Hiện tượng “Flappy bird” và “miếng bánh” nào cho game, ứng dụng Việt?

Thứ Hai, 03/03/2014, 11:20

Nhìn rộng ra, hiện mảng game và apps của Việt Nam hiện còn non yếu, chưa đủ sức cạnh tranh với các cường quốc như Mỹ, Ấn Độ… Thành công của Hà Đông chỉ là cá biệt, một phút lóe sang mà thôi. Ngay cả việc gia công phần mềm ở Việt Nam cũng đang ở trình độ thấp, doanh thu và lợi nhuận còn khá nhỏ bé...

I. Hình như cũng đã lâu lắm rồi, người ta mới có một cảm giác đặc biệt như thế với một trò chơi trên điện thoại di động.

Cầm trên tay một chiếc smartphone, những câu chuyện của các bạn trẻ bên ly cà phê, trong lớp học, hay chát trên mạng đều xoay quanh sự hiện diện của hiện tượng Flappy bird. Đầu tiên là tò mò rồi háo hức, tự hào pha chút ghen tị là những cảm xúc dễ nhận thấy nhất.

Có nhiều điểm hấp dẫn từ trò chơi này. Dù rằng nó rất khó, song cách chơi lại rất đơn giản. Nó tạo cảm giác hơi khó chịu, nhưng lại rất thú vị. Nó tạo cho người ta cảm giác chiến thắng, ganh đua và lại hoàn toàn miễn phí…

Từ Flappy bird, game thủ còn đúc kết được nhiều bài học trong cuộc sống như: "Bạn luôn phải chuyển động, nếu ngừng chuyển động bạn sẽ chết", hoặc: "Thường thì bạn luôn hướng đến những mốc cao nhưng thi thoảng bạn sẽ phải xuống thấp để lần lượt leo lên những mốc cao đó", và: "Cuộc sống thường gây cho bạn sự ức chế. Nhưng người thất bại thường bỏ cuộc, xóa tất cả, người thành công thì càng muốn chinh phục"…

Flappy bird được đưa lên kho ứng dụng (appstore) của Công ty Apple từ tháng 5/2013. Đầu năm 2014, Flappy bird bắt đầu lên cơn sốt và nhanh chóng chiếm lĩnh vị trí số 1 của hai kho ứng dụng hàng đầu thế giới là Appstore và Googleplay. Cho đến trước khi bị gỡ bỏ, chỉ tính riêng trên Appstore trò chơi này đã có hơn 50 triệu lượt tải về và gần 800.000 lượt nhận xét. Thậm chí, nó còn vượt qua nhiều phần mềm nổi tiếng khác như Evernote hay Gmail.

Lập trình viên Nguyễn Hà Đông (29 tuổi) là “cha đẻ” của tựa game nổi tiếng này. Ngoài Flappy bird, Nguyễn Hà Đông còn hai trò chơi khác cũng nằm trong top ten là "Super Ball Juggling" và "Shuriken Block".

Trên mạng xã hội Facebook, fanpage của một fan hâm mộ Flappy bird cũng đã có đến 200 ngàn lượt like. Hàng trăm clip, bức ảnh, bình luận được up lên liên tục chứng tỏ "sức nóng" của game này vẫn chưa hề hạ nhiệt.

Theo một người bạn của Hà Đông, cũng là một lập trình viên game thì Đông là một người có niềm say mê đặc biệt với game cho mobile. Bình thường Đông rất ít nói, nhưng khi nhắc đến game thì cậu lại hoàn toàn trở thành một con người khác, hào hứng sôi nổi, nồng nhiệt và đầy say mê.

"Dường như Đông làm game là vì tình yêu, chứ không vì một lý do nào khác. Thành công ngày hôm nay bắt nguồn từ quá trình tích lũy kinh nghiệm làm game và thử nghiệm những ý tưởng mới qua một thời gian rất dài, cộng với một chút may mắn".

Nguyễn Hà Đông nhận giải thưởng về game di động năm 2008.

II. Trước khi Nguyễn Hà Đông và game Flappy Bird trở thành hiện tượng toàn cầu, thì hầu như có rất ít apps hoặc game cho smartphone của Việt Nam được các chuyên gia hoặc truyền thông quốc tế quan tâm.

Theo Vinasa (Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam), mỗi năm cả nước có 100 ngàn lập trình viên mới ra trường. Tuy lực lượng hùng hậu như vậy, song số lượng nhà phát hành quanh đi quẩn lại cũng chỉ có lèo tèo vài cái tên như Minh Châu, VNG, VTC, SohaGame, MEcorp, MVcorp, Gameloft VN, còn game di động được người dùng biết đến mới chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Theo một chuyên gia về thương mại điện tử, mặc dù số lượng apps và game cho thiết bị di động (smartphone, máy tính bảng, tivi thông minh) của Việt Nam trên các chợ ứng dụng hiện đã lên tới cả chục ngàn, nhưng số tiền kiếm được chỉ chiếm khoảng 2% trong tổng số các ứng dụng đó.

