chúng ta không thể sống được ở nước ngoài.

- Điều gì khiến anh có ấn tượng nhất trong suốt gần 2 tháng quay phim?

- Tất cả những cái mới, cái lạ đều để lại ấn tượng trong tôi. Bây giờ mà kể những điều ấn tượng thì e rằng tôi đang phụ tình với những ấn tượng khác đã ghi dấu ấn trong mình. Ở đây có những cái nhất: cảnh vô cùng đẹp, con người hiền hòa, làm phim vất vả nhưng có một điều là càng ra nước ngoài càng thấy tình tương thân tương ái của cộng đồng người Việt là vô cùng lớn. Dù có người thành đạt, có người khó khăn nhưng tình người luôn nồng ấm. Hội Người Việt Nam ở nước ngoài rất chu đáo và chân tình, vì thế chúng tôi thấy công việc của mình có ý nghĩa hơn.

Diễn viên Kiều Thanh: Đã khóc cho nhân vật của mình

Trong phim tôi vào vai một người phụ nữ Việt lấy chồng Tây, Hường (NSƯT Kiều Thanh) dù sành sỏi kiếm tiền nhưng luôn đau xót, cô đơn và day dứt vì không dạy nổi con nói được một câu tiếng Việt. Tôi đã làm hàng trăm tập phim và "Hai phía chân trời" cho đã tôi có một bức tranh toàn cảnh, một cái nhìn đầy xúc động, cảm thông về cuộc sống của những người Việt xa quê hương.

Tôi đã từng được nghe kể nhiều, được gặp gỡ những bạn bè đi làm ăn từ nước ngoài trở về nhưng lần đầu tiên dù chỉ hơn một tháng trời sống và thực địa tại khu chợ Sapa dành cho người Việt tại CH Séc nhưng tôi đã được nếm trải nhiều cảm giác khác về một xã hội Việt Nam thu nhỏ ở nơi cách xa quê hương nửa vòng trái đất.

Tôi đã rơi nước mắt cho nhân vật của mình. Tôi cho rằng, mỗi mảnh đời, mỗi số phận làm nên một mảng màu của bức tranh đa sắc về cuộc sống người Việt ở châu Âu. Vì thế, tôi cũng toàn bộ ê kíp đang nỗ lực hoàn thành những cảnh quay cuối cùng tại Việt Nam để bộ phim nhanh chóng ra mắt khán giả cả nước vào tháng 11 tới.

Diễn viên Lâm Vissay (Việt kiều Đức): Tôi kính phục ý chí của người Việt Nam

Tôi gặp đạo diễn Đỗ Thanh Hải khi anh tham dự Liên hoan phim Berlin cách đây không lâu. Tôi không ngờ cuộc gặp ngắn ngủi đó đã giúp tôi có một vai diễn đầy ý nghĩa là Mạnh trong phim "Hai phía chân trời". Một người chồng vũ phu, có bồ và kiếm được tiền thì đưa hết cho bồ để rồi cuối cùng anh bị lừa và mất hết tiền bạc, tình yêu, gia đình, trắng tay ở xứ người. Trước khi nhận lời mời đóng phim này, tôi chưa biết tiếng Việt, dù mẹ tôi là người Việt và hiện nay bà ngoại cùng hai người bác của tôi vẫn đang sinh sống tại Việt Nam và tôi cũng gặp vài khó khăn ban đầu khi giao tiếp nhưng các chú, các anh đã giúp tôi rất nhiều.

Trong quá trình đóng phim, tôi gọi điện thoại nói chuyện với mẹ về bộ phim, bà rất vui và bảo với tôi rằng, con không được đóng vai xấu, chỉ được đóng vai tốt thôi. Tôi cười và nói rằng, tốt nhất là mẹ không nên xem bộ phim này. (Vì tôi vào một vai xấu mà!). Lần đầu tiên khi sang CH Séc để tham gia bộ phim, tôi ngạc nhiên vì sức làm việc của cả ê kíp đoàn làm phim. Cả đoàn có thể quay liên tục từ 6 giờ sáng đến 10 giờ đêm và phải di chuyển rất nhiều. Ngoài ra, các diễn viên cũng thường phải tự lo phục trang và mọi thứ của mình để vai diễn được hoàn thành một cách tốt nhất.

Ở Đức, tôi đã tham gia 14 phim truyền hình và thường thì chúng tôi chỉ làm phim 8 tiếng một ngày, khi làm thêm thì có nghĩa là có tiền ngoài giờ và thường chúng tôi được trả cho vai diễn của mình một số tiền khá cao để lo cho cuộc sống. Chúng tôi cũng thường không phải lo lắng về phục trang vì sẽ có một bộ phận lo cho điều đó. Lần đầu tiên khi rời khỏi nước Đức để đóng phim về cộng đồng người Việt tại nước ngoài, tôi cảm thấy yêu quý và kính phục ý chí của người Việt Nam. Vì thế sau khi tham gia bộ phim này, tôi quyết định sẽ sang lập nghiệp tại Việt Nam, một đất nước mà tôi chưa có nhiều dịp khám phá và tìm hiểu. Tôi hy vọng khán giả sẽ yêu quý tôi cũng như nhân vật của tôi

Thiên Kim
.
.