"Một phòng viết ứng dụng thuộc loại trung bình của một công ty có khoảng 25-30 người, mỗi tháng viết được 3 - 4 ứng dụng. Ước tính chi phí sản xuất một ứng dụng dao động từ 100 đến 120 triệu đồng. Doanh thu nhiều khi còn kém chi phí sản xuất nên nhiều khi thu không đủ bù chi. Nhiều công ty game chỉ biết chăm chăm "Việt hóa" các tựa game của nước ngoài".

Theo Hoàng Long - một lập trình viên vừa tốt nghiệp Trường đại học Mở Hà Nội, nghề viết apps, game cho thiết bị di động đã có tại Việt Nam từ hàng chục năm trở lại đây. Trong giới phân ra lập trình viên cho thiết bị sử dụng hệ điều hành iOS (của Apple) hay trên Android (của Google) hoặc Windows. Thậm chí còn được phân nhỏ hơn là gồm một nhóm chỉ chuyên làm game và một bên chuyên làm apps.

Để trở thành một lập trình viên cho iOS, ngoài việc phải có chiếc máy tính chạy hệ điều hành MacOS còn bắt buộc phải có một tài khoản developer để có thể tạo được phần mềm chạy trên thiết bị. Sau đó là đến ý tưởng: "Ý tưởng là phần đầu tiên và cũng là phần quan trọng nhất trong việc làm ra một phần mềm, không chỉ riêng trên iOS mà trên mọi nền tảng khác cũng vậy. Nếu muốn ứng dụng của mình thành công, điều đầu tiên phải có ý tưởng tốt, sát với nhu cầu của người dùng".

Tiếp đó dự án sẽ được chia thành từng modul, các thành viên trong nhóm sẽ nhận code từng phần hoặc thuê người khác làm. Sau khi hoàn thành từng mảng nhỏ, tất cả sẽ được ghép lại với nhau và "build" thành ứng dụng. Người viết sẽ sử dụng công cụ gồm ngôn ngữ lập trình Objective C và iOS development. Với hệ điều hành Android cũng tương tự như vậy.

Khi game, apps đã hoàn thành thì chỉ việc tải lên appstore để bán. Trên thế giới hiện có đến hàng chục triệu người đang sử dụng sản phẩm chạy iOS hoặc Android. Chỉ cần 1% hay thậm chí là 0,1% số này mua phần mềm là đã đủ giàu to rồi. Thông thường tỷ lệ ăn chia là 30 - 70, hãng lấy 30% còn 70% thuộc về người đưa ứng dụng lên.

Ngoài ra, các lập trình viên cũng thường đẩy apps lên chợ ứng dụng dưới dạng miễn phí để "ăn" quảng cáo. Game, apps miễn phí thường có lượng người tải về và sử dụng nhiều hơn. Flappy bird của Nguyễn Hà Đông là game thuộc dạng này.

Mặc dù ngành viết game, apps của Việt Nam đang có chiều hướng phát triển, song nó cũng đã xuất hiện nhiều dấu hiệu "thiếu lành mạnh" đe dọa đến sự phát triển chung. Là người thường xuyên tải các game, ứng dụng trên các chợ ứng dụng về sử dụng, cá nhân tôi nhận thấy có một bộ phận lập trình viên "lừa" người sử dụng. Đơn cử như tôi tải game "Đường lên đỉnh Olympia" của nhà phát triển Ifu… ở trong danh mục là miễn phí. Nhưng sau khi cài đặt xong và bắt đầu chơi thì mới phát hiện phải… nạp tiền vào mới chơi được. Nếu là game được lập trình bởi team của nước ngoài thì không bao giờ có chuyện… nhập nhèm như vậy.

Flappy bird đã đứng đầu nhiều tuần liền trên AppStore và GooglePlay.

III. Trở lại câu chuyện về Flappy Bird - theo ông Nguyễn Bá Ngọc - Giám đốc Công ty NBN Media, trên thế giới game chiếm tới 65% doanh thu tại các chợ ứng dụng (còn lại là apps). Tuy nhiên, cả mảng game và apps của Việt Nam trên các chợ này đều rất yếu. Có thể tóm lại là manh mún, nhỏ lẻ và… thiếu chuyên nghiệp.

Số lượng game, apps len chân được vào các chợ không ít, nhưng chất lượng thì chỉ tầm trung bình nên không được người sử dụng đánh giá cao. Những thứ thành công được còn ít hơn cả… lá mùa thu. Chưa kể nhà phát hành còn dùng tiểu xảo để đẩy view lên cao, nhưng chỉ được một vài ngày là lại về vị trí cũ.

Cũng chính vì thế, ông Ngọc đánh giá Flappy bird của Nguyễn Hà Đông là một thành công lớn, một hiện tượng cực hiếm của làng game cho mobile của Việt Nam. "Flappy bird được người sử dụng "chấm" 4, 5 sao - là mức cao nhất có thể đạt được. Game cũng được đến gần 30.000 lượt đánh giá là mức chỉ có các game hay nhất thế giới như Clash of Clan hoặc Hay Day có được" - ông Ngọc nhấn mạnh.

Giao diện game Flappy bird.

Với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực marketing, truyền thông và quản trị chiến lược, ông Ngọc có một vài lời khuyên cho các lập trình viên game cho di động để có thể vươn tới thành công như Hà Đông, đồng thời tránh việc bị cho là "đạo game" và những rắc rối pháp lý có thể xảy ra. Đó là về ý tưởng thì không cần quá cao siêu, ghê gớm. Cũng có thể dựa vào các game nổi tiếng để hình thành game của riêng mình.

Về đồ họa, nhạc… cũng cần chăm chút và sáng tạo riêng, không được "copy thô" ở mức người ta có thể nhận ra ngay. Như ở Flappy bird có cái ống màu xanh lá cây, thoạt trông có vẻ đơn giản như nét vẽ của học sinh mẫu giáo, song nếu game thành công thì lại thành chuyện lớn; và nếu hãng chủ sở hữu chứng minh được thiệt hại do vi phạm bản quyền và quyết chí kiện thì các chi tiết vi phạm có thể bị phạt đến nhiều triệu đôla.

Bên cạnh đó, tác giả cần có sự chuẩn bị tinh thần trước khi đưa sản phẩm ra chợ. Vì khi sản phẩm đã được đưa lên chợ ứng dụng thì tác giả sẽ phải đối diện với chuyện sẽ bị "soi" rất kỹ lưỡng bởi các chuyên gia, mạng xã hội, truyền thông, chủ chợ ứng dụng, nhất là khi có thứ hạng cao. Vì vậy nếu game được làm không cẩn trọng, khéo léo thì rất có thể chính lúc thành công nhất lại là lúc bị mất trắng.

Một yếu tố nữa là hiện nhiều lập trình viên game cho mobile hiện "công lực" chưa tới tầm song lại dùng quá nhiều "tiểu xảo". Những thủ thuật để đẩy các apps, game lên thứ hạng cao bằng được có thể "lọt" cửa nhà quản lý chợ, song người dùng sẽ phát hiện ra ngay đâu là giá trị thật, đâu là giá trị ảo.

Được biết Nguyễn Hà Đông là cựu sinh viên Trường đại học Bách khoa Hà Nội. Năm 2008, khi còn là sinh viên Đông đã được nhận giải nhì và giải Sản phẩm do cộng đồng biết đến nhiều nhất với sản phẩm Cờ tướng trực tuyến của một cuộc thi viết trò chơi và ứng dụng trên di động. Trong 4 năm trở lại đây, chàng trai trẻ này đã thiết kế gần 30 game.

Nguyễn Hà Đông chỉ mất khoảng 2-3 ngày để viết game Flappy bird. Hà Đông hiện sống cùng bố mẹ và một người em trai tại một căn nhà nhỏ trên phố Tô Hiệu (Hà Đông, Hà Nội).

Cuối cùng, trong bất kỳ trường hợp nào cũng nên xây dựng cho mình một thương hiệu tốt và đi đường dài thì mới ra quốc tế được. Như Hà Đông hiện nay chắc chắn đã thành một newsmaker (người khởi tạo) rồi, một mai nếu bạn ấy đưa một game mới ra, chỉ cần đẩy một dòng tweet lên trang Twitter thì lập tức sẽ được các phương tiện truyền thông, mạng xã hội trên thế giới đưa rầm rầm; và lợi nhuận sẽ theo đó mà chảy về…

Nhìn rộng ra, hiện mảng game và apps của Việt Nam hiện còn non yếu, chưa đủ sức cạnh tranh với các cường quốc như Mỹ, Ấn Độ… Thành công của Hà Đông chỉ là cá biệt, một phút lóe sang mà thôi. Ngay cả việc gia công phần mềm ở Việt Nam cũng đang ở trình độ thấp, doanh thu và lợi nhuận còn khá nhỏ bé.

Hy vọng rằng qua hiện tượng Flappy bird sẽ tiếp thêm động lực cho lập trình viên nước nhà, có thể sáng tạo ra những game, apps không chỉ hữu dụng ở Việt Nam mà còn cả trên thế giới

Minh Tiến
.
